08/08/2016 07:52 GMT+7

Phạt nặng để giảm tai nạn giao thông

THÂN HOÀNG thực hiện
THÂN HOÀNG thực hiện

TTO - "Phạt nặng để giảm tai nạn giao thông" - Thượng tá Đỗ Thanh Bình, phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Bộ Công an, nhận định như vậy về nghị định 46.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn một thanh niên đi xe máy trên xa lộ Hà Nội, Q.Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn một thanh niên đi xe máy trên xa lộ Hà Nội, Q.Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA

Theo ông Bình, mục đích sửa đổi nghị định là tập trung vào việc hạn chế những vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT).

Thực tế cho thấy nếu không có chế tài tương xứng khó có thể ngăn chặn được những vi phạm này, từ đó khó có cơ sở để kiềm chế, giảm TNGT.

* Xin ông cho biết những điểm thay đổi lớn nhất của nghị định mới về xử phạt giao thông?

- Nghị định mới quy định nhiều hành vi vi phạm giao thông đường bộ có mức xử phạt tăng từ 2-5 lần.

Trong đó, phải kể đến nhóm hành vi vi phạm về nồng độ cồn, hành vi này có thể bị phạt đến 18 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe tối đa 6 tháng (mức phạt cũ tối đa 15 triệu đồng). Đối với người lái môtô thì mức phạt cao nhất tăng lên 4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 5 tháng (mức cũ phạt 3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng).

Ngoài ra, các hành vi đi xe máy vào đường cao tốc, không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc; dùng chân để điều khiển vôlăng ôtô khi xe đang chạy; không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ... đều có mức phạt tiền tăng cao hơn trước.

* Tình hình những ngày đầu xử phạt vi phạm giao thông theo nghị định mới được triển khai như thế nào? Thực tế có nảy sinh bất cập gì không?

- Nhìn chung, tình hình an toàn giao thông cơ bản ổn định, người vi phạm sau khi được lực lượng CSGT tuyên truyền, giải thích đều nhận thức được hành vi của mình.

Ngay cả đối với các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn hoặc không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu, khi được xem các hình ảnh, kết quả đo nồng độ cồn hoặc bị CSGT phát hiện trực tiếp cũng đều thừa nhận hành vi vi phạm và chấp nhận nộp phạt.

Thượng tá Đỗ Thanh Bình - Ảnh: Q.NHẬT
Thượng tá Đỗ Thanh Bình - Ảnh: Q.NHẬT

* Thời gian qua nhiều người dân quan tâm đến xử phạt lỗi vượt đèn vàng, có ý kiến cho rằng mức phạt vượt đèn vàng bằng với lỗi vượt đèn đỏ là không hợp lý?

- Đúng là dư luận đang rất quan tâm đến nội dung này, có nhiều người còn hiểu sai và đưa ra đánh giá sai.

Tôi chỉ muốn nói rõ hơn hành vi vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông giống như không chấp hành các biển hiệu về giao thông trên đường, người tham gia giao thông không chấp hành tín hiệu đèn xanh, đèn đỏ hay đèn vàng đều bị xử phạt.

Việc một số người trước đây hiểu rằng “vượt đèn vàng” là được phép hoặc nếu vi phạm thì chỉ bị nhắc nhở là không đúng. Khi thấy đèn vàng, phương tiện phải giảm tốc độ và dừng trước vạch dừng, trừ trường hợp phương tiện đã vượt qua vạch dừng mà đèn chuyển vàng thì vẫn tiếp tục đi theo hướng đã định.

Trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

* Nghị định có quy định xử phạt người đi xe máy không gạt chân chống xe, xin giải thích rõ hơn về quy định này, trường hợp nào thì phạt, trường hợp nào thì không phạt?

- Nghị định có nội dung quy định người điều khiển môtô, xe máy và các loại xe tương tự khi vi phạm lỗi "sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy" sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng.

Hình thức xử phạt bổ sung là tước giấy phép 1-3 tháng. Hành vi này được hiểu là người điều khiển phương tiện cố tình gạt chân chống xe hoặc dùng vật khác quẹt xuống đường khi xe đang chạy thì bị xử phạt, còn người dân vô ý mà quên không gạt chân chống chỉ nhắc nhở.

* Lực lượng CSGT sẽ căn cứ vào đâu để xác định lỗi cố ý hay vô ý đối với hành vi không gạt chân chống xe?

- Về quan sát thì hành vi là giống nhau nhưng trong từng trường hợp sẽ phân tích để nhận định được đâu là cố ý, đâu là vô tình. Ví dụ như trường hợp đua xe, người điều khiển phương tiện thường đánh võng, lạng lách, gạt chân chống quẹt xuống đường rõ ràng là cố ý thì phải xử phạt.

* Quy định xử phạt hành vi uống rượu bia khi tham gia giao thông được triển khai rầm rộ thời gian qua nhưng hiệu quả chưa thực sự được như mong muốn. Lần này nghị định tăng mức phạt cao hơn, nhiều ý kiến lo ngại việc xử phạt chỉ rầm rộ một thời gian, theo ông, công tác xử phạt cần phải làm gì để đạt hiệu quả?

- Trong nhiều năm qua, lực lượng CSGT đã và đang thực hiện quyết liệt việc giám sát nồng độ cồn của người tham gia giao thông thông qua các chuyên đề công tác.

Trong sáu tháng đầu năm, CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử phạt hơn 75.000 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn. Cục CSGT tiếp tục chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, phát hiện vi phạm về nồng độ cồn, nhất là vào buổi tối, những ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ dài ngày.

* Thực tế cho thấy khắp nơi tràn ngập quán rượu bia, đa số khách hàng đến đó đều đi xe máy hoặc ôtô, lực lượng CSGT làm có xuể? Có ý kiến còn cho rằng việc tăng xử phạt với hành vi vi phạm uống rượu là quá nặng mà chưa chắc đem lại hiệu quả mong muốn...

- Phải nói rằng quản lý về sử dụng đồ uống có cồn ở nước ta còn nhiều bất cập, ai cũng có thể tự chế, mua, sử dụng rượu bia, hậu quả đối với với xã hội rất lớn. Chúng ta phải nhận thức rằng có sử dụng rượu bia trước khi lái xe là hành vi cực kỳ nguy hiểm.

Các vụ TNGT mà nguyên nhân xuất phát từ việc người điều khiển vi phạm quy định về nồng độ cồn ngày một tăng với tính chất và mức độ nghiêm trọng. Khoa học nghiên cứu về tâm thần và thực tế đã chứng minh rằng không thể ngụy biện cho hành vi này với bất cứ lý do gì.

* Theo ông, việc phạt nặng có đủ để kéo giảm TNGT hay cần phải có những giải pháp gì khác song hành?

- Để TNGT giảm không chỉ đơn thuần ở hoạt động kiện toàn hệ thống pháp luật về xử phạt. Xử phạt quan trọng nhưng chỉ là biện pháp cuối cùng. Muốn đẩy lùi TNGT thì phải đồng bộ giữa ba yếu tố chính là hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông và ý thức người tham gia giao thông.

Nhưng ở đây tôi muốn nhấn mạnh là khi tham gia giao thông, người dân cần nghiêm túc tự nguyện chấp hành quy tắc giao thông, có kỹ năng điều khiển phương tiện thuần thục, bình tĩnh, kiên nhẫn. Điều này không chỉ đảm bảo an toàn cho bản thân mà còn giúp xã hội giảm đi những thiệt hại đáng tiếc.

Ông Nguyễn Văn Thanh (chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô VN):

Không thể nương nhẹ

Cá nhân tôi cho rằng hành vi vi phạm nồng độ cồn hoặc chạy quá tốc độ quy định là hai hành vi cực kỳ nguy hiểm cần thiết phải xử lý nghiêm.

Trong quá trình thảo luận xây dựng nghị định 46, để đưa ra mức phạt cho hành vi này cũng có tranh luận nhiều chiều. Nhưng cuối cùng đi đến thống nhất không thể nương nhẹ được.

Có ý kiến cho rằng việc ban hành mức phạt quá cao cũng chưa chắc có hiệu quả. Nhưng không còn đường nào khác đành phải đưa mức phạt tiền cao, tước quyền sử dụng lái xe có thời hạn để răn đe.

Nếu so với đời sống, mức thu nhập hiện nay để nói mức phạt cao quá thì không bao giờ hạn chế được tình trạng uống rượu bia rồi lái xe. Có người nói dân nghèo mà Nhà nước cứ phạt cao nhưng cũng có những ý kiến nghèo mà phạt cao thì mới sợ.

T.PHÙNG

THÂN HOÀNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên