06/09/2016 09:18 GMT+7

​Sao nỡ lấy đi “buổi mai” của các em

NGUYỄN TRƯỜNG UY
NGUYỄN TRƯỜNG UY

TTO - “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh” mà thế hệ đi trước đã trao truyền, sao bây giờ lại nỡ lấy đi ấn tượng ý nghĩa ban đầu của các em?

“Học 2 tuần rồi mới nghe tiếng trống khai giảng thì đâu còn ý nghĩa gì” - nhận định đó của ông Nguyễn Đình Vĩnh, giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, không phải là mới. Bởi bao năm nay đã có rất nhiều người nói, rất nhiều người đề xuất thay đổi, nhưng tình trạng học sinh đi học từ rất lâu trước khai giảng cứ tồn tại như một thói quen mặc định khó sửa.

Nhưng năm nay Đà Nẵng đã quyết sửa. Đây là năm đầu tiên Đà Nẵng không tổ chức dạy trước cho các em như trước đây, học sinh được nghỉ trọn vẹn 3 tháng hè và tựu trường ngày 1-9 để chuẩn bị cho lễ khai giảng ngày 5-9.

Không cần học trước nhưng Đà Nẵng cũng dạy đủ chương trình học 37 tuần theo quy định của Bộ GD-ĐT, dự kiến kết thúc vào ngày 31-5.

Việc không cần phải học trước để đến ngày 5-9 học sinh nô nức tựu trường như vậy đã không chỉ không “cắt” đi hai tuần nghỉ hè vui thú của các em mà còn tạo cho các em một ngày tựu trường đúng nghĩa, bởi đã vào học hai tuần rồi mới nghe tiếng trống khai giảng thì với cả học sinh lẫn thầy cô giáo chỉ là hình thức.

Cũng là một thói quen mặc định đã tồn tại nhiều năm áp dụng cho hầu hết các lễ khai giảng trên cả nước: hiệu trưởng đọc báo cáo thành tích, lãnh đạo phát biểu, học sinh hứa dài lê thê... Lãnh đạo cứ phát biểu, thầy cô bên dưới cứ nói chuyện, học sinh cứ thầm thì với nhau..., thêm vài ba tiết mục văn nghệ rồi ra về.

Năm nay, dù sở GD-ĐT nhiều địa phương đã yêu cầu các lãnh đạo đến dự lễ khai giảng không phát biểu, hiệu trưởng thôi “kính thưa” báo cáo thành tích, dành thời gian nhiều cho phần hội hơn phần lễ, song vẫn theo thói quen, “điệp khúc” đâu vẫn vào đó ở nhiều nơi.

Bạn Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh tại Nhật Bản, cho hay xứ Phù Tang gọi ngày đầu năm học là ngày nhập học, tức ngày bắt đầu học. Ngày đó, buổi lễ tổ chức thường ngắn gọn nhưng đầy cảm xúc, các thầy cô giáo đến trường để phục vụ học sinh, ví dụ hiệu trưởng cũng như giáo viên lo tổ chức cho các em diễn kịch hay hát đồng ca.

Điều này rất khác ở Việt Nam chúng ta, các lễ khai giảng thường nặng về hình thức với phông màn cờ bay, bàn ghế khách mời, lãnh đạo phát biểu chỉ đạo, hiệu trưởng “kính thưa” dài dòng mà ít chú trọng đến chủ thể chính của buổi lễ là học sinh.

Đó là chưa nói đến việc ngành giáo dục bao năm qua vẫn gọi ngày đầu tiên đi học của các em là ngày khai giảng, trong khi đúng ra nên là lễ nhập học, lễ tựu trường, lễ khai trường... - đặt học sinh lên hàng đầu.

Việc chú trọng phần lễ trong ngày tựu trường đã “bỏ quên” các em trong ngày đầu tiên của cuộc đời học sinh hay ngày đầu tiên sau một mùa hè xa bạn xa thầy xa trường vốn cần sự thân mật cho những cuộc hội ngộ nghĩa tình.

Việc nhiều năm qua các trường cứ ép học sinh học sớm rồi mới rình rang lễ khai giảng nặng hình thức như vậy đã làm nhạt nhòa một ngày vô cùng ý nghĩa với chính các em, với thầy cô giáo và cả phụ huynh.

Để đến bây giờ, cả học sinh lẫn thầy cô giáo lẫn phụ huynh, ít ai xem đó là một ngày quan trọng như bản chất vốn có của nó nữa.

Người lớn chúng ta bao chục năm qua vẫn còn sống mãi niềm nhớ của những ngày tựu trường và những “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh” mà thế hệ đi trước đã trao truyền, sao bây giờ lại nỡ lấy đi ấn tượng ý nghĩa ban đầu của các em...

NGUYỄN TRƯỜNG UY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên