04/04/2018 16:49 GMT+7

Chuyện làng cổ Nam Ô: Thờ Tổ quốc

TR.TRUNG - Đ.CƯỜNG
TR.TRUNG - Đ.CƯỜNG

TTO - Người của làng kể trong trận Mậu Thân 1968, lúc giao tranh Mỹ đã thả nhiều quả bom xuống khu vực này nhưng không quả nào phát nổ. Dân bảo đó là nhờ dân làng thờ hai chữ Tổ quốc thiêng liêng...

Chuyện làng cổ Nam Ô: Thờ Tổ quốc - Ảnh 1.

Bức hoành phi "Tổ quốc" - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Phải là một nơi quan trọng thì mới được chọn làm điểm bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên cho cả một vùng rộng lớn

Ông LÊ VĂN CHƯỚC

Đình Xuân Dươnglàng Nam Ô là nơi lưu dấu bao nhiêu sự kiện giành đất, giữ làng nơi cuối sông đầu biển này.

Điểm bầu cử Quốc hội đầu tiên

Chúng tôi tìm về đình Xuân Dương khi dân làng đang chuẩn bị cho đại lễ cầu an rằm tháng 2 âm lịch hằng năm.

Ngôi đình nằm ngay dưới những gốc cây cổ thụ rợp bóng. Bên sân đình, mấy thanh niên chia nhau quét dọn, còn người cao niên vót từng thớ tre cẩn thận làm mô hình thuyền.

"Lễ hội ở đình diễn ra trong hai ngày với năm lễ. Mô hình thuyền này là để cho lễ Tống Ôn, tẩy những ô uế, chuyện không hay trong làng xã. Vì làng biển nên nhà ai có chuyện không vui thì thuyền sẽ mang chúng ra biển" - ông Bính giải thích.

Đến bây giờ, bậc cao niên trong làng như ông Bính vẫn nhớ như in từng mái nhà quanh đình thời bấy giờ. Chính tại đây, lần đầu tiên ông nhìn thấy một lớp học võ.

"Mãi sau này tôi mới biết đó không phải lớp võ bình thường mà là lớp võ do du kích tổ chức huấn luyện cho những người trong làng và khu vực lân cận" - ông Bính nhớ lại.

Năm 1946, nơi đây được chọn là khu vực bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đầu tiên của một vùng rộng lớn bắc huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu bây giờ.

Với cậu bé Bính ngày đó, đây là lần đầu tiên chứng kiến một "lễ hội" tụ hợp đông người đến vậy.

Nhìn phía trước, mái đình có phần tiền đường được làm theo kiểu "chồng rường giả thủ" (các rường cột chồng lên nhau) được chạm trổ hoa văn cầu kỳ.

Giữa các con rường, ngoài hai trụ đội được chạm trổ cầu kỳ đặt ở hai đầu để liên kết với các con rường khác, còn có các hình tượng hoa lá và con vật như chim, dơi... Người làng bảo đây là kiến trúc của lần đại tu năm 1937.

Theo các cụ, nơi đây được chọn làm nơi thờ cúng khoảng thế kỷ 17 đời vua Lê Chân Tông nhưng đơn sơ bằng tranh tre. Đến năm Thành Thái thứ 12 - 1900 mới xây lại bằng vật liệu vôi và đá, kết cấu sườn gỗ.

Trong sổ ghi chép còn lưu trong đình có mô tả khi xây đình làng, người dân đã đào được những phiến đá Chăm cổ dưới nền móng. Vì không biết người xưa làm vật thờ cúng gì, có linh thiêng hay không, để tránh mạo phạm dân làng đã đặt để phía ngoài sân đình.

Lần trùng tu năm 2004 làng vẫn dùng lại cây đòn dông khắc dòng chữ Hán: "Bảo Đại Đinh Sửu niên nhị nguyệt thập ngũ nhật cát nhật Xuân Dương xã bổn xã cẩn tạo" (dịch nghĩa: từ lần trùng tu thứ ba năm Đinh Sửu (1937) niên hiệu Bảo Đại).

"Phải là một nơi quan trọng thì mới được chọn làm điểm bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên cho cả một vùng rộng lớn" - ông Lê Văn Chước, trưởng ban lễ đình năm nay đã 75 tuổi, đúc kết.

Chuyện làng cổ Nam Ô: Thờ Tổ quốc - Ảnh 3.

Bức hoành phi có hai chữ "Tổ quốc" được thờ trang trọng trong đình Xuân Dương - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Giữ làng nhờ hai chữ Tổ quốc

Những ngày này khi câu chuyện đấu tranh về "đất cát" đang nóng lên, các bậc cao niên ở Nam Ô lại nhớ về câu chuyện giữ đất, giữ làng một thời bên ngôi đình này.

Câu chuyện này xảy ra vào thời chính quyền Việt Nam cộng hòa. Lúc ấy, đình Xuân Dương vốn được lập nên để thờ thành Hoàng làng. Nhưng vào năm 1964, có một biến cố xảy ra khiến ngôi làng trở nên độc nhất vô nhị.

Ông Đặng Xuân Sơn, nguyên trưởng ban lễ đình Xuân Dương, kể trước đây vùng núi sau lưng đình vốn liền một dãy từ gành đá mỏm Hạc tới bờ sông Cu Đê. Tuy nhiên, dưới thời Pháp làm đường bộ, đường sắt, một đoạn núi bị san ủi.

Đến thời kháng chiến chống Mỹ, hòn núi ở đây lại bị đào xới tan hoang để mang đất về làm sân bay Đà Nẵng. Thậm chí vào những năm 1960, hòn núi mà ngôi đình đang tọa lạc có nguy cơ biến thành bình địa.

"Một công ty của Mỹ thỏa thuận với chính quyền muốn mua đứt hòn núi ấy để lấy vật liệu làm sân bay. Lúc bây giờ đình làng vừa được người dân góp tiền trùng tu xong. Mấy cụ trong làng mới bảo cha tôi nghĩ cách giữ lại ngôi đình.

Cha tôi đã bỏ ra 110 đồng thuê thợ mộc giỏi nhất làng bên làm ra bức hoành phi có hai chữ "Tổ quốc" mang đặt lên nơi cao nhất của đình. Vì ông nghĩ nếu ngôi đình của làng mà thờ Tổ quốc thì ai cũng phải "kiêng" đụng tới nó" - ông Sơn nhớ lại.

Thế rồi cha của ông Sơn là ông Xã Thái liên tục bị chính quyền gọi lên, gọi xuống hỏi: "Ông thờ Tổ quốc nào? Ông có ý gì khi đình làng mà thờ Tổ quốc".

Ông Xã Thái vốn là người có tiếng nói khắp vùng, trước làm quan thời Bảo Đại, là người có học biết cả tiếng Pháp lẫn tiếng Hán - Nôm, nên sau khi đứng ra cãi lý lẽ thì chính quyền mới dừng ý định khai thác ngọn núi.

Có một điều linh ứng khiến dân làng hiện trân giữ từng gốc cây, thước núi quanh đình là trong giai đoạn ác liệt nhất của chiến tranh, ngôi làng vẫn còn nguyên vẹn trước bom đạn.

Người của làng kể trong trận Mậu Thân 1968, lúc giao tranh Mỹ đã thả nhiều quả bom xuống khu vực này nhưng không quả nào phát nổ. Dân bảo đó là nhờ dân làng thờ hai chữ Tổ quốc thiêng liêng...

Biến cố Nam Chơn

ps3

Người dân Nam Ô chuẩn bị lễ cầu an rằm tháng 2 hằng năm - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Rạng sáng 1-3-1886 tại khu vực Nam Chơn, đường lên đèo Hải Vân đã xảy ra một sự kiện chấn động với quân Pháp xâm lược.

Một toán lính bảy người do đại úy công binh Besson chỉ huy sửa sang cung đường đi lại giữa kinh thành Huế và Tourane (Đà Nẵng) khi dừng nghỉ chân ở đây đã phải đối đầu cuộc tấn công của người bản xứ.

Toán lính Pháp đi cùng 200 người Việt là phu làm đường. Người Pháp ghi lại sự kiện này trong cuốn Những người bạn Huế xưa và cho rằng chính những người đi thuyền đổ bộ lên Nam Chơn để tấn công toán lính Pháp khiến cả bảy người thiệt mạng.

Trong thư mật của tướng Prudhomme, chỉ huy các đội quân ở Trung Kỳ, gửi cho ông Hector, Công sứ Pháp tại Huế ngày 3-3-1886, viết rằng: "Sự vắng hẳn xác người An Nam tại chỗ hình như cho thấy có sự đồng mưu của người dân quanh vùng".

Trong một lá thư khác ngày 5-3-1886, tướng này cho rằng thủ phạm cuộc tấn công là người dân từ các làng dọc sông Cu Đê khởi loạn. Sau biến cố này, người Pháp đặt một đồn quân ở làng Nam Ô.

Các nhà sử học sau này xác minh cuộc tấn công do nhà yêu nước Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo cùng 300 dân làng sống bên sông Cu Đê.

************

Kỳ tới: Hai nghề vang danh

TR.TRUNG - Đ.CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên