Bộ Giáo dục quốc gia, Giáo dục đại học, Nghiên cứu và Đổi mới nước Pháp vừa công bố danh sách các ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư tại Pháp năm 2024, trong đó có tên PGS.TSKH Nguyễn Thị Mộng Điệp.
Vào top 3 ứng viên xuất sắc nhất đạt chuẩn giáo sư cả ba vị trí
Bà Nguyễn Thị Mộng Điệp sinh năm 1983, quê huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, hiện là trưởng bộ môn sinh học ứng dụng - nông nghiệp thuộc khoa khoa học tự nhiên Trường đại học Quy Nhơn.
Đáng chú ý, trong tổng số 244 ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư tại Pháp năm nay, bà Nguyễn Thị Mộng Điệp còn nằm trong top 3 ứng viên xuất sắc nhất khi đạt tiêu chuẩn cho cả ba vị trí ứng tuyển thuộc chuyên ngành sinh lý học (physiologie), hóa sinh và sinh học phân tử (biochimie et biologie moléculaire) và sinh học cơ thể (biologie des organismes).
Theo các chuyên gia, việc một nữ giảng viên Việt Nam đạt tiêu chuẩn giáo sư tại một quốc gia có nền giáo dục hàng đầu như Pháp là một thành tựu đáng tự hào.
Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển nghiên cứu, thu hút tài trợ cho các dự án nghiên cứu của bà Điệp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và Pháp.
Để trở thành giáo sư tại Pháp, các ứng viên phải vượt qua nhiều tiêu chí bắt buộc: có bằng HDR, chủ nhiệm các dự án nghiên cứu, nhiều công bố quốc tế uy tín, xuất bản sách quốc tế, kinh nghiệm giảng dạy, hướng dẫn sinh viên thực tập, học viên và nghiên cứu sinh...
PGS.TSKH Nguyễn Thị Mộng Điệp hiện đang ở Pháp thực hiện dự án hợp tác nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu quốc gia về nông nghiệp, thực phẩm và môi trường quốc gia Pháp (INRAe) trong lĩnh vực khoa học y sinh. Để thực hiện dự án này, mỗi năm bà Điệp dành từ 3-6 tháng làm việc tại Pháp.
Nhà khoa học nữ có nhiều đóng góp lĩnh vực y sinh
Sau khi tốt nghiệp cử nhân sinh học năm 2005 và được Trường đại học Quy Nhơn giữ lại làm cán bộ giảng dạy, bà Mộng Điệp bắt đầu nghiên cứu công nghệ sinh học nông nghiệp. Nữ giảng viên luôn coi nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ để nâng cao kiến thức phục vụ giảng dạy.
Năm 2009, bà nhận bằng thạc sĩ chuyên ngành sinh học thực nghiệm tại Trường đại học Quy Nhơn.
Bà nhận bằng tiến sĩ ngành sinh học, chuyên ngành khoa học sự sống và sức khỏe tại Trường đại học François Rabelais, Pháp.
Cuối năm 2016, bà tiếp tục sang Pháp làm nghiên cứu sau tiến sĩ và hợp tác nghiên cứu theo thư mời của giáo sư Yves Combarnous tại Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp. Năm 2022, bà bảo vệ thành công học vị tiến sĩ khoa học tại Pháp.
TS Nguyễn Thị Mộng Điệp được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2019.
Gắn bó với ngành khoa học y sinh hơn 10 năm qua, nữ giảng viên 41 tuổi này đã có nhiều đóng góp tích cực trong giảng dạy và nghiên cứu, góp phần làm cầu nối đưa khoa học Việt Nam đến gần hơn với thế giới.
Cơ duyên đưa bà đến với khoa học y sinh vào năm 2011, khi bà làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu nông nghiệp quốc gia Pháp (INRA), nghiên cứu về vai trò của protein AMPK (một protein quan trọng trong quá trình trao đổi năng lượng của tế bào).
Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, dù nhận được lời mời làm sau tiến sĩ tại Trường đại học Kentstate (Mỹ) và INRA nhưng bà Điệp từ chối.
Bà chọn trở về Việt Nam theo đuổi giấc mơ xây dựng một phòng thí nghiệm tại Trường đại học Quy Nhơn, vừa phục vụ cho việc mở hướng nghiên cứu mới về khoa học y sinh trong tỉnh vừa phục vụ giảng dạy.
Giảng viên Nguyễn Thị Mộng Điệp là 1 trong 33 thầy, cô được vinh danh trong chương trình nhà giáo tiêu biểu của năm 2023 bậc đại học.
Trước đó, tháng 1-2021, tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế ASIA Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thị Mộng Điệp được vào top 10 trí thức, nhà khoa học sáng tạo và cống hiến tiêu biểu ASIA.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận