04/11/2011 03:45 GMT+7

Sống trong nỗi nhớ nhà

HIẾU TRUNG (từ Iwaki)
HIẾU TRUNG (từ Iwaki)

TT - Nằm khá gần các điểm nóng phóng xạ quanh Nhà máy Fukushima Daiichi, nhưng Iwaki không hề là một “thành phố ma”.

EVNS4cS7.jpgPhóng to

Cụ Aoki Katsuko trong căn nhà tạm ở Iwaki - Ảnh: H.T.

Trong cái lạnh gần 100C của mùa thu vùng Tohoku, các con đường trong phố vẫn nhộn nhịp những dòng người đi lại từ sáng đến khuya. Nhưng Iwaki vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn sau thảm họa. Chính quyền thành phố đang chật vật tìm cách hỗ trợ cho khoảng 20.000 người sống trong vùng bán kính 30km tính từ Nhà máy Fukushima Daiichi. Họ là những người đã đổ về đây lánh nạn sau thời gian sống trong các trung tâm khẩn cấp.

Chẳng khác gì thời chiến

Chiều 28-10, tại khu nhà tạm của 1.000 người dân thị trấn Hirono, các cụ bà Saito Kimiko (77 tuổi), Aoki Katsuko (79 tuổi), Tomii Nimoto (83 tuổi) và Mojo Kanazawa (80 tuổi) đang cùng nhau đi dạo quanh khu nhà. “Chúng tôi cùng sống ở Hirono, một thị trấn nhỏ, nên đều quen biết nhau cả” - cụ Katsuko cho biết. Hằng ngày các cụ vẫn thường cùng nhau tập thể dục, uống trà, trò chuyện để khuây khỏa nỗi buồn mất nhà cửa. Cụ Nimoto sống cùng chồng, các cụ Kimiko và Katsuko sống chung với gia đình, còn cụ Kanazawa sống một mình trong căn nhà tạm.

“Hai vợ chồng đứa con gái tôi cũng ở khu này, nhưng chúng còn có bố mẹ chồng nên tôi phải ở một mình” - cụ Kanazawa nói. Những căn nhà tạm do Chính phủ Nhật cung cấp cho các nạn nhân thảm họa khá tiện nghi. Mỗi căn rộng khoảng 30m2, có đủ phòng ngủ, bếp, nhà vệ sinh với máy nước nóng. Hội Chữ thập đỏ Nhật cung cấp cho mỗi căn hộ các đồ dùng thiết yếu như máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, bếp gas, nồi cơm điện, thiết bị sưởi ấm... Nỗi lo duy nhất còn lại là cái rét cắt da cắt thịt của mùa đông vùng Tohoku sẽ bắt đầu vào tháng 12 tới.

Cuộc sống vật chất không đến nỗi quá thiếu thốn này dù sao vẫn không thể bù đắp nổi nỗi đau tinh thần. “Chúng tôi sống không đến nỗi nào so với những người ở vùng khác, nhưng tôi chẳng lấy gì làm vui thú, vì đây có phải là nhà mình đâu - cụ Katsuko than thở - Tình trạng đáng buồn này chẳng khác gì thời chiến tranh. Nhà cửa của chúng tôi ở Hirono không bị phá hủy, nhưng chúng tôi chẳng thể quay về nhà. Tất cả đều đã không còn đất đai để trồng lúa, trồng rau”. Cụ Kimiko ngậm ngùi: “Trước đây chúng tôi tự làm ra đồ ăn thức uống, nhưng giờ phải đi mua”.

Khi còn ở Hirono, cụ Nimoto có một mảnh vườn rộng tới 300m2 để trồng trọt. Nhưng giờ hằng ngày cụ chẳng có việc gì để làm. “Tôi đành trồng một ít hoa tulip ở quanh nhà để đỡ nhớ” - cụ Nimoto nói. Dù vậy, họ vẫn hi vọng có một ngày nào đó trở về mái nhà xưa. Trong đáy mắt họ là nỗi buồn, nhưng trên những gương mặt rạn vết chân chim này vẫn hiện lên những nụ cười móm mém phúc hậu.

“Tôi đọc báo thấy người ta nói chính phủ sẽ khử độc các thị trấn quanh Nhà máy Fukushima Daiichi và chúng tôi có thể được trở về nhà trong vòng một năm nữa - cụ Kanazawa nói - Nhưng tôi sợ không được như thế. Trở về làm sao được khi mà ở đó không còn trường học cho các cháu, không còn bệnh viện, không còn dịch vụ y tế...”. Nhưng họ vẫn hi vọng. “Tôi đã là nông dân cả cuộc đời rồi - cụ Katsuko khẳng định - Chỉ muốn có ngày được quay trở về và tiếp tục cày xới trên mảnh đất của chính mình”.

Gắng sống với hi vọng

Tâm trạng nhớ nhà không chỉ có ở những cụ già. Tại khu nhà tạm, hai tình nguyện viên của Tổ chức phi chính phủ NPO Center là Chieko Iitenka và Kyoko Ueno đang đi từng nhà trò chuyện, lắng nghe và an ủi những cụ già. Họ cũng đang tự an ủi mình khi bản thân họ là nạn nhân từ Hirono chạy nạn đến Iwaki. Cứ mỗi tháng một lần họ lại liều lĩnh quay trở về nhà cũ để dọn dẹp nhà cửa. “Mỗi khi mượn được thiết bị đo phóng xạ là tôi đều trở về nhà ở Hirono - cô Ueno cho biết - Lần nào tôi cũng đo phóng xạ tại nhà với hi vọng lượng phóng xạ sẽ giảm và chúng tôi có thể quay về”.

Cô Iitenka có ba con, cháu nhỏ nhất mới học mẫu giáo, cô Ueno cũng có hai con gái. Họ tiếp tục bám trụ ở Iwaki bởi vì “đi đâu bây giờ, gia đình tôi chẳng có chỗ nào để mà đi cả - cô Ueno buồn bã - Đến những nơi xa xôi thì khó kiếm việc làm, con cái cũng sẽ gặp khó khăn khi đi học. Đành ở đây thôi”. Tương lai đối với họ là một câu hỏi đầy khó khăn chưa có lời đáp, còn hiện tại là cứ tiếp tục cuộc sống trong những ngôi nhà tạm.

Cũng giống như các cụ lớn tuổi, Ueno và Iitenka đều chỉ có ước nguyện là sớm được quay về ngôi nhà cũ thân yêu của mình. “Tôi vẫn tin có thể sẽ được quay lại Hirono dù nghĩ rằng việc khử độc có thể kéo dài ít nhất ba năm - cô Iitenka nói - Tôi hi vọng sẽ được trở về nhà cùng với gia đình mình. Đó là điều giúp tôi tiếp tục gắng sống trong những ngày tháng khó khăn này”.

Ở “thành phố biên giới” Iwaki, rất nhiều người di tản, tránh phóng xạ từ Nhà máy Fukushima Daiichi cũng có cùng chung tâm tư đó.

Du lịch đã trở lại vùng “biên giới”

Với nhiều thắng cảnh đẹp, Iwaki là thành phố du lịch nổi tiếng, thu hút hơn 7 triệu lượt du khách mỗi năm. Sau thảm họa, lượng du khách sụt giảm nghiêm trọng. “Chúng tôi muốn mọi người biết rằng ngoài các thị trấn cạnh Nhà máy Fukushima Daiichi, các khu vực khác ở tỉnh Fukushima vẫn an toàn và muốn du khách quay trở lại” - ông Takashi Wakamatsu, đại diện khu nghỉ dưỡng spa resort Hawaiians ở Iwaki, cho biết.

Một lượng du khách từ các vùng khác ở Nhật đang quay lại với spa resort Hawaiians. “Chúng tôi đến Fukushima vì khung cảnh nơi đây rất đẹp, con người cũng rất dễ thương - vợ chồng du khách Peter Kohler, người Đức, cho biết - Chính phủ Nhật khẳng định khu vực này an toàn, do đó tôi không e ngại gì cả. Đến vùng rìa cạnh các thị trấn phải di tản vì hạt nhân cũng là một trải nghiệm thú vị”.

HIẾU TRUNG (từ Iwaki)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên