28/10/2023 09:15 GMT+7

Sớm xóa dần hàng trăm cây số đường cao tốc 'rùa bò'

1.822km là chiều dài đường cao tốc Việt Nam đã đưa vào khai thác, theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, hàng trăm km trong số này lại là những đoạn tuyến cao tốc chưa đạt chuẩn.

Một điểm giao tiềm ẩn mất an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG

Một điểm giao tiềm ẩn mất an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG

Sau khi đoàn công tác của Bộ Công an chủ trì khảo sát, đề nghị Bộ Giao thông vận tải khắc phục những tồn tại, Tuổi Trẻ quay lại và chứng kiến còn nhiều bất cập khác trên các tuyến cao tốc đang khai thác.

Đưa vào khai thác vẫn thiếu đủ thứ

Theo khảo sát gần đây của Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải tại 11 tuyến cao tốc trên cả nước, kết quả cho thấy nhiều tuyến đường có chất lượng chưa đảm bảo hoặc xuống cấp và việc tổ chức giao thông còn bất hợp lý.

Thậm chí một số cao tốc chưa bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn ngay từ khi xây dựng, gây nguy cơ mất an toàn.

Có thể kể đến như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã quá "chật chội", không còn đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân trong những ngày lễ Tết.

Ngày 27-10, chúng tôi có mặt tại đoạn cao tốc đi qua thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) đã thấy chủ đầu tư bố trí một điểm dừng khẩn cấp cho xe tấp vào khi cần thiết gần cầu vượt đường tỉnh 874 (xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy).

Tuy nhiên theo quan sát điểm dừng nghỉ rất hẹp, ngắn nên ngay cả những ô tô bốn chỗ ngồi tạt vào đậu vẫn có thể ảnh hưởng đến những xe đang chạy ở làn ngoài.

Đây là một trong 11 điểm dừng khẩn cấp được bố trí hai bên tuyến trên cao tốc kéo dài 51km này như phương án "bất đắc dĩ" khi tuyến cao tốc này chưa được đầu tư làn dừng, đỗ khẩn cấp theo đúng chuẩn của đường cao tốc.

Tuy nhiên, những điểm dừng khẩn cấp này lại đang tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông hơn bao giờ hết bởi lưu lượng xe trên tuyến đường này ngày càng tăng.

Chưa dừng lại ở đó, suốt chiều dài tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn chưa được đầu tư trạm dừng nghỉ, trạm xăng.

Dù trước đó các cơ quan chức năng đã thống nhất vị trí đặt trạm dừng nghỉ trên tuyến đường này tại khu vực huyện Cai Lậy nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được khiến người dân khi chạy trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận càng bất an.

Bất an bởi tuyến đường hẹp, bất an bởi lỡ gặp sự cố trên đường sẽ không có làn dừng đỗ khẩn cấp ngay để tấp vào, bất an bởi không có trạm xăng, chỗ dừng nghỉ nếu có mệt mỏi trên đường di chuyển.

Tương tự, hai đoạn cao tốc vừa đưa vào khai thác là Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây (tổng chiều dài khoảng 200km) nối hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai dù liền mạch với nhau nhưng không đồng nhất về thiết kế.

Cụ thể, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây xây dựng với quy mô bốn làn xe chạy, hai làn dừng khẩn cấp hoàn chỉnh, tốc độ thiết kế tối đa 120km/h.

Khi xe chạy trên cao tốc này đến nút giao Ba Bàu ở huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận (nút giao liên thông) sẽ bắt đầu vào đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết với bốn làn xe chạy, không có làn dừng khẩn cấp (cứ 4-5km bố trí một điểm dừng khẩn cấp), tốc độ thiết kế tối đa 80km/h.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, tài xế Nguyễn Văn Phong cho rằng chạy xe trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết rất ức chế vì một quãng đường dài nhưng tốc độ tối đa chỉ 80km/h.

Theo quy hoạch, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết xây dựng như vậy nằm trong giai đoạn phân kỳ đầu tư.

Đến khi hoàn chỉnh, cao tốc này sẽ nâng cấp, mở rộng. Không chỉ có đoạn này, nhiều cao tốc khác đang khai thác cũng thiết kế và kế hoạch tương tự như: Nha Trang - Cam Lâm, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mai Sơn - quốc lộ 45...

Không chỉ gây ức chế cho tài xế khi lưu thông, Bộ Công an cho rằng những đoạn cao tốc không có làn dừng khẩn cấp khi xảy ra sự cố hoặc tai nạn khiến lực lượng chức năng khó tiếp cận để xử lý sớm. Bất cập này có nguy cơ xảy ra tai nạn liên hoàn và ùn tắc kéo dài.

Có rất nhiều dải đất rộng được chừa ra bên lề đường cao tốc Hòa Liên - La Sơn. Các xe hiện dừng đỗ tùy thích - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Có rất nhiều dải đất rộng được chừa ra bên lề đường cao tốc Hòa Liên - La Sơn. Các xe hiện dừng đỗ tùy thích - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Cần rà soát tổng thể

Ông Lê Trung Tính, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô TP.HCM, nói rằng thời gian qua cả nước đồng loạt xây dựng các tuyến cao tốc giúp kết nối liên vùng, rút ngắn thời gian đi lại. Tuy nhiên một số đoạn tuyến vừa đưa vào khai thác đã thành thấp tốc, chưa đảm bảo tiêu chuẩn.

Trước đây khi chưa đủ điều kiện, có thể đưa vào sử dụng nhằm giải quyết vấn đề giao thông. Còn bây giờ, khi đã làm cả ngàn km cao tốc thì Bộ Giao thông vận tải cần có trách nhiệm rà soát, xử lý triệt để các bất cập, bổ sung đầy đủ các công trình phụ trợ.

Chẳng hạn phải bổ sung làn dừng khẩn cấp, trạm dừng đỗ dọc đường cho người dân đi vệ sinh, mua sắm, ăn uống, tiếp nhiên liệu cho xe...

Người dân, doanh nghiệp trả phí đi cao tốc để nhanh hơn, an toàn hơn. Nhưng với một số đoạn tuyến, thực tế đi rất tốn thời gian lại có nguy cơ xảy ra tai nạn.

Theo TS Võ Kim Cương - nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, Bộ Giao thông vận tải cần kiểm tra lại quy chuẩn kỹ thuật của hệ thống đường cao tốc hiện hữu, tìm ra nguyên nhân vì sao một số tuyến chưa đủ chuẩn để bổ sung, hoàn chỉnh.

Đối với tuyến chuẩn bị đầu tư, thiết kế phải đảm bảo tiêu chuẩn để khi khai thác được an toàn và thông suốt.

Còn theo PGS.TS Vũ Anh Tuấn - giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (ĐH Việt Đức), trước mắt Bộ Giao thông vận tải cần phải tổng rà soát lại mạng lưới đường cao tốc, đối chiếu kết quả khảo sát của Bộ Công an và bộ tiêu chuẩn cơ sở ở trên.

Từ đó xác định những điểm chưa đủ tiêu chuẩn, có hướng xử lý khắc phục trên các tuyến/đoạn tuyến đầu tư theo giai đoạn. Khi làm đường cao tốc thì làn dừng khẩn cấp phải có và phải liên tục chứ không nên để ngắt quãng.

Đối với trạm dừng nghỉ mỗi 50 - 60km bố trí một trạm là phù hợp, hạng mục này nên có quy hoạch rõ ràng và tổ chức đấu thầu để tư nhân tham gia.

Ông Tuấn phân tích thêm: Ở nước ta, việc đầu tư các tuyến cao tốc còn phụ thuộc vào nguồn vốn bởi quy mô đầu tư xây dựng đường cao tốc lớn.

Chính vì vậy, phần lớn khi nghiên cứu chuẩn bị dự án đều xét đến phương án phân kỳ đầu tư (kể cả phương án phân kỳ đầu tư tại các vị trí điểm ra, vào đường cao tốc).

Trong trường hợp phân kỳ đầu tư nhất thiết chuẩn bị thiết kế tổng thể hoàn chỉnh cho tương lai. Từ đó có đủ các phần công trình đã được phân kỳ làm trước, đồng thời đảm bảo thiết kế phân kỳ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng ở giai đoạn sau đồng bộ hơn.

Cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo - Ảnh: T.T.D.

Cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo - Ảnh: T.T.D.

Bộ Giao thông vận tải: sớm xử lý ngay

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Uông Việt Dũng, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Giao thông vận tải, cho biết lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã giao các đơn vị liên quan nghiên cứu, tiếp thu, xử lý những nội dung Bộ Công an nêu ra.

Qua đó, các đơn vị liên quan sẽ rà soát, những gì có thể xử lý được ngay phải tập trung thực hiện như ngăn ngừa nguy cơ mất an toàn trong quá trình khai thác, hoàn thiện các hạng mục liên quan đến an toàn giao thông trên các tuyến đường mới đưa vào khai thác.

Ông Dũng cho biết thêm thời gian qua Bộ Giao thông vận tải đã nỗ lực sớm thông tuyến chính một số dự án đường cao tốc để đưa vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Trên một số tuyến còn đường gom, hạng mục phát sinh như cầu vượt, nút giao do địa phương đầu tư hoặc đề nghị bổ sung vào dự án hiện đang tập trung hoàn thiện để khai thác đồng bộ.

Theo ông Dũng, do nguồn lực đầu tư còn hạn chế nên thời gian qua các dự án đường cao tốc được Bộ Giao thông vận tải và các bộ ngành liên quan đánh giá, đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội đồng ý chủ trương đầu tư phân kỳ hai làn xe hoặc bốn làn xe hạn chế phù hợp khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư chung.

Các dự án đầu tư phân kỳ được đơn vị tư vấn tính toán có thể đáp ứng nhu cầu vận tải đến năm 2045.

Do phân kỳ đầu tư theo chủ trương trên nên việc đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc hai làn, bốn làn hạn chế cần phối hợp các cơ quan liên quan đánh giá, đề xuất cấp có thẩm quyền xin chủ trương đầu tư những dự án cấp bách, cần mở rộng sớm. Việc đầu tư phụ thuộc vào nhu cầu giao thông và cân đối bố trí nguồn vốn đầu tư.

Đã khắc phục nhiều tồn tại

Ông Bùi Đình Tuấn, giám đốc Ban quản lý khai thác của VEC, cho biết các nội dung được Bộ Công an nêu ra là kết quả rà soát các tuyến cao tốc trong tháng 6, tháng 7-2023.

Đến nay một số tồn tại, bất cập trên các tuyến cao tốc do VEC đầu tư, quản lý khai thác như Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã được khắc phục; hiện đang tiếp tục triển khai xử lý, khắc phục những vấn đề còn lại.

Cụ thể, tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình đã chặt cây trồng trong phạm vi ta luy, rào lại đoạn rào bị phá, sửa chữa hàng rào tại lối quay đầu khẩn cấp, phân định với đơn vị liên quan xác định ranh giới quản lý đường...

Với cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã đấu thầu, ký hợp đồng với nhà thầu sửa chữa mặt đường để triển khai từ tháng 11-2023; tiếp tục sơn những vạch sơn bị mờ.

Còn hệ thống cân xe trên tuyến được đầu tư khi thu phí thủ công hiện không phù hợp với tổ chức giao thông khi thu phí không dừng. Hiện VEC đang chờ Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện tiêu chuẩn hệ thống cân mới để thực hiện.

Giải pháp: lấy cao tốc nuôi cao tốc

Ngoài những vấn đề về tiêu chuẩn, chuyên gia giao thông Nguyễn Ân cũng góp ý về đầu tư trung tâm điều hành giao thông thông minh (ITS) các tuyến cao tốc. ITS gồm các hợp phần chính như thiết bị quan sát, đo tốc độ xe, biển báo điện tử...

"Nước ta sẽ có 5.000km đường cao tốc vào năm 2030 và việc quản lý điều hành bằng ITS là vấn đề bắt buộc. Nếu không có trao đổi kỹ lưỡng và chi tiết, trước khi đưa ra quyết định thực hiện, hậu quả sẽ không chỉ tai hại trong điều hành quản lý giao thông mà còn gây lãng phí lớn về ngân sách nhà nước", ông Ân nói.

Ngoài ra, ông Ân cũng cho hay hiện nay chủ trương thu phí các tuyến cao tốc được đầu tư từ ngân sách vẫn chưa được triển khai mà phải chờ bổ sung trong quy định của Luật Giao thông đường bộ.

"Nếu không sớm áp dụng phương châm "lấy cao tốc nuôi cao tốc" thì tiền đâu mà bảo trì, duy tu và phát triển thêm mạng lưới?", ông Ân nói.

Đường đi Cần Giờ sẽ nhanh hơn nếu có nút giao đường Rừng Sác với cao tốc Bến Lức - Long ThànhĐường đi Cần Giờ sẽ nhanh hơn nếu có nút giao đường Rừng Sác với cao tốc Bến Lức - Long Thành

TP.HCM đề xuất hoàn chỉnh các nút giao trên cao tốc Bến Lức - Long Thành, trong đó có nút giao kết nối đường Rừng Sác, huyện Cần Giờ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên