13/02/2015 12:05 GMT+7

Sởi làm trẻ bội nhiễm có thể dẫn đến tử vong

TUỔI TRẺ ONLINE thực hiện
TUỔI TRẺ ONLINE thực hiện

TTO - Dịch sởi đang lan rộng trên 25 tỉnh thành. Đại diện Bộ Y tế tham gia buổi giao lưu trực tuyến sáng nay 13-2 trên Tuổi Trẻ Online đã cảnh báo các gia đình nên cho con em tiêm chủng đầy đủ để phòng ngừa bệnh diễn tiến nguy hiểm.

 

Khách mời của chương trình: 

ThS. NGUYỄN TRỌNG KHOA - Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh

PGS TRẦN NHƯ DƯƠNG - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương 

TS. NGUYỄN VĂN CƯỜNG - Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia

Ths. NGUYỄN XUÂN TÙNG - Cục y tế dự phòng

Ths. ĐĂNG THỊ THANH HUYỀN - Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia. 

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

NỘI DUNG GIAO LƯU: 

* Vì sao năm 2014 đã tổ chức đến 3 đợt tiêm vắc xin mà sởi vẫn lan rộng? (Hoàng, 33t)

- PGS-TS Trần Như Dương: Có thể nói năm 2014 là năm bùng phát dịch sởi trên tàn thế giới, với 178 quóc gia và vùng lãnh thổ có trường hợp mắc sởi hoặc dịch sởi, trong đó có nhiều nước xảy ra dịch lớn như Philippines, Trung Quốc..., với hàng trăm ngàn trường hợp mắc.

Triệu chứng bệnh sởi - Ảnh: Bộ Y tế cung cấp

Việt Nam cũng nằm trong bối cảnh chung của dịch sởi toàn cầu. Mặc dù trong nhiều năm qua, chúng ta đã tiến hành tiêm vắc-xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng đạt tỷ lệ cao. Tuy nhiên tỷ lệ quần thể được bảo vệ sau tiêm mũi 1 chỉ đạt khoảng 85%, sau tiêm 2 mũi đạt khoảng 90-95%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm chủng dù đạt cao cũng không bao giờ đạt tới 100%. Tích lũy qua các năm, thì số trẻ không được bảo vệ bởi vắc xin sẽ tăng dần và thành một số lượng lớn, nên khi dịch sởi xảy ra thì có nhiều người bị mắc bệnh.

Để chống dịch, Bộ Y tế đã rất quyết liệt, chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai chống dịch, trong đó có các đợt tiêm vắc xin trên diện rộng. Cũng chính nhờ các chiến dịch này, mà dịch sởi đã dần được khống chế, nếu không số mắc có thể còn lớn hơn gấp nhiều lần.

Các khách mời giao lưu với bạn đọc Tuổi Trẻ sáng 13-2 - Ảnh: Quang Thế
ThS. NGUYỄN TRỌNG KHOA - Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh - Ảnh: Quang Thế

 

* Năm 2014, dịch xuất hiện trầm trọng nhất tại Hà Nội và các tỉnh đồng bằng (số tử vong cao nhất) vì lý do nào? (Long Trang, 33t)

 

- Thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa: Trước tiên phải nói là dịch xuất hiện đầu tiên tại tỉnh miền núi, sau đó xuất hiện ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng. 

Lý do số tử vong năm 2014 cao có các nguyên nhân sau: thứ nhất là các cháu bị sởi nhiễm thêm một số loại virút và vi khuẩn khác và một số trẻ có cơ địa suy giảm miễn dịch do mắc các bệnh khác có sẵn, đây là số trường hợp tử vong có liên quan đến sởi.

Ngoài ra, tình trạng quá tải ở bệnh viện Trung ương cũng là một trong những nguyên nhân làm lây nhiễm chéo dẫn tới nguy cơ tử vong cao.

Tại Hà Nội việc lây lan nhanh do các nguyên nhân do mật độ dân cư đông, nhiều người tại các tỉnh, thành khác về Hà Nội làm việc và sinh sống, mặt khác các trường hợp bệnh nặng từ tuyến địa phương cũng được chuyển về Hà Nội nên số tử vong cũng sẽ tăng theo.

Bên cạnh đó, cũng gặp các trường hợp đến tuổi tiêm vắc xin nhưng cha mẹ chưa cho con đi tiêm chủng mà đợi tiêm chủng dịch vụ vắc xin sởi-quai bị-rubella lúc 12 tháng tuổi. Như vậy trong khoảng từ 9-12 tháng tuổi là trẻ không được bảo vệ bởi chưa được tiêm vắc-xin.

* Biến chứng của bệnh sởi nguy hiểm đến mức nào mà thấy mọi người lo lắng vậy, có gây tử vong không (Quốc Danh)

- Thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa: Vấn đề nguy hiểm nhất ở trẻ mắc sởi là virút sởi gây suy giảm miễn dịch ở trẻ, làm cho trẻ dễ mắc bội nhiễm vi khuẩn và virút khác và thường tử vong do bệnh bội nhiễm.

Thứ hai là vi rútsởi có thể gây các biến chứng vi viêm não bán cấp, nhưng tỉ lệ viêm não bán cấp thấp. Vì vậy, trẻ bị tử vong do sởi chủ yếu là do bội nhiễm vi khuẩn và virút khác. 

* Con tôi 8 tuổi đã tiêm hai mũi vắcxin sởi, rubella quai bị, như vậy, cháu còn khả năng bị lây sởi nữa không? (mẹ Đốp)

- Thạc sĩ Nguyễn Xuân Tùng: Thứ nhất, bệnh sởi và bệnh rubella là hai bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi và rubella gây ra có thể gây thành dịch. Tất cả những người chưa có miễn dịch đều có thể mắc sởi và rubella. Cũng như các loại vắcxin khác, tiêm vắcxin sởi không hẳn là có hiệu quả phòng bệnh 100%, đáp ứng miễn dịch còn tùy thuộc vào tuổi tiêm vắcxin, loại vắcxin và tùy thuộc vào đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khỏe của từng người, chất lượng vắcxin và kỹ thuật thực hành tiêm chủng.

Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới, những trường hợp đã có miễn dịch với bệnh sởi sau khi tiêm vắcxin hoặc sau khi mắc bệnh thì miễn dịch này bền vững.  

* Con tôi chích ngừa mũi sởi 1, vậy con tôi có thể kháng lại sự lây nhiễm của bệnh sởi không? (Nguyễn Minh Hiếu, 34 tuổi, hieunguyenhr2010@...)

 

- Thạc sĩ Nguyễn Xuân Tùng: Hiện nay, để đảm bảo đáp ứnThs. NGUYỄN XUÂN TÙNG - Cục y tế dự phòng - Ảnh: Quang Thế

g miễn dịch tốt nhất cho trẻ để phòng chống bệnh sởi thì cần phải tiêm đủ 2 mũi: mũi thứ nhất lúc 9 tháng tuổi, mũi thứ hai vào lúc 18 tháng tuổi.

Nếu chỉ tiêm một mũi, theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, thì khả năng có đáp ứng miễn dịch chỉ khoảng 85%, tức là trong 100 cháu tiêm một mũi thì vẫn còn khoảng 15 cháu vẫn có thể mắc sởi. 

Ở trường hợp cụ thể, nếu con bạn trên một tuổi thì đưa trẻ đến ngay điểm tiêm chủng để được tiêm vắcxin sởi-rubella trong chiến dịch.   

* Việc Hà Nội có số bệnh nhân sởi nhiều nhất và ho gà cũng cao nhất là vì sao vậy, tại sao đây là địa phương có điều kiện tiêm chủng nhất mà dịch lại nặng nhất? (Tranh Hoang)

- PGS-TS Trần Như Dương: Chúng ta đều biết Hà Nội là Trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước. Trong công tác phòng chống dịch, Hà Nội có những thuận lợi nhưng cũng có rất nhiều thách thức, khó khăn do diện tích rộng, nhiều đầu mối giao thông, mật độ dân số đông, mức độ giao lưu đi lại rất lớn, là điều kiện thuận lợi nhất để cho các dịch bệnh xâm nhập và bùng phát.

Bên cạnh đó, Hà Nội có số lượng người nhập cư, vãng lai, tạm trú rất lớn, nhiều khu công nhiệp tập trung. Nên việc quản lý đối tượng tiêm chủng và triển khai tiêm chủng gặp khó khăn.

Mặc dù có những khó khăn đó, nhưng ngành y tế Hà Nội cũng đã có nhiều nỗ lực trong công tác tiêm chủng phòng chống dịch, tỉ lệ tiêm chủng đạt cao trong nhiều năm.

Chính vì vậy, năm 2014, trên địa bàn Hà Nội mặc dù số ca mắc sốt phát ban nghi sởi ghi nhận ở mức cao (tới trên 6.400 trường hợp, trong đó trên 1.600 trường hợp dương tính với sởi) tuy nhiên dịch chỉ xảy ra tản phát, trên diện rộng ở tất cả các quận huyện mà không có ổ dịch tập trung quy mô lớn.

Điều này chứng tỏ nền tảng miễn dịch do tiêm vắc-xin sởi được tạo từ những năm trước đã phát huy được tác dụng bảo vệ cộng đồng. Và các điều tra cũng cho thấy chỉ 4,1% trẻ mắc sởi đã được tiêm 2 mũi vắcxin, như vậy chứng tỏ chất lượng tiêm vắcxin sởi ở đây đã được đảm bảo.

* Dịp Tết đông người có phải là môi trường lây sởi nhanh không, làm cách nào để bảo vệ con vì chúng tôi chưa cho cháu chích ngừa đầy đủ? (Hùng Cường)

TS. NGUYỄN VĂN CƯỜNG - Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia - Ảnh: Quang Thế

- TS Nguyễn Văn Cường (Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia): Bệnh sởi là bệnh lây qua đường hô hấp, vì vậy, thông thường ở những nơi tập trung đông người, giao lưu lớn như dịp tết là thời điểm có khả năng lây bệnh cao.

Cách phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm chủng vắcxin phòng bệnh, tiêm vắcxin sởi đúng lịch tiêm chủng cho trẻ lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi trong tiêm chủng thường xuyên, và tiêm vắcxin trong các chiến dịch. Nếu cháu chưa được tiêm đầy đủ thì gia đình cần liên hệ với cơ sở y tế để tiêm chủng sớm cho cháu. 

* Nếu dịp Tết con tôi mắc sởI thì đến cấp cứu hay chăm sóc tại nhà, bệnh này có thể chăm sóc tại nhà không? (Loan)

- Thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa: trường hợp bạn nghi trẻ mắc sởi trong dịp tết với các biểu hiện như sốt cao, mắt kèm nhèm, chảy nước mũi, sau đó có phát ban thì phải nghĩ ngay đó là những biểu hiện bệnh sởi. Đặc biệt là phát ban sởi lan từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ rồi lan đến tứ chi.

Ban hồng, dát sẩn, khi căng da thì ban biến mất thì phải nghĩ đến sởi. Với những biểu hiện như trên, bạn cần đưa con tới các cơ sở y tế để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị. Để phòng bệnh cho những người khác, đặc biệt là trẻ nhỏ, bạn cần tránh cho con bạn tiếp xúc với những người xung quanh. Bạn nên đưa con tới cơ sở y tế vì ngay trong dịp tết vẫn có các lực lượng y tế trực 24/24h. 

* Tiêm vắcxin nhưng vẫn mắc bệnh có phải do vắcxin chưa đảm bảo hiệu quả phòng bệnh? (Nga)

- Thạc sĩ Nguyễn Xuân Tùng: Vắcxin sởi-rubella cũng như những vắcxin khác, khi tiêm không hẳn đã đảm bảo miễn dịch 100%. Việc miễn dịch còn tùy vào tình trạng sức khỏe, đáp ứng miễn dịch, tuổi tiêm chủng, loại vắcxin và chất lượng của vắcxin.

Do vậy, khi xem xét về hiệu quả phòng bệnh cần có rất nhiều yếu tố liên quan chứ không phải là do vắcxin không đảm bảo chất lượng.

Số liệu nghiên cứu cho thấy vắcxin sởi chỉ có hiệu quả 95% nếu trẻ tiêm đủ hai mũi vắcxin sởi, nếu tỷ lệ tiêm vắcxin sởi đạt 95% thì sẽ có khoảng 90% quần thể đích được bảo vệ. Như vậy, vẫn có khoảng 10% trẻ ở đối tượng đích chưa được bảo vệ.

Vắcxin sởi-rubella là vắcxin giống giảm độc lực, được WHO (Tổ chức Y tế thế giới) tiền thẩm định về chất lượng và được sử dụng trên 600 triệu liều ở 39 quốc gia đảm bảo an toàn và hiệu quả cao.  

* Tiêm vắcxin nhưng vẫn mắc bệnh có phải do vắcxin chưa đảm bảo hiệu quả phòng bệnh? (Nga)

- Thạc sĩ Nguyễn Xuân Tùng: Vắcxin sởi-rubella cũng như những vắcxin khác, khi tiêm không hẳn đã đảm bảo miễn dịch 100%. Việc miễn dịch còn tùy vào tình trạng sức khỏe, đáp ứng miễn dịch, tuổi tiêm chủng, loại vắcxin và chất lượng của vắcxin.

Do vậy, khi xem xét về hiệu quả phòng bệnh cần có rất nhiều yếu tố liên quan chứ không phải là do vắcxin không đảm bảo chất lượng.

Số liệu nghiên cứu cho thấy vắcxin sởi chỉ có hiệu quả 95% nếu trẻ tiêm đủ hai mũi vắcxin sởi, nếu tỷ lệ tiêm vắcxin sởi đạt 95% thì sẽ có khoảng 90% quần thể đích được bảo vệ. Như vậy, vẫn có khoảng 10% trẻ ở đối tượng đích chưa được bảo vệ.

Vắcxin sởi-rubella là vắcxin giống giảm độc lực, được WHO (Tổ chức Y tế thế giới) tiền thẩm định về chất lượng và được sử dụng trên 600 triệu liều ở 39 quốc gia đảm bảo an toàn và hiệu quả cao.

* Những bé sơ sinh chưa đủ tháng tuổi để tiêm ngừa sởi thì phải bảo vệ bé bằng những cách nào? Cháu nhà em được 4,5 tháng tuổi, vừa bị sốt siêu vi cách nay nửa tháng, có phải cơ thể còn đang yếu thì dễ nhiễm sởi hơn các bé khác không?(Qúi Ngọc, 37 tuổi, lotustar2000@...)

PGS TRẦN NHƯ DƯƠNG - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - Ảnh: Quang Thế

- PGS - TS Trần Như Dương: Những trẻ chưa đến tuổi tiêm vắc xin sởi (dưới 9 tháng tuổi) vẫn có nhiều khả năng bị mắc bệnh sởi. Như ghi nhận tại dịch sởi năm 2014 ở Hà Nội có tới 24,6% là trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng.

Chính vì vậy những trẻ này vẫn rất cần phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh, cụ thể là: tránh cho trẻ tiếp xúc đông người, đăc biệt là người có dấu hiệu sốt phát ban. Giữ ấm, tránh lạnh, dinh dưỡng đầy đủ.

Các bà mẹ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi chăm sóc trẻ và chế biến thức ăn cho trẻ. Chú ý cho trẻ đi tiêm vắc xin sởi ngay khi trẻ đủ 9 tháng tuổi. 

* Cơ chế lây lan của bệnh sởi thế nào, thời gian ủ bệnh là bao nhiêu lâu, biểu hiện bệnh ra sao (Thuận)

- Thạc sỹ Nguyễn Trọng Khoa: Về câu hỏi đường lây lan bệnh sởi, bạn tham khảo một câu đã trả lời. 

Thời gian ủ bệnh của bệnh sởi là từ 7-21 ngày, còn trung bình là 10 ngày.

Giai đoạn khởi phát thường từ 2-4 ngày đối với các dấu hiệu người bệnh sốt cao, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc-mắt kèm nhèm, đôi khi có viêm thanh quản cấp.

Giai đoạn toàn phát kéo dài từ 2-5 ngày, thường sau khi sốt cao từ 3-4 ngày thì trẻ bắt đầu phát ban, ban hồng dát sẩn, khi căng da thì ban biến mất, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ, dần làn đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần, hết sốt.

Giai đoạn hồi phục, ban nhạt màu dần rồi sang màu xám, bong vảy phấn sậm màu, để lại vết thâm vằn da hổ và biến mất theo thứ tự như khi xuất hiện. Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi, có thể có ho kéo dài từ 1-2 tuần sau khi hết ban.

Có một số trường hợp có thể có biến chứng, vẫn tiếp tục sốt, triệu chứng ho nặng lên, lúc đó cần nghĩ đến biến chứng viêm phổi, cần phải điều trị kháng sinh tại cơ sở y tế và các thuốc hỗ trợ khác. 

* Xin hỏi các vị khách, dịch nào là đáng ngại và có nguy cơ nhất trong dịp tết?

- PGS-TS Trần Như Dương: Dịp tết nguyên đán cũng trùng với mùa đông xuân lạnh ẩm, mức độ giao lưu đi lại lớn, mức độ tiếp xúc do đi lại thăm hỏi chúc tết cũng rất cao, ăn uống liên hoan đông người với nhiều loại thực phẩm. Nên những dịch bệnh cần lưu ý trong dịp tết là dịch bệnh lây theo đường hô hấp, như cúm mùa, cúm gia cầm, viêm đường hô hấp cấp, sởi, ho gà, thủy đậu, tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm... Nên chúng ta phải lưu ý để phòng tránh những bệnh này.

* Tại sao Bộ Y tế không tuyên truyền sớm mà để thành dịch rồi mới tuyên truyền gấp rút. 25 tỉnh thành đang đối phó như thế nào rồi, tỉnh thành nào là nặng nhất hiện nay, các cháu thế nào? (Chút Xinh)

- PGS.TS Trần Như Dương: Theo ghi nhận của hệ thống giám sát, đến nay trên toàn quốc có hơn 400 ca sốt phát ban, trong đó chỉ có 35 trường hợp sởi dương tính, phân bố tản phát ở 16 tỉnh thành phố mà không có ổ dịch tập trung nào.

Hiện nay ngành y tế đang rất tích cực và chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có chiến dịch tiêm vắc xin sởi- rubella lớn nhất từ trước đến nay trên phạm vi cả nước, chiến dịch này đã được triển khai từ tháng 9-2014 và đến nay đã có trên 19 triệu trẻ được tiêm chủng.

Bên cạnh đó, hoạt động tiêm chủng thường xuyên, trong đó có vắc xin sởi tiếp tục được duy trì.

Công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh trong đó có bệnh sởi cũng được đẩy mạnh.

Nhưng để phòng bệnh hiệu quả cho con em mình, các gia đình nên cho các cháu đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành y tế, vì bệnh thường xảy ra ở các cháu chưa được tiêm tiêm chủng.

* Bé nhà tôi 14 tháng, đã tiêm 1 mũi sởi lúc 9 tháng. Xin hỏi khi nào tôi nên đưa bé đi chích ngừa? Tôi nhớ lúc trước BS dặn là tiêm nhắc lúc 18 tháng... Tôi cảm ơn! (Hà Thanh, Bình Chánh, TP.HCM)

- TS Nguyễn Văn Cường: Chiến dịch tiêm vắc xin sởi và rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi đang được triển khai trên toàn quốc. Bé nhà bạn mới chỉ được tiêm 1 mũi vắc xin sởi lúc 9 tháng và cháu đã 14 tháng là đủ tuổi để tham gia chiến dịch tiêm vắc xin sởi và rubella, hiện đang diễn ra.

Vậy gia đình cần sớm đưa cháu đến trạm y tế địa phương để được tiêm miễn phí mũi vắc xin này. 

* Con tôi đã tiêm mũi sởi-quai bị-rubella, mũi nhắc là tháng 5 tới. Giờ nghe tin dịch bùng phát, tôi lo quá. Liệu cháu có khả năng bị lây không? (cháu đang đi học). Vừa rồi nhà trường có phát động đăng ký tiêm ngừa sởi cho HS, nhưng chỉ là mũi sởi-rubella, thiếu quai bị nên tôi không đăng ký. Giờ tôi có cần đưa con đi tiêm không? Cảm ơn! (Hồng Hà, GV, TPHCM)

- Tiến sỹ Nguyễn Văn Cường: Cháu đã tiêm một mũi vác xin sởi-quai bị-rubella thì khả năng phòng bệnh cho cháu khoảng 85%. Cháu cần được tiêm mũi tiếp theo để tăng khả năng phòng bệnh.

Tuy nhiên, như bạn nói bạn đã không đăng ký tiêm ngừa sởi-rubella khi nhà trường tổ chức tiêm và chờ lịch tiêm mũi nhắc vào tháng 5 tới, như vậy khả năng phòng bệnh của cháu vẫn chỉ ở mức 85%.

Trong trường hợp này, bạn cần đưa cháu đi tiêm bổ sung mũi hai để tăng khả năng miễn dịch phòng bệnh cho cháu.

* Năm rồi, cháu cũng bị sốt phát ban nghi sởi, như vậy, bị rồi bệnh có quay lại hay không? Còn về việc tiêm, cháu thấy treo băng-rôn ngoài đường mà sao không cử nhân viên y tế đến tận nhà đảm bảo tiêm vét rồi không còn dịch? (pham kien quang, 25 tuổi, phamkienquang@...)

- PGS-TS Trần Như Dương: Sốt phát ban có thể do nhiều nguyên nhân gây ra chứ không riêng gì bệnh sởi. Chính vì vậy, nếu năm trước cháu bị sốt phát ban mà không có chẩn đoán xác định mắc sởi thì cũng không thể khẳng định cháu đã mắc bệnh này.

Những người chưa được tiêm chủng và chưa bị mắc sởi thì đều có khả năng bị mắc bệnh. Hiện nay, công tác an toàn tiêm chủng được đặc biệt chú trọng, và theo các quy định hiện hành thì việc tiêm chủng phải được thực hiện ở các cơ sở y tế có đủ điều kiện, để đảm bảo an toàn trong tiêm chủng.

* Xin cho hỏi con tôi sinh ngày 1-7-2011, đã tiêm vacxin sởi rubenla tại tram y tế xã, vậy có khả năng bệnh sởi nữa không. Cách phòng tránh bệnh như thế nào? Xin cám ơn. (TRẦN THỊ TRÚC PHƯƠNG, 32 tuổi, trantrucphuong8583@...)

- TS Nguyễn Văn Cường: Câu hỏi của bạn chưa rõ về tiền sử tiêm chủng của cháu, theo lịch tiêm chủng thì có 2 mũi vắc xin sởi vào lúc 9 và 18 tháng tuổi, và hiện nay con bạn thuộc diện được tiêm miễn phí vắc xin sởi- rubella trong chiến dịch, đang triển khai trên toàn quốc.

Bạn nên đưa con đến trạm y tế địa phương để được tiêm chủng ngay.

* Tôi đọc thấy thông tin khoảng 15% số trẻ đã được tiêm chủng thất bại trong việc tạo ra miễn dịch với liều đầu tiên. Con tôi mới tiêm 1 mũi (chưa đến thời điểm tiêm mũi 2), giờ dịch sởi bùng phát, lại là mùa tết nhiều người đi lại, liệu cháu có nguy cơ gì không? Tôi phải làm sao để bảo vệ cháu? Tôi có nên không cho cháu ra khỏi nhà thời gian này? Nếu có khách đến nhà, tôi phải làm sao để tránh nguy cơ cháu bị lây bệnh (nếu chẳng may người khách đó mang virut)? (Ngọc Minh, 28 tuổi, TP.HCM)

- TS Nguyễn Văn Cường: Nếu cháu mới tiêm 1 mũi vắcxin sởi qua 1 tháng và đủ 12 tháng tuổi, thì gia đình có thể đưa cháu đi tiêm mũi vắcxin sởi- rubella mà TP.HCM hiện đang tiến hành tiêm miễn phí cho nhóm trẻ này. Tiêm 2 mũi vắcxin sẽ giúp cháu được phòng bệnh tốt hơn.

* Nếu con tôi nổi ban đỏ thì chăm sóc tại nhà như thế nào, có phải tránh ra gió và không tắm như dân gian nói không? (Mai)

- Thạc sỹ Nguyễn Trọng Khoa: Con bạn nổi ban đỏ thì có thể có nhiều nguyên nhân, bạn cần xem và nắm thông tin hướng dẫn về các triệu chứng biểu hiện của bệnh sởi và ban sởi.

Ban sởi cũng có sự khác biệt với ban khác như ban mọc tuần tự từ đầu, tai, cổ, thân và đến tứ chi. Sau đó cũng biến mất theo tuần tự khi phát.

Nếu con bạn nổi ban đỏ, có triệu chứng nghi sởi, để chăm sóc tại nhà bạn, theo dân gian nói phải kiêng nước, kiêng gió, còn phân tích theo khoa học thì việc kiêng đó để tránh cho cháu bị nhiễm lạnh. 

Thực tế, khi trẻ mắc sởi sẽ bị suy giảm miễn dịch, và kèm bị nhiễm lạnh thì dễ bị bội nhiễm các vi khuẩn, vi rút khác làm cho bệnh trầm trọng thêm.

Bạn vẫn cần giữ vệ sinh cho trẻ như dùng nước ấm lau rửa cho trẻ.  

* BS có thể nhắc lại con em chúng tôi phải tiêm ngừa sởi như thế nào là có thể giữ an toàn cho cháu, không bị lây lan! (mẹ Dâu 43t)

- TS Nguyễn Văn Cường: Lịch tiêm chủng vắc xin sởi phòng bệnh cho trẻ là thời điểm trẻ 9 và 18 tháng tuổi.

Gia đình cần đưa cháu đi tiêm chủng miễn phí tại các trạm y tế ngay khi cháu đến thời điểm kể trên.

Ngoài ra, cần phải tiêm chủng cho cháu khi có các chiến dịch tiêm chủng tại địa phương, như hiện nay là chiến dịch tiêm vắc xin sởi- rubella.

* Bộ Y tế khuyến cáo gì người dân trong dịp lễ Tết để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em?(Vân 34t)

- Thạc sỹ Nguyễn Trọng Khoa: Trong dịp tết, trẻ em thường đi cùng bố mẹ đi chúc tết, chơi tết, đặc biệt là việc ăn uống cũng khác ngày thường, mà ăn uống không điều độ.

Vì vậy để bảo đảm sức khỏe cho trẻ thì cần chú ý những điểm như sau: giữ ấm cho trẻ trong điều kiện thời tiết lạnh, cần cho trẻ ăn uống điều độ, phù hợp, đặc biệt là phải kiểm soát việc ăn uống của trẻ, không để trẻ ăn thoải mái theo ý thích của trẻ trong dịp tết.

Cần giữ chế độ sinh hoạt của trẻ như ăn-ngủ đúng giờ. 

* Con tôi hiện tại 20 tháng tuổi, đã có chích ngừa 1 lần trong bệnh viện khi sinh. Nhưng do tôi thấy thông tin việc thuốc chích ngừa trong thời gian này hay bị phản ứng phụ, nên tôi không dám đưa con đi chích ngừa tới bây giờ. Tình trạng phát triển của con tôi vẫn tốt.

Vậy tôi xin hỏi bác sĩ, bây giờ con tôi phải đi tiêm ngừa bổ sung như thế nào? Và có đi tiêm ngừa bệnh sởi trong lúc này được không và tiêm ở đâu? Tôi cũng đang lo lắng không biết bây giờ có chích ngừa bổ sung cho con tôi được không? Tôi nhờ bác sĩ giúp và tư vấn cho tôi hiểu rõ để tôi thực hiện đúng. Trân trọng kính chào và xin cám ơn bác sĩ nhiều.(Huy Khang, 38 tuổi, huykhangcm@...)

- Thạc sĩ Nguyễn Xuân Tùng: Rất cám ơn câu hỏi của bạn. Tuy nhiên, với trường hợp con của bạn đã được tiêm vắcxin viêm gan B liều sơ sinh tại bệnh viện. Con bạn 20 tháng tuổi thuộc diện tiêm chủng vắcxin sởi-rubella trong chiến dịch, do vậy bạn hãy đưa con mình đến trạm y tế gần nhất để được khám tư vấn và tiêm vắcxin sởi-rubella. Vắcxin sởi-rubella được sử dụng trong chiến dịch là vắcxin đã được WHO (Tổ chức Y tế thế giới) tiền thẩm định về chất lượng và đã được Viện Kiểm định quốc gia vắcxin và sinh phẩm y tế kiểm tra đạt chất lượng trước khi sử dụng.

Bạn hãy yên tâm đưa con bạn đi tiêm chủng để phòng chống cho trẻ.

* Trên thế giới có bao nhiêu nước loại trừ được sởi rồi, loại trừ hoàn toàn là theo tiêu chuẩn gì? Tại sao Việt Nam không loại trừ được? (Mai)

- Tiến sỹ Nguyễn Văn Cường: Trước tiên, cần rõ về khái niệm loại trừ sởi. Một nước được đã đạt được mục tiêu loại trừ bệnh sởi là không có bệnh nhân mắc sởi trong khoảng thời gian là 12 tháng liên tục, trên cơ sở của một hệ thống giám sát tốt.

Tại khu vực Tây Thái Bình Dương đã có 4/32 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đạt mục tiêu loại trừ sởi.

Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu loại trừ sởi, vẫn còn các trường hợp mắc sởi tản phát nên chưa đủ điều kiện để được công nhận là một quốc gia đã đạt được mục tiêu loại trừ bệnh sởi.

* Gần đây các ông có nói miền núi và vùng sâu có nơi chỉ đạt tỷ lệ tiêm chủng 50-60%, liệu đây có phải là khu vực có nguy cơ lây lan dịch?(Thủy 33t)

- PGS-TS Trần Như Dương: Đúng vậy, miền núi vùng sâu vùng xa là những địa bàn khó tiếp cận, dân cư sống rải rác, du canh du cư, nên việc triển khai tiêm chủng gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp tại những vùng này. Chúng tôi gọi đó là những vùng "lõm" về tiêm chủng, tạo nên những lỗ hổng miễn dịch trong cộng đồng, và chính vì vậy những nơi này có nguy cơ cao để dịch bệnh tấn công gây dịch.

Trước tình hình này, Bộ Y tế đã chỉ đạo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và các Vụ, Cục chức năng tìm biện pháp cụ thể để tăng cường tiêm chủng cho vùng khó khăn.

Chúng tôi thống nhất cao về việc duy trì song song hai hình thức tiêm tại trạm y tế và thiết lập các điểm tiêm chủng lưu động tại những vùng khó khăn như đã nêu trên, để đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng cao ở những vùng này.

* Con tôi bị bệnh tim bẩm sinh tứ chứng hiện nay bé hơn 3 tuổi đã mổ tim lần 1, còn phải mổ tiếp lần 2 vào lúc 6 tuổi. Vậy vào thời điểm hiện nay bé có tiêm phòng sởi được không? (Nguyễn Văn Lĩnh, 42 tuổi, linhkt2001@...)

- TS Nguyễn Văn Cường: Tất cả trẻ trước khi tiêm chủng đều được cán bộ y tế khám sàng lọc và chỉ định tiêm chủng.

Nếu bệnh tim của cháu cơ bản đã được giải quyết, được cán bộ y tế khám sàng lọc có đủ điều kiện thì cháu sẽ được tiêm chủng.  

Trường hợp đặc biệt, gia đình có thể đưa cháu đến phòng tiêm chủng của Bệnh viện Nhi T.Ư, để các bác sỹ sàng lọc kỹ hơn và tiêm chủng cho cháu.

* Về khả năng phòng chống và điều trị bệnh sởi sẽ phân công bố trí ra sao? Năm 2014 có xảy ra trường hợp quá tải bệnh nhân và có đến 128 trẻ tử vong tại bệnh viện Nhi T.Ư là hết sức đau xót. Ngành sẽ làm gì để tránh lặp lại việc đau lòng này?(Mai Lâm, 45 t)

- Thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa: Bộ Y tế đã có phân tuyến điều trị cho bệnh nhân, sởi và các bệnh truyền nhiễm khác.

Bộ cũng đã tổ chức tập huấn về chẩn đoán, điều trị bệnh sởi phòng lây nhiễm sởi tại các cơ sở khám bệnh chữa bệnh.

Bộ Y tế đã có công văn chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh thành, y tế các ngành, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư, phương tiện và cơ sở cách ly, để có thể tiếp nhận và điều trị các trường hợp sởi theo đúng phân tuyến điều trị, tránh dồn người bệnh về bệnh viện nhi và bệnh viện T.Ư tuyến cuối.

Tại các bệnh viện, phải bố trí phân luồng, cách ly kịp thời, tránh lây lan bệnh sởi tại các bệnh viện.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân khi con em mình nghi bị sởi, thì không nên đến thẳng bệnh viện tuyến T.Ư, mà hãy đến bệnh viện huyện hoặc trạm y tế xã để được tư vấn.

Trường hợp nhẹ thì điều trị tại nhà, trường hợp nặng mới vào bệnh viện tuyến tỉnh và T.Ư.

* Con em đã 11 tháng tuổi mà chưa được tiêm vắcxin sởi, em nghe mọi người nói nên chờ đến lúc cháu 12 tháng tuổi để được tiêm vắcxin sởi- quai bị- rubella một thể. Em có nên chờ không? Hiện nay, em rất lo vì đang có bệnh sởi (Huyền- Long Biên, Hà Nội)

- PGS-TS Trần Như Dương: Nguy cơ mắc sởi ở trẻ nhỏ là rất lớn, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Thậm chí, trẻ chưa đến tuổi tiêm sởi cũng bị mắc bệnh. Lịch tiêm vắcxin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng bắt đầu từ lúc trẻ 9 tháng tuổi. Chính vì vậy, chị nên đưa cháu đi tiêm vắcxin sởi ngay trong chương trình tiêm chủng mở rộng, mà tuyệt đối không nên chờ đến 12 tháng để tiêm vắcxin dịch vụ. Khi trẻ đủ 18 tháng tuổi thì tiếp tục đi tiêm vắcxin sởi mũi 2 để phòng bệnh sởi cho cháu.

Chương trình giao lưu trực tuyến đã kết thúc, Tuổi Trẻ online và Bộ Y tế chân thành cám ơn bạn đọc đã quan tâm, theo dõi. 

TUỔI TRẺ ONLINE thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên