29/06/2018 14:03 GMT+7

Sau vòng bảng, VAR được gì và không được gì?

ĐỨC KHUÊ
ĐỨC KHUÊ

TTO - Lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ World Cup, công nghệ video hỗ trợ trọng tài VAR được áp dụng để điều hành các trận đấu. Nhưng sau vòng đấu bảng, công nghệ này trở thành trung tâm của những sự chỉ trích.

Sau vòng bảng, VAR được gì và không được gì? - Ảnh 1.

Trọng tài Cuneyt Cakir từ chối quả phạt đền của Nigeria sau khi xem VAR - Ảnh: REUTERS

Nói thế không có nghĩa là VAR không đem lại những điều tích cực cho giải đấu. Tính đến nay sau khi vòng đấu bảng kết thúc, các trọng tài đã có đến 24 lần quyết định thổi phạt đền. Đây là số phạt đền kỷ lục trong một kỳ World Cup.

Rất nhiều trong số đó được quyết định sau khi trọng tài chính nghe ý kiến từ tổ VAR, hoặc đích thân đi xem lại băng ghi hình. Quả phạt đền đầu tiên trong lịch sử World Cup được quyết định bởi VAR đến trong trận đấu giữa Pháp với Úc.

Đó là một quyết định chính xác của trọng tài Andes Cunha (Uruguay) khi cho tuyển Pháp được hưởng penalty. Ngoài ra, các cặp đấu Thụy Điển - Hàn Quốc (Bảng F), Ả Rập Xê Út - Ai Cập (Bảng A)... cũng chứng kiến các lần phạt đền được quyết định chính xác nhờ có VAR.

Không chỉ ở các lần cắt còi phạt đền, VAR cũng đã làm tốt nhiệm vụ hỗ trợ ở những tình huống ghi bàn không rõ ràng. VAR được khen ngợi rất nhiều khi giúp trọng tài Mark Geiger (Mỹ) công nhận bàn thắng của Kim Young Gwon vào lưới tuyển Đức.

Trước đó, bàn thắng của cầu thủ Hàn Quốc bị bỏ qua do lỗi việt vị. Nhưng tình huống quay chậm cho thấy cầu thủ Đức mà chính xác là Kroos đã chuyền về. Bàn thắng đó giúp mở ra chiến thắng lịch sử 2-0 của đại diện châu Á, đồng thời tiễn các nhà đương kim vô địch về nước sớm.

Sau vòng bảng, VAR được gì và không được gì? - Ảnh 2.

Việc hỗ trợ trọng tài công nhận bàn thắng của Kim Young Gwon giúp VAR được khen ngợi - Ảnh: REUTERS

VAR giúp mang lại những quyết định chính xác hơn cho các trọng tài. Tuy nhiên không phải lúc nào xem VAR các trọng tài đều quyết định thổi phạt.

Không rõ do vô tình hay cố ý, mà các đội bóng châu Phi lại luôn là tâm điểm của các tranh cãi liên quan đến VAR. Tình huống khiến báo giới lẫn các nhà chuyên môn bình luận gay gắt nhất cho đến nay có lẽ xuất hiện trong trận đấu giữa Nigeria và Argentina.

Tình huống xảy ra ở phút thứ 75 khi tỉ số là 1-1, Marcos Rojo rõ ràng để bóng chạm tay trong vòng cấm sau đường chuyền của một cầu thủ Nigeria. Trọng tài chính Cuneyt Cakir quyết định xem lại băng ghi hình, khiến nhiều người tin sẽ có quả phạt đền cho đội bóng châu Phi. Song ông lại lắc đầu từ chối. Argentina sau đó tìm được bàn ấn định chiến thắng 2-1, tiễn Nigeria về nước. Mọi chuyện có thể đã rất khác, nếu như đó là quả phạt đền cho Nigeria.

Còn với Senegal, họ cũng bị khước từ quả phạt đền rõ ràng trong trận đấu với Colombia. Cái chân của Davinson Sanchez rõ ràng có tác động khiến Sadio Mane ngã xuống. Nhưng một lần nữa, các trọng tài bỏ qua dù đã xem VAR. Thua Colombia, Senegal bị loại vì kém Nhật về chỉ số fair-play.

Một trong những lý do khiến người hâm mộ không thích VAR là vì nó làm tốn quá nhiều thời gian, gây ảnh hưởng đến mạch cảm xúc của trận đấu.

Vậy là sau vòng đấu bảng, VAR đang cho thấy cả hai mặt tối và sáng. Dù có thể nó tạo ra một số ảnh hưởng xấu, nhưng ở một góc độ nào đó nó đem đến nhiều điều khó đoán cho người xem. Ở vòng knock-out, việc VAR được vận hành thế nào xem ra vẫn một dấu hỏi.

Trọng tài Cakir nổi tiếng với những tai tiếng Trọng tài Cakir nổi tiếng với những tai tiếng

TTO - Trọng tài người Thổ Nhĩ Kỳ Cuneyt Cakir - người từ chối quả đá 11m của Nigeria sau khi bóng chạm tay Marcos Rojo của Argentina để tay chạm bóng trong vòng cấm - từng nổi tiếng với rất nhiều quyết định gây tranh cãi trong quá khứ.

ĐỨC KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên