22/07/2016 19:31 GMT+7

Phát hiện thêm nhiều di vật tại thương cảng cổ ở Bình Định

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Chiều 22-7, Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bình Định và Viện Khảo cổ học báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ học thương cảng Thi Nại - Nước Mặn (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định).

Niêu sành thô thế kỷ 17-18
Niêu sành thô thế kỷ 17-18 - Ảnh: Đoàn khai quật cung cấp

Theo ông Bùi Văn Hiếu (Viện Khảo cổ học, chủ trì thăm dò, khai quật), tuy diện tích khai quật tại khu vực thương cảng cổ này không lớn (bốn hố, diện tích 4,5m2/hố), nhưng đoàn khai quật đã phát hiện được những di tích và di vật có giá trị cho việc tìm hiểu và đánh giá giá trị của khu di tích.

Đó là dấu vết móng cột, chân tảng, nền kiến trúc, bếp cùng một số lượng di vật khá phong phú và đa dạng về loại hình, trải dài trong nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau từ thế kỷ 16-17 đến thế kỷ 19-20. 

"Sự có mặt của một số lượng lớn đồ gốm sứ thời Minh, Thanh Trung Quốc và gốm sứ Hizen Nhật Bản là những chứng cứ chân xác về tính chất thương mại của di tích” - ông Hiếu nhận xét.

Mảnh bát gốm men nâu Việt Nam, thế ký 16-17
Mảnh bát gốm men nâu Việt Nam, thế ký 16-17  - Ảnh: Đoàn khai quật cung cấp

Theo các nhà nghiên cứu, thương cảng Thi Nại - Nước Mặn đóng vai trò quan trong trong việc nghiên cứu mối quan hệ trao đổi, buôn bán, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với các nền văn minh Đông, Nam Á và Phương Tây thông qua tuyến giao thương quốc tế ở Biển Đông.

Năm 2006, Bảo tàng tổng hợp Bình Định đã tiến hành khai quật thám sát thương cảng này, phát hiện được dấu vết bếp đun nấu, tường gạch chạy theo chiều Đông - Tây. Hiện vật gồm đồ đất nung, gốm sành nâu, gốm trắng xanh (Trung Quốc), gốm Hizen (Nhật Bản), gốm Champa (Gò Sành) và gốm Việt Nam, trong đó chiếm tỉ lệ cao nhất là gốm sành, gốm Trung Hoa đến gốm Nhật Bản.

Mảnh bát gốm Hizen, Nhật Bản, thế kỷ 17-18
Mảnh bát gốm Hizen, Nhật Bản, thế kỷ 17-18  - Ảnh: Đoàn khai quật cung cấp

Những kết quả thu được từ hai lần đào thám sảt cho thấy tiềm năng nghiên cứu khảo cổ học vùng đất này còn rất lớn, do đó đoàn khai quật kiến nghị cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu trong di tích này trong tương lai.

Mảnh bình, vò, bát sảnh mịn thế kỷ 17-18
Mảnh bình, vò, bát sảnh mịn thế kỷ 17-18
DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên