04/11/2018 15:12 GMT+7

Sau chỉ đạo của lãnh đạo Đà Nẵng, đất Hòa Xuân 'giảm nhiệt'

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Ngay sau khi lãnh đạo TP Đà Nẵng chỉ đạo công an điều tra vụ làm giả văn bản nhằm thổi giá đất ở Hòa Xuân, giao dịch ở khu vực này trong hai ngày cuối tuần (3 và 4-11) đã có dấu hiệu bớt nhiệt, không còn xôm tụ như những ngày trước.

Sau chỉ đạo của lãnh đạo Đà Nẵng, đất Hòa Xuân giảm nhiệt - Ảnh 1.

Khá nhiều kiốt giao dịch bất động sản ở Hòa Xuân đóng cửa. - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online trong ngày 4-11, số kiốt giao dịch đất mở cửa đã giảm đi rất nhiều so với những ngày trước đó. Mặc dù là ngày cuối tuần nhưng dọc theo tuyến đường Nguyễn Phước Lan và trục cầu Minh Mạng (nơi tập trung chủ yếu hoạt động giao dịch) vẫn có hơn 50% số quầy "cửa đóng then cài". 

Anh Lê Bình, một người chuyên nhận ký gởi bất động sản khu vực Nam Hòa Xuân, cho biết hai hôm nay thị trường đã bớt nhiệt, tình trạng "sáng một giá chiều một giá" tại đây đã không nữa.

Theo anh Bình, trong vòng nửa cuối tháng 11 trung bình mỗi ngày quầy anh tiếp nhận tầm 50 khách đến tìm hiểu thông tin nhưng hai hôm nay khách đến quầy thưa hẳn. "Hợp đồng cọc mua đất thì tùy duyên khó nói trước được. Nhưng thị trường sôi động hay không thì nhìn chủ đất ký gởi là biết. Cứ sáng giá chiều giá tức là nhiều người hỏi mua. Hai hôm nay thì giá nhận ký gởi vào quầy cũng không thay đổi nhiều"- anh Bình nói.

Sau chỉ đạo của lãnh đạo Đà Nẵng, đất Hòa Xuân giảm nhiệt - Ảnh 2.

Một văn phòng giao dịch đất vắng vẻ trên trục đường Minh Mạng nối dài - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Theo ghi nhận, khu vực giá đất tăng nhanh và sôi động nhất là Nam Hòa Xuân.

 Anh T., một người môi giới bất động sản, cho biết chỉ trong vòng tháng 10 vừa qua, giá đất tại khu vực Nam Hòa Xuân đã tăng chừng 20-40% giá trị mỗi lô. Trung bình mỗi lô tăng từ 300-700 triệu đồng.

Sau chỉ đạo của lãnh đạo Đà Nẵng, đất Hòa Xuân giảm nhiệt - Ảnh 3.

Đây là vị trí mà các đối tượng làm giả công văn nói sẽ xây cầu Bùi Tá Hán nối với Hòa Xuân- Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Theo ông Nguyễn Lê Đình Quý - chuyên gia kinh tế tại Đà Nẵng, người dân cần tỉnh táo và thận trọng khi đầu tư vào đất tại Hòa Xuân trong giai đoạn hiện nay.

Theo ông Quý, việc giá đất lên cao những ngày qua là do chính các nhà đầu tư đẩy giá và làm giá thông qua việc mua đi bán lại. Ngoài ra, đang có một số thành phần đầu cơ đồn thổi sốt đất, tạo tâm lý cháy hàng, khiến giá đất "nhảy múa".

Chiêu thức thổi giá của cò đất là bơm thông tin liên tục đến các nhóm, hội buôn bán bất động sản trên các mạng xã hội nhằm thu hút khách hàng. Sau đó, cũng chính nhóm này sẽ mua đi bán lại cho đến lúc khách hàng mua với giá cao.

"Những người này khi đã chốt được lợi thì rút lui. Những khách hàng, nhà đầu tư nào ôm đất sẽ chịu hậu quả"- ông Quý phân tích.

Như Tuổi Trẻ online thông tin, văn bản giả đề ban hành vào ngày 31-10-2018 có nội dung: "Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giao Sở GTVT tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng cầu nối từ đường Bùi Tá Hán sang khu đô thị sinh thái Hòa Xuân. Phê duyệt hình thức đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách TP và các nguồn vốn hợp pháp khác". 

Ngay sau đó hàng loạt trang cá nhân của người chuyện mua bán bất động sản cùng chia sẻ văn bản này tạo nên một cơn sốt đất. Trong tối 1-11, TP Đà Nẵng phát đi thông báo "văn bản giả mạo", ngày 2-11 lãnh đạo TP Đà Nẵng yêu cầu công an vào cuộc điều tra.

Sau chỉ đạo của lãnh đạo Đà Nẵng, đất Hòa Xuân giảm nhiệt - Ảnh 4.

Đường Bùi Tá Hán nhìn sang khu vực Hòa Xuân- Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên