27/11/2021 09:10 GMT+7

Quan hệ Việt Nam - Thụy Sĩ phát triển vượt bậc

VIỄN SỰ (từ Bern, Thụy Sĩ)
VIỄN SỰ (từ Bern, Thụy Sĩ)

TTO - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin đều cùng đánh giá quan hệ Việt Nam - Thụy Sĩ "phát triển vượt bậc nhưng sẽ còn cao hơn nữa" tại cuộc họp báo thông tin kết quả hội đàm ở thành phố Bern trưa 26-11 (giờ Thụy Sĩ).

Quan hệ Việt Nam - Thụy Sĩ phát triển vượt bậc - Ảnh 1.

Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin chủ trì lễ đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại TP Bern ngày 26-11 - Ảnh: VIỄN SỰ

Trước đó, lễ đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin tổ chức trang trọng tại lâu đài Lohr Manor trong cơn mưa tuyết nhẹ đầu mùa. Người đứng đầu hai nhà nước đã tiến hành hội đàm và tổ chức cuộc họp báo với nhiều thông tin rất tích cực.

Kinh tế là động lực

Mở đầu buổi họp báo, Tổng thống Thụy Sĩ Parmelin đánh giá quan hệ hai nước đã phát triển vượt bậc suốt nhiều thập niên qua. Trong đó, từ chỗ Thụy Sĩ là nước viện trợ phát triển thì hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba trong khu vực ASEAN của Thụy Sĩ.

Tổng thống Thụy Sĩ khẳng định Việt Nam là ưu tiên trong chính sách kinh tế của Thụy Sĩ, với mục tiêu làm sao để nền kinh tế cả hai nước cùng phát triển. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam nhất trí ủng hộ và sẵn sàng làm cầu nối để Thụy Sĩ tăng cường quan hệ với ASEAN.

Tổng thống Guy Parmelin cho biết trong cuộc hội đàm, ông và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã bàn rất nhiều về hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA). Lãnh đạo hai nhà nước đã trao đổi để làm sao hiệp định có thể được ký kết sớm nhất. 

"Khi ký được hiệp định thì thương mại hai bên còn phát triển hơn nữa" - Tổng thống Guy Parmelin nói.

Đáp từ phát biểu của Tổng thống Thụy Sĩ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: "Đây là cuộc hội đàm rộng lớn, toàn diện, thẳng thắn và hiệu quả cao". 

Chủ tịch nước cũng cảm ơn chân thành đến nhân dân, Tổng thống Thụy Sĩ các thời kỳ đã luôn ủng hộ Việt Nam. Và theo Chủ tịch nước, cuộc hội đàm đã được thực hiện trên tinh thần đó, hai bên cùng có lợi.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng cùng suy nghĩ với Tổng thống Thụy Sĩ là kết quả tốt đẹp nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Thời gian qua mặc dù tình hình COVID-19 phức tạp nhưng hợp tác hai nước không ngừng tăng lên. Điều đó càng minh chứng cho tiềm năng và đòi hỏi hai nước phải thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ.

Tại hội đàm, Tổng thống Thụy Sĩ nhấn mạnh Việt Nam là một đối tác kinh tế ưu tiên quan trọng của Thụy Sĩ ở Đông Nam Á. Với hơn 100 doanh nghiệp Thụy Sĩ đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 1,9 tỉ USD, hiện Thụy Sĩ xếp thứ 20 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam và dư địa hợp tác giữa hai nước còn rất lớn.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Thụy Sĩ khuyến khích doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư tại Việt Nam, khẳng định Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Thụy Sĩ, hoạt động lâu dài tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Thụy Sĩ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp chế tạo, dược phẩm...

Đề nghị hợp tác về vắc xin, thuốc điều trị

Tại hội đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm ơn Chính phủ Thụy Sĩ đã hỗ trợ nhiều trang thiết bị y tế trị giá khoảng 5 triệu USD phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam, nhân chuyến thăm Việt Nam của Phó tổng thống Thụy Sĩ Ignazio Casis vào tháng 8-2021.

Chủ tịch nước cho rằng nghĩa cử của Thụy Sĩ thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ giữa các quốc gia trong lúc khó khăn, đồng thời đề nghị hai bên thúc đẩy việc các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu hai nước hợp tác phát triển, sản xuất và phân phối vắc xin và thuốc điều trị COVID-19.

Năm 2021 đánh dấu kỷ niệm 30 năm chương trình hợp tác phát triển (ODA) của Thụy Sĩ ở Việt Nam. 

Thay mặt Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chân thành cảm ơn Chính phủ Thụy Sĩ đã cung cấp nguồn ODA quý báu cho Việt Nam, tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực, phát triển đô thị, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn, góp phần hỗ trợ Việt Nam đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc.

Tổng thống Thụy Sĩ đánh giá Việt Nam là một đối tác sử dụng ODA hiệu quả và Chính phủ Thụy Sĩ đã quyết định tiếp tục ưu tiên cung cấp 70 triệu franc Thụy Sĩ (75 triệu USD) vốn ODA cho Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2024, tập trung cho các lĩnh vực bảo vệ môi trường và cải cách kinh tế.

Ngay sau hội đàm, Chủ tịch nước đã dự tiệc chiêu đãi do Tổng thống Guy Parmelin chủ trì.

Ưu tiên đổi mới sáng tạo

Tại họp báo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Thụy Sĩ là nước hàng đầu trong đổi mới sáng tạo, đặc biệt là về kinh tế. Vì vậy Việt Nam hoan nghênh hợp tác lĩnh vực này. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Guy Parmelin nhất trí sẽ nâng "ý định thư" về nội dung này vào năm 2019 thành "nghị định thư" để có thể hợp tác sâu rộng hơn.

Theo Bộ Ngoại giao, trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 với khoa học - công nghệ đóng vai trò then chốt và Thụy Sĩ có thế mạnh trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, hai nước nhất trí tăng cường hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo, hướng tới thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác về đổi mới sáng tạo.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Thụy Sĩ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Thụy Sĩ

TTO - Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin tin tưởng chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ là dấu mốc quan trọng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác Việt Nam - Thụy Sĩ lên tầm cao mới.

VIỄN SỰ (từ Bern, Thụy Sĩ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên