31/01/2014 21:40 GMT+7

Những người Việt ở cực đông Nhật Bản

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTXuân - Hơn một năm nay, người dân thành phố Nemuro, đảo Hokkaido, Nhật Bản đã quen với sự hiện diện của những thực tập sinh người Việt trong các nhà máy chế biến thủy hải sản địa phương. Đó cũng là những người Việt đầu tiên đến sống và làm việc ở vùng đất xa xôi, hẻo lánh này.

aLklJAFH.jpg
Ông Hideki Hirota trò chuyện với các thực tập sinh VN sau giờ làm việc - Ảnh: Như Bình
P4JJlpNN.jpg
Thực tập sinh VN trong một lễ hội địa phương - Ảnh: Như Bình

Sự xuất hiện của những người trẻ VN thật sự đem lại một làn gió mới, thú vị ở Nemuro, nơi mà dân số đang bị già hóa theo thời gian.

Học được sự ân cần, chu đáo

"Nhìn các em thực tập sinh, tôi thấy hình ảnh của người Nhật 30 năm trước, những con người cần mẫn, chăm chỉ và cầu tiến. Đó cũng là hình ảnh của tôi, một thế hệ thanh niên Nhật ham học hỏi và chịu khó làm việc, tôi nghĩ đó là tố chất quan trọng để các em thành công sau này”."

Ông HIDEKI HIROTA giám đốc Công ty Kanehiro

Huỳnh Thị Hà, 29 tuổi, quê ở An Giang, thực tập sinh Công ty chế biến thủy hải sản Kanehiro, vui vẻ cho biết dù mới qua đây gần một năm nhưng cô rất thích cuộc sống miền quê này. Cuộc sống ở đây rất yên bình, được sống chung với mọi người và làm quen với tác phong làm việc kỹ lưỡng, chăm chỉ của người Nhật.

Trước khi sang Nhật, Hà là công nhân một nhà máy chế biến cá ba sa ở VN. Công việc chính của Hà ở Nhà máy Kanehiro là chế biến cá hồi, chủ yếu chặt đầu, mổ bụng. Nếu xét về kỹ thuật thì không khác gì nhiều so với công việc ở VN, nhưng tại đây Hà có môi trường sống chung với mọi người, thu nhập khá cao và quan trọng là học rất nhiều kỹ năng, tác phong kỷ luật của người Nhật.

Nguyễn Thị Kim Yến, thực tập sinh 31 tuổi tại Nhà máy Kanehiro, nói so với VN, giờ giấc làm việc ở đây tạo điều kiện cho lao động nghỉ ngơi và hứng thú với công việc hơn. Một ngày làm việc của công nhân bắt đầu từ 8 giờ sáng, xen kẽ giữa mỗi giờ làm là nghỉ ngơi 5-10 phút. Giờ làm việc dừng lúc 16g30, sau đó dọn dẹp lại nhà xưởng để 17g10 có thể kết thúc công việc một ngày. Trong khi đó, tại Công ty Takaoka, phòng nghỉ giải lao của những lao động tươm tất với nhiều dụng cụ thư giãn như thêu, may, đan hay sắp hình…. Nữ lao động có thể tranh thủ giờ nghỉ trưa để tự làm những sản phẩm ưa thích.

Theo Yến, ngoài việc trau dồi được kiến thức trong ngành chế biến thủy hải sản, điều quý nhất là cô học được tính cách nhẹ nhàng, tỉ mỉ của người Nhật Bản. “Các anh chị, các bác hướng dẫn luôn nhẹ nhàng, chu đáo, đối xử rất an cần với các nữ lao động VN. Thỉnh thoảng người dân ở đây còn làm bánh cho chúng em, cho những món quà nhỏ, dụng cụ đi làm, quần áo… Quý lắm”- Yến thích thú khoe.

Trước khi qua Nhật Bản, Yến đã học tiếng Nhật chín tháng và bây giờ đã có thể nói lưu loát. Một điều thú vị mà các thực tập sinh cho biết là công nhân không ai làm mãi một bộ phận mà được thay đổi liên tục. Điều này có thể giúp các thực tập sinh am hiểu hơn quy trình hoàn thiện của việc chế biến cá. Đối xử với lao động cũng là một điều rất đáng trân trọng ở đây. Yến thật thà: “Ở đây, từ xưởng trưởng đến lãnh đạo không hề có chuyện la mắng nhân công, nếu làm sai thì chỉ rõ và khắc phục”.

Công ty Kanehiro có 120 công nhân, trong đó có 20 công nhân VN, trong khi tại Công ty Takaoka có 12 thực tập sinh. Để chăm lo cuộc sống nơi xứ người, các thực sinh VN tự bảo ban nhau, chia sẻ vui buồn. “Một tuần tụi em đi chợ một lần, góp tiền lại với nhau, tích trữ cả tuần. Thời gian rảnh rỗi tự học thêm tiếng Nhật hay đi siêu thị. Hằng tháng giám đốc vẫn cho phiếu đi chơi bowling. Cuộc sống rất bình yên và vui lắm. Chỉ nhớ nhà thôi”- Yến kể. Trong căn phòng xem tivi và thư giãn được sắp xếp cách biệt với chỗ ngủ, những bạn nữ VN rôm rả ngồi kể chuyện về mình, về gia đình và cả những suy nghĩ chân thật, ấm áp.

Ny2xPxsK.jpg
XftQyHiJ.jpg
Các thực tập sinh VN làm việc tại những nhà máy chế biến thủy hải sản ở Nemuro

Bắc những nhịp cầu

Ông Hideki Hirota, giám đốc Công ty Kanehiro, năm nay đã 67 tuổi, dáng người rắn rỏi, nhanh nhẹn. Công ty Kanehiro được thành lập từ năm 1962 từ một cửa hàng chuyên kinh doanh thủy hải sản, đến đời ông là đời thứ ba. Ông Hideki Hirota bảo ở Nhật người ta thường nói người thừa kế đời thứ ba thường hưởng thụ nhiều hơn là gầy dựng, phát triển, nhưng đến nay điều này có vẻ không đúng với ông. Từ khi tiếp nhận công ty từ cha, hơn 40 năm qua ông đã quen với việc dậy từ sáng sớm, tất bật ra cảng để chọn những mẻ cá ngon nhất, tươi nhất về phục vụ sản xuất. Người con trai ông Hirota không theo nghề cha mà đang học nấu ăn ở Tokyo. Thiếu người thừa kế là một trong những vấn đề ngành thủy hải sản Nemuro đang phải đối mặt.

Dẫn chúng tôi đến thăm nơi nghỉ ngơi của các thực tập sinh VN, ông Hideki Hirota nói: “Nhìn các em thực tập sinh, tôi thấy hình ảnh của người Nhật 30 năm trước, những con người cần mẫn, chăm chỉ và cầu tiến. Đó cũng là hình ảnh của tôi, một thế hệ thanh niên Nhật ham học hỏi và chịu khó làm việc, tôi nghĩ đó là tố chất quan trọng để các em thành công sau này”. Ông Takaoka Yoshihisa, chủ tịch Công ty chế biến thủy hải sản Kanekome Takaoka, cho biết công ty của ông tiếp nhận 12 thực tập sinh VN và đang muốn tăng con số này lên trong thời gian tới vì “các thực tập sinh VN tạo được ấn tượng rất tốt với người dân ở đây, hiền lành, chăm chỉ và rất hòa đồng”.

Hiện có khoảng 35 thực tập sinh VN đang làm việc tại Nemuro sau hai đợt tuyển. Đợt đầu tiên năm 2011 có 10 thực tập sinh và đợt thứ hai là 25 người sau khi các doanh nghiệp có ấn tượng tốt về lao động VN. Không như những thành phố khác, việc tiếp nhận thực tập sinh VN được sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền thành phố, đặc biệt là thị trưởng Nemuro - ông Hasegawa Shunsuke.

Vị thị trưởng này đã khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn tiếp nhận những thực tập sinh VN như một phần kế hoạch tăng sự gắn bó giữa hai nước. “Nemuro muốn đẩy mạnh xuất khẩu cá thu đao sang VN, những thực tập sinh này sau khi làm việc tại các nhà máy Nhật sẽ là cầu nối giúp cho quan hệ hợp tác, kinh tế của thành phố ở thị trường VN phát triển mạnh mẽ hơn” - ông Hasegawa Shunsuke nói. Phòng Thương mại và công nghiệp thành phố Nemuro đang xúc tiến việc tiếp nhận thực tập sinh làm việc trong các nhà máy, đây là nền tảng đầu tiên để Nemuro xúc tiến mặt hàng thủy hải sản vào thị trường VN.

Theo ông Lê Long Sơn - giám đốc Công ty Esuhai, đơn vị đã tổ chức cho các thực tập sinh qua Nhật Bản, tại một xứ lạnh như Hokkaido, sự xuất hiện của những bạn trẻ VN chắc hẳn sẽ hâm nóng không khí ở đây. Những thực tập sinh ở Nemuro sẽ là cầu nối văn hóa hiệu quả trong phát triển mối thâm tình giữa hai quốc gia. “Nhìn xa hơn, các thực tập sinh này khi trở về quê hương với những kỹ năng đã học được cùng kế hoạch đã ấp ủ của mình, họ có thể chọn cho mình một con đường riêng, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội” - ông Sơn nói.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên