Trung tâm hội nghị Bác Ngao trên đảo Hải Nam - Ảnh: AFP
Nhân sự kiện thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao khai mạc ngày 8-4 tại Hải Nam, nhiều thông tin gợi ý rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể công bố kế hoạch thành lập một hình thức cảng giao thương mới với quyền tự quyết chính sách, tự do kinh tế và tiếp cận thị trường lớn hơn các đặc khu kinh tế hiện nay, thậm chí là Hong Kong.
Báo South China Morning Post của Hong Kong dẫn các nguồn tin hành lang tiết lộ tỉnh đảo Hải Nam có thể được chọn cho thí nghiệm kinh tế mới của Bắc Kinh.
Những bài học thất bại
Năm 1988, Hải Nam được tách ra khỏi tỉnh Quảng Đông và trở thành đặc khu kinh tế lớn nhất Trung Quốc.
Tài năng và tiền bạc được đổ vào hòn đảo, nhưng thay vì trở thành đầu tàu cho sự phát triển, "cơn sốt vàng" Hải Nam nhanh chóng biến thành xìcăngđan và quả "bong bóng bất động sản" khổng lồ.
Năm 1992, giá nhà ở tại thành phố Hải Khẩu - thủ phủ Hải Nam, phình lên gấp 3 lần.
Năm tiếp theo, Bắc Kinh can thiệp bằng cách cấm tất cả các khoản vay ngân hàng liên quan đến bất động sản Hải Nam, dẫn đến quả bong bóng nhà ở đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc hiện đại bể tan tành.
Trong suốt 25 năm tiếp theo, vị thế và tầm quan trọng của Hải Nam trong nền kinh tế Trung Quốc giảm đi đáng kể.
Trong giai đoạn 5 năm tính đến năm 2017, Hải Nam thu hút chưa tới 10 tỉ USD đầu tư nước ngoài - tương đương 1,5% cả nước - và vô cùng chật vật để tìm kiếm chỗ đứng trong bức tranh kinh tế quốc gia.
Nhận được chính sách ưu đãi và nhiều khoản đầu tư, nhưng Hải Nam vẫn thất bại vô số lần. Họ chưa bao giờ mở cửa đầy đủ. Từng có những ý tưởng hay trong quá khứ, nhưng cứ mỗi lần vấp ngã, họ lại lập tức co vòi.
Nhà kinh tế Liu Yong thuộc Trung tâm Nghiên cứu phát triển Trung Quốc
Khách du lịch tắm biển ở thành phố Tam Á, Hải Nam - Ảnh: BLOOMBERG
Nỗ lực phát triển du lịch của Hải Nam cũng thất bại nốt.
Năm 2009, người ta nghĩ ra một "kế hoạch chiến lược" biến Hải Nam thành "hòn đảo du lịch quốc tế" bằng cách bơm nhiều khoản đầu tư lớn vào nền kinh tế tỉnh này.
Du khách quốc tế đâu chưa thấy, thị trường bất động sản lại một lần nữa phình ra khi cơ sở hạ tầng được bổ sung, nào là đường sá, sân bay, đường sắt cao tốc…
Năm 2017, tổng cộng có 67 triệu du khách thăm Hải Nam, tăng gấp đôi so với năm 2012, và chi tiêu khoảng 81 tỉ nhân dân tệ (12,8 tỉ USD). Nghe tưởng nhiều nhưng chỉ có 1 triệu lượt khách đến Hải Nam là người nước ngoài, khó lòng dùng chữ "quốc tế" để mô tả.
Để so sánh, đảo Bali của Indonesia có diện tích chỉ bằng 1/6 Hải Nam nhưng tiếp đón đến 5 triệu khách quốc tế trong năm 2016.
Nhà kinh tế Liu Yong nhận xét các điểm và cơ sở du lịch của Hải Nam không thể cạnh tranh với các nước Đông Nam Á như Indonesia hay Thái Lan vì giá cả đắt đỏ, chất lượng dịch vụ tồi và hạ tầng yếu kém.
Những đề xuất về miễn thuế, miễn visa và thậm chí hợp pháp hóa cờ bạc được đưa ra trong kế hoạch phát triển du lịch quốc tế, nhưng khi kế hoạch được chốt năm 2010, mọi thứ xì hơi chỉ còn vài cửa hàng miễn thuế cho khách trong nước, cờ bạc cũng bị giới hạn ở xổ số thể thao…
"Đó là những ý tưởng đã lỗi thời" - nhà kinh tế Zhao Xijun thuộc Đại học Renmin bình luận chê bai.
Ông Zhao nói Hải Nam không thể cạnh tranh nổi với các thành phố mua sắm như Hong Kong và Tokyo, và do nhu cầu xài hàng nước ngoài rẻ tiền của dân địa phương, thương mại điện tử tiện lợi hơn cửa hàng truyền thống.
Một tòa nhà chung cư ở Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc - Ảnh: BLOOMBERG
Kỳ vọng Tập Cận Bình
Ông Đặng Tiểu Bình - nhà lãnh đạo khởi xướng kỷ nguyên cải cách kinh tế Trung Quốc, là người quyết định biến Hải Nam thành một tỉnh độc lập cách đây 3 thập kỷ, và trao cho hòn đảo nhiều đặc quyền kinh tế.
"Sẽ thật tuyệt vời nếu chúng ta có thể phát triển tốt Hải Nam" - ông Đặng đã nói như vậy cách đây 31 năm.
Tuy nhiên, đến nay GDP bình quân đầu người của Hải Nam vẫn thấp và dưới mức trung bình cả nước (năm 2017), xếp hạng 22/31 tỉnh thành về tốc độ phát triển.
Chính trong bối cảnh lịch sử trên, ý tưởng biến Hải Nam thành một đặc khu kinh tế như Hong Kong được đưa ra. Chỉ khác là bây giờ đến lượt ông Tập Cận Bình ra tay, tại nơi ông Đặng Tiểu Bình từng thất bại.
Hiện Hải Nam đang tiếp đón hàng loạt quan chức chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế đến tham dự Diễn đàn châu Á Bác Ngao (diễn ra từ ngày 8 đến 11-4) - sự kiện được mệnh danh "Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) phiên bản châu Á".
Cái mọi người tìm kiếm chính là manh mối về các kế hoạch kinh tế sắp tới của Bắc Kinh.
Ông Tập Cận Bình được kỳ vọng sẽ mang lại phép màu kinh tế mới cho Trung Quốc - Ảnh: AFP
Trong bối cảnh nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump nghiêng theo chủ nghĩa bảo hộ, Trung Quốc đang tranh thủ quảng bá vai trò thúc đẩy tự do thương mại và toàn cầu hóa.
Chủ tịch Tập Cận Bình - nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất từ thời ông Mao Trạch Đông, chủ trương mở rộng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới theo hướng "chất lượng" thay vì "tốc độ" như trước đây.
Hồi tháng 1, cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Tập - Lưu Hạc công bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ) rằng các nỗ lực tự do hóa thị trường của Trung Quốc trong năm nay sẽ "vượt ngoài mong đợi" của cộng đồng quốc tế.
Còn tháng trước, tân thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Yi Gang khẳng định một loạt thay đổi lớn sẽ được công bố tại Diễn đàn Bác Ngao.
Hãy cùng chờ xem.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận