Báo xưa hiện rất hiếm và đắt như vàng theo đúng nghĩa đen - Ảnh: TRẦN NHẬT VY
Người ta thường nói "nhân duyên" hay "thiên duyên" nghĩa là duyên trời định cho người với người gặp nhau rồi thành "người nhà", dù trước đó họ chẳng biết gì nhau và ở rất xa.
Theo ông Huỳnh Tịnh Của thì "duyên" có nghĩa là "phận mạng", "sự may mắn". Với tôi, duyên không chỉ có người với người mà còn có duyên giữa người và vật.
Tình cờ "hạnh ngộ" báo xưa quý hiếm
Tôi thích sách và hay lục tìm sách xưa tại các tiệm sách cũ. Nhưng đâu phải hễ cứ tìm là thấy, muốn là gặp đâu. Lắm khi đi trăm bận mà không thấy cuốn nào ưng ý, không bắt được gà mà còn lỗ nắm lúa nữa!
Hồi mới dự định viết cuốn lịch sử báo chí Sài Gòn cuối thế kỷ 19, tôi bắt đầu đi kiếm báo xưa. Báo xưa đúng nghĩa chớ không phải báo thường thường bậc trung mà các thư viện còn lưu trữ một ít. Tờ báo đầu tiên tôi đi tìm là tờ Gia Định Báo.
Một bữa, thằng em họ của tôi điện: "Anh, em có học trò có bộ Gia Định Báo năm 1881 nè. Anh muốn coi không?". Cũng phải nói, em tôi giỏi đánh cờ và đang dạy cho một thanh niên chạng tuổi nó nên kêu bằng "học trò". Dĩ nhiên là tôi ok cái rụp.
Mấy bữa sau, em tôi và học trò của nó ôm bộ Gia Định Báo (bản gốc nha) năm 1881 tới cơ quan tôi. Ngó bộ báo, nước miếng tôi chảy ròng ròng, lộ rõ sự thèm muốn không kiềm chế được. Nếu là dân sưu tầm, mê sách báo, tôi chắc bạn nào cũng tỏ thái độ giống như tôi, chẳng khác được.
Tôi cầm bộ báo đóng thành tập, lật từng trang ố vàng, có đôi chỗ bị mọt sách gặm mà lòng tính toán! Tính cái gì? Thưa, khi đưa tôi coi bộ báo, người chủ nói liền "Anh đừng scan nha. Đèn scan có thể làm hư báo của em". Tôi biết nhưng làm cách nào để có bản copy đây?
Tôi mời thằng em tôi và chủ bộ báo ngồi căngtin uống cà phê, rồi cầm bộ báo vào thư viện nhờ các bạn scan dùm. Đồng nghiệp của tôi thấy bộ báo dày quá và họ cũng chẳng biết giá trị của nó, nên từ chối giúp. Mà tôi thì mù cái vụ scan!
Bí quá, tôi xin địa chỉ chủ bộ báo và ngay trưa hôm đó, tôi vác máy ảnh tới chụp trọn bộ với lời hứa "không tung ra ngoài cho ai biết". Vì vậy, tới nay tôi không tiện copy cho ai bộ báo này dù đã có hơn 10 năm nay.
Sau Gia Định Báo, tôi đi tìm mấy tờ Thông Loại Khóa Trình của Trương Vĩnh Ký, tờ Nam Kỳ của A. Schreider do Trương Minh Ký làm chủ bút. Xin thưa rằng, Nam Kỳ là tờ báo xuất bản ở Sài Gòn, ra số đầu tiên vào ngày 21-10-1897, tờ báo mà giáo sư Nguyễn Văn Trung đề cập tới trong tác phẩm Lục Châu Học với cái tên Nam Kỳ Nhựt Trình.
Cũng nên nói rằng, "nhựt trình" với người Sài Gòn có nghĩa là tờ báo, không phải là báo ra hằng ngày. Nam Kỳ xuất bản hằng tuần vào ngày thứ năm, tòa soạn ở số 53 đường Nationale nay là đường Hai Bà Trưng.
Cả hai tờ báo này đều không có trong thư viện ở thành phố. Tờ Thông Loại Khóa Trình qua bạn bè tôi xin được một bản copy. Còn Nam Kỳ thì... Tại một tiệm sách cũ ở Phú Nhuận, ông T. là chủ tiệm khoe: "Tôi có bộ Nam Kỳ xưa". Tôi hỏi mua lại thì ông hẹn: "Một ngày nào đó vì đây là của để dành".
Hẹn lần hẹn lữa cho tới khi ông T. ngả bịnh và chết, mà bộ báo tôi vẫn chưa thấy.
Tờ Nam Kỳ báo mà tác giả may mắn có duyên tiếp cận - Ảnh: TRẦN NHẬT VY
Nếu không duyên thì là gì?
Tưởng thế là hết, nhưng rồi một ngày đẹp trời nọ, tôi nhận được cú điện thoại của chủ tiệm sách cũ ở TNT: "Anh, có mấy tờ Nam Kỳ nè, anh lấy hôn?". Tôi lật đật chạy xuống coi liền. Đúng là nó rồi. Giấy vàng hoe, có đôi chỗ bị gãy vì quá lâu năm nhưng chữ nghĩa thì rõ ràng. Song chỉ có nửa bộ.
"Phần đầu đâu?" - tôi hỏi. "Em chỉ mua được bằng này thôi". "Nhiêu?". Nghe giá xong tôi choáng váng muốn xỉu. "Để anh tính nhen. Mai anh xuống" - tôi dặn.
Thiệt ra, tôi cũng biết với cái giá bay bổng như khinh khí cầu không phải tay chơi nào cũng dám mua. Nhưng đời mà! Biết đâu được, phải dặn trước chớ. Trước đó ít lâu, tôi đã bị một trận đau.
Số là chủ tiệm có đưa tôi coi một bộ hồ sơ của Tôn Thọ Tường gồm 53 tờ giấy đánh máy, trong số đó có cả đơn xin tiền cất lại nhà bị cháy của ông Ba Tường. Chủ tiệm hét giá cũng trên trời nên tôi quay lưng đi, định ngày mai trở lại hốt.
Không ngờ, trưa hôm sau trở lại thì bộ hồ sơ đã bị một dân chơi sách báo xưa hốt mất! Tiếc đứt ruột! Mấy ngày sau, tôi nghe dân chơi sách rao bán một tờ đơn của Tôn Thọ Tường với giá "3 chai" (3 triệu đồng)! Vì vậy, lần này tôi dặn trước cho chắc.
Ngày sau, tôi trở lại với quyết tâm mua. Sau khi trả giá quyết liệt, tôi đi bán mấy cây vàng để mua 57 tờ báo Nam Kỳ. Vàng thì chôm của vợ nay mới dám thổ lộ. Nếu bả biết sớm, chắc cạo đầu tôi là cái chắc!
Rồi một hôm, tôi đang ngồi buồn buồn vì một số tờ báo không biết tìm đâu, mà túi tiền có hạn để sang thư viện ở Paris coi cho ra ngô ra khoai. Một bằng hữu cũng mê sách báo như tôi từng tới thư viện cho biết để đọc được những tài liệu tiếng Việt thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 ở đây cũng không dễ dàng.
Phải chứng minh được mình là "người nghiên cứu", có tác phẩm giới thiệu và đóng một số tiền nhứt định mới được. Và đó là đọc tại chỗ. Còn muốn bản copy thì dễ hơn, cứ 0,20 euro/trang! Cha chả, phải nhiều tiền như công tử Bạc Liêu thì may ra. Bởi copy một tờ báo thôi thì chỉ để ngắm chơi chứ nghiên cứu nghiên kiết gì!
Mà copy cả bộ thì khá tiền nha. Ví dụ như bộ Thần Chung chỉ xuất bản có 2 năm, mỗi tuần 2 số, mỗi số 6 trang, tính ra cũng cả ngàn trang, tiền đâu mà cóp? Gần đây, đột nhiên một người bạn nhắn tin và gửi cho tôi đủ bộ Thần Chung. Nhìn mặt tờ báo mà lòng không cầm đặng...
Và tờ báo mà tôi muốn kiếm cho bằng được là Nam Trung Nhựt Báo cũng khó cha chả là khó. Kiếm đâu ra? Bởi đây là tờ báo của đất Sài Gòn xưa gần như biệt tích trên giang hồ. Thư viện thành phố hình như cũng không có.
Tờ này ra năm 1917 và hoàn thành nhiệm vụ gần cuối năm 1921. Nói hoàn thành nhiệm vụ bởi báo không chết mà chuyển thành cái tên khác.
Nguyên ông Nguyễn Văn Của thường gọi là Huyện Của (cha của tướng Nguyễn Văn Xuân từng là thủ tướng Nam Kỳ Tự Trị 1947) có nhà in mang tên ông, thấy báo tiếng Việt đang có khách, liền nhờ một người Pháp đứng tên chung xin ra một tờ báo lấy tên Nam Trung (còn có nghĩa là Lục tỉnh) Nhựt Báo.
Tờ báo do ông Nguyễn Tử Thức làm chủ bút và ông Lê Sum làm phó chủ bút. Năm 1919, ông Của làm chủ tịch Hội báo chương Nam Kỳ (giống như hội nhà báo bây giờ) tổ chức biểu diễn "cải lương ủng hộ quốc trái" bị báo Lục Tỉnh Tân Văn "oánh tơi bời".
Giận, ông Của sau đó liền mua luôn tờ Lục Tỉnh Tân Văn và đến tháng 10-1921, ông nhập hai tờ Nam Trung Nhựt Báo và Lục Tỉnh Tân Văn lại thành một rồi ra báo hằng ngày đầu tiên. Và tờ Nam Trung Nhựt Báo biến mất.
Rồi dịp may đến, chủ tiệm sách cũ quen alô "Anh, có tờ báo em để dành cho anh". Tôi chạy tới coi thì thấy quá đã! Tờ Nam Trung Nhựt Báo nằm ngay trước mắt. Báo khổ A4, có 16 trang, in năm 1919.
Dĩ nhiên giá cũng bay như diều gặp gió. Phải cù cưa tới mấy ngày sau tôi mới quyết định mua. Chỉ một tờ thôi mà gần đứt một phần lương hưu. Nếu có đủ bộ chắc cái nhà cũng...
Đúng là duyên phải không? Tôi dặn ông T. miết, gần như vài ngày tôi ghé ông một lần để hỏi thăm bộ báo Nam Kỳ, dù chưa thấy mặt mày nó ra sao. Nhưng cho tới khi ổng qua đời cũng chưa thấy bộ báo. Rồi bỗng nhiên một ngày nó hiện ra trước mắt mình.
Nếu không có duyên với nó, chắc gì tôi đã thấy và đã có được bộ báo mà hiện các thư viện thế giới khó nơi nào có.
Duyên với sách báo là vậy.
Ở đây, tôi muốn nói tới cái duyên. Vâng, phải có duyên mới gặp được chớ không thì sức mấy. Nếu tôi không có thằng em họ vốn rất quý tôi và biết tôi thích sách báo cũ, và nếu thằng em tôi chơi cờ không giỏi thì làm gì tôi thấy được bộ báo đó.
Hiện nay, trên thế giới dường như chỉ có người chủ trẻ này là có đủ bộ Gia Định Báo năm 1881 (thiệt ra thì thiếu 4 tờ, chỉ có 48 tờ). Tôi đã lục tìm ở nhiều thư viện trong và ngoài nước đều không thấy bộ năm 1881.
Gần đây, thư viện Pháp có tung ra hơn 400 tờ Gia Định Báo nhưng không có năm 1881.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận