12/03/2007 08:03 GMT+7

Săn kỳ nam "chuyên nghiệp"

HUỲNH VĂN MỸ
HUỲNH VĂN MỸ

TT - Không như chuyện được kỳ nam một cách tình cờ của người làng Tốt, nhiều làng quê thuộc huyện Đại Lộc của Quảng Nam có số đông người theo đuổi “nghề” săn trầm kỳ nhiều năm qua. Làng quê không còn yên tĩnh, các gia đình cũng không còn yên tĩnh.

yo9G9qNN.jpgPhóng to
Ở làng Phú Hương (Đại Lộc) vắng bóng dáng trai tráng - Ảnh: H.V.Mỹ
TT - Không như chuyện được kỳ nam một cách tình cờ của người làng Tốt, nhiều làng quê thuộc huyện Đại Lộc của Quảng Nam có số đông người theo đuổi “nghề” săn trầm kỳ nhiều năm qua. Làng quê không còn yên tĩnh, các gia đình cũng không còn yên tĩnh.

Kỳ 1: “Làng kỳ nam” trên rẻo cao

Làng vắng bóng đàn ông

Bên dòng sông Vu Gia, làng Mỹ Hảo của xã Đại Phong (Đại Lộc) trông thật thanh bình, trù phú với những mái ngói tinh tươm bên cạnh những bãi biền ngát màu cây lá.

"Một số người Mỹ Hảo chừ đã khá lên nhiều. Một phần cũng nhờ ở trầm kỳ đó", trưởng thôn Trần Minh khoe. Nhưng ông cũng chua chát: "Nhưng cũng ngặt nếu có việc chi cần đến trai tráng thì chẳng thấy bóng dáng nào. Mới giữa tháng giêng mà đám trai trẻ đã xốc ba lô đi rừng hết trơn hết trọi".

"Nghề" săn trầm rục - tìm trầm kỳ từ cây gió rục đã đem áo cơm cho một số người ở Mỹ Hảo, bây giờ dấy lên "phong trào" trai tráng của làng theo nghiệp điệu, bỏ nhà lên rừng với mong ước đổi đời nếu tìm được kỳ nam.

Đã gần hai năm trôi qua, làng Mỹ Hảo dường như vẫn còn xôn xao chuyện bốn trai làng trúng được kỳ nam. Ngày 28-3-2005, giữa lúc người làng Mỹ Hảo đang làm lễ cúng kỳ yên tại miếu làng, tin được trầm - lúc đầu bao giờ cũng được gọi là trầm - của nhóm Cu Lớn, Cu Nhỏ, Lợi và Giáp làm nhốn nháo xóm làng khi "bộ tứ" này thuê cả một xe tải nhỏ đưa "hàng" từ Gia Lai về nhà. Nguồn tin điệu Mỹ Hảo trúng lớn kỳ nam nhanh chóng được loan ra với giới tà kê - lái trầm - trước hết ở Đại Lộc, rồi đến khắp cả Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa.

uVEFrtRB.jpgPhóng to
Một điệu ở làng Trường An sau khi trúng kỳ đã xây ngay nhà bêtông, đó là cách để chắc ăn và cũng là thỏa giấc mơ nhà lầu của một đời - Ảnh: H.V.Mỹ

Cũng như ở làng Tốt, bên cạnh các lái trầm lớn nhỏ, người đổ đến Mỹ Hảo dò la, nghe ngóng cho công việc hay để thỏa tò mò lên đến mấy trăm người.

Nhưng không như những người H'Re trúng kỳ ở làng Tốt, những điệu người Kinh vốn từng dày dạn với nỗi gian nan ngậm ngải tìm trầm, từng rành rõi trong việc bán hàng (nhằm tránh sự gây khó dễ của các ngành chức năng), "bộ tứ" này đã cùng với các lái trầm địa phương đáp bãi - đưa hàng đến nơi cần đến - một cách an toàn, ở nơi không ai hay biết. Họ cũng “biến mất” khỏi làng ngay sau “phi vụ”.

“Hưởng xái” từ thông tin của họ cho đồng nghiệp, 25 điệu Mỹ Hảo đã lập tức trực chỉ Gia Lai, vào ngay chỗ gốc gió bạc tỉ đó đào mót. Và thần tài đã mỉm cười với họ: mỗi người chia nhau được 105 triệu đồng!

Không dừng lại ước muốn cầu may của mình, 50 điệu khác của Mỹ Hảo lại hùng hục quật xới chỗ đất của gốc gió đó một lần nữa. Có lẽ sơn thần đã không muốn nguồn của quí nằm im hàng chục năm dưới lòng đất quạnh vắng này bị bỏ lại hoài phí, những con người khốn khó này đã đạt được mong đợi: mỗi người chia nhau được 6 triệu đồng!

Không giống những người trúng số độc đắc, những người trúng đậm kỳ nam ở Mỹ Hảo đã rút kinh nghiệm của những điệu ở các nơi bị giới lái trầm săn lùng, họ cứ im lặng và trốn biệt để tránh “lạy ông tôi ở bụi này”.

“Hai anh em Cu Lớn, Cu Nhỏ là Doãn Tuấn (30 tuổi, có vợ con), Doãn Tài (28 tuổi, độc thân) nay đều ra phố Đà Nẵng mua đất làm nhà sống ở đó. Trương Lợi (30 tuổi) thì vô Sài Gòn mua nhà ở và kinh doanh, mới cưới vợ. Còn Lê Phước Giáp (28 tuổi, có vợ với hai con) cũng ra sống ở Đà Nẵng để kinh doanh” - trưởng thôn Minh cho biết. Những người mãi với khó nghèo, khi phất lên họ rất “chặt tay” trong tiêu pha, sợ “của trời cho” rồi sẽ lại về với trời như rất nhiều điệu khác đã từng trải qua.

Kỳ nam được xem là “vua của trầm hương” vì sự hiệu nghiệm trong y dược và hương thơm nổi bật. Một đặc tính cơ bản chính để phân biệt kỳ nam với trầm hương là nhựa dính (dầu) trong khi trầm hương chỉ cứng và nhẵn, do đó một miếng kỳ nhỏ có thể được tách xé làm nhỏ hơn và cuộn lại thành viên tròn.

Kỳ nam có ít nhất là bảy loại, gồm: thanh kỳ (đen sáng óng ánh phớt xanh), huỳnh kỳ (vàng nhờ nhờ màu thuốc nổ), xám kỳ (xám màu ximăng), hắc kỳ (đen như dầu hắc), bạch kỳ (thoáng đen pha màu sáng bạc), hổ kỳ (loại kỳ duy nhất có thớ ngang, đen nhạt lẫn những vằn màu đà) và hạnh kỳ (đen tim tím). Trong đó, thanh kỳ là loại kỳ thường gặp nhất, kế đến là huỳnh kỳ, hắc kỳ. Tất cả đều có hương thơm nhiều và nhựa dính, mức độ của hai đặc tính này ở mỗi loại có khác nhau một ít.

“Bây chừ thì cứ sau tết, khi trai trẻ đổ lên rừng là người ở nhà lại ngóng trông, chờ tin mừng. Là bởi chuyến được kỳ của bốn đứa ấy cũng từ chuyến lên rừng sau tết đó mà”, chị Thủy - chủ quán nước ở Mỹ Hảo - nói.

Nhưng ngặt nỗi người trúng chẳng thấy đâu, trở về thất thểu, nhưng theo chị Thủy, “vậy mà nhiều người trong làng vẫn cứ cho là cơ hội chưa tới. Họ vẫn chờ, vẫn đi, vậy là làng vắng bóng đàn ông. Tin mừng thì ít, tin dữ thì nhiều”.

Lùng hết các rừng

Đối diện với Mỹ Hảo, nằm ở tả ngạn dòng Vu Gia, Phú Hương của xã Đại Quang là làng “có tiếng” ở huyện Đại Lộc. Trai tráng thì vắng tanh vắng lạnh. “Họ đổ lên rừng đã hai ba bữa rồi. Chuyến đầu năm ai cũng hớn hở, mong được một ít kỳ”, chị Năm - vợ của một điệu đang ở rừng xa - nói.

Cuộc săn tìm kỳ ở Phú Hương rộ lên từ tháng 2-1997 khi vài ba điệu Phú Hương phát hiện ở rừng huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) một loại vỏ cây màu nâu rơi vương vãi trên mặt rừng, đem đốt lên có mùi thơm như trầm.

Được các lái trầm xác định là kỳ bì - một loại kỳ từ vỏ cây gió gạch, thợ trầm Phú Hương ráo riết lên rừng. Với thang giá lên vùn vụt, từ mức 300.000đ/kg lúc đầu đã lần lượt tăng đến 500.000đ rồi đến 1.200.000đ/kg chỉ trong vòng 20 ngày, món "của trời cho" này đã lôi cuốn cả đến phụ nữ, trẻ em Phú Hương cùng đổ lên rừng.

Những năm trước, những phu trầm (điệu thời nay) ở làng đã tiến ra săn trầm ở vùng núi Quảng Trị, Thừa Thiên, đến khi “nghề” săn trầm sanh kết thúc, khi cây gió ở rừng đã cạn kiệt cách nay chừng mươi lăm năm, những điệu ở đây đã lên rừng lại mò mẫm mở ra mùa săn trầm rục từ thân và đe (gốc) cây gió mục.

Cùng với điệu ở một số làng khác trong và ngoài xã, họ trở thành “đội quân thiện nghệ” săn trầm rục, có mặt ở khắp các vùng rừng có cây gió đã bị khai thác cạn kiệt trước đó. “Lùng hết ở rừng Quảng Nam, tụi tui tiến vô rừng Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kontum. Rồi tiến thêm lên rừng Tây nguyên, vào tận rừng Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tụi tui ngày một rành rõi công việc”, anh Trương Hùng - một điệu ở Phú Hương - kể.

Sớm lăn lộn với nghề trầm rục, điệu Phú Hương là những người may mắn trúng kỳ nam đầu tiên. Các điệu Nguyễn Trà, Trương Hùng cho biết chính họ cùng tám điệu khác trong làng đã tìm được 3 lạng kỳ ở rừng Khánh Lê (Khánh Hòa) cuối năm 2001. Nhưng trước đó một tháng, Trương Hùng cùng sáu người trong bầu (nhóm) cũng đã trúng được hơn 3 lạng kỳ. Rộ lên với số kỳ trúng được nhiều hơn là từ năm 2003 khi bầu của Nguyễn Văn Chấn gồm ba người kiếm được 1,3kg.

Việc kỳ nam được chuộng, lại cao giá hơn trầm gấp bội lần đã khiến những người săn trầm rục Đại Lộc bỏ nhà để có mặt ở mọi cung rừng miền Trung và Tây nguyên ra sức săn lùng. Từ năm 2004 đến nay, một số điệu ở Đại Quang, trong đó có Phú Hương, đã lên ngôi tỉ phú nhờ săn được kỳ nam. "Dạo qua Phú Hương cũng như mấy làng có nhiều điệu ở Đại Quang, hễ cứ thấy chỗ nào có nhà lầu là biết ở đó có người trúng kỳ", bí thư đảng ủy xã Đại Quang Lê Văn Sáu nói.

Điệu đâu tà kê đó. “Làng săn trầm” này cũng là “chợ trầm” lớn nhất ở vùng Quảng Nam - Đà Nẵng với những lái trầm “tên tuổi”. Chính lái trầm B.Đ. ở Phú Hương đã được đồng nghiệp ở Ba Tơ mời vào dự chợ không chỉ vì sự cả vốn mà chính là ở “năng lực thẩm định” của ông để xem lượng trầm mà người làng Tốt có được có phải là kỳ hay không, giá cả ra sao.

Lượng kỳ ngất ngưởng mà bốn điệu ở làng Mỹ Hảo được hồi tháng 3-2005 phần lớn cũng được các lái trầm ở Phú Hương mua. Chị H. - vợ một điệu Phú Hương - kể trong nước mắt: “Chồng tui mơ được đổi đời, mơ có nhà lầu nên ra đi. Đổi đời không thấy, nhà lầu cũng không thấy, ổng cứ nói là đợi ngày mai vận hên sẽ đến. Ông đi miết, không có ngày về, để lại vợ con côi cút, cha mẹ không ai lo”.

________________________________________

Không thấy kỳ nam, chỉ có rừng thâm u và những cơn sốt rét. Những người vợ, người mẹ ở quê trông ngóng nhưng họ không trở về, bỏ mạng giữa rừng sâu. Ngày về của nhiều người chỉ là thân xác tiều tụy, một đời săn tìm kỳ nam song chỉ có mái lều tranh.

Kỳ tới: Nỗi đau còn lại

HUỲNH VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên