16/04/2014 08:51 GMT+7

Sau "hai ngàn ngày oan trái"

NGUYÊN LINH - TIẾN LONG
NGUYÊN LINH - TIẾN LONG

TT - Từ một giảng viên đại học 27 tuổi tương lai phơi phới, một vụ án oan khiên đã cướp đi của ông tất cả. Và bây giờ ông trở thành một người tàn phế.

Kịch Lưu Quang Vũ lên sóng VTVNgười ám sát tổng thống DiệmNgười đàn bà “hủi” thành tỉ phú

WYFF6bGT.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Sỹ Lý với bản thảo gốc vở kịch Trái tim trong trắng của Lưu Quang Vũ - Ảnh: Nguyên Linh

Nỗi oan trái của ông Nguyễn Sỹ Lý đã được Lưu Quang Vũ viết thành vở kịch Trái tim trong trắng, sau này nhiều nhà hát dàn dựng lại với tên Hai ngàn ngày oan trái.

Chuyện đời đắng cay

Đêm oan nghiệt

Đã hơn 30 năm, ông Nguyễn Sỹ Lý vẫn nhớ như in cái đêm 28 Tết Quý Hợi 1983 oan nghiệt khiến gia đình ông tan nát.

Tối đó, ông Nguyễn Sỹ Huỳnh mang chiếc nồi nấu bánh chưng đi trả cho nhà hàng xóm.

Đèn pin trên tay ông vô tình quét qua mặt hai anh em Bùi Văn Vinh và Bùi Văn Lai đi chơi về.

Lai sấn tới chửi tục, vung chân đá bay chiếc đèn pin, rồi lao vào đánh ông. Hoảng sợ, ông Huỳnh vùng chạy về nhà kêu lớn: “Các con ơi cha bị đánh”.

Nghe tiếng kêu cứu của cha, ba anh em Lý cùng chạy ra ngõ nhưng không thấy ai nên trở vào nhà chuẩn bị đón năm mới.

Khi thấy người nhà ông Huỳnh chạy ra đông, Vinh hoảng quá chạy nấp vào một bụi cây, còn Lai cầm quả lựu đạn quay lại ném về hướng nhà ông Huỳnh rồi bỏ chạy.

Lúc này, Vinh từ trong bụi chui ra, cố chạy theo kịp anh. Trong đêm tối, Lai tưởng rằng người nhà ông Huỳnh đuổi đánh nên quay lại dùng dao đâm thẳng vào ngực em mình.

Vinh chết, Lai không nhận đâm nhầm em trai mà lại đổ tội cho cha con ông Huỳnh.

Ngay sáng hôm sau, Công an huyện Quỳ Hợp về điều tra. Bốn cha con ông Huỳnh lập tức bị bắt giam vì bị tình nghi giết người.

Chúng tôi ngược lên đường Hồ Chí Minh, tìm về thị trấn Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) gặp lại con người của nỗi oan ngút trời ngày nào.

Nghe tiếng chó sủa đầu ngõ, ông Lý níu tay lên bức tường, lết bước chân nặng nhọc ra mái hiên đón khách.

Năm 1980, Lý tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp Hà Nội và được bố trí vào giảng dạy tại Đại học Tây nguyên, về quê ăn Tết Quý Hợi 1983 thì vụ giết người xảy ra.

Ông Lý thở dài: “Rơi vào hoàn cảnh đó, mình không còn cách nào khác là phải nhận tội”.

Nhận tội, Lý bị phạt 17 năm tù. Từ đây cuộc đời Lý bước sang một ngã rẽ đớn đau.

Giọng đượm buồn, ông nói: “Tôi đi tù, vợ trẻ một mình nuôi con dại, cha mẹ tôi đổ bệnh, anh trai bị dọa đuổi việc, em trai bị khai trừ đảng, không được đi học đại học và hai em gái học hành dang dở. Tôi trở thành người tàn phế...”.

Ròng rã thời gian ông Lý ở tù, ông Nguyễn Sỹ Huỳnh (cha ông Lý) đi ăn xin để lấy lộ phí kêu oan cho con trong vô vọng.

Ở tù 5 năm, may mắn được người bạn tù minh oan, đến giữa năm 1988 tòa tái thẩm TAND tối cao tuyên Nguyễn Sỹ Lý vô tội, nhưng khi ông trở về mọi thứ đã không còn như xưa.

“Sau khi được minh oan, tôi liên lạc với Đại học Tây nguyên và được nhà trường nhận trở lại giảng dạy. Nhưng trường yêu cầu tòa án phải trực tiếp đưa tôi vào xin lỗi trường vì xử oan người của trường. Với sức ép của tỉnh, tòa chấp nhận vào trường xin lỗi, nhưng tòa gửi giấy mời ghi ngày 15-7-1990 yêu cầu tôi có mặt tại trụ sở tòa án để đưa tôi vào Tây nguyên xin lỗi trường, nhưng khi tôi nhận được giấy mời đã là ngày 21-7-1990. Tôi khiếu nại nhiều nơi nhưng sự việc rơi vào im lặng” - ông Lý kể lại sự việc.

Uất hận, đau đớn khiến ông Lý tai biến mạch máu não. Ra tù được hai năm thì ông bị liệt tứ chi. Dù chữa trị nhiều nơi nhưng đến nay chân phải vẫn bại liệt, hai cánh tay không còn làm được công việc nặng. Mỗi khi di chuyển, ông Lý phải cậy vào chiếc nạng gỗ.

Cám cảnh trước nỗi oan trái của ông, có công ty nhận ông vào làm việc, nhưng vì sức khỏe yếu, ông đành ngậm ngùi trở về nhà làm việc vặt giúp vợ và nuôi các con ăn học.

“Đại ca gấu đen” phá án

Chúng tôi vào huyện Tân Kỳ tìm gặp “gấu đen” Cao Tiến Mùi, người đã giúp minh oan cho ông Lý. Vợ chồng ông Mùi sống đạm bạc trong căn nhà hai gian tuềnh toàng nằm hút sâu trong xóm núi thôn Bàu, xã Nghĩa Dũng.

Ông từng là người lính chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, tháng 8-1975 xuất ngũ trở về quê lấy vợ mà không biết mình đã mang trong người chất độc dioxin. Vợ chồng ông có năm người con thì hai đứa đã chết do chất độc này.

“Năm 1982 vợ con đói quay quắt, tôi đánh liều lẻn vào nhà kho của hợp tác xã lấy trộm một bao phân đạm thì bị bắt” - ông Mùi giọng cay đắng.

Thời ở tù ông Mùi được tù nhân nể sợ tôn là “đại ca gấu đen”. Ông Mùi nhớ lại: “Tôi gặp Lý ở trại giam. Nghe Lý kể chuyện bị ép cung, phải nhận tội để cứu cha nên tôi hứa sau khi ra tù sẽ tìm cách giải oan cho Lý”.

Khi ra tù, ông Mùi giả danh đến làng quê của Lý điều tra. Ông kể: “Thấy tôi đi xe con, ăn mặc sang trọng, xách cặp táp về gặp Lai - thủ phạm giết người, cả làng cứ nghĩ tôi là cán bộ trung ương. Sau này, chủ tịch xã ký và đóng dấu xác nhận vào bản thú tội của Lai mà không dám hỏi tôi giấy tờ gì”.

Kể về quá trình nhập vai điều tra, ông Mùi nói do nhiều lần bị công an hỏi cung nên học hỏi được kinh nghiệm.

Khi có bản thú tội của Lai với nội dung thừa nhận chính mình đâm chết em trai, có cả chữ ký và con dấu xác nhận của chính quyền xã, ông Mùi và ông Huỳnh tức tốc ra Hà Nội, đến Viện KSND tối cao kêu oan cho Lý.

Đến ngày 21-12-1987, TAND tối cao ra quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, đồng thời tạm tha tù cho ông Lý. Giữa năm 1988, tòa tái thẩm TAND tối cao tuyên Nguyễn Sỹ Lý vô tội. Sau đó, Lai bị bắt giam và bị phạt 5 năm tù treo.

Hóa giải hận thù

Trầm ngâm lúc lâu, ông Lý tâm sự trả thù cũng chẳng được gì nên ông chọn tha thứ và coi đó là số phận của ông. Vào một buổi chiều cuối năm 2001, buổi gặp gỡ giữa Lý - Lai - Mùi được tổ chức tại nhà ông Lý.

Hôm đó, Bùi Văn Lai đã cúi đầu nhận tội vì đã vu oan ông Lý giết em mình, còn ông Lý - người chịu 2.000 ngày oan trái trong tù - đã rộng lòng tha thứ. Họ bắt tay nhau hóa giải mọi hận thù, hứa phấn đấu trở thành bạn tốt của nhau.

Ông Lý nói: “Suốt 30 năm qua, vợ tôi phải chạy chợ từ mờ sáng đến sẩm tối mới về nhà. Từ hai ba giờ sáng hai vợ chồng phải dậy làm hàng để kiếm miếng ăn”.

Không làm được công việc nặng, vợ chồng ông làm nghề chế biến đậu phụ, gói chả giò, rồi nuôi gà. Hai vợ chồng động viên nhau làm ăn trong gian khó, nuôi ba người con ăn học.

Cuộc sống bộn bề khó khăn nhưng niềm hạnh phúc lớn của vợ chồng ông là cả ba người con đều lần lượt vào đại học.

Ba năm trước, con gái đầu của ông đang làm giảng viên một trường đại học đã chết một cách bí ẩn trước ngày cưới.

Hiện con gái thứ hai đang làm việc ở TP.HCM, còn con trai út đã tốt nghiệp Đại học Xây dựng vẫn chưa xin được việc làm.

Lết bước chân tập tễnh ra tiễn khách, ông thủ thỉ: “Tôi bị tàn tật, nay đau mai ốm, chỉ mong được sum vầy bên con cái. Giá như con tôi xin được việc làm ở quê để sớm hôm gần gũi, đỡ đần cho vợ chồng tôi thì hay biết mấy...”.

NGUYÊN LINH - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên