19/02/2017 09:35 GMT+7

NSƯT Thành Hội: Tôi chết vì tiếng đồn

LINH ĐOAN thực hiện
LINH ĐOAN thực hiện

TTO - Vở diễn đáng xem nhất của kịch Tết Đinh Dậu, Mơ trăng bóng nước đến nay vẫn thu hút khán giả, như thêm một thành công của NSƯT Thành Hội ở vai trò đạo diễn...

Dù chỉ đảm nhiệm vai phụ nhưng NSƯT Thành Hội (vai Hai Nhiễu) và nghệ sĩ Ái Như (vai cô Đơn) đã gắn kết, hỗ trợ hết mình để các diễn viên trẻ tự tin thể hiện mình trong vở Mơ trăng bóng nước - Ảnh: NGUYÊN LỘC
Dù chỉ đảm nhiệm vai phụ nhưng NSƯT Thành Hội (vai Hai Nhiễu) và nghệ sĩ Ái Như (vai cô Đơn) đã gắn kết, hỗ trợ hết mình để các diễn viên trẻ tự tin thể hiện mình trong vở Mơ trăng bóng nước - Ảnh: NGUYÊN LỘC

Mơ trăng bóng nước (kịch bản: Hoàng Thái Thanh - Nguyễn Thị Minh Ngọc, cảm tác từ tác phẩm Tình lơ của Nguyễn Ngọc Tư) không khiến người ta thắt ruột thắt gan, khóc hết nước mắt như Bao giờ sông cạn, Rau răm ở lại..., nhưng gây thiện cảm bởi câu chuyện tình yêu tréo ngoe của đôi trẻ, nhẹ nhàng, dễ thương và đọng lại nhiều cảm xúc.

Như bao vở diễn khác ở sân khấu Hoàng Thái Thanh, với Mơ trăng bóng nước, “mặt trận” nào cũng có sự góp mặt của Thành Hội, từ tác giả kịch bản đến đạo diễn và thật vững chãi với vai anh Hai Nhiễu nghiêm ngặt giữ gìn nề nếp gia đình nhưng ẩn sâu là người đàn ông giàu tình cảm.

Nhưng ở sân khấu “khó tính” này, Thành Hội còn là người thầy nghiêm khắc của các bạn trẻ. Một con người kiêm đến ba, bốn vai mà vai nào cũng chỉn chu, kỹ lưỡng.

Nghệ sĩ Thành Hội trong một vở diễn - Ảnh: T.T.D

Nên gặp Thành Hội hơi khó, anh bảo chuyện nghề của mình cũng vậy, kể đi kể lại hoài cũng ngán. Vì muốn né nên ông NSƯT nói vậy, còn khi đã gặp được rồi, nghe được mấy chuyện “cũng ngán” đó sẽ thấy ra nhiều điều thú vị.

Mà đâu chỉ là chuyện sân khấu giữa thời buổi nhộn nhạo này, khi Thành Hội kể: “Tôi từ chối không đi phim, không quay chương trình truyền hình luôn vì muốn đứng thế trung dung.

Bởi khi mình đề nghị diễn viên A, diễn viên B bớt một ngày quay để tập kịch mà bản thân mình vướng lịch quay ba, bốn ngày thì làm sao nói họ nghe. Mình phải hi sinh thì mới kêu gọi người khác hi sinh với mình được chớ!”.

Một vở diễn của sân khấu Hoàng Thái Thanh - - Ảnh: T.T.D


Tôi chết vì tiếng đồn

* Có lần một đơn vị mời Ái Như tham gia cuộc họp trùng lịch tập vở mới mà anh đang dàn dựng. Chị Ái Như đã từ chối vì không thể bỏ một buổi tập kịch. Anh áp dụng kỷ luật sắt với ngay cả bà bầu?

- Mỗi lần lên lịch tập vở mới là bạn Thế Hải (chỉ huy biểu diễn ở sân khấu Hoàng Thái Thanh) muốn điên luôn. Lên được lịch tập 30 ngày mà diễn viên đủ mặt là kinh khủng lắm. Bởi vậy đã lên lịch tập mọi người phải đúng y bon, hôm nay tập cảnh nào là phải tập cho xong cảnh đó vì không thể kiếm ngày khác bù vào.

Có người nói tập kịch vui mà có gì đâu, xin thưa chẳng khác nào “quân lệnh như sơn”, mọi người phải răm rắp theo đúng kế hoạch, chỉ cần một người chệch ra là ảnh hưởng đến tập thể, ảnh hưởng đến tiến độ dàn dựng.

* Với cách làm như thế, anh có bị mang tiếng khó chịu, khó tính?

- Tôi chết vì tiếng đồn. Có những em diễn viên nghe thế nên ngại, thoái lui. Nói đúng ra là tôi kỹ lưỡng. Một vở kịch của chúng tôi ngồn ngộn hành động. Cái gì bỏ lên sân khấu là xử lý cho bằng hết, không có thừa.

Từng hành động phải được chú ý, chẳng hạn xỏ sợi chỉ qua cây kim phải khác xỏ dây bố qua cái lẹm. Ai thương sẽ nhận ra sự kỹ lưỡng của chúng tôi giúp các em mau tiến bộ, nhiều kinh nghiệm hơn trong nghề nghiệp.

Nghệ sĩ Thành Hội - Ảnh: T.T.D

* Khi tập cho diễn viên trẻ Lê Thúy vào vai Gương trong vở Mơ trăng bóng nước, chỉ một câu thoại “Anh hai em hả?” mà tôi thấy anh bắt Thúy tập tới tập lui tới chừng nào ưng bụng mới thôi. Một vở kịch còn biết bao nhiêu câu thoại khác, sao anh kỹ quá vậy?

- Với các diễn viên trẻ, chúng tôi ráng chuốt, hướng dẫn để làm sao mỗi câu thoại được truyền tới khán giả phải chứa đựng đúng tâm tư, tình cảm của nhân vật chớ không phải nói được câu nào là mừng câu đó như kiểu trả bài.

Ở Sài Gòn, có một sân khấu làm nghệ thuật có vẻ tử tế!

* Trong các vở kịch của Hoàng Thái Thanh có vẻ như diễn viên rất ít diễn cương. Người ta cũng đồn anh cấm diễn viên bung miếng, chệch ra ngoài kịch bản?

- Tôi đâu có gò bó diễn viên. Thật ra, trong các vở diễn thỉnh thoảng các bạn cũng có thêm câu này câu kia, nếu thấy hợp lý tôi vẫn chấp nhận.

Nhưng phần lớn diễn viên của tôi ít cương vì trong lúc tập chúng tôi đã cố gắng khai thác hết rồi, diễn viên cảm thấy thỏa mãn với nhân vật rồi, gần như không cần phải thêm thắt gì nữa!

Nghệ sĩ Thành Hội - Ảnh: T.T.D

* Anh là người thầy được đánh giá rất có tâm, chịu khó hướng dẫn để các diễn viên trẻ mau tiến bộ trong nghề. Có trường hợp nào anh bỏ tâm sức ra đào tạo, khi đủ lông đủ cánh các em lại bay đi mất?

- Mình vất vả chăm chút, rồi các em cứng cáp bay đi thì đau lòng chứ. Nhưng rồi mình thấy cũng là chuyện bình thường, không trách ai cả, chỉ tự trách mình không bảo bọc được cuộc sống cho diễn viên. Mình nuôi sống được họ thì họ bay đi làm gì?

Nhưng cũng an ủi là chưa có trường hợp nào bỏ đi một cách phũ phàng. Có những bạn ra đi nhưng khi tranh thủ, sắp xếp được vẫn vui vẻ quay về hợp tác với sân khấu vai diễn nào đó.

* Ai cũng thấy thế mạnh của Hoàng Thái Thanh là dòng kịch tâm lý xã hội, nhưng cũng có ý kiến đề nghị sân khấu mở rộng đề tài, đa dạng phong cách để có thể thu hút thêm khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ?

- Chúng tôi cũng đau đáu vô cùng, mong có những kịch bản mà khán giả bước vô sẽ ngỡ ngàng, không giống như phong cách Hoàng Thái Thanh hồi đó giờ. Ai cũng muốn làm kịch hay, ai cũng muốn đổi mới mà thiệt tình là sức làm không có nổi.

Một kịch bản bi người ta có thể coi năm, bảy lần nhưng kịch bản hài có khi người ta chỉ coi một lần. Tại sao? Tại mình làm chưa hay thôi! Đổi mới khó vô cùng, thôi thì cứ cố gắng làm tốt thế mạnh của mình, làm thật đàng hoàng, tử tế nhất trong khả năng của mình!

Nghệ sĩ Thành Hội (trái) trong một vở diễn - Ảnh: T.T.D

* Có thể nói sau bảy năm hoạt động, Hoàng Thái Thanh đã có được một lượng khán giả tri âm, dù họ không thuộc về số đông.

Tuy nhiên, trong tình hình hoạt động sân khấu hết sức khó khăn, có những lúc khó khăn đến mức người ta lo ngại làm sao Hoàng Thái Thanh có thể chịu đựng nổi. Bản thân anh có lúc nào cảm thấy hoang mang?

- Hoàng Thái Thanh tồn tại đến ngày hôm nay là nhờ khán giả mộ điệu. Trong chừng mực nào đó, chúng tôi đã được làm nghệ thuật theo cách mình muốn. Đó là điều khiến tôi hài lòng. Chúng tôi sẽ chơi hết mình, đến khi nào hết tiền thì nghỉ!

Trong tình hình này thì chúng tôi cũng không có kế hoạch gì to tát, bảy năm đã trôi qua, chỉ hi vọng năm sau sẽ tiếp tục tổ chức sinh nhật lần thứ tám cùng những người mộ điệu. Những ai yêu mến Hoàng Thái Thanh chỉ mong nói giúp với người khác rằng: Ở Sài Gòn, có một sân khấu làm nghệ thuật có vẻ tử tế! Như vậy là chúng tôi ấm lòng rồi.

Nghệ sĩ Thành Hội (phải) - Ảnh: T.T.D

Nghệ sĩ Thành Hội kể: “Có lần tôi xem tivi nghe một cô hoa hậu phát biểu rằng cô là kết quả của một lần mẹ cô bị hiếp dâm. Cô cảm ơn vì mẹ đã không bỏ cái thai, cũng cảm ơn người cha mà cô không biết mặt, vì thế mà cô đã có mặt trong cuộc đời này.

Khi nói lời cảm ơn có nghĩa là cô đã tha thứ cho tội lỗi người cha. Tôi nghe mà xúc động, những điều nhân ái vẫn còn đâu đó, tôi đang làm những vở kịch khiến cho người ta thấy cuộc sống này còn ý nghĩa lắm. Tôi cũng trời ơi đất hỡi lắm nhưng khi bắt tay viết kịch bản tôi thấy mình như tự giáo hóa, sống hướng thiện hơn!”.

LINH ĐOAN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên