17/02/2012 06:53 GMT+7

Quần đảo Kuril lại nóng

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Nga vừa tuyên bố sẽ hiện đại hóa toàn diện các căn cứ quân sự trên hai đảo thuộc quần đảo Kuril mà Nhật đòi chủ quyền để “phản ứng lại mọi diễn biến có thể xảy ra”. Quan hệ Nga - Nhật từng lúc lại căng thẳng.

Nga chi 15 tỉ rúp xây hạ tầng ở quần đảo tranh chấp với NhậtNga đầu tư cho đảo tranh chấp

W8DyxCMm.jpgPhóng to
Người Nhật biểu tình ở Tokyo hồi tháng 5-2011 để phản đối Nga và đòi chủ quyền bốn hòn đảo thuộc quần đảo Kuril - Ảnh: AP

Interfax dẫn lời Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga Nikolai Makarov tuyên bố đến năm 2013, hai căn cứ quân sự trên đảo Kunashir và Iturup (phía Nhật gọi là Kunashiri và Etorofu) sẽ được nâng cấp hoàn toàn với các loại vũ khí hiện đại, việc làm này sẽ diễn ra từ mùa hè này. Nga cũng sẽ xây hai tiền đồn trên hai đảo này.

“Nga muốn lực lượng vũ trang tại quần đảo Kuril, đủ khả năng phản ứng lại với mọi diễn biến, trong mọi điều kiện” - ông Makarov nhấn mạnh.

Nga hiện đang có vài trăm quân trú đóng trên đảo Kunashir và Iturup với các loại rađa và thiết bị để “theo dõi và giám sát mọi động tĩnh trên biển Nhật Bản”.

Suýt chạm trán trên bầu trời

Quần đảo Kuril bao gồm 56 đảo, trải dài 1.300km từ phía đông bắc đảo Hokkaido (Nhật) đến Kamchatka (Nga). Bốn đảo Kunashir, Iturup, Shikotan và Habomai (Nhật gọi là lãnh thổ phía bắc) thuộc quyền kiểm soát của Nhật từ năm 1855, đã được sáp nhập vào Liên Xô ngày 18-8-1945, ngay trước khi Thế chiến II sắp kết thúc và Nhật tuyên bố đầu hàng.

Quần đảo Kuril từ lâu là nguyên nhân khiến quan hệ Nhật - Nga căng thẳng, mà đỉnh điểm là khi Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đến thăm quần đảo này hồi năm 2010.

Ngày 7-2, Nhật đã kỷ niệm ngày lãnh thổ phía bắc, ngày Nhật và Nga ký hiệp ước Shimoda công nhận bốn hòn đảo thuộc chủ quyền Nhật vào năm 1855. Kể từ sau khi bốn đảo bị Liên Xô chiếm đóng, Nhật thường kỷ niệm ngày này để nâng cao nhận thức của người dân về chủ quyền biển đảo, thậm chí mở mặt trận tuyên truyền mạnh mẽ để đòi lại bốn đảo, các kênh truyền hình Nhật thường phát những chương trình đặc biệt về quần đảo Kuril.

Reuters đưa tin đúng một ngày sau lễ kỷ niệm này, Nga đã huy động một số máy bay ném bom áp sát không phận Nhật và Hàn Quốc. Phía Nhật và Hàn Quốc lập tức đưa 13 chiến đấu cơ F-15 và F-16 lên nghinh chiến. Nguy cơ một cuộc chạm trán có thể bùng nổ. Không quân Nga sau đó lên tiếng khẳng định đây chỉ là một phần trong cuộc diễn tập của quân đội Nga trên Thái Bình Dương và máy bay Nga không có ý định xâm phạm không phận Nhật và Hàn Quốc.

Japan Times cho biết tuần trước Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda tiếp tục kêu gọi đàm phán với Nga để Matxcơva trả lại bốn hòn đảo cho Nhật. Phản ứng lại, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố phản ứng của Nhật là “quá cảm xúc” ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế - chính trị giữa hai nước. Trước đó, ông Lavrov đã khẳng định việc có trả lại bốn hòn đảo cho Nhật hay không sẽ phụ thuộc vào kết quả trưng cầu ý dân ở Nga.

Chiến lợi phẩm

Theo khảo sát của trang Pravda.ru và cổng thông tin Superjob.ru, 75% người Nga không đồng tình trả lại bốn hòn đảo cho phía Nhật. Dư luận chung cho rằng bốn hòn đảo này là “chiến lợi phẩm” của Nga sau Thế chiến II và đã thuộc lãnh thổ Nga, dù trong lịch sử có lúc chúng thuộc về phía Nhật.

Cũng còn có những nguyên nhân kinh tế và địa chính trị. Pravda.ru dẫn lời các chuyên gia ước tính quần đảo Kuril chứa nhiều tài nguyên quý như gần 2.000 tấn vàng, hơn 9.200 tấn bạc, trữ lượng chất rhenium (dùng để sản xuất động cơ máy bay) là cực lớn, trữ lượng dầu thô và khí tự nhiên là đáng kể, cũng như có các eo biển địa thế chiến lược quan trọng như Vries và Catherine. Chính phủ Nga từng nhấn mạnh phát triển vùng Viễn Đông, trong đó có quần đảo Kuril, là ưu tiên hàng đầu của Nga, đặc biệt trong các ngành đánh cá, năng lượng và du lịch.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên