23/08/2016 12:09 GMT+7

Quản lý thực phẩm sạch: Sẽ hết chuyện “lắm thầy nhiều ma”

MAI HƯƠNG - THÙY DƯƠNG, MAIHUONG@TUOITRE.COM.VN
MAI HƯƠNG - THÙY DƯƠNG, MAIHUONG@TUOITRE.COM.VN

TTO - Đề án thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm TP của Sở Nội vụ vừa trình UBND TP.HCM đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người.

*** Error ***
Nguồn cung ứng thịt heo chợ đầu mối Bình Điền được quản lý chất lượng an toàn thực phẩm - Ảnh: TỰ TRUNG

Theo đề án, Ban quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm TP có nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, lưu thông, phân phối, kinh doanh đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm...

Một đầu mối

Ban cũng có chức năng thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm, tổ chức việc cấp, đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo, giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho cá nhân, tổ chức. Ngoài ra, ban còn tổ chức triển khai các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về kiểm nghiệm thực phẩm, tham gia xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm đặc thù của TP. Đồng thời nghiên cứu đánh giá nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ban có quyền quyết định hoặc đề nghị UBND TP quyết định xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn TP. Ngoài ra, ban được quyền yêu cầu các sở ngành, quận huyện, tổ chức ngành dọc (kể cả của trung ương đóng trên địa bàn TP) cung cấp thông tin công tác quản lý an toàn thực phẩm. Cũng theo đề án, riêng về mức xử phạt, TP kiến nghị cơ quan trung ương cho phép thí điểm tăng mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm để nâng mức răn đe và ngăn ngừa các hành vi vi phạm.

Thống nhất quản lý

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, phó giám đốc Sở Công thương TP, cho rằng phương thức quản lý của các nước về thực phẩm là phải hình thành các chuỗi. “Đề án thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm TP cho phép quản lý xuyên suốt và thống nhất toàn bộ chuỗi này chứ không quản lý theo từng công đoạn, trong đó có sự phân công phân nhiệm rõ ràng. Hi vọng cách làm này sẽ phát huy tốt tác dụng” - ông Hòa nói.

Về băn khoăn liệu mô hình mới có phát huy hiệu quả không hay chỉ là sự thay đổi hình thức “bình mới rượu cũ”, ông Hòa chia sẻ: quản lý chuỗi nghĩa là phải tổ chức lại, có sự kết nối trong điều hành và cách quản lý mới: có phân công, phân cấp, có tiền kiểm, hậu kiểm và giám sát. Ông Hòa cũng cho rằng quản lý tốt vệ sinh an toàn thực phẩm là một đòi hỏi bức thiết nhưng đồng thời cũng là một thách thức, một nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi các chủ thể trong chuỗi phải hết sức cộng tác, phát huy vai trò, trách nhiệm và người “nhạc trưởng” phải đề ra được cách làm mới khác với cách quản lý nhỏ lẻ từng công đoạn như trước đây.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai - chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, đề án thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm TP nếu được triển khai sẽ đem lại nhiều thuận lợi, hiệu quả trong việc quản lý vệ sinh thực phẩm. Trước đây, mỗi cơ quan nắm một mảng trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm có thể dẫn đến chồng chéo hoặc bỏ sót, hơn nữa khi nhiều cơ quan quản lý có thể gây phiền hà cho các doanh nghiệp - đây là điều không thể tránh khỏi.

Một trưởng phòng y tế quận cũng ủng hộ việc thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm TP. Vị này cho rằng nhiều cơ quan quản lý quá dễ dẫn đến việc trùng lặp và khó quản lý. Ông ví dụ một chiếc bánh trung thu nhưng có nhiều cơ quan quản lý. Trong nhân bánh trung thu có trứng, rau, củ, quả nên có “ông” nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý; còn mứt, bột lại của “ông” công thương quản lý; rồi phụ gia, thực phẩm trong bánh trung thu lại là “ông” y tế quản lý. Do đó, quy về một đầu mối quản lý không chỉ giúp cơ quan phía trên dễ chỉ đạo mà còn giúp cơ quan phía dưới như các quận huyện dễ thực hiện.

Đừng để vừa mua vừa lo

Lâu nay tôi nghe nói nhiều về chuyện quản lý mà đến nay người dân ra chợ vẫn nơm nớp không biết, không tin miếng thịt, mớ rau, con cá nào thật sự an toàn, không bị nhiễm độc. Cách thức tổ chức, quản lý hay phân công phân cấp như thế nào là việc của cơ quan chức năng. Chúng tôi chỉ mong TP tính cách nào để thực phẩm bẩn và những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn hết đất sống, bà nội trợ như tôi ra chợ là mua được thực phẩm tươi ngon, an toàn, tốt cho sức khỏe, chứ không phải vừa mua vừa lo, vừa ăn vừa sợ như hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Mai (nội trợ, ngụ Q.2, TP.HCM)

Sẵn sàng trả tiền cao

Lo sợ thực phẩm bẩn, gia đình tôi dạo này toàn mua rau củ, thịt cá ở các cửa hàng bán thực phẩm sạch, giá cả cao gấp rưỡi, gấp đôi, thậm chí có loại cao gấp ba lần so với ngoài chợ nhưng tôi vẫn chấp nhận vì sức khỏe cả nhà. Tuy nhiên số thực phẩm sạch này ít đa dạng, không phải có thường xuyên. Nếu TP.HCM đi tiên phong trong quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm thì quá tốt. TP có thể khuyến khích, tạo điều kiện cho người sản xuất, chăn nuôi theo phương pháp xanh, sạch được phân phối sản phẩm ở nhiều nơi. Tôi tin nếu thực phẩm thật sự sạch thì người tiêu dùng sẵn sàng trả mức giá cao hơn để mua.

Chị Lê Như Thoa (ngụ Q.Phú Nhuận)

Nếu có hàng sạch thì bán hàng sạch

Nghe tin TP sắp siết chặt quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, tôi cũng hơi lo vì từ trước đến nay mình lấy hàng từ nhiều nguồn để bán, miễn nơi nào bán rẻ thì mình lấy bán để kiếm chút tiền lời chứ không phân biệt đâu là hàng có nguồn gốc xuất xứ an toàn. Bây giờ nếu TP chỉ rõ chợ đầu mối bán hàng an toàn uy tín, đáng tin cậy, giá cả phải chăng thì mình cũng hưởng ứng lấy hàng về bán. Ai cũng bán đồ sạch thì mình phải theo thôi.

Chị Lê Kim Thoa (bán rau củ ở P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức)

MAI HƯƠNG - THÙY DƯƠNG, MAIHUONG@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên