20/12/2023 15:53 GMT+7

Phó thủ tướng: 'Đừng mừng khi FDI đầu tư công nghệ cao nhưng chúng ta vẫn chỉ gia công'

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành công thương diễn ra ngày 20-12.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị - Ảnh: N.KH.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị - Ảnh: N.KH.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, ở trong nước ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng âm tới 6,3% trong những tháng đầu năm, Phó thủ tướng cho rằng "trận bão" đi qua là rất lớn. 

Đánh giá cao nỗ lực của ngành công thương về các kết quả đạt được, ông Hà dẫn chứng khu vực công nghiệp đã có sự phục hồi tích cực. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 với 25 tỉ USD, thương mại điện tử vươn lên với quy mô thị trường là 25 tỉ USD, tăng 25%.

Năm thứ 8 xuất siêu liên tiếp, thương mại điện tử vươn lên 25 tỉ USD

Thêm nữa, ngành đã triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng để thúc đẩy thương mại nội địa, đảm bảo cung cấp đầy đủ cho các chuỗi cung ứng. Hội nhập kinh tế đạt được nhiều thành tựu, đưa tổng số FTA được ký kết và thực hiện là 16 FTA. 

Công tác quản lý nhà nước về phòng vệ thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại gian lận xuất xứ được triển khai đồng bộ; quản lý, đảm bảo trật tự thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa tiếp tục được củng cố.

Tuy vậy, thẳng thắn nhìn nhận các hạn chế, Phó thủ tướng cho rằng cần có các biện pháp không để xảy ra những vấn đề như thiếu nguyên - nhiên - vật liệu, trong đó có xăng dầu, khí đốt, điện năng. 

"Điều hành năng lượng của đất nước phải giải quyết bài toán một cách kỷ luật nhất, trách nhiệm nhất, tránh để xảy ra sai sót sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, môi trường đầu tư" - ông Hà nhấn mạnh. 

Về phát triển công nghiệp - một trong những trụ cột chính, Phó thủ tướng đặt câu hỏi: "Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030 là chúng ta có thể trở thành một nước có thu nhập trung bình cao được hay không, khi công nghiệp chế biến, chế tạo - là nền tảng công nghiệp - chỉ tăng 3,1%?". 

Bày tỏ sốt ruột trước nhiều ngành sản xuất giảm khá sâu, như công nghiệp điện tử giảm tới 43%, Phó thủ tướng cho rằng trong cơn bão nền kinh tế đang lộ ra những vấn đề cần xem xét lại về chiến lược. Bởi thực tế, công nghiệp và xuất khẩu chủ yếu đang phụ thuộc vào khối FDI. 

Từ thực tế đó, ông cho rằng ngành công thương cần xác định những tiêu chí, điều kiện để lựa chọn những lĩnh vực công nghiệp, các nguồn FDI gắn với nền tảng là công nghệ. Ví dụ, với ngành công nghiệp bán dẫn, chúng ta sẽ hiểu các khâu, chuỗi giá trị thế nào để lựa chọn cho phù hợp. 

"Nói đến công nghiệp bán dẫn nhưng cuối cùng cũng chỉ là gia công như sản xuất giày dép và may mặc… Tôi nhắc điều này để chúng ta đừng có mừng khi FDI đầu tư vào Việt Nam với công nghệ cao nhưng mà chúng ta vẫn chỉ là gia công. Chúng ta không có bao nhiêu giá trị gia tăng ở đó, không giúp được chúng ta nâng cao năng lực, phát triển ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn. Đó là vấn đề lớn đặt ra" - Phó thủ tướng nói. 

Các lãnh đạo bộ, ngành tham dự hội nghị triển khai công tác năm của Bộ Công Thương - Ảnh: N.KH.

Các lãnh đạo bộ, ngành tham dự hội nghị triển khai công tác năm của Bộ Công Thương - Ảnh: N.KH.

Tập trung phát triển ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên công nghệ

Do đó, ông Hà cho rằng cần khai thác tốt lợi thế 16 FTA, gắn với có chiến lược thu hút FDI để giúp Việt Nam xây dựng được những ngành công nghiệp nền tảng. Phát triển các ngành công nghiệp - trọng tâm là cơ khí chế tạo - gắn với nhu cầu thị trường. 

Vì vậy, Bộ Công Thương cần phát huy vai trò, tạo ra được một số thị trường, một số trung tâm công nghiệp, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu ngành công nghiệp bán dẫn...  để hình thành nên các ngành công nghiệp nền tảng. 

Với định hướng đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế xanh, năng lượng xanh, kinh tế số, sản xuất các thiết bị điện tử liên quan đến bán dẫn…, ông Hà cho rằng cần phải bắt đầu từ thể chế, có bước đi và thử nghiệm các mô hình phù hợp, gắn với xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn đáp ứng xu hướng tiêu dùng, nâng cao sức cạnh tranh.

Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay sẽ chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thể chế, triển khai hiệu quả các nghị quyết. Tập trung giải quyết các "điểm nghẽn", tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất công nghiệp, năng lượng... 

Cùng với đó là việc cơ cấu lại ngành công thương gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng, quan trọng và công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên công nghệ mới. Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, đổi mới công tác xúc tiến thương mại, chấn chỉnh và xốc lại kỷ luật, kỷ cương hành chính... 

Các khu công nghiệp lo thiếu điện sản xuất, chủ tịch EVN nêu giải phápCác khu công nghiệp lo thiếu điện sản xuất, chủ tịch EVN nêu giải pháp

Những lo ngại thiếu điện khu sản xuất, đặc biệt tại các khu công nghiệp được nêu ra với Bộ Công Thương.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên