27/05/2022 13:35 GMT+7

Số phận kỳ lạ của báu vật thời Nguyễn - Kỳ 2: Bảo vật thiêng liêng được giữ gìn

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Lần đầu tiên trong lịch sử, những hiện vật quý, quan trọng và thiêng liêng nhất của triều đại phong kiến cuối cùng mọi người đinh ninh đã mất bỗng được trưng ra khiến người thưởng ngoạn cũng cảm thấy diễm phúc được nhìn ngắm một lần trong đời.

Số phận kỳ lạ của báu vật thời Nguyễn - Kỳ 2: Bảo vật thiêng liêng được giữ gìn - Ảnh 1.

Ấn vàng quốc gia tín bảo thời Gia Long để đóng trên các văn bản triệu tập tướng lĩnh, phát động binh sĩ, trưng binh nhập ngũ... cùng sách vàng về dịp Nguyễn Thế tổ - Gia Long lên ngôi hoàng đế năm 1806 - Ảnh: THÁI LỘC

Bộ sưu tập gồm khoảng 2.500 hiện vật quan trọng nhất, quý giá nhất và linh thiêng nhất của vương triều, vốn đương thời do các ngự xưởng chế tác dành riêng cho các vua và hoàng tộc sử dụng, được quản lý vô cùng nghiêm cẩn.

TS NGUYỄN VĂN CƯỜNG
(nguyên giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam)

Diễm phúc được xem báu vật truyền quốc

Đó là 22 sách vàng, 10 ấn vàng - là một phần của kho báu mà vua Đồng Khánh đòi lại từ quân Pháp - được Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam triển lãm từ cuối tháng 3 đến tháng 8-2016.

Chiều 30-3-2016, có mặt tại Hà Nội, tôi tình cờ ghé Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam thì thật may mắn khi triển lãm "Bảo vật hoàng cung - Kim sách triều Nguyễn (1802 - 1945)" vừa hoàn thành phần trưng bày để kịp ngày mai khai mạc. 

Bảo tàng lúc ấy rất vắng, rất thuận tiện nhìn kỹ mọi thứ. Cảm giác đầu tiên là ngạc nhiên bởi đinh ninh lâu nay những vật báu này đã bị đánh cướp. Kế đến là sự choáng ngợp, mê mẩn xen lẫn bái phục tài nghệ người xưa...

Thuộc hàng cổ nhất trong số đó là ấn (kim bảo) Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo - chữ khắc nổi trên mặt ấn vuông, mỗi cạnh gần 11cm. Phần núm được tạo hình sư tử hí cầu tuyệt đẹp. 

Một bên khắc dòng chữ Hán về ngày đúc: Vĩnh Thịnh ngũ niên thập nhị nguyệt sơ lục nhật tạo (đúc ngày 6 tháng chạp năm Vĩnh Thịnh thứ 5 - 1709). Một bên khắc "chất liệu": kế bát thập kim, lục hốt tứ lạng tứ tiền tam phân (cộng vàng 8 tuổi, 6 thoi, 4 lạng, 4 tiền, 3 phân). Cạnh sau khắc: Lại bộ đồng tri Qua Tuệ Thư giám tạo (quan đồng tri Bộ Lại là Qua Tuệ Thư trông nom việc đúc).

Thật ngạc nhiên khi tấm bia khắc bài minh văn của chúa Minh Nguyễn Phúc Chu ở chùa Thiên Mụ - ngôi quốc tự của triều Nguyễn ở Huế - có khắc dấu chiếc ấn này đè lên niên đại lập bia: Vĩnh Thịnh thập nhất niên tuế thứ Ất Mùi sơ đông chí cát đán lập (ngày đông chí năm Ất Mùi, năm Vĩnh Thịnh thứ 11 - 1715). 

Chiếc ấn do chúa Minh Nguyễn Phúc Chu đúc này về sau được Nguyễn Thế Tổ - Gia Long chọn làm báu vật truyền ngôi cho vương triều Nguyễn. Hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia năm 2016.

Đặc biệt quý giá

32 hiện vật kể trên thuộc bộ sưu tập báu vật mà chính phủ cách mạng trực tiếp nhận từ triều đình Huế, với hơn 2.400 hiện vật có giá trị đặc quý giá, phản ảnh toàn diện đời sống hoàng gia và vương triều Nguyễn. 

Ngoài chất liệu vàng và ngọc có tính phổ biến, có nhiều đồ vật làm bằng đồng đen, kim cương, đá quý, ngà voi, đồi mồi, kim sa, pha lê... Hoa văn chủ yếu là hình rồng 5 móng và hình phượng, biểu tượng của vua và hoàng hậu. 

Ngoài ra là các đề tài biểu tượng cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, cho đấng quân tử và cầu chúc những điều tốt lành trong cuộc sống như phú quý, khang kiện, phúc lộc, trường thọ, may mắn, hạnh phúc...

Đáng chú ý nhất vẫn là 85 ấn vàng và ấn ngọc quan trọng của triều đình. Quý giá bậc nhất vẫn là 2 chiếc ấn vàng truyền quốc của nhà Nguyễn được đúc năm 1709, thời chúa Minh Nguyễn Phúc Chu, là Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo và Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành. 

Các ấn vàng thời vua Nguyễn gồm có: thời Gia Long có Quốc gia tín bảo và Chế cáo chi bảo (cùng đúc năm 1802); thời Minh Mạng có Sắc mệnh chi bảo, Hoàng đế tôn thân chi bảo và Trị lịch minh thời chi bảo (1827); thời Thiệu Trị có Đại Nam hiệp kỷ lịch chi bảo (1847)... 

Các ấn ngọc như: thời Minh Mạng có Hoàng đế chi tỷ (1835), Đại Nam thiên tử chi tỷ (1839); thời Thiệu Trị có Đại Nam hoàng đế chi tỷ (1844), Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ (1846)...

Cùng với đó là tám bảo kiếm tượng trưng vương quyền. Có giá trị đặc biệt không kém phần chính là 93 sách vàng, mạ vàng và 1 cuốn sách bạc của nhà vua ghi dấu các sự kiện, nghi lễ quan trọng của triều đình như: lên ngôi, lập hoàng thái tử, tấn tôn hoàng thái hậu, phong hoàng hậu và các hoàng phi, dâng hoặc ban tôn hiệu, thụy hiệu... 

Sớm nhất có sách vàng do Thế tổ Cao hoàng đế (Gia Long) truy tôn mẹ mình là bà Nguyễn Thị Hoàn làm Quốc mẫu Vương thái phi năm 1796. Sách vàng truy hiệu, thụy hiệu cho các chúa Nguyễn cùng các vương hậu của các chúa; truy tôn cha mình là Nguyễn Phúc Luân và tấn tôn người mẹ Nguyễn Thị Hoàn làm hoàng thái hậu; lập bà Tống Thị Lan làm hoàng hậu...

TS Nguyễn Văn Cường, nguyên giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, nhận xét: "Đây là khối di sản có giá trị đặc biệt của đất nước, là bộ sưu tập cung đình duy nhất và đầy đủ nhất còn tồn tại, phản ảnh toàn diện đời sống hoàng cung của vương triều phong kiến cuối cùng ở Việt Nam".

Số phận kỳ lạ của báu vật thời Nguyễn - Kỳ 2: Bảo vật thiêng liêng được giữ gìn - Ảnh 3.

Ấn vàng Đại Việt quốc Nguyễn chúa Vĩnh Trấn chi bảo đúc năm 1709 được Nguyễn Thế tổ - Gia Long chọn làm báu vật truyền ngôi và được Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia năm 2016 - Ảnh: THÁI LỘC

Nhận từ cung vua

Trước khi trở thành hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, kho báu triều Nguyễn đã "đi lòng vòng" nhiều nơi trong suốt mấy mươi năm. Tại hoàng cung Huế ngày 30-8-1945, hoàng đế Bảo Đại đã trao ấn kiếm thoái vị cho đại diện chính quyền cách mạng bởi các ông Trần Huy Liệu, Cù Huy Cận, Nguyễn Lương Bằng. 

Từ trước đó, vị hoàng đế cuối cùng của vương triều Nguyễn đã đồng ý trao tài sản của vương triều cho chính quyền mà quý giá bậc nhất vẫn là lô báu vật hoàng triều nói trên.

Ông Phạm Khắc Hòe - đổng lý ngự tiền văn phòng triều đình nhà Nguyễn - viết trong cuốn hồi ký Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc rằng: "Chiều ngày 27 và buổi sáng 28 (tháng 8-1945 - PV), tôi cho kiểm điểm lại các thứ tài sản công trong Đại nội để giao lại cho chính quyền cách mạng. 

Nói đến của công trong Đại nội lúc bấy giờ thì quý giá nhất là các đồ vật bằng vàng bạc, ngọc ngà, châu báu có tính chất lịch sử của các đời vua nhà Nguyễn, cất trong một cái hầm lớn dưới mái sau của điện Cần Chánh. 

Hằng năm, ngày 20 tháng chạp âm lịch, triều đình tiến hành lễ Phất thức mở hầm lấy tất cả các thứ ra để kiểm điểm và quét bụi bặm, lau chùi thật sạch rồi lại cất vào hầm khóa lại. Chỉ các quan từ nhị phẩm trở lên mới được dự lễ này và phải tự tay mình làm lấy mọi việc: đưa ra, cất vào, quét dọn, lau chùi...

Trong dịp lễ Phất thức tháng chạp năm Giáp Thân (đầu 1945), tôi đã theo dõi sát việc kiểm điểm và các bản kiểm kê đều được làm lại bằng chữ Quốc ngữ, chứ không phải bằng chữ Hán như trước nữa. Cho nên lần tổng kiểm điểm cuối cùng này tiến hành được khá dễ dàng và tất cả các loại tài sản đều được giao lại cho chính quyền nhân dân đầy đủ và có giấy tờ minh bạch. 

Người thay mặt chính phủ cách mạng lâm thời để kiểm nhận tài sản là ông Bộ trưởng Lê Văn Hiến".

Theo TS Nguyễn Văn Cường, sau khi chính quyền cách mạng tiếp nhận, toàn bộ số tài sản được đưa về Hà Nội. Toàn quốc kháng chiến tháng 12-1946, kho báu được di tản cất giữ ở Liên khu 5, đến 1954 thì được giao cho Bộ Tài chính quản lý cho tới 1959 thì bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam lưu giữ. 

Năm 1962, bộ sưu tập lại được gửi ở Ngân hàng Nhà nước và được lưu giữ theo chế độ đặc biệt, được đựng trong các hòm tôn và đóng trong các thùng gỗ kèm theo danh mục lẫn chìa khóa niêm phong.

Mỗi năm, người của bảo tàng được cử đến kiểm tra niêm phong một lần. Đến năm 2007, bộ sưu tập được bàn giao lại cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam...

**************

Đó là 5 trong số 33 cổ khí "mang tư tưởng trị quốc" của Nguyễn Thánh tổ hoàng đế Minh Mạng, những hiện vật tưởng chừng chỉ nằm trong sử sách.

>> Kỳ tới: Cổ khí tịch thu trước giờ xuất ngoại

Số phận kỳ lạ của báu vật thời Nguyễn: Bất ngờ kho vàng, bạc của triều đình Huế ở Paris Số phận kỳ lạ của báu vật thời Nguyễn: Bất ngờ kho vàng, bạc của triều đình Huế ở Paris

TTO - Hệ thống cổ vật quý báu của hoàng triều nhà Nguyễn, sau các biến cố lịch sử, có thể nói "như chim vỡ tổ", tản mát khắp nơi, nhất là các nước phương Tây. Nhiều cổ vật trong số ấy như có số phận kỳ lạ...

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên