Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vẫn chưa lên tiếng về các phát ngôn của ông, dù người đồng cấp Campuchia Hun Sen đã phản pháo - Ảnh: AFP
Chiều tối 7-6, sau cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan và người đồng cấp Việt Nam Phạm Bình Minh, Bộ Ngoại giao Singapore đã chính thức ra thông cáo, làm rõ những tranh cãi kéo dài gần một tuần qua liên quan đến các phát ngôn của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
"Lá thư chia buồn của Thủ tướng Lý Hiển Long và bài phát biểu của ông tại Diễn đàn an ninh Shangri-La cần được hiểu theo ngữ cảnh khác. Những điều được ông Lý dẫn ra về lịch sử đau đớn trên bán đảo Đông Dương không hề mới. Chúng phản ánh quan điểm đã có từ lâu của Singapore và đã được tuyên bố công khai trước đây.
Thủ tướng sáng lập của chúng tôi, ông Lý Quang Diệu, đã viết về điều này trong hồi ký của mình. ASEAN (bao gồm 5 thành viên khi đó) cũng nêu rõ lập trường của mình đối với Campuchia trong một tuyên bố chung được đưa ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc năm 1979, khẳng định quyền của người dân Campuchia trong việc tự quyết định tương lai của họ, không bị can thiệp hay ảnh hưởng từ các thế lực bên ngoài trong việc thực hiện quyền tự quyết của họ", Bộ Ngoại giao Singapore giãi bày về các phát ngôn ngày 31-5 của ông Lý Hiển Long.
Đã có những phản ứng dữ dội xuất hiện sau khi nhà lãnh đạo đương nhiệm của Singapore có phát ngôn đến hai lần trong cùng một ngày, nói Việt Nam "xâm lược" và "chiếm đóng" Campuchia.
Ngày 7-6, đích thân Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã lên tiếng phản bác trên trang Facebook chính thức.
Bài viết đáp trả của ông Hun Sen trên Facebook - Ảnh chụp màn hình
Ông Hun Sen, người từng trải qua một thời máu lửa khi đánh đuổi Pol Pot dưới sự hỗ trợ của bộ đội tình nguyện Việt Nam, nhấn mạnh những tuyên bố của ông Lý Hiển Long là "sự xúc phạm đến những người lính tình nguyện Việt Nam đã giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng".
"Các phát ngôn của ông Lý đã nói với thế giới và nhân dân Singapore rằng các lãnh đạo Singapore đã nhúng tay vào việc thảm sát người Campuchia", ông Hun Sen đả kích trực diện.
Đáp lại những điều này, Bộ Ngoại giao Singapore khẳng định Singapore không hề có cảm tình với Khmer Đỏ hay muốn lực lượng này trở lại Campuchia như ông Hun Sen chỉ trích.
"Năm 1988, ASEAN đã bảo trợ các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án Khmer Đỏ để đảm bảo nó sẽ không nằm trong bất kỳ chính phủ cuối cùng nào ở Campuchia. Singapore và ASEAN rất muốn cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Campuchia. ASEAN đã đi đầu trong hội nghị quốc tế về hỗ trợ và cứu trợ nhân đạo năm 1980 cho người dân Campuchia, diễn ra dưới sự bảo trợ của Hội đồng Kinh tế và xã hội Liên Hiệp Quốc".
Bộ Ngoại giao Singapore khẳng định việc ông Lý Hiển Long nêu dẫn chứng là Việt Nam và Campuchia nhằm để giải thích cho việc "tài quản trị đất nước và tầm nhìn xa trông rộng đã giúp chấm dứt cuộc chiến tranh bi thảm mà người dân Đông Dương phải chịu đựng, đem lại hòa bình và những hợp tác mà khu vực đang thụ hưởng".
"Ông Lý Hiển Long cũng muốn nhấn mạnh rằng sự ổn định và thịnh vượng của khu vực, cũng như sự thống nhất của ASEAN, không thể được coi là điều hiển nhiên. Những bất ổn địa chính trị hiện nay biến việc tăng cường sự thống nhất, gắn kết và hợp tác giữa các nước ASEAN trở nên quan trọng hơn bao giờ hết", phía Singapore uyển chuyển vấn đề.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh điện đàm với người đồng cấp Singapore - Ảnh: Facebook Thông tin Chính phủ
Về nội dung cuộc điện đàm chiều 7-6, Singapore cho biết: "Hai bộ trưởng đã đồng ý rằng bất chấp sự khác biệt nghiêm trọng trong quá khứ, chúng ta nên tiếp tục đi theo con đường hợp tác, đối thoại hữu nghị".
Theo trang Thông tin chính phủ chính thức của Chính phủ Việt Nam, Singapore đã chủ động đề xuất cuộc điện đàm với phía Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam trước đó đã gửi công hàm, lấy làm tiếc về các phát ngôn của ông Lý Hiển Long.
"Singapore đánh giá cao mối quan hệ với Việt Nam và Campuchia. Cho dù có sự khác biệt trong quá khứ, chúng tôi luôn cư xử với nhau với sự tôn trọng và tình hữu nghị. Quan hệ song phương đã phát triển trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Singapore, Campuchia và Việt Nam luôn hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á khác để cùng xây dựng một ASEAN thống nhất và gắn kết", Bộ Ngoại giao Singapore nhấn mạnh cuối thông cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận