Một đơn vị tên lửa Sam-2 của Quân đội nhân dân Việt Nam trước giờ chiến đấu - Ảnh: HÀ THANH chụp lại
Ngày 9-12, tại Hà Nội diễn ra hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề "Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972 - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại".
Hội thảo do Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an và thành phố Hà Nội tổ chức.
Minh chứng cho dự đoán thiên tài
Cách đây tròn 50 năm, vào những ngày cuối tháng 12-1972, cả thế giới phải kinh ngạc, kính phục chứng kiến uy danh "pháo đài bay B-52" - biểu tượng sức mạnh của không lực Mỹ bị đập tan trên bầu trời Hà Nội.
Đại tướng Lương Cường - ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - cho biết chiến công trên bầu trời Hà Nội là kết quả của chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng, đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, buộc chính quyền Mỹ phải ngừng ném bom đánh phá miền Bắc, ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình Việt Nam, rút hết quân viễn chinh về nước, tạo nên bước ngoặt lịch sử để quân và dân ta đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi tới thắng lợi hoàn toàn.
Đại tướng Lương Cường - ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - Ảnh: HÀ THANH
Ông nhấn mạnh chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" đã thể hiện khí phách bất khuất, là bản hùng ca được viết bằng bản lĩnh, ý chí, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, kiên quyết, kiên cường chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất non sông gấm vóc.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh - thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trưởng ban chỉ đạo hội thảo - nêu rõ 50 năm đã trôi qua nhưng tầm vóc, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm quý báu đúc rút từ chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng 1972 vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Đồng chí Lê Duẩn, Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thăm và động viên bộ đội phòng không Hải Phòng năm 1972 - Ảnh: HÀ THANH chụp lại
Sức mạnh của phòng không ba thứ quân
Trung tướng Vũ Văn Kha, quyền tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, cho biết cuối năm 1972, trong tình thế thất bại ở cả ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, bất chấp sự phản đối trong dư luận trong nước và quốc tế, ngày 18-12-1972, đế quốc Mỹ đã phá vỡ đàm phán tại Paris và mở chiến dịch mang mật danh "Linebacker II" đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số địa bàn lân cận.
Nắm rõ bản chất âm mưu của đế quốc Mỹ, ngày 24-11-1972, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã phê chuẩn kế hoạch phòng không đánh trả cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ vào đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và các địa phương lân cận.
Biên đội Trần Việt rút kinh nghiệm trận bắn rơi máy bay F4 yểm hộ cho các lực lượng đánh B52 ngày 27-12-1972 - Ảnh: HÀ THANH chụp lại
"Ta đã chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cho chiến dịch phòng không và tạo lập thế trận phòng không ba thứ quân vững chắc, đánh địch rộng khắp, trong đó lực lượng phòng không - không quân làm lực lượng nòng cốt" - trung tướng Kha nêu rõ.
Cụ thể, về lực lượng của quân chủng bao gồm các sư đoàn phòng không 361, 363 và 375 và 4 trung đoàn không quân tiêm kích 921, 927, 923 và 925 và 4 trung đoàn radar, 2 đại đội trinh sát nhiễu.
Theo đó, thế trận phòng không nhân dân đánh địch rộng khắp, nòng cốt là lực lượng quân chủng phòng không - không quân.
Về sử dụng lực lượng, tên lửa phòng không là lực lượng nòng cốt, tập trung đánh B52 ban đêm. Lực lượng không quân được sử dụng để đánh tiêu diệt và cản phá B52 từ xa nhằm phá vỡ đội hình, chiến thuật của địch. Lực lượng súng, pháo phòng không được bố trí đánh địch rộng khắp, trong đó pháp phòng không 100mm được bố trí ở các khu vực trọng điểm, tăng cường hỏa lực đánh B52.
Bộ đội radar tăng cường các biện pháp, khắc phục nhiễu phát hiện địch từ xa và thông báo kịp thời cho các lực lượng phòng tránh và đánh địch, nhất là B52.
Lực lượng phòng không địa phương, dân quân tự vệ được huy động đông đảo để trinh sát, phát hiện, đánh mục tiêu bay thấp và vây bắt giặc lái.
Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt - nguyên phó tư lệnh về chính trị, Quân chủng Phòng không - Không quân - Ảnh: HÀ THANH
Là nhân chứng trong thời khắc lịch sử 50 năm trước, năm nay đã 86 tuổi nhưng trung tướng Nguyễn Văn Phiệt - nguyên phó tư lệnh về chính trị, Quân chủng Phòng không - Không quân - vẫn khắc sâu ký ức về những ngày chỉ huy tiểu đoàn chiến đấu và giành thắng lợi trong chiến dịch.
"Chiến dịch tuy chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn 12 ngày đêm, nhưng nó là cuộc chiến đấu không cân sức, cam go nhất, khốc liệt nhất trong cuộc đời quân ngũ của tôi" - ông Phiệt chia sẻ.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trung tướng, phi công Phạm Tuân (phải) và trung tướng Phạm Phú Thái, nguyên phó tư lệnh, tổng tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - không quân, nguyên chánh thanh tra Bộ Quốc phòng - đến dự hội thảo - Ảnh: HÀ THANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận