01/07/2012 07:57 GMT+7

Sửa cầu Bình Điền, kẹt xe kéo dài

N.ẨN - M.MẪN - H.KHOA
N.ẨN - M.MẪN - H.KHOA

TT - Ngày 30-6, kẹt xe nghiêm trọng xảy ra trên quốc lộ 1A khi Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 (Sở GTVT TP.HCM) bắt đầu phân luồng giao thông ở cầu Bình Điền 1 và 2 (huyện Bình Chánh) để sửa chữa hai cầu này.

nsnrt4Oy.jpgPhóng to
Hàng chục ngàn xe kẹt cứng ở chân cầu Bình Điền hướng từ TP.HCM về Long An lúc 16g ngày 30-6 - Ảnh: Hữu Khoa

Khoảng 9g, Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 bắt đầu cấm xe cộ qua cầu Bình Điền 2 để sửa chữa trước, riêng cầu Bình Điền 1 phân ra hai làn xe lưu thông từ hướng TP.HCM về các tỉnh miền Tây và ngược lại.

Tuy nhiên, do lượng xe lưu thông quá đông trong khi mặt cầu hẹp nên đã xảy ra ùn ứ giao thông cả hai hướng, kéo dài khoảng 3km (đoạn từ giao lộ Nguyễn Văn Linh đến vòng xoay An Lạc). Hàng chục ngàn xe tải, xe máy nối đuôi nhau nhích từng chút một qua cầu. Tại các giao lộ với quốc lộ 1A (thuộc đoạn trên) như Nguyễn Hữu Trí - quốc lộ 1A, Dương Đình Cúc - quốc lộ 1A cũng ùn ứ giao thông.

Trong khi đó, hai tuyến được phân luồng để chia sẻ áp lực giao thông với cầu Bình Điền 1 là vòng xoay quốc lộ 1A - Trần Đại Nghĩa - Nguyễn Văn Linh nối dài - quốc lộ 1A, đường cao tốc vào đường nối chợ Đệm - Tân Tạo ra quốc lộ 1A... vẫn vắng xe.

Đến 16g30 cùng ngày, giao thông trên tuyến quốc lộ 1A qua khu vực trên gần như tê liệt và lượng xe nối đuôi nhau ngày càng dài, gây khó khăn cho các phương tiện qua lại khu vực này. Đến 18g, tình trạng kẹt xe tại khu vực tiếp tục nặng hơn.

Nhận định về ngày đầu tiên phân luồng giao thông ở cầu Bình Điền - tuyến đường huyết mạch từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây, ông Nguyễn Xuân Bảng - giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 (chủ đầu tư dự án sửa chữa cầu Bình Điền) - cho biết do lượng xe lưu thông quá lớn và trước đây xe lưu thông qua cầu Bình Điền với tốc độ 40km/giờ, nay giảm xuống còn 5-10km/giờ dẫn đến ùn ứ. Ngoài ra vẫn còn nhiều xe chưa đi hướng tránh cầu Bình Điền.

Ông Bảng cho biết hiện nay bản quá độ (tấm bêtông dài 4m nối giữa mố cầu với đường dẫn vào cầu) của cầu Bình Điền 2 đang bị hư hỏng nặng và chờ nhà thầu sử dụng hai máy khoan cào bóc đường lên mới biết mức độ hư hỏng và xác định được biện pháp sửa chữa cụ thể. Khi đó mới tính đến phương án sửa chữa và dành một phần mặt cầu Bình Điền 2 cho một làn xe máy lưu thông. Giải pháp này sẽ góp phần giảm được áp lực giao thông ở cầu Bình Điền 1. Công việc này mất ít nhất vài ngày.

Theo ông Bảng, nếu xe cộ đi các tuyến đã được phân luồng sẽ giảm được áp lực giao thông qua cầu Bình Điền đang bị kẹt xe. Ông Bảng nhận định ngày 2-7, tình hình giao thông qua khu vực cầu Bình Điền sẽ khó khăn hơn do số lượng người và xe vào TP làm việc tăng lên. Cũng theo ông Bảng, chiều 1-7 các đơn vị liên quan họp bàn để nhận định tình hình giao thông trong hai ngày đầu tiên phân luồng giao thông và đề xuất giải pháp phân luồng cho ngày thứ hai 2-7. Trong đó sẽ xem xét tăng thêm giờ cấm xe đối với xe tải trên 3,5 tấn và xe khách trên 16 chỗ ngồi để giảm lượng xe qua cầu.

Thông xe toàn tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình

Ngày 30-6, Bộ GTVT, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC - Bộ GTVT) tổ chức thông xe kỹ thuật tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Như vậy cùng với 23km đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (đoạn thuộc Hà Nội) đến quốc lộ 21 (Hà Nam), tuyến đường cao tốc phía đông quốc lộ 1 được hoàn thành toàn tuyến và đưa vào khai thác từ đầu tháng 7.

Theo phương án thu phí của VEC đã trình Bộ GTVT và Bộ Tài chính, từ đầu tháng 7 VEC sẽ thu phí toàn tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (phí sẽ thu theo số kilômet xe chạy) với mức thấp nhất trên toàn tuyến là 70.000 đồng/lượt, cao nhất 280.000 đồng/lượt. Cụ thể, trên cơ sở đơn giá cho loại phương tiện cơ bản là ôtô con (loại phương tiện tính quy đổi - PCU) là 1.500 đồng/km, VEC chia các phương tiện tham gia giao thông làm năm loại ứng với hệ số quy đổi theo PCU trên các nguyên tắc: quãng đường tối thiểu 10km, có giảm giá cho phương tiện sử dụng tuyến đường dài... Theo đó, mức phí thấp nhất (đối với xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn, xe buýt vận tải khách công cộng) đi toàn tuyến là 70.000 đồng/lượt, đi chặng ngắn nhất 15.000 đồng; mức phí cao nhất đi toàn tuyến (xe container 40 feet và xe tải có tải trọng trên 18 tấn) là 280.000 đồng/lượt, đi chặng ngắn nhất 60.000 đồng.

* Cùng ngày, Bộ GTVT đã tổ chức thông xe đoạn đường trên cao (gói thầu 3) thuộc dự án đường vành đai 3 Hà Nội giai đoạn 2. Theo đó, 3.267m đường trên cao đoạn Thanh Xuân - Bắc Linh Đàm đã được đưa vào khai thác, giúp phương tiện từ cầu Thanh Trì, quốc lộ 1 (đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ) lưu thông thuận tiện đến đường Nguyễn Trãi (Q.Thanh Xuân, Hà Nội). Gói thầu 3 có giá trị hơn 1.370 tỉ đồng được khởi công vào tháng 6-2010 và dự kiến hoàn thành ngày 22-11, trước thời hạn năm tháng.

N.ẨN - M.MẪN - H.KHOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên