27/08/2011 08:14 GMT+7

Ở tù vẫn lừa thiên hạ

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - Không chỉ dân thường mà doanh nghiệp, một số đơn vị công an cấp xã và cấp huyện ở tỉnh Tiền Giang đều sụp bẫy lừa của một phạm nhân đang cải tạo trong một trại giam ở...miền Đông Nam bộ.

K0MuHP3W.jpgPhóng to

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Châu Thành (Tiền Giang) đã quyết định khởi tố Phan Cao Giang (34 tuổi, ngụ TP.HCM) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Giang là phạm nhân đang chấp hành án 14 năm tù giam tại một trại giam ở miền Đông Nam bộ cũng về tội lừa đảo chiếm đoạt tàì sản.

Một chiêu lừa, nhiều người sụp bẫy

Cần xem xét trách nhiệm cán bộ quản giáo

Theo luật sư Cao Minh Triết - Đoàn luật sư Tiền Giang, trong trường hợp này cơ quan điều tra khởi tố Giang là phù hợp với pháp luật. Giang đang thụ án tội lừa đảo lại tiếp tục phạm tội lừa đảo đương nhiên bị khởi tố và xử lý theo hướng tăng nặng hình phạt do tái phạm mức độ nghiêm trọng. Tuy nhiên cũng cần phải xem xét trách nhiệm của cán bộ quản giáo để bị can đem điện thoại vào phòng giam thực hiện hành vi phạm tội.

Ông Trần Xuân Hoàng, trưởng phòng tổ chức - hành chính Công ty CP Rau quả Tiền Giang, kể: ngày 3-1, công ty bị kẻ trộm đột nhập lấy đi 400 triệu đồng, hơn 2.500 USD, một máy tính xách tay, một máy chụp hình kỹ thuật số.

Trong lúc công an đang điều tra truy tìm thủ phạm, ông nhận được điện thoại của một người tự xưng là Long (cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Phước) nói đã bắt được băng trộm gồm bốn đối tượng. Long yêu cầu công ty cử người đến Bình Phước nhận tài sản.

Cùng lúc này Long cũng gọi cho Công an xã Long Định và Công an huyện Châu Thành thông tin nội dung tương tự. Ông Hoàng cùng Công an huyện Châu Thành lập tức lên xe đi Bình Phước. Trong lúc đang trên đường đi, Long gọi đến công ty và gặp ông Nguyễn Văn Phương (kế toán) nói anh em cảnh sát hình sự bắt vụ này rất vất vả, đề nghị công ty bồi dưỡng 7 triệu đồng bằng cách nạp tiền vào số điện thoại do Long ấn định.

Tin lời Long, ông Phương nạp ngay 7 triệu đồng. Tại Công an Bình Phước, ông Hoàng được trả lời không có cảnh sát hình sự nào tên Long. Gọi lại cho Long thì điện thoại tắt máy.

Trước đó ngày 26-12-2010, ông Huỳnh Anh Tuấn (ở xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè) mất gần 700 triệu đồng tiền bán heo. Bốn ngày sau, Công an xã Hòa Khánh nhận được điện thoại của một đối tượng xưng là Định, cảnh sát hình sự Công an tỉnh Kiên Giang. Định nói đã bắt được đối tượng trộm tiền của ông Tuấn. Nói chuyện một lúc, Định đề nghị ông Tuấn bồi dưỡng cho 11 người có công bắt được đối tượng trộm.

Nghe tìm được số tiền bị mất, ông Tuấn mừng quá mua 11 thẻ cào điện thoại, mỗi thẻ 1 triệu đồng rồi đọc mã số cho Định. Rốt cuộc số tiền này cũng “mất hút”.

Theo đại tá Đặng Quang Minh - trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an Tiền Giang - người trực tiếp chỉ huy phá án, từ giữa năm 2010 đến tháng 4-2011, PC45 Tiền Giang nhận được đơn tố giác của tám trường hợp bị lừa qua điện thoại. Người gọi điện tự xưng là công an hoặc cán bộ quản giáo trại giam.

Điển hình là vụ lừa đảo lấy tiền gia đình người bị tạm giữ ở huyện Châu Thành (Tiền Giang). Vụ việc như sau: ngày 9-11-2010, Phan Văn T. bị Công an huyện Châu Thành tạm giữ về hành vi đánh bạc. Sau đó có một người xưng là Tùng, cán bộ của nhà tạm giữ Công an huyện Châu Thành, gọi điện cho vợ anh T. nói T. bị té đập đầu vào tường, chấn thương nặng. Muốn được chăm sóc tốt thì mua thẻ cào điện thoại nhắn tin mã số vào số máy của người này. Vợ anh T. tin là sự thật, mua thẻ cào trị giá 2,5 triệu đồng nạp vào số máy của người gọi điện thoại. Sau khi nạp xong, số máy này không liên lạc được.

Thủ phạm ở... trong tù!

Theo đại tá Đặng Quang Minh, Công an Tiền Giang phải đề nghị Sở Thông tin - truyền thông, Bộ Công an hỗ trợ nghiệp vụ mới tìm ra thủ phạm.

Tìm hiểu về Giang cho thấy năm 2009, phạm nhân Giang từng bị trại giam kỷ luật về hành vi sử dụng điện thoại liên lạc với bên ngoài để hoạt động lừa đảo. Nghi vấn Giang, cơ quan điều tra đã phối hợp với cán bộ quản giáo trại giam thẩm vấn phạm nhân Phan Cao Giang. Kết quả: Giang thừa nhận lừa đảo một số vụ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Theo ông Minh, bước đầu Giang khai tìm cách giấu điện thoại để đưa vào phòng giam bằng cách gỡ bỏ hầu hết phụ kiện, chỉ còn chừa vỉ vi mạch rất mỏng, sau đó gắn sim và pin vào để gọi điện, nhắn tin.

Giang khai mỗi ngày có người bên ngoài liên lạc qua điện thoại thông tin cho biết các vụ liên quan đến an ninh trật tự đăng trên báo để Giang nghe... đỡ buồn. Sau khi nắm thông tin những nạn nhân bị mất trộm, Giang giả danh cảnh sát hình sự liên lạc với công an địa phương hoặc tổng đài để tìm số điện thoại gọi cho nạn nhân. Do thấy Giang thông tin vụ việc một cách chính xác nên các nạn nhân không nghi ngờ khi nạp tiền điện thoại cho Giang.

Ông Minh nói đây là lần đầu tiên Công an Tiền Giang phát hiện một vụ lừa đảo hi hữu như vậy. Trong vụ này công an nghi ngờ không chỉ có một mình Giang mà còn nhiều đối tượng khác cùng tham gia.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên