Bệnh nhân là nữ, 36 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội, luôn cảm thấy cơ thể mệt mỏi, thường xuyên trong trạng thái lơ lửng mất tập trung, không thể tỉnh táo để làm việc, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống. Tình trạng này kéo dài liên tục khiến bệnh nhân rất lo lắng, không biết làm sao để cải thiện sức khỏe.
Triệu chứng không nên chủ quan
Bác sĩ Nguyễn Văn Thái (Viện Y học phóng xạ và Ung bướu Quân đội) cho biết mệt mỏi kéo dài, hay còn gọi là mệt mỏi mãn tính có thể do thói quen sinh hoạt không phù hợp, tâm lý bất ổn hoặc nghiêm trọng hơn là triệu chứng khởi đầu của một tình trạng bệnh lý.
Nhiều người thường hay xem nhẹ cảm giác mệt mỏi vì cho rằng điều này sẽ tự hết khi cơ thể được thư giãn nghỉ ngơi, hoặc sử dụng trà hay cà phê để áp chế cảm giác này. Tuy nhiên, nếu cảm giác mệt mỏi vẫn kéo dài thì việc tìm hiểu nguyên nhân rất quan trọng để giúp điều trị tình trạng này, cải thiện sức khỏe.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thái cho biết thêm mệt mỏi kéo dài dù không gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống nhưng có thể là dấu hiệu khởi đầu của một tình trạng bệnh lý. Do đó, không nên chủ quan với tình trạng này, mà phải đi tìm nguyên nhân. Dưới đây, cảnh báo 5 bệnh lý nguy hiểm đang tiềm ẩn trong cơ thể cần khám ngay.
- Bệnh thiếu máu: Khi cơ thể bị thiếu máu, chức năng trao đổi các chất dinh dưỡng, oxy tới các tế bào bị suy giảm. Chính vì vậy, một trong những biểu hiện của bệnh thiếu máu đó chính là mệt mỏi, uể oải, thiếu năng lượng.
Do lượng máu lên não không đủ khiến bạn thường xuyên bị đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, thậm chí ngất xỉu. Ngoài ra, thiếu máu còn có một số biểu hiện đặc trưng như da xanh tái, niêm mạc nhợt nhạt…
- Đau nửa đầu: Trước, trong và sau khi xảy ra cơn đau nửa đầu, một số người thường cảm thấy mệt mỏi.
Người bị đau nửa đầu thường cảm thấy uể oải, cáu kỉnh, thậm chí rơi vào trạng thái trầm cảm kéo dài. Mệt mỏi cùng với cơn đau dữ dội làm giảm chất lượng cuộc sống của người mắc bệnh.
- Bệnh về huyết áp: Huyết áp cao hay thấp đều gây mệt mỏi. Một số loại thuốc huyết áp cũng có thể gây mệt mỏi. Mệt mỏi cũng là 1 triệu chứng quan trọng cho thấy thận có vấn đề nào đó như chức năng lọc thải trục trặc khiến huyết áp tăng cao và gây ra bệnh thiếu máu, làm bạn mệt mỏi. Huyết áp thấp thường khiến người mang bệnh bị chóng mặt và lờ đờ.
- Bệnh tim mạch: Mệt mỏi có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh lý tim mạch nào đó, có thể là loạn nhịp tim, bệnh mạch vành hay nhồi máu cơ tim,…
- Bệnh tiểu đường: Tiểu đường là bệnh lý rối loạn chuyển hóa. Với bệnh nhân tiểu đường, các tế bào luôn không được cung cấp đủ năng lượng cần thiết cho những hoạt động cơ bản của cơ thể, chính vì vậy mà họ luôn cảm thấy mệt mỏi dù cho không vận động nhiều.
Dấu hiệu cảnh báo cơ thể cần thải độc
Theo ThS Nguyễn Xuân Tuấn (giảng viên Trường đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội), hằng ngày cơ thể tiếp xúc với hóa chất, khói thuốc. Các độc tố này hấp thụ và tích lũy theo thời gian, phá hủy dần các tế bào bên trong cơ thể. Cơ thể không thể tự giải độc xuất hiện dấu hiệu như khó ngủ, căng thẳng, mỏi mệt, thừa cân, nhiễm độc gan.
Nếu thấy mình trải qua một hoặc nhiều dấu hiệu trên, hãy thay đổi cách ăn uống và sinh hoạt hằng ngày, hoặc có thể thực hiện một vài thay đổi dưới đây để hạn chế việc tích tụ độc tố trong cơ thể:
- Tăng cân thất thường: Các mô mỡ (tế bào mỡ) trong cơ thể có xu hướng tích tụ chất độc. Cơ thể khó phá vỡ các tế bào mỡ này để giải phóng chất độc, dẫn đến tăng cân không mong muốn. Thay đổi lượng thức ăn, dinh dưỡng đột ngột hay uống rượu và hút thuốc có thể khiến cơ thể không thể hoạt động bình thường, tích tụ độc tố.
- Cảm giác thèm ăn tăng lên: Ghrelin là hormone kích thích cảm giác thèm ăn, được não tiết ra để báo hiệu cơn đói. Người thường xuyên thèm ăn trong khi vẫn ăn uống đầy đủ có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể cần loại bỏ độc tố.
- Hay ốm: Dễ ốm là dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch đang suy yếu. Điều này khiến một người dễ bị nhiễm vi rút và vi khuẩn. Lúc này, bạn nên ăn uống lành mạnh bằng cách cắt giảm thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn vặt.
- Khó ngủ: Khi có nhiều độc tố bên trong, nhịp sinh học có thể thay đổi và gây khó ngủ hơn. Một số người còn hay thức giấc vào nửa đêm, làm xáo trộn chu kỳ giấc ngủ REM, dẫn đến những vấn đề sức khỏe liên quan khác.
- Tiêu hóa kém: Khó tiêu thường xuyên có thể là dấu hiệu cơ thể quá tải chất độc và cần được thanh lọc. Gan là cơ quan quan trọng chịu trách nhiệm giải độc, lọc các chất thải. Táo bón hoặc không đi tiêu đều đặn có thể xảy ra khi chế độ ăn uống thiếu chất chống oxy hóa, khiến chất độc hấp thụ vào máu.
Nên thực hiện chế độ ăn thanh lọc cơ thể thích hợp dưới sự tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ chuyên khoa.
Thực phẩm xua tan mệt mỏi
Các chuyên gia về sức khỏe khuyến cáo dinh dưỡng hợp lý không chỉ nâng cao thể trạng mà còn giúp cải thiện tình trạng căng thẳng, mệt mỏi. Dưới đây là những thực phẩm bổ sung năng lượng tốt, xua tan mệt mỏi.
Trái cây: Trái cây cung cấp vitamin và khoáng chất tốt, trong đó có những loại giúp cơ thể sản xuất năng lượng. Nên ăn trái cây tươi, nguyên quả để tránh mất các dưỡng chất quan trọng hoặc phải nạp đường nhiều hơn (ví dụ nước ép).
Rau: Rau cung cấp lượng nhỏ protein, có thể thêm vào bữa ăn để cân bằng dinh dưỡng. Các loại rau nên ăn khi mệt mỏi gồm măng tây, cà rốt, rau chân vịt, súp lơ xanh, bí đao, quả bơ, khoai lang.
Hạt: Các loại ngũ cốc là nguồn carbohydrate, giúp cung cấp năng lượng và dưỡng chất sắt, magie, kali, đạm, protein. Một số lựa chọn tốt cho cơ thể gồm gạo lứt, bột yến mạch, gạo trắng. Chuyên gia gợi ý nên dùng hạnh nhân, hạt điều, hạt chia, đậu phộng, hạt dẻ cười, đậu Hà lan, đậu đen, đậu nành...
Chất đạm nguồn gốc động vật: Thịt, cá, trứng và sữa là nguồn protein động vật tốt cho cơ thể. Thịt bò, thịt lợn và thịt gia cầm còn cung cấp sắt, carnitine, vitamin B, magie, creatine và kali.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận