Xe container, xe tải nặng lưu thông cùng làn với xe máy trên xa lộ Hà Nội đoạn dốc cầu Rạch Chiếc hướng từ Q.9 qua Q.2, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sau vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra tại Long An, trong buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ đã nói như trên.
Ngoài ra, theo ông Thọ, cần phải xem xét nghiên cứu vấn đề đèn đỏ tại các giao lộ trên quốc lộ 1. Bởi như hiện nay, xe lưu thông tốc độ cao khi dừng lại cũng rất nguy hiểm.
Tài xế "ngán" chạy đường hỗn hợp
Anh Nguyễn Văn Sâm (35 tuổi, quê Bình Định), có thâm niên 15 năm lái xe container, cho rằng tài xế nào cũng muốn an toàn cho mình và người đi đường, nên tai nạn xảy ra là điều đáng tiếc.
Theo anh Sâm, hiện nay nhiều tuyến đường ở nước ta vẫn còn hỗn hợp giữa xe cơ giới và thô sơ. Nhiều đoạn xe máy chạy chung làn với xe container cực kỳ nguy hiểm. Mà đi xe máy, không phải ai cũng chạy đúng luật, nhiều người vượt ẩu, chen lấn, luồn lách.
Tôi mong ngành giao thông sớm có làn riêng, độc lập cho các xe thô sơ và cơ giới ở các đoạn giao cắt, đèn đỏ. Vì nếu cứ duy trì làn hỗn hợp thì khó kiểm soát, nhiều lúc xe máy cũng vượt lên, chen vào làn xe cơ giới, rất dễ dẫn đến tai nạn giao thông.
Anh Nguyễn Văn Sâm
Nhiều tài xế xe tải nặng khác cũng tỏ ra rất "ngán" chạy trên các tuyến đường có làn đường hỗn hợp. Anh Vũ Viết Ri, một tài xế xe container thường xuyên chạy tuyến TP.HCM - miền Tây, cho biết rất sợ khi phải chạy trên đường vào giờ cao điểm xe tải, xe máy... cùng chen chúc nhau trên một làn đường, chỉ cần tài xế lơ là không quan sát sẽ xảy ra va chạm ngay.
Anh Ri cho biết bản thân từng va chạm với xe máy khi cùng chạy trên làn đường hỗn hợp. Do đó, mỗi lần chạy cùng làn với xe máy anh vô cùng lo lắng, luôn tập trung quan sát thật kỹ, di chuyển với tốc độ chậm.
Hiện nay, TP.HCM cũng như một số thành phố lớn có khá nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường nội thành có làn đường hỗn hợp. Điều này không góp phần giải quyết kẹt xe mà chỉ khiến nguy cơ tai nạn tăng cao.
Do đó, anh Ri đề xuất các cơ quan chức năng sớm xem xét, bố trí các làn đường riêng cho xe máy và xe tải. Xử phạt thật nghiêm các xe cố ý chạy sai làn đường quy định. Chỉ trong trường hợp bất đắc dĩ, ùn tắc nghiêm trọng thì mới linh hoạt điều chỉnh.
Nên có đường riêng cho xe thô sơ
Bàn về giải pháp, chuyên gia giao thông Lâm Thiếu Quân - giám đốc Công ty công nghệ Tiên Phong - nhận định vụ tai nạn xe container tông 21 xe máy ở Long An là hồi chuông được cảnh báo lâu nay. Việc để chung xe cơ giới và thô sơ lưu thông cùng làn đường là rất nguy hiểm.
Tôi cho rằng đến lúc chúng ta cần có giải pháp hạn chế xe máy cá nhân. Để làm được điều này cần đẩy nhanh, nâng chất các phương tiện giao thông công cộng. Khi ấy xe máy sẽ giảm, hạ tầng giao thông sẽ thuận lợi cho việc phân làn xe cơ giới và thô sơ.
Chuyên gia giao thông Lâm Thiếu Quân
Tại buổi họp báo sau vụ tai nạn giao thông tại Long An, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho rằng đối với tuyến quốc lộ với mật độ lưu thông đông, có xe có trọng tải lớn thì cần phải có giải pháp phòng ngừa làn xe hỗn hợp.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ sau đó, ông Thọ nói rằng hiện hạ tầng giao thông ở nước ta chỉ có những tuyến đường đầu tư đồng bộ mới phân độc lập làn ôtô, xe máy riêng. Còn ở các tuyến quốc lộ thì điều kiện chưa có, nguồn lực kinh tế chưa đáp ứng được.
Tuy nhiên ở những điểm nóng, điểm giao cắt, đèn đỏ thì ngành giao thông cần có giải pháp mở rộng ra hai làn, ba làn phân luồng rõ giữa xe cơ giới ra riêng, xe máy ở làn riêng.
Ví dụ đến đèn đỏ, xe cơ giới đi hướng riêng, xe máy đi một làn khác. Chúng ta cần thêm đường dẫn, biển báo, giải phân cách mềm để tách làn cho các loại phương tiện, nhằm đảm bảo an toàn.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ
Cũng theo ông Thọ, các yếu tố gây tai nạn giao thông liên quan đến kết cấu hạ tầng, kỹ thuật phương tiện và người điều khiển phương tiện. Cần làm tốt đồng bộ cả ba yếu tố này thì tai nạn mới giảm. Nếu hạ tầng, phương tiện tốt nhưng tài xế chủ quan, không tuân thủ quy định cũng dễ xảy ra tai nạn.
Nhiều xe container, xe tải lưu thông chung làn đường với xe máy trên đường Mai Chí Thọ, Q.2, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều tài xế sử dụng chất kích thích
Một thực tế khác đặt ra là hiện nay có không ít tài xế xe tải, xe container sử dụng rượu bia, ma túy khi tham gia giao thông. Tài xế xe container Nguyễn Duy Phúc cho biết hiện nay có khá nhiều người sử dụng chất kích thích để giữ tỉnh táo chạy đường dài, chạy liên tục nhiều ngày liền. Điều này dẫn tới việc họ thường lao xe bạt mạng trên các tuyến đường quốc lộ, bất chấp có thể gây tai nạn.
Tôi từng chứng kiến tài xế xe tải phê ma túy chạy với tốc độ cao trên quốc lộ. Người này vượt luôn chốt CSGT, tông vào chắn đường. Sau khi kiểm tra, anh này dương tính với ma túy. Những tài xế như vậy được cấp phép lái xe là hiểm họa cho xã hội. Cơ quan chức năng cần giám sát chặt vấn đề này, phát hiện những trường hợp như vậy cần xử phạt nặng. Chúng ta nên tổ chức kiểm tra sức khỏe tài xế định kỳ, xét nghiệm máu nếu không sử dụng ma túy, chất kích thích thì mới cho điều khiển xe.
Tài xế xe container Nguyễn Duy Phúc
Về vấn đề này, ông Lâm Thiếu Quân cho rằng những vụ tai nạn "xe điên" tông hàng loạt xe máy dừng đèn đỏ nguyên nhân chủ yếu là do tài xế có nồng độ cồn, hoặc có sử dụng chất kích thích.
Ông Quân đề xuất, cần có biện pháp chế tài, xử phạt đối với cả người biết tài xế sắp lái xe nhưng không khuyên can hoặc khiêu khích tài xế uống rượu, bia. Biện pháp này giúp người dân có ý thức hơn, giảm tình trạng tài xế có nồng độ cồn vượt mức quy định cũng như các chất kích thích khác khi ôm vô lăng.
Dữ liệu: THU DUNG - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Ông Trịnh Văn Minh - phó Phòng quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe Sở Giao thông vận tải TP.HCM - khuyến cáo các doanh nghiệp vận tải không nên khai thác quá mức sức lao động của tài xế.
Bộ Giao thông vận tải cần có các biện pháp chế tài mạnh mẽ với các doanh nghiệp sử dụng lái xe nghiện hoặc không chịu đưa người lái xe đi khám sức khỏe. Các doanh nghiệp vi phạm có thể bị rút giấy chứng nhận kinh doanh vận tải.
THU DUNG
TS Nguyễn Bá Hoàng (phó hiệu trưởng ĐH Giao thông vận tải TP.HCM):
Không lạm dụng làn đường hỗn hợp
Tình trạng phổ biến hiện nay ở các đô thị lớn của VN là giao thông hỗn hợp, không phân chia rõ làn đường cho ôtô và xe máy. Tại TP.HCM, hàng loạt tuyến quốc lộ, tỉnh lộ huyết mạch đều sử dụng làn đường hỗn hợp. Thậm chí, các tuyến đường nội đô như Hai Bà Trưng (Q.1), xa lộ Hà Nội (đoạn qua Q.Bình Thạnh), Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp)... xe tải, xe buýt, xe máy chạy lộn xộn, nối đuôi nhau dễ xảy ra tai nạn.
Trước mắt, TP nên rà soát lại toàn bộ đường sá trên địa bàn về diện tích mặt đường, tình hình giao thông tại từng khu vực. Những tuyến đường nào đủ điều kiện thì triển khai xây dựng làn đường cho các loại xe lưu thông riêng, hạn chế tối đa các va chạm giao thông. Đối với những tuyến đường mà chưa đủ kinh phí, chúng ta có thể thiết kế đường gom dành cho xe máy, xe tải và ôtô sẽ đi vào làn đường còn lại. Ngoài ra, tại các điểm dốc cầu, ngã rẽ... nên có dải phân cách cứng để xe cộ đi đúng làn đường quy định.
THU DUNG ghi
Đại tá Trần Sơn (nguyên phó Phòng hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông - Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an):
Hơn 30% tài xế xe container dương tính với ma túy
Theo khảo sát khoảng 6 năm trước thì có hơn 30% tài xế xe container (bằng lái FC) dương tính với ma túy, đây là con số nhức nhối nhưng nhiều năm qua ngành giao thông dường như bất lực. Có người cho rằng lái xe siêu trường siêu trọng đi đường dài, tài xế phải sử dụng ma túy mới đủ sức "cày", có tài xế lên cơn nghiện phóng bạt mạng đến chỗ mua ma túy,... Thực tế theo quy định, tài xế được cấp bằng lái FC không hề đơn giản và nhiều doanh nghiệp vận tải biết tài xế sử dụng ma túy nhưng vẫn thuê do nhu cầu lớn.
Tôi thiết nghĩ lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cần chỉ đạo ngay việc rà soát hệ thống đào tạo lái xe, trong đó cần kiểm tra ma túy đối với tất cả tài xế, đặc biệt là tài xế xe khách đường dài, xe container, xe tải nặng... Do người sử dụng ma túy thường có thói quen sử dụng nhiều lần hoặc đến mức nghiện, nên chỉ cần kiểm tra đột xuất sẽ phát hiện ngay. Từ đó, có biện pháp xử lý người nghiện theo quy định, tịch thu bằng lái, cấm lái xe vĩnh viễn hoặc có thời hạn tùy theo mức độ...
SƠN BÌNH ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận