Quyết định quy hoạch Nam Ô năm 2010 của UBND TP Đà Nẵng không có miếu Âm Hồn - một di tích của Nam Ô - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Cả đời sống bên gành đá Nam Ô ai mà không nhớ, nay phải rời nơi chôn nhau cắt rốn sao mà không khóc. Họ ra đi vì tin thành phố, tin vào tương lai của những người ở lại nhưng làm sao khỏi xót xa
Ông LÊ HÙNG
Năm 2010, TP Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch 36ha ở làng Nam Ô với tham vọng phát triển nơi đây thành một khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Dự án khu du lịch sinh thái thai nghén ra đời nhưng dân làng Nam Ô lại mang trong mình nỗi lo mất đi di sản bao đời gìn giữ.
"Tan đàn xẻ nghé"
Theo quy hoạch, dự án du lịch triển khai ở Nam Ô ôm trọn dọc ven biển, ven sông. Khu đất này có chiều dài hơn 3km từ đường biển Nguyễn Tất Thành tới tận sông Cu Đê và "miếng thịt nạc" gành đá mõm Hạc.
Không những quy hoạch khu vực bờ biển, toàn bộ nhà dân trong vệt đất 50m từ bờ biển vào làng phải di dời để nhường "đất sạch".
Bản vẽ của nhà đầu tư dự định xây dựng 57 căn biệt thự hướng biển cao cấp, khách sạn 5 sao, khu hội nghị quốc tế và vui chơi giải trí... với số vốn đầu tư 3.300 tỉ đồng.
Quanh di tích ngổn ngang đất đá vì giải tỏa - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Bà Nguyễn Thị Lệ, chủ tịch phường Hòa Hiệp Nam, cho biết từ năm 2011, có 606 hộ dân (trong số đó có 167 hộ ngư dân, khoảng 80 hội viên làng nghề nước mắm truyền thống) thuộc 55 tổ dân phố trong khu vực phải đập bỏ nhà cửa.
Vì làng biển đất chật người đông, họ được di dời tứ phía. Người may mắn thì được tái định cư cách làng vài ba cây số, người di dời xa hơn phải bỏ hẳn nghề đi biển và nghề làm mắm truyền thống.
Đứng bên một nửa ngôi làng nay chỉ là đống gạch vụn, anh Bùi Tấn Hoàng hướng mắt về khu đất cỏ xanh um tùm. Đó là nhà cũ của gia đình anh.
Năm 2012, ngôi nhà hơn 170m2 nằm trong vùng giải tỏa của anh phải nhường đất cho dự án. Anh nhận đền bù hơn 100 triệu đồng và một lô đất ở khu Kim Liên, cách nhà cũ 3km.
Đi khỏi làng, xa biển, gia đình chưa biết làm nghề gì thì tiền trong túi đã vơi. Cuối cùng đến nay chín người trong gia đình anh phải thuê một căn hộ chung cư để ở.
"Bao đời nghe tiếng sóng biển rì rào, sáng sớm đã theo cha mang lưới ra khơi nay phải bỏ nghề. Mẹ tôi trước cũng làm nước mắm nhưng từ ngày dời làng không có đất dụng võ. Buồn lắm!" - anh nói.
Nhiều hộ dân ở làng Nam Ô đã được di dời, giải tỏa để phục vụ dự án du lịch - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Ông Lê Hùng, một người dân đã ngoài 80 tuổi, cho biết đó cũng là tâm trạng chung của hơn 600 hộ dân phải bỏ làng "lên bờ".
Ông kể từ khi "tan đàn xẻ nghé", các hộ này thường xuyên trở về làng do vương vấn mảnh đất nuôi họ khôn lớn, phần vì số đông không có việc làm phải về xin đi bạn cùng những ghe thuyền trong làng.
"Cả đời sống bên gành đá Nam Ô ai mà không nhớ, nay phải rời nơi chôn nhau cắt rốn sao mà không khóc. Họ ra đi vì tin thành phố, tin vào tương lai của những người ở lại nhưng làm sao khỏi xót xa" - ông Hùng nói giọng rưng rưng.
Của thiêng còn giữ chút này!
Ngay sau khi hoàn thành việc di dời, chủ đầu tư dự án dựng lên một vệt hàng rào bao bọc xung quanh làng. Chủ đầu tư chỉ mở vài lối đi nhỏ cho dân xuống khu tập kết thuyền bè, ngôi làng biển nay... không được thấy biển. Đặc biệt, khi chủ đầu tư đóng cửa lối ra gành đá đã bị dân phản đối.
Chính điều này đã gây nên nỗi sợ mất biển, mất gành đá, mất di tích mà bao đời dân gìn giữ. Ông Bùi Tấn Hòa, người dân Nam Ô, nói gành đá ở đây không những là cánh rừng thiêng che chắn gió bão mà còn là "khu công nghiệp" nuôi sống dân làng.
Gần 20 năm trước, ở đây đã có một "cuộc chiến" giữ đá ở gành Nam Ô khi người ta đưa tàu tới để cẩu đá mang đi làm dự án du lịch. Sở dĩ được chọn là vì đá ở đây vừa "miếng", có thể cạo làm non bộ, cây bám vào dễ hơn...
Hàng rào bảo vệ dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô ngăn đường dân xuống biển - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Những người phụ nữ của làng đã tập hợp nhau lại để cùng phản ứng dữ đội việc lấy đá phá gành.
"Dân nói bảo vệ gành đá vừa là bảo vệ miếng ăn của nhiều người vì quanh năm ở đây cho sản vật. Lộc biển sau tết có ốc, có tảo biển. Mùa mưa ở đây có nghề làm mứt nuôi sống cả trăm người phụ nữ. Chừ giao gành coi như đứt đường sống của họ" - ông Hòa giải thích.
Nhìn vào quy hoạch của chủ đầu tư với hơn chục khu nhà lớn nhỏ sẽ hiện diện trong cánh rừng nguyên sinh này, ông Hòa nói đó là kết cục buồn sau bao nhiêu đời dân gìn giữ chút của thiêng.
Theo ông Hòa, có những giai thoại kể về một gia đình vì ra gành lấy một cục đá để kè móng nhà thôi mà trong nhà gặp điều xui xẻo nên lập tức phải mang đá ra trả lại y chỗ cũ. Có nhiều chuyện kể về các vị lão làng đã đột tử sau khi quyết định cho phép chặt cây ở gành để sử dụng vào việc công của làng xã...
Một góc làng Nam Ô sau khi giải tỏa dân đi - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Ngoài ra, người dân không an tâm với việc di dời miếu Bà Liễu Hạnh, miếu Âm Hồn và lăng Ngư Ông. Dân làng lo sợ sau khi di dời, cụm tín ngưỡng mấy trăm năm vốn đã ăn sâu vào tiềm thức bao thế hệ người dân trở thành di tích không tuổi, vô hồn.
Ông Võ Công Chánh, bí thư Quận ủy Liên Chiểu, cho rằng trong quá trình xây dựng làng Nam Ô, dân ta đã rất thận trọng khi chọn thế đất phù hợp với phong thủy. Chính vì vậy khi chủ đầu tư triển khai lấy ý kiến về việc di dời cụm di tích này vào năm 2017 đã vấp phải sự phản đối.
"Việc phát triển du lịch sinh thái không thể nào tách rời khỏi cộng đồng dân cư, do vậy chúng tôi yêu cầu giữ lại vị trí hiện trạng các di tích có ý nghĩa nói trên.
Phải quy hoạch lại dự án khu sinh thái Nam Ô, chừa lối đi để người dân đến chăm sóc, giữ gìn các di tích và chủ đầu tư phải đối xử thận trọng với cánh rừng nguyên sinh như dân làng từng đối xử" - ông Chánh nói.
Lăng Ngư Ông hiện còn thờ khoảng 47 bộ xương cá ông - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Quy hoạch bỏ quên di tích
Theo tài liệu mà chúng tôi có được, khi chính quyền Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch khu du lịch sinh thái Nam Ô đã có ý định "bứng" một số di tích của làng biển Nam Ô.
Tiền thân của dự án này bắt đầu từ ngày 11-3-2010, thời ông Trần Văn Minh làm chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.
Điều lạ là trong quy hoạch ban đầu các di tích của làng Nam Ô như miếu Bà Liễu Hạnh, miếu Âm Hồn và lăng Ngư Ông tuyệt nhiên không được nhắc tới và sẽ bị di dời ra khỏi vị trí cũ.
Kỳ tới: Sản phẩm buồn của quy hoạch
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận