20/07/2023 08:11 GMT+7

Phát triển hạ tầng đô thị: Cần cách làm mới

Trong phiên họp do Thủ tướng chủ trì ngày 18-7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn: "TP.HCM và Hà Nội muốn hoàn thành 8-9 tuyến metro phải mất 100 năm nữa nếu vẫn theo cách cũ".

Tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chạy thử nghiệm trên đường ray đoạn qua TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chạy thử nghiệm trên đường ray đoạn qua TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đây đúng là vấn đề cần giải quyết vì hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống giao thông công cộng, của hai đô thị lớn và quan trọng nhất nước đang tụt hậu rất xa so với nhu cầu phát triển cũng như các đô thị khác trong vùng.

Nhìn ở các khía cạnh kỹ thuật, trục trặc thường được nêu ra là do quy hoạch, thiếu vốn và bất cập chính sách, nhưng trên thực tế ngoài các yếu tố đó ra, có một vấn đề ít được nhắc đến là do cách làm, thiếu những người dám nghĩ, dám làm và biết cách làm để cáng đáng những công việc khó khăn và phức tạp này.

Kinh nghiệm từ các nước khác và chính Việt Nam cho thấy cần phải có cách làm khác, tập trung và làm cho bằng được những hạ tầng hay dự án có tầm chiến lược.

Vào năm 2002, nguyên chủ tịch Tập đoàn Hyundai Lee Myung Bak đã ra tranh cử vị trí thị trưởng Seoul khi đô thị này đang gặp phải những thách thức làm cho chất lượng sống và năng lực cạnh tranh giảm sút. 

Khi giao thông đang tắc nghẽn nghiêm trọng, ông đã đưa ra ý tưởng "ngược đời" là phá đường cao tốc huyết mạch giữa thành phố để phục hồi lại dòng suối Cheonggyecheon cùng với việc cải tạo và nâng cấp hệ thống giao thông công cộng nhất là các tuyến xe buýt.

Cho dù không có trong quy hoạch của Seoul lúc đó nhưng Lee Myung Bak cùng các đồng sự của mình đã có thể làm được việc "đội đá vá trời" này vẻn vẹn trong một nhiệm kỳ bốn năm. 

Có ít nhất ba yếu tố trọng yếu dẫn đến sự thành công của người có tinh thần dám nghĩ dám làm Lee Myung Bak gồm: (i) vấn đề được chọn mang tính chiến lược, tháo nút thắt và có tính chất khả thi, cụ thể; (ii) lập kế hoạch và chuẩn bị chu đáo; và (iii) vận động được sự ủng hộ của các bên liên quan.

Seoul vào thập niên 1970 chắc chắn không phát triển bằng TP.HCM hay Hà Nội cách đây hơn một thập niên, nhưng họ đã có thể xây được hơn 150km tàu điện ngầm sau gần hai thập niên - thời gian mà Hà Nội chỉ xây xong tuyến đường sắt đô thị đầu tiên dài hơn 13km và TP.HCM còn chưa xây xong tuyến metro thứ nhất với gần 20km.

 Xét về mức độ phức tạp của các quy định (quốc gia càng phát triển thì càng phức tạp) thì Việt Nam hiện tại khó mà so với Hàn Quốc vào những năm 2000, và xét về việc khan hiếm nguồn lực và các quy định không đầy đủ thì Việt Nam sao khó bằng Hàn Quốc những năm 1970.

Ngoài Seoul, chúng ta có thể thấy rất nhiều nơi khác đã làm được những điều tương tự và ấn tượng nhất có lẽ là Trung Quốc. Chỉ hơn hai thập niên, cả Bắc Kinh và Thượng Hải đã xây dựng được hệ thống tàu điện ngầm dài hơn 400km và đến giờ này họ có hệ thống tàu điện dài số 1 và số 2 thế giới (Bắc Kinh 807km và Thượng Hải 802km). 

Ông Dũng đã nêu tại hội nghị trên rằng những năm 1997-1998 Trung Quốc chỉ có khoảng 10.000km cao tốc và 20 năm sau đã phát triển lên 168.000km, trong tốp đầu thế giới.

Không chỉ ở nước ngoài mà Việt Nam cũng đã có thực tiễn của những việc khó và quan trọng được làm trong thời gian rất ngắn. Đường dây 500kV từ khi bắt đầu xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi (năm 1990) đến khi đóng điện (1994) chỉ bốn năm và thời gian thi công chỉ khoảng 24 tháng. 

Ở TP.HCM, chuỗi siêu dự án gồm Khu chế xuất Tân Thuận, đường Nguyễn Văn Linh, đô thị Phú Mỹ Hưng và Nhà máy điện Hiệp Phước đã được chuẩn bị và hình thành chỉ trong khoảng bốn năm (1988-1992), trong bối cảnh lúc đầu không ai biết và hình dung ra như thế nào cả. 

Hay cơ chế đặc thù cho sự phát triển của Đà Nẵng theo nghị quyết 33 năm 2003 của Bộ Chính trị ắt hẳn không bằng nghị quyết 54 cho TP.HCM cũng như các cơ chế khác cho Hà Nội, nhưng chỉ trong mấy năm, địa phương này đã có thể chỉnh trang và phát triển để thay đổi hoàn toàn bộ mặt đô thị...

Tóm lại, những gì đã xảy ra với hệ thống tàu điện ngầm nói riêng, các công trình trọng điểm nói chung và rộng hơn là sự phát triển chậm chạp của Hà Nội và TP.HCM, ngoài nguyên nhân cơ chế chính sách còn có lý do cách làm chưa trúng và cả yếu tố con người. 

Do vậy, hai địa phương này cần có cách tiếp cận và cách làm mà những nơi khác đã thành công; và đương nhiên, các chính sách và vai trò của trung ương cũng mang tính quyết định.

Thủ tướng: Nghiên cứu lập quỹ phát triển hạ tầng vùng Đông Nam BộThủ tướng: Nghiên cứu lập quỹ phát triển hạ tầng vùng Đông Nam Bộ

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các cơ quan nghiên cứu hình thành quỹ phát triển hạ tầng vùng, cố gắng hoàn thành trong quý 3-2023.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên