20/06/2018 10:06 GMT+7

VAR - biểu tượng pháp trị của FIFA

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Giữa áp lực đội tuyển quốc gia và thanh danh cá nhân, bạn chọn cái nào? Đặt trong hoàn cảnh ban tổ chức... không tin bạn, bạn có thay đổi lựa chọn không?

VAR - biểu tượng pháp trị của FIFA - Ảnh 1.

M’Baye Niang (19) ăn mừng bàn thắng vào lưới Ba Lan - Ảnh: REUTERS

M’Baye Niang vào sân chớp nhoáng và ghi bàn lạnh lùng giúp Senegal nâng tỉ số lên 2-0 ở trận gặp Ba Lan tại World Cup 2018. Bàn thắng này sẽ còn gây tranh cãi. Nhưng chắc chắn với những ai khó tính, đồng đội của Niang, Ismaila Sarr mới là người đáng trách hơn.

Đúng vậy, khi Senegal đã dẫn tới hai bàn, trong đó có một bàn tranh cãi, mà còn giả vờ ngã kiếm phạt đền, không đáng trách sao được. Xấu quá!

Nỗi lòng của những người hùng

"Đối với thế giới này, em chỉ là một người. Đối với anh, em là cả thế giới".

Những tay sát gái siêu hạng không xa lạ gì câu nói "đốn tim" kiểu này. Nhưng, trớ trêu thay, đó là một câu nói... đúng.

Cho đến tận tháng 4-2018, người Ireland vẫn nhớ rõ Thierry Henry đã gây ra lỗi lầm như thế nào với đội bóng của họ. Henry - một chân sút người Pháp lịch lãm - đã dùng tay chạm hai nhịp, đồng nghĩa đây là hành vi cố ý, để hãm bóng trước lúc chuyền cho William Gallas ghi bàn vào lưới Ireland, đưa đội tuyển Pháp vào vòng chung kết World Cup 2010.

Đối với người hâm mộ bóng đá đẹp, hành động của Henry đi ngược lại tinh thần thể thao. Nhưng đối với người Pháp, thì mặc kệ. Henry vẫn là cái tên xuất chúng trong lịch sử bóng đá Pháp, và chính xác với những hi vọng trước kỳ World Cup 2010 thảm họa, người Pháp xem Henry là "cả thế giới".

Hai khía cạnh tương tự cũng được bàn đến rất nhiều trong những trường hợp của Diego Maradona, Diego Simeone, Marco Materazzi, Rivaldo, Cristiano Ronaldo, hay Luis Suarez sau này. World Cup luôn chứng kiến những siêu sao, mà sao tràn ngập tiểu xảo đến vậy?

Hầu hết những lý giải bênh vực người chơi xấu đều quy về một mối: bản năng.

Miroslav Klose hay Paolo Di Canio có thể là tấm gương cho tinh thần chơi đẹp khi từ chối những quả phạt đền xuất phát từ sai lầm của trọng tài. Nhưng họ làm điều đó ở những trận đấu khuôn khổ giải vô địch quốc gia, là một vòng đấu bình thường trong số vài chục vòng đấu, chứ chưa phải mang tính chất như World Cup hay trận play-off tranh suất vào vòng chung kết World Cup. Có thể họ cũng sẽ từ chối. Có thể họ không.

Khi đứng trước một bên là "trách nhiệm quốc gia" - theo kiểu người ta hay gán cho các tuyển thủ, và một bên là tinh thần thể thao, quả thực rất khó lựa chọn. Huống chi, đó chỉ là tình huống diễn ra rất nhanh. Trong một tích tắc, bắt chọn trà sữa hay cà phê, bạn còn phải suy nghĩ nữa là.

Phủ nhận giá trị "con người" trong trọng tài

VAR - biểu tượng pháp trị của FIFA - Ảnh 2.

Trọng tài sử dụng VAR tại World Cup 2018 - Ảnh: REUTERS

Khi hi vọng vào lòng trắc ẩn của cầu thủ là vô vọng, người ta chỉ còn cách đặt niềm tin vào luật lệ. Và vậy nên trận đấu bóng đá nào cũng phải có trọng tài. Trọng tài chính làm không xuể, ta có thêm trợ lý trọng tài. Trợ lý làm cũng chưa xong, ta có VAR.

Người ta cũng nói rất nhiều về VAR. Ngoài sự ủng hộ về tính chính xác, nó cũng bị phản đối vì làm mất chất "người" của những trận đấu, vì nó đi ngược lại với một tam đoạn luận như sau: Con người luôn có sai lầm - trọng tài là con người - nên trọng tài có sai lầm.

Còn nói theo cách thẳng thừng hơn, VAR là một cách phủ nhận giá trị con người của những trọng tài. 

Sự tồn tại của trọng tài như một nhân tố trong đường pitch được tôn vinh như cách nhiều cổ động viên tại World Cup 2018 thường lôi lại những tấm hình về ông Pierluigi Collina, một trọng tài người Ý có gương mặt sắc lạnh và những quyết định đố ai cãi được. 

Mà dù tài cỡ nào, Collina vẫn cùng lắm được ví là "phiên bản gần với robot nhất", chứ chẳng thể là robot được.

Nếu xem VAR là giải pháp tốt nhất, hẳn những người điều hành của Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA đều là những nhà pháp trị, với quan niệm pháp luật là công cụ hữu hiệu nhất để đem lại công bằng của Hàn Phi vài trăm năm trước Công nguyên.

Mà nếu vậy, trong mắt FIFA có sự thừa nhận rằng, bóng đá giờ là một ngành công nghiệp và có tác động xã hội to lớn, nên nó không còn là một trò chơi giải trí. Do đó, pháp luật, luật lệ vì vậy phải nghiêm. Những sai lầm của trọng tài, hay việc cầu thủ mánh lới, không còn là chủ đề giải trí.

Vì sao VAR bỏ qua tình huống Kane bị vật trong vòng cấm? Vì sao VAR bỏ qua tình huống Kane bị vật trong vòng cấm?

TTO - Trận đấu giữa tuyển Anh với Tunisia xảy ra tình huống gây tranh cãi khi Harry Kane bị vật ngã trong vòng cấm nhưng các trọng tài cũng như VAR lại bỏ qua. Vì sao lại như thế?

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên