14/12/2016 16:08 GMT+7

Sốt ruột tập dượt thi cho học sinh

Đ.CƯỜNG - V.HÙNG - V.HÀ
Đ.CƯỜNG - V.HÙNG - V.HÀ

TTO - Nhiều sở GD-ĐT bối rối trước kỳ thi THPT quốc gia năm tới có quá nhiều đổi mới, nhưng Bộ GD-ĐT lại không cho phép các trường chủ động trong việc thực hiện các hình thức tập dượt cho học sinh thông qua đợt kiểm tra học kỳ.

Một tiết kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm môn giáo dục công dân của học sinh lớp 12A2 Trường THPT Lương Văn Can, Q.8, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Một tiết kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm môn giáo dục công dân của học sinh lớp 12A2 Trường THPT Lương Văn Can, Q.8, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho biết từ ngày 27-11, sở đã có văn bản gửi các đơn vị, các trường về việc hướng dẫn tổ chức kiểm tra học kỳ 1 năm học 2016 - 2017.

Không nên “nước đôi”...

Theo đó, đối với lớp 12 sẽ kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm khách quan các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân; kiểm tra theo hình thức tự luận môn ngữ văn. Cũng theo kế hoạch này, vào chiều 26-12 các trường THPT sẽ nhận đề kiểm tra và phiếu trả lời trắc nghiệm. Tuy nhiên đến ngày 29-11, Bộ GD-ĐT lại ban hành văn bản về việc hướng dẫn kiểm tra và sơ kết học kỳ 1.

Trước tình hình này, đại diện Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết sẽ phải điều chỉnh hình thức thi từ trắc nghiệm sang tự luận kết hợp với trắc nghiệm.

“Sở đã điều chỉnh ngay việc tổ chức kiểm tra học kỳ 1 theo chỉ đạo của bộ, dù rõ ràng việc này có ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh. Sau khi kết thúc kiểm tra học kỳ 1, chúng tôi sẽ góp ý với bộ nên tổ chức thi trắc nghiệm để học sinh quen với hình thức thi này trong kỳ thi THPT quốc gia. Không nên tổ chức dạng nước đôi như thế này” - đại diện Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết.

Trong khi đó, phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi Trần Hữu Tháp cho hay trước đây sở cũng định ra đề thi học kỳ 1 theo hình thức các môn thi tốt nghiệp THPT đều trắc nghiệm, nhưng giờ bộ chỉ đạo như thế thì cũng không dám vượt rào, phải chấp hành.

Sở có trao đổi với bộ thì được biết nếu tiếp cận cách thi trắc nghiệm với các môn mà chưa có sự chuẩn bị thì điểm thi học kỳ 1 sẽ không cao, ảnh hưởng điểm xét tốt nghiệp cuối năm. Vì thế phải tổ chức thi bình thường khi cả học sinh lẫn giáo viên chưa được tập huấn việc thi và việc ra đề thi.

Cũng theo ông Tháp, để tiếp cận kỳ thi THPT quốc gia, hiện sở chủ động hướng dẫn các đơn vị, cơ sở nghiên cứu đề mẫu, cho thi thử trắc nghiệm theo kế hoạch nhà trường.

Còn tại tỉnh Quảng Nam, ông Hà Thanh Quốc, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, cho biết tỉnh sẽ tổ chức thi học kỳ 1 khối lớp 12 vào ngày 9-1-2017 với 16.000 - 18.000 học sinh, nên hiện giờ đang tổ chức làm đề thi. Khi có chủ trương của bộ vào ngày 29-11 thì sở sẽ làm đúng tinh thần của bộ, đã thông báo xuống các trường thi học kỳ 1 theo hình thức trắc nghiệm và tự luận.

Hướng dẫn của bộ mang tính “thổi còi”?

Tại Hà Nội, Sở GD-ĐT đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc ôn tập, kiểm tra học kỳ 1 đối với học sinh lớp 10, 11, đặc biệt là lớp 12. Trong đó học sinh lớp 12 sẽ được tổ chức kiểm tra học kỳ theo phương thức áp dụng chung trên toàn TP, tương tự kỳ thi THPT quốc gia. Đây là việc được nhiều hiệu trưởng, phụ huynh học sinh đồng tình.

Tuy nhiên, cuối tháng 11-2016, một số sở GD-ĐT bất ngờ có văn bản ngừng việc tổ chức kiểm tra học kỳ theo phương thức thi THPT quốc gia. Tại Hà Nội, trong văn bản ký ngày 29-11, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường chủ động tổ chức cho học sinh kiểm tra học kỳ các môn học trong chương trình, không tổ chức kiểm tra theo 5 bài toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội đối với học sinh lớp 12 như kế hoạch đã định trước.

Trao đổi về việc này, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết đã nhận được văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT ký ngày 29-11-2016. Trong đó yêu cầu các sở GD-ĐT đảm bảo kết hợp hợp lý giữa hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan gồm các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao (không được áp dụng hoàn toàn hình thức trắc nghiệm khách quan đối với các bài kiểm tra một tiết và kiểm tra học kỳ).

Giải thích về việc có hướng dẫn mang tính “thổi còi”, không cho các địa phương tập dượt theo phương thức thi THPT quốc gia, ông Nguyễn Xuân Thành - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT - cho biết: “Hướng dẫn kiểm tra học kỳ 1 do Bộ GD-ĐT vừa ban hành không trái với tinh thần hướng dẫn nhiệm vụ năm học.

Sở dĩ bộ không đồng tình với việc một số địa phương tổ chức kiểm tra học kỳ như thi THPT quốc gia vì mục đích kiểm tra học kỳ là để đánh giá quá trình học tập của học sinh đối với từng môn học, theo chuẩn kiến thức kỹ năng. Việc các địa phương tổ chức kiểm tra như thi THPT quốc gia với các đề thi không được chuẩn hóa sẽ lợi bất cập hại, không những không đạt được yêu cầu kiểm tra trong quá trình học tập mà còn dẫn tới tâm lý hiểu không đúng về kỳ thi, hướng ra đề thi.

Bên cạnh đó, kết quả của đợt kiểm tra này được lấy để tính vào kết quả học tập của học sinh, là căn cứ để xét tốt nghiệp THPT. Nếu vì một lý do nào đó, học sinh không đạt kết quả tốt với cách thức kiểm tra đó sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh.

Bộ GD-ĐT hướng dẫn các nhà trường chủ động kết hợp các hình thức kiểm tra cả tự luận, trắc nghiệm theo các mức độ yêu cầu. Các nhà trường, các sở GD-ĐT hoàn toàn có thể tổ chức cho học sinh tập dượt thi thử theo phương thức thi THPT quốc gia trên tinh thần học sinh tự nguyện tham gia, không lấy kết quả thi đó vào điểm quá trình học tập của học sinh”.

TP.HCM: học sinh cứ trau dồi kiến thức trước đã

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, từ đầu năm học 2016 - 2017 sở đã chỉ đạo các giáo viên dạy học sinh đầy đủ kiến thức nền tảng của chương trình lớp 12, trong đó cần chú ý đến học sinh trung bình và yếu.

Về phương pháp, giáo viên phải dạy cho học sinh theo hướng học - hiểu và vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống.

Quan điểm của sở là học sinh cứ trau dồi kiến thức trước đã. Khi đã nắm vững kiến thức cơ bản thì thi theo hình thức tự luận hay trắc nghiệm cũng có thể đáp ứng được.

Ông Hiếu cho biết hiện nay Sở GD-ĐT TP.HCM đã tập huấn cho giáo viên các bộ môn để họ biên soạn đề kiểm tra theo dạng trắc nghiệm và gửi về Sở GD-ĐT TP. Sau khi thẩm định, sở sẽ chọn những đề kiểm tra đạt chất lượng vào ngân hàng đề thi chung cho toàn TP.

Dự kiến đến cuối tháng 3-2017, sở sẽ công bố ngân hàng đề kiểm tra trắc nghiệm 8 môn: toán, lý, hóa, sinh, sử, địa, giáo dục công dân, Anh văn trên trang web của sở để giáo viên, học sinh tham khảo, đồng thời thực hành trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia chính thức.

Về kỳ kiểm tra cuối học kỳ 1 năm học 2016 - 2017 của học sinh khối 12, ông Hiếu thông tin: “Sở GD-ĐT TP hướng dẫn các trường: đề kiểm tra nếu có cả câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi tự luận thì phải thực hiện theo một trong hai cách: cho học sinh làm bài phần tự luận riêng, sau đó thu bài rồi mới chuyển qua làm phần trắc nghiệm. Cách thứ hai: có thể cho học sinh làm phần trắc nghiệm trước, ở phía dưới là các câu hỏi tự luận, yêu cầu học sinh giải thích tại sao lại chọn đáp án ấy”.

Tuy nhiên, một hiệu trưởng trường THPT ở TP.HCM đã có ý kiến: “Bộ GD-ĐT không nhất thiết phải can thiệp quá sâu vào chuyên môn của các trường. Việc cho học sinh kiểm tra theo hình thức nào phải để giáo viên đứng lớp quyết định, vì hơn ai hết, họ biết học trò của họ cần gì.

Quyết định thi trắc nghiệm hàng loạt môn mới trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 một cách vội vàng của Bộ GD-ĐT đã khiến giáo viên, học sinh lao đao lắm rồi. Chỉ còn mấy tháng nữa học sinh khối 12 sẽ bước vào kỳ thi quan trọng nhất của đời người. Nếu cho các em được làm bài kiểm tra theo dạng trắc nghiệm là rất tốt, vì các em được trải nghiệm và rút ra bài học cho mình. Vậy mà Bộ GD-ĐT cũng cấm! Phải chăng bộ đang chịu áp lực quá lớn từ dư luận?”.

H.HG.

Đ.CƯỜNG - V.HÙNG - V.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên