12/04/2024 10:05 GMT+7

Phát tiền cho dân để kích thích kinh tế?

Dù còn nhiều lo ngại, biện pháp "bơm tiền" để người dân tăng chi tiêu đã cho thấy có những hiệu quả đáng kể ở một số nước, song không phải không có những ý kiến lo ngại về hệ lụy của nó.

Dữ liệu: Nghi Vũ - Nguồn: Bangkok Post - Đồ họa: TUẤN ANH

Dữ liệu: Nghi Vũ - Nguồn: Bangkok Post - Đồ họa: TUẤN ANH

Để thúc đẩy chi tiêu trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng, chính phủ nhiều quốc gia đã chọn cách hỗ trợ người dân bằng việc phát tiền, tặng phiếu giảm giá...

Tiêu tiền có điều kiện

Ngày 10-4, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin thông báo chương trình Ví điện tử trị giá 500 tỉ baht (hơn 13,6 tỉ USD) sẽ có hiệu lực trong quý 4-2024. Theo đó, 50 triệu người dân Thái Lan sẽ được nhận 10.000 baht (khoảng 6,8 triệu VND)/người trong sáu tháng nhằm thúc đẩy chi tiêu ở các địa phương.

Trong bối cảnh kinh tế Thái Lan có thể tăng trưởng ít hơn 1% trong quý đầu năm nay, ông Srettha cho rằng nền kinh tế của họ cần nhiều biện pháp kích thích lớn. Ông cho biết chính sách phát tiền này sẽ giúp GDP tăng từ 1,2 - 1,6%.

Cũng theo ông Srettha Thavisin, khoản hỗ trợ này nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân khi chi phí sinh hoạt tăng cao, đồng thời nâng cao chất lượng sống của các nhóm dễ tổn thương và nông dân. Cùng với đó, nó cũng sẽ giúp củng cố các nền kinh tế địa phương, tạo điều kiện cho nhiều cộng đồng tự chủ hơn, hỗ trợ phát triển công nghệ kỹ thuật số và đổi mới.

Theo đó, công dân Thái từ 16 tuổi trở lên, có thu nhập ít hơn 70.000 baht (khoảng 47,7 triệu đồng)/tháng, và có ít hơn 500.000 baht (khoảng 340 triệu đồng) trong các tài khoản ngân hàng, sẽ đủ điều kiện nhận trợ cấp 10.000 baht.

Số tiền này chỉ được dùng để mua thực phẩm và hàng tiêu dùng mà không được mua hàng trên mạng, thuốc lá, rượu... hoặc các hàng hóa có giá trị như kim cương, đá quý hoặc vàng. Nó cũng không được dùng để trả nợ hoặc thanh toán hóa đơn điện, nước, nhiên liệu, khí đốt hoặc học phí, và phải được chi tiêu tại khu vực nơi đăng ký địa chỉ của người nhận.

Trong một chính sách tương tự trước đó, vào tháng 2-2024, báo Strait Times đưa tin người dân Singapore sẽ nhận được các hỗ trợ kết hợp giữa tiền mặt, phiếu mua hàng và phiếu giảm giá trong chương trình Gói đảm bảo 1,9 tỉ SGD (1,4 tỉ USD) nhằm giúp họ đối phó với lo ngại về chi phí sinh hoạt và triển vọng kinh tế bấp bênh.

Ngoài ra, Hội đồng Phát triển cộng đồng (CDC) của Singapore cũng sẽ cung cấp các phiếu mua hàng lên đến 600 SGD (443 USD) cho khoảng 1,4 triệu hộ gia đình.

Trong tháng 9 tới, khoản tiền hỗ trợ đặc biệt cho chi phí sinh hoạt trị giá từ 200 - 400 SGD (148 - 295 USD) cũng sẽ được chuyển cho công dân Singapore đủ điều kiện.

"Hơn 86% trong số 360 triệu SGD (266 triệu USD) đã được chi cho thực phẩm và đồ uống, cũng như hàng tạp hóa, nhu yếu phẩm hằng ngày và đồ dùng thiết yếu", bà Low Yen Ling, thị trưởng vùng Tây Nam Singapore, cho biết hồi tháng 1-2024.

"Điều này có nghĩa là chương trình Phiếu quà tặng CDC năm 2023 đã đạt được ý định và mục đích hỗ trợ các hộ gia đình Singapore trang trải chi phí sinh hoạt và gia đình họ", bà nói thêm.

Hiệu quả khi đúng đối tượng

Theo trang tin của ĐH Chicago (Mỹ), một số nghiên cứu, trong đó bao gồm các dữ liệu trước đại dịch COVID-19, cho thấy các gói kích thích chi tiêu hướng đến hộ gia đình mang lại hiệu quả cao nhất, khi nó nhắm đến đúng đối tượng cần giúp đỡ nhất.

Nghiên cứu của GS Christina Patterson thuộc Trường Kinh doanh Booth, ĐH Chicago chỉ ra, để đạt hiệu quả tối đa trong việc thúc đẩy kinh tế, các nhà lập pháp nên đưa tiền cho những người sẽ chi tiêu phần lớn số tiền đó, thay vì để dành.

Theo nghiên cứu của GS Patterson, việc chính phủ chuyển 1.000 USD cho mỗi người lao động có thể giúp tăng GDP thêm 69 xu cho mỗi USD chi tiêu.

Trong khi đó, việc chuyển 2.000 USD cho mỗi người lao động có xu hướng tiêu dùng cận biên (MPC) trên giá trị trung vị (gần với trên trung bình) sẽ làm tăng GDP thêm 96 xu cho mỗi USD chi tiêu. MPC là chỉ số đo lường mức tiêu dùng tăng thêm.

Tháng 12-2023 trang Conversation dẫn nghiên cứu cho thấy tính bền vững tài chính của các chương trình trợ cấp tiền mặt. Theo đó mỗi USD hỗ trợ nếu được chi tiêu thay vì để dành có thể làm tăng tổng thu nhập trong nền kinh tế.

Ví dụ, một nông dân dùng tiền trợ cấp mua phân bón ở chợ địa phương, người bán sẽ thu được lợi nhuận và sau đó chi tiêu khoản thu nhập tăng thêm này. Như vậy, khi một người được hỗ trợ, một người khác sẽ có thêm lợi nhuận, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa trong nền kinh tế.

Tại vùng nông thôn phía tây Kenya, chương trình GiveDirectly cung cấp 1.000 USD cho 10.500 hộ nghèo tại đây đã cho kết quả tích cực. Theo đó, cứ mỗi USD hỗ trợ được chi tiêu sẽ tạo ra 2,5 USD cho nền kinh tế địa phương.

Khó triển khai bền vững

Bên cạnh hiệu quả mang lại, biện pháp phát tiền cho dân cũng gây nhiều tranh cãi. Nhiều người lo ngại việc này sẽ khiến người dân ỷ lại, giảm nguồn cung lao động, và các chương trình này thường khá tốn kém.

Trong trường hợp của Thái Lan, chương trình của Thủ tướng Srettha vấp phải phản ứng kịch liệt của phe đối lập và một số chuyên gia của ngân hàng trung ương. Những người chỉ trích cho rằng "tiền dễ" có thể thổi bùng lạm phát và làm leo thang nợ công.

Thái Lan phát 14 tỉ USD cho người dân để kích thích phát triển kinh tếThái Lan phát 14 tỉ USD cho người dân để kích thích phát triển kinh tế

Mỗi công dân Thái Lan trưởng thành sẽ được phát 10.000 baht (275 USD) để chi tiêu cho một số lĩnh vực nhất định từ quý 4-2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên