11/11/2019 10:22 GMT+7

Sáng tạo trẻ từ hơi thở cuộc sống

KIM ANH
KIM ANH

TTO - Trong hai ngày 9 và 10-11, liên hoan “Tuổi trẻ sáng tạo TP.HCM” lần 10 năm 2019 đã được Thành đoàn TP.HCM tổ chức, thu hút hàng ngàn bạn trẻ tham gia.

Sáng tạo trẻ từ hơi thở cuộc sống - Ảnh 1.

Các học sinh tham gia cuộc thi lắp ráp và lập trình Robot Myor tại liên hoan - Ảnh: K.ANH

Dịp này, chương trình "Trí thức khoa học trẻ tình nguyện" do Thành đoàn TP.HCM tổ chức cũng đã tổng kết 10 năm triển khai trong thực tế, kết nối nhiều trí thức trẻ tình nguyện vì cộng đồng.

“Các em học sinh đã rất say mê tìm cách đưa ý tưởng vào thực tế, do vậy tôi đã hỗ trợ các em tìm hiểu và ứng dụng phần lập trình của môn tin học vào sản phẩm. Giúp các em đam mê sáng tạo là điều rất cần thiết và bổ ích.

Thầy NGUYỄN ĐÌNH PHỤNG (giáo viên tin học Trường THCS Lý Tự Trọng)

Sân chơi của những bạn trẻ đam mê sáng tạo

Phạm Hữu Tài - sinh viên năm 4 khoa cơ khí Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM - cho hay nhóm gồm bốn bạn đều học chung lớp nhưng lại đam mê ứng dụng kiến thức tự động hóa vào nông nghiệp. "Nhóm chia nhau đến các nông trại học hỏi kinh nghiệm nông nghiệp để làm mô hình trồng rau thủy canh. 

Điều khác biệt chính là mô hình được dùng để trồng rau trong nhà, mọi thứ đều hoàn toàn tự động, điều khiển qua điện thoại thông minh" - Tài cho hay. Thiết bị trồng rau trong nhà của các bạn ra đời vì nhu cầu thực tế của các gia đình tại đô thị, thiếu đất trồng rau. Mô hình vừa nhỏ gọn vừa có thể trang trí cho không gian nhà thêm mảng xanh. Tài cho biết nhóm mình cũng đang chuẩn bị khởi nghiệp, đưa sản phẩm ra thị trường.

Còn mô hình xe lăn điện do nhóm sinh viên Trường đại học Công nghiệp TP.HCM đem đến liên hoan cũng được ra đời từ thực tế cuộc sống. Bạn Huỳnh Quang Linh cho biết cả ba người trong nhóm đều học cùng khoa động lực, vì nhìn thấy những người khuyết tật dùng xe lăn cơ học rất vất vả.

Cả nhóm cùng nghiên cứu ứng dụng những kiến thức tự động để chiếc xe lăn dùng điện sẽ dễ dàng hơn cho người khuyết tật sử dụng khi cần di chuyển. "Mình mong muốn có sự hỗ trợ hoặc hợp tác từ các doanh nghiệp hay nhà đầu tư để mô hình được thương mại hóa, nhằm phục vụ nhu cầu di chuyển của người khuyết tật một cách tốt nhất" - Quang Linh chia sẻ.

"Thuyền điều khiển lượm rác trên sông" của nhóm Kiều Bạch Như Ý, học sinh lớp 9 Trường THCS Lý Tự Trọng (Q.Gò Vấp), lại là sáng kiến ứng dụng việc sử dụng nguyên liệu tái chế, kết hợp với kiến thức lập trình của môn tin học. Mong muốn của các bạn là chiếc thuyền sẽ được sử dụng trên sông, kênh rạch để lượm rác giúp công nhân vệ sinh bớt vất vả. Quan trọng hơn, nhóm gởi gắm thông điệp bảo vệ môi trường và thay đổi thói quen xả rác ra kênh rạch của một số người.

Trong khi đó, cuộc thi lắp ráp và lập trình Robot Myor tại liên hoan cũng tạo môi trường cho gần 90 đội với hàng trăm học sinh từ tiểu học đến THPT thỏa sức ứng dụng kiến thức lập trình vào thực tế. Gian hàng khám phá vũ trụ khiến nhiều bạn tò mò nheo mắt nhòm vào những ống kính thiên văn để khám phá bầu trời, thiên nhiên xung quanh...

10 năm trí thức trẻ tình nguyện vì cộng đồng

Năm 2010, chương trình "Trí thức khoa học trẻ tình nguyện" lần đầu tiên được Thành đoàn TP.HCM tổ chức. Chương trình đã phát huy tinh thần xung kích tình nguyện của trí thức, khoa học trẻ vào quá trình xây dựng và phát triển TP, đất nước. 10 năm qua, chương trình đã tổ chức 600 chuyên đề tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 50.000 người với hơn 2.000 lượt trí thức trẻ tham gia.

Giao lưu trong buổi tổng kết, anh Nguyễn Công Tĩnh - nguyên giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ, người đưa ra ý tưởng xây dựng chương trình này - đã gợi ý thêm nhằm thu hút nhiều hơn nữa đội ngũ trí thức khoa học trẻ. "Chương trình nên kết nối nhiều hơn nữa đội ngũ trí thức khoa học trẻ thông qua app trên điện thoại với các nhóm chuyên môn để ai thích thì sẽ tham gia. 

Chương trình cũng nên kết nối với các trí thức khoa học trẻ đang du học, làm việc ở nước ngoài để cùng hỗ trợ cho chương trình, chuyển giao những tiến bộ khoa học của thế giới về Việt Nam" - anh Tĩnh nói.

"Mình xem mỗi chuyến tham gia tình nguyện đến với bà con là một lần góp chút sức nhỏ vào xây dựng vùng biển đảo, quê hương. Mình còn nhiều trăn trở, mong bà con có thể làm giàu từ lĩnh vực nông nghiệp nên sẽ còn tiếp tục những chuyến đi" - tiến sĩ Nguyễn Hữu Trí, giảng viên Trường đại học Nông lâm TP.HCM, chia sẻ.

Anh Ngô Minh Hải, phó bí thư Thành đoàn TP.HCM, cho rằng liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo là ngày hội để tuổi trẻ TP giới thiệu đến đông đảo người dân và thanh thiếu nhi về những mô hình, ý tưởng sáng tạo của các cá nhân, tập thể tiêu biểu, đóng góp trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, sáng tạo nghệ thuật, nghiệp vụ chuyên môn trong quá trình học tập và lao động của mình.

"Từ sân chơi này, các bạn được giao lưu, trao đổi và tiếp cận nhiều kiến thức quan trọng về học thuật, nghiên cứu, sáng tạo, mong muốn các ý tưởng, mô hình được áp dụng vào thực tiễn, giúp ích cho cộng đồng, xã hội và thúc đẩy phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật trong sinh viên, trí thức trẻ, là nơi phát hiện những tài năng khoa học mới cho TP và đất nước" - anh Hải nói.

Học sinh lớp 11 sáng tạo bộ trò chơi bảo vệ trẻ Học sinh lớp 11 sáng tạo bộ trò chơi bảo vệ trẻ

TTO - Bùi Phương Vy và Bùi Quốc Khánh (học sinh lớp 11 Trường THPT Lưu Hữu Phước, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cùng nhau thực hiện đề tài 'thời sự' và cần thiết cho các bạn nhỏ.

KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên