21/07/2017 15:00 GMT+7

​Ông lão 87 tuổi và giấc mơ cây cầu ở bản nghèo Mù Cang Chải

THU THẢO
THU THẢO

Cuối cùng, ông Giàng Tống Su, 87 tuổi, ở bản Páo Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, (Yên Bái) cũng được chứng kiến cảnh động thổ khởi công xây dựng cây cầu dầm thép, kiên cố, bắc qua suối Nậm Cai vào ngày 15-7.

Niềm mong mỏi của ông Giàng Tống Su, 87 tuổi, đã thành hiện thực, cây cầu mới đã được khởi công - Ảnh: Nguyễn Lê

Ngày động thổ cầu Cáng Dông, bà con dân bản Páo Khắt kéo nhau rồng rắn đến xem. Họ nghe tin cây cầu sẽ được xây dựng từ cuối năm ngoái, nhưng không ngờ ngày khởi công lại nhanh đến như vậy.

Ông Giàng A Khua, trưởng bản Páo Khắt, không giấu được niềm vui: “Nghe tin được hỗ trợ, chúng tôi mừng lắm. Con suối Nậm Cai ngày bình thường trông hiền lành là thế nhưng mùa mưa bão đến lại cuồn cuộn lên ngay. Nói đâu xa, cây cầu tạm bằng gỗ dân bản cùng nhau đóng góp bắc qua suối để đi lại năm vừa rồi bị trôi mất 2 lần vì nước lớn”. 

Đi qua cây cầu tạm, phụ nữ chỉ dắt bộ chứ không dám đi xe vì cầu rung lắc - Ảnh: Nguyễn Lê

Đúng như trưởng bản Giàng A Khua nói, cây cầu tạm bắc qua suối bằng hai thanh dầm sắt và mấy miếng gỗ sơ sài làm nền ở phía trên, mỗi khi có người đi qua đều rung lên bần bật. Chỉ có cánh đàn ông, tay lái cứng mới dám ngồi yên trên xe phóng qua cầu, còn các chị em đều phải xuống xe nổ máy, dắt từ từ qua. 

Ngày 17-7 vừa rồi, cây cầu Cáng Dông làm bằng gỗ tạm lại bị nước lũ cuốn trôi trong cơn bão số 2. Đây là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 1 tháng, cây cầu gỗ tạm bị nước cuốn trôi khiến bà con thôn Cái Dông và Páo Khắt lại khốn khổ vì đi lại.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường - phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, cầu Cáng Dông là một trong những cây cầu được xây dựng theo chương trình “Nhip cầu yêu thương” do Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải phát động. Chương trình kêu gọi các đơn vị, cá nhân có lòng hảo tâm cùng chung tay đóng góp, tới nay đã có 218 tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ với số tiền trên 470 tỉ đồng, xây dựng được 44 cây cầu dân sinh. 

Con suối Nậm Cai hiền lành là thế nhưng tới mùa mưa lũ nước dâng cao, cuốn phăng cây cầu gỗ. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng (18-6 đến 17-7), cây cầu gỗ đã bị cuốn trôi 2 lần - Ảnh: Việt Hưng

Cầu Cáng Dông có tổng mức đầu tư xây dựng gần 4,4 tỉ đồng, kết cấu 2 nhịp, mỗi nhịp dài 16m, rộng 4,0m bằng bêtông cốt thép, trên móng bêtông cốt thép kiên cố.

Ông Lê Trọng Kha - phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, chia sẻ: “Mù Cang Chải có đặc thù là huyện miền núi nên địa hình bị chia cắt rất mạnh. Hiện trên địa bàn huyện cần khoảng trên 20 cầu dân sinh bắc qua các khe suối lớn. Nhưng vì huyện nghèo nên kinh phí chưa phân bổ được để xây cầu. Được Viettel hỗ trợ như thế này, cây cầu đem đến ý nghĩa rất lớn, trước tiên là phát triển kinh tế của bà con địa phương. Người dân có thể sản xuất, vận chuyển hàng hóa ra ngoài tiêu thụ. Thứ hai là đảm bảo an toàn trong mùa mưa.

Ở miền núi mùa mưa bắt đầu từ cuối tháng 4 đến hết tháng 9, mưa lũ rất lớn, ảnh hưởng tới việc đi lại, nguy hiểm tính mạng của bà con. Có cầu kiên cố, các cháu học sinh cũng được đi học thuận tiện và đều hơn. Thứ ba, giúp địa phương hoàn thiện hơn nữa về tiêu chí nông thôn mới”. 

Dân bản Páo Khắt ai cũng trông mong có cây cầu mới - Ảnh: Nguyễn Lê

Với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Cáng Dông là cây cầu thứ 6 đơn vị này tài trợ đồng hành cùng chương trình Nhịp cầu yêu thương. Trước đó Viettel đã tài trợ và đưa vào sử dụng 5 cây cầu tại Yên Bái, Nghệ An, Quảng Trị, Lâm Đồng. 

Các đơn vị đại diện động thổ khởi công công trình, mang niềm vui tới cho người dân - Ảnh: Nguyễn Lê

Trung tá Trần Quang Hưng - trưởng ban xây dựng Tập đoàn Viettel - cho hay: Trong những năm qua, Viettel đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động chính sách xã hội gắn liền với vùng sâu vùng xa như chương trình Bò vì cộng đồng, Ximăng tặng hộ nghèo, Vì em hiếu học… Chương trình “Nhịp cầu yêu thương” là chương trình tiếp nối trong chuỗi hoạt động của tập đoàn. Kết nối các vùng sâu vùng xa, nâng cao đời sống của nhân dân. Góp phần củng cố quốc phòng, an ninh trên mọi miền của Tổ quốc. Tới nay, chúng tôi đã tài trợ 25 tỉ đồng xây 6 cây cầu và cam kết sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ vào các năm tiếp theo”. 

Sau hơn 2 năm, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải phát động chương trình “Nhịp cầu yêu thương” nhằm kêu gọi mọi người có lòng hảo tâm cùng chung tay đóng góp, đã có 44 cầu dân sinh được thực hiện, 36 công trình được đưa vào khai thác sử dụng. Tới năm 2020 chương trình dự kiến sẽ xây dựng thêm 2.300 cây cầu trên 50 tỉnh thành trong cả nước, chủ yếu là vùng đồng bào dân tộc miền núi. 
THU THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên