01/09/2013 07:55 GMT+7

Nữ doanh nhân nổi tiếng và cú lừa 230 triệu USD

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Chính quyền Philippines đã triển khai một lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ bảo vệ sự an toàn của nữ doanh nhân bị cáo buộc cấu kết với các nghị sĩ quốc hội bòn rút 230 triệu USD từ ngân sách nhà nước.

Thủ phạm vụ tham nhũng 230 triệu USD đầu thú

jd5Hvtqr.jpgPhóng to
Nữ doanh nhân Janet Napoles đã bị bắt giữ và đang bị biệt giam nghiêm ngặt - Ảnh: AFP

Theo báo Daily Inquirer, Lực lượng hành động đặc biệt (SAF) thuộc Cảnh sát quốc gia Philippines đã được giao nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn của nữ doanh nhân Janet Lim Napoles trước mối nguy bị ám sát. SAF là nhóm đặc nhiệm chuyên đối phó với các tổ chức khủng bố, phiến quân ly khai ở Philippines và có rất nhiều kinh nghiệm trong việc bảo vệ các cá nhân bị đe dọa.

Hiện nữ doanh nhân Napoles bị giam giữ tại nhà tù thành phố Makati. Các đặc nhiệm SAF đang trấn thủ tại nhà tù này. Các quan chức nhà tù Makati cho biết đã biệt giam bà Napoles để giảm thiểu nguy cơ bị bạn tù sát hại. Các nhân viên nhà tù tự nấu thức ăn để phục vụ bà Napoles vì lo ngại thức ăn đem từ bên ngoài vào có thể bị đầu độc.

Cú lừa 230 triệu USD

Hôm 29-8, bà Napoles đã đến đầu thú tại Phủ tổng thống Philippines sau khi cảnh sát mở cuộc săn lùng trên toàn quốc và treo giải thưởng 220.000 USD cho ai cung cấp thông tin về bà ta. Tổng thống Benigno Aquino đã nói chuyện với bà Napoles trong mười phút. Các nguồn tin từ phủ tổng thống tiết lộ ông Aquino đã cam kết sẽ bảo vệ tính mạng của bà Napoles. Đổi lại, bà ta sẽ phải khai báo toàn bộ tình tiết của vụ án tham nhũng 230 triệu USD và tất cả những người liên quan.

Năm 2012, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) xếp Philippines hạng 105 trên tổng số 174 quốc gia trong bảng xếp hạng Chỉ số cảm nhận tham nhũng. Báo Philippine Star cho biết Trung tâm Báo chí điều tra Philippines ước tính 504 ứng viên tham gia cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5 từng ít nhất một lần bị truy tố về tội tham nhũng hoặc các tội khác. Tuy nhiên hơn 50% vẫn được bầu.

Bà Napoles, 49 tuổi, là doanh nhân nổi tiếng tại Philippines. Năm 2001, bà ta và chồng bị cáo buộc có dính líu đến vụ quân đội Philippines chi 85.000 USD mua mũ bảo hộ quân sự Kevlar kém chất lượng và bị truy tố. Tuy nhiên, tên của chồng bà Napoles biến mất khỏi danh sách bị cáo vào năm 2002 và dù bà ta ra hầu tòa nhưng đã được tha bổng vào năm 2010 vì lý do “thiếu bằng chứng”.

Ngày 12-7-2013, dư luận Philippines chấn động khi báo Daily Inquirer đăng bài khẳng định Cục Điều tra quốc gia (NBI) đang mở cuộc điều tra nghi án bà Napoles đã cấu kết với một số nghị sĩ quốc hội bòn rút 230 triệu USD từ Quỹ Hỗ trợ phát triển ưu tiên (PDAF) suốt mười năm qua. NBI xác định bà Napoles chính là chủ mưu thực hiện cú lừa ngoạn mục này. PDAF là quỹ được Chính phủ Philippines lập ra để rót tiền vào các dự án xây dựng hạ tầng và phát triển cộng đồng dành cho người nghèo.

Trong nhiều năm, bà Napoles và các nghị sĩ tham nhũng đã lập ra hàng loạt tổ chức phi chính phủ giả mạo để rút tiền từ PDAF. Trong một số trường hợp, người nhà của các nghị sĩ tham nhũng là giám đốc các công ty và tổ chức phi chính phủ nhận tiền từ PDAF. Trên giấy tờ, các công ty này thực hiện hàng loạt dự án hạ tầng hoành tráng như xây đường sá, cầu cống, trung tâm cộng đồng hiện đại... Tuy nhiên thực tế ở các địa điểm xây dựng hiện tại vẫn là những con đường lầy lội hay những tòa nhà dột nát, xập xệ.

Trong các vụ lừa đảo này, bà Napoles chia cho các nghị sĩ tham nhũng 40-60% số tiền ăn cắp được. Mỗi khi rút tiền nhà nước từ các ngân hàng để “thực hiện dự án”, nhân viên công ty bà Napoles đem về cất trong văn phòng hoặc nhà riêng của bà ta. Cảnh sát Philippines cho biết có những lúc tiền nhiều đến nỗi phòng ngủ của bà Napoles cũng không đủ chỗ chứa và bà ta phải đem hàng bao tải peso đặt trong bồn tắm.

Sự phẫn nộ của người dân

Daily Inquirer đăng tải đầy đủ tên tuổi của 12 thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ đã “dây máu ăn phần” trong vụ lừa đảo quy mô lớn này. Dư luận Philippines càng phẫn nộ hơn khi các trang mạng xã hội nước này đăng những bức ảnh cho thấy con gái bà Napoles ăn chơi vung vít ở nhiều địa điểm tại châu Âu và Mỹ. Cô ta còn chụp ảnh tạo dáng bên cạnh chiếc xe siêu sang Porsche hay một chiếc Limousine xịn và vui cười với nhiều người nổi tiếng.

Hôm 26-8, hàng chục nghìn người đã đổ ra đường phố thủ đô Manila biểu tình phản đối các quan chức tham nhũng. Người biểu tình đeo mặt nạ heo để mô tả các nghị sĩ tham nhũng là những con heo bẩn thỉu, tham lam. Trước phản ứng quá dữ dội từ phía dư luận, Tổng thống Aquino đã lên đài truyền hình quốc gia cam kết nghiêm trị những kẻ phạm tội và cải tổ PDAF. “Đây là vụ xìcăngđan gây sốc - ông Aquino thừa nhận - Giờ chúng ta phải xây dựng một cơ chế đáp ứng nhu cầu của người dân một cách minh bạch và hiệu quả”.

Giới quan sát nhận định vụ bê bối 230 triệu USD đã gây sức ép lớn lên chính quyền Tổng thống Aquino. Khi tranh cử tổng thống, ông Aquino cam kết sẽ giảm thiểu nạn tham nhũng thâm căn cố đế trong chính quyền Philippines. Tuy nhiên giới truyền thông Philippines chỉ trích ông Aquino đã không cải tổ được các cơ quan nổi tiếng là tham nhũng như cảnh sát, hải quan, không xây dựng được luật chống tham nhũng mạnh mẽ hay tạo ra cơ chế bảo vệ những “người thổi còi” tố giác tham nhũng.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên