Đề xuất ngân sách 2020 của ông Trump được in thành quyển dày với tựa đề "Ngân sách cho nước Mỹ tốt hơn" - Ảnh: REUTERS
Trong gói đề xuất ngân sách dành cho năm 2020, năm bản lề của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, chính quyền tổng thống Donald Trump đã cắt một loạt khoản chi, từ một số khoản trợ cấp liên bang cho nông dân cho đến các chương trình chăm sóc y tế cho người nghèo và người già.
Quan trọng hơn, nó cũng cắt viện trợ của Mỹ cho các nước khác tới 13 tỉ USD. Ngân sách dành cho Bộ Ngoại giao và Cơ quan bảo vệ môi trường cũng lần lượt bị đề xuất giảm 23% và 31%.
Trong khi đó, chính quyền tổng thống Donald Trump lại có kế hoạch dành nhiều tiền thuế của dân hơn cho an ninh quốc phòng. Cụ thể, ông Trump đề xuất tăng ngân sách quốc phòng cho Lầu Năm Góc thêm 5%, lên mức 750 tỉ USD.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng đuổi theo kế hoạch xây bức tường biên giới khi đưa ra con số 8,6 tỉ USD - gấp 6 lần số tiền được quốc hội Mỹ cấp mỗi năm trong vòng hai năm qua.
"Đề xuất này đã tiết kiệm được gần 2.700 tỉ USD và cắt giảm chi tiêu nhiều hơn bất kỳ chính quyền nào trong lịch sử Mỹ" - Russell Vought, người đứng đầu văn phòng quản lý và ngân sách của Nhà Trắng, nhấn mạnh.
Ông Vought sẽ phải bảo vệ đề xuất ngân sách của ông Trump trước Ủy ban ngân sách Hạ viện Mỹ vào ngày hôm nay 12-3.
Nó có thể là một nhiệm vụ khó khăn cho cố vấn của ông Trump bởi Hạ viện đang do phe Dân chủ đối lập kiểm soát.
Trong một tuyên bố ngày 11-3, thượng nghị sĩ Patrick Leahy, chủ tịch Ủy ban phân bổ ngân sách Thượng viện, nói thẳng đề xuất ngân sách của ông Trump "không đáng với số lượng giấy đã được dùng để in nó".
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ tại thượng viện thì gọi đề xuất là "cú đấm vào mặt tầng lớp trung lưu Mỹ", nhưng cho biết ông không bất ngờ trước hành động của chính quyền Trump.
Việc ông Trump đưa ra đề xuất là đúng quy trình xây dựng ngân sách của Mỹ. Nhưng việc có bao nhiêu trong số này sẽ được thông qua ở quốc hội lại là chuyện khác.
Đề xuất ngân sách của ông Trump cho năm tài khóa 2019 ở mức 4.400 tỉ USD nhưng phần lớn trong số này đã "chết yểu" trên đường đến quốc hội. Theo đúng quy trình, cả Hạ viện và Thượng viện sẽ cùng xây dựng ngân sách dựa trên đề xuất của tổng thống.
Sau khi đạt được một đề xuất ngân sách chung của quốc hội và lần lượt thông qua tại lưỡng viện, nó sẽ được đẩy tới bàn tổng thống để ký ban hành thành luật. Tuy nhiên, tổng thống có quyền phủ quyết và đây là nguyên nhân khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa hai lần trong hai năm qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận