03/04/2023 18:37 GMT+7

Phát triển nguồn nước sông Mekong, Việt Nam mong muốn các giải pháp cụ thể

Gắn kết chính sách giữa các lĩnh vực khác nhau, đổi mới hợp tác, đổi mới công nghệ là những trọng tâm chính sách sẽ được nêu ra tại Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4.

Phát triển nguồn nước sông Mekong, Việt Nam mong muốn các giải pháp cụ thể - Ảnh 1.

Ngư dân Việt Nam ở Kiên Giang. Đối với Việt Nam, nằm ở cuối nguồn sông Mekong, Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang phải chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và sự gia tăng khai thác, sử dụng nước trên lưu vực - Ảnh: TTO

Ngày 5-4, Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) lần thứ 4 và các sự kiện liên quan sẽ được tổ chức ở Lào. Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng thủ tướng các nước Campuchia, Lào, Thái Lan sẽ tham dự. 

Tham dự hội nghị lần này còn có lãnh đạo, đại diện của hai nước đối tác đối thoại (Trung Quốc và Myanmar), 12 đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế và khu vực, các tổ chức xã hội và cộng đồng trong lưu vực. 

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, hội nghị lần thứ 4 sẽ tiếp tục khẳng định cam kết chính trị ở cấp cao nhất của bốn quốc gia thành viên trong việc tăng cường thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong năm 1995 và chức năng của ủy hội. 

Tiếp tục khẳng định các mục đích và nguyên tắc hợp tác vì sự phát triển bền vững của lưu vực. Ghi nhận các thành tựu đạt được từ các hội nghị cấp cao trước đây. 

Đồng thời, hội nghị sẽ phân tích, đánh giá các thách thức và cơ hội liên quan đến nguồn nước. Bao gồm các vấn đề phát triển bền vững và quản lý môi trường lưu vực. Xác định các định hướng phát triển, quản lý lưu vực và thống nhất các thỏa thuận cũng như kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển lưu vực sông Mekong giai đoạn 2021 - 2030. 

Đáng chú ý, điểm đổi mới của hội nghị năm nay là đặt trọng tâm vào ba nội dung quan trọng. Một là gắn kết chính sách giữa các lĩnh vực khác nhau như nước, thực phẩm, năng lượng. 

Từ đó tăng cường sự liên kết giữa chính sách khu vực, quốc gia. Hỗ trợ vượt qua thách thức để đạt được tiến bộ chung về đổi mới tư duy. Tăng cường ngoại giao nước để xác định và đẩy nhanh các chính sách mang lại lợi ích chung. 

Hai là đổi mới trong hợp tác, xác định các cơ hội thực tiễn để cùng thực hiện hiệu quả hơn việc thông qua các quy trình, quản lý rủi ro chung và đạt được những kết quả khả quan ở cấp khu vực và quốc gia vì lợi ích của người dân sinh sống trong lưu vực

Ba là đổi mới về công nghệ, bao gồm trang thiết bị, công cụ và sản phẩm kỹ thuật số. Nâng cấp để tăng cường quy hoạch và quản lý lưu vực sông. Hỗ trợ quá trình ra quyết định trong các điều kiện khó khăn, đặc biệt liên quan đến thay đổi điều kiện dòng sông do thay đổi hoạt động của hạ tầng nước và khí hậu.  

Theo trang web Chinhphu, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh những vấn đề mà Việt Nam quan tâm trong hợp tác Mekong và tại hội nghị lần này là các giải pháp cụ thể, mang tính đột phá bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân khi bị tác động, đặc biệt là hỗ trợ người dân ứng phó hiệu quả với các tình huống khẩn cấp do thiên tai, dịch bệnh và các tình huống khẩn cấp khác gây ra. 

Các hoạt động sử dụng nước trong lưu vực, cả ở dòng chính và các dòng nhánh cần được cân nhắc kỹ lưỡng để không ảnh hưởng nhiều đến dòng chảy tự nhiên. Mọi sự phát triển đều hướng tới sự ổn định, an toàn, an ninh của người dân ven sông cho dù ở quốc gia nào.

Dự kiến tại hội nghị cấp cao lần thứ 4, lãnh đạo các nước sẽ thông qua Tuyên bố chung Vientiane, trong đó đánh giá những thành tựu các nước trong lưu vực đạt được trong những năm qua, phân tích, đánh giá các thách thức và cơ hội đối với vai trò và hợp tác tại MRC, đồng thời đề ra các định hướng hợp tác cho những năm tiếp theo.

Hội nghị cấp cao của Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) được tổ chức từ năm 2010, theo cơ chế luân phiên bốn năm/lần tại bốn nước thành viên của ủy hội. Đây là sự kiện quy tụ tham dự của các nhà lãnh đạo cấp cao các nước thành viên MRC nhằm thảo luận, xây dựng chính sách và giải quyết thách thức mà các quốc gia lưu vực sông Mekong đang đối mặt.

Đây cũng là dịp để lãnh đạo chính phủ các nước thành viên MRC cùng đánh giá tình hình thực hiện các quyết định đã đưa ra bốn năm trước đó, thống nhất về các chiến lược và định hướng hợp tác cho tương lai.

Sông Mekong đang đối mặt với nhiều thách thứcSông Mekong đang đối mặt với nhiều thách thức

TTO - Ngày 24-11, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế đã có phiên họp lần thứ 29. Cùng với đó là phiên họp của hội đồng với các đối tác phát triển, đối thoại và các tổ chức quốc tế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên