03/09/2011 07:25 GMT+7

Những người treo cờ trên kỳ đài Huế

TRỌNG BÌNH
TRỌNG BÌNH

TT - Trời Huế trở dông, gió thổi mạnh kèm theo mưa lớn và sấm chớp liên hồi. Trước cửa Ngọ Môn, những du khách cuối cùng cố nép mình vào cổng thành để tránh mưa, một du khách chỉ tay về hướng kỳ đài “cờ bị cuốn rồi kìa”.

Dưới mưa, một người thoăn thoắt leo lên cột cờ để cố gỡ lá cờ đang bị cuốn vào dây néo.

vgx6Awmu.jpgPhóng to
Đối với anh Cương và anh Sỹ (trái), treo cờ trước kỳ đài là một vinh dự - Ảnh: Trọng bình

Đã 12 năm làm công việc treo cờ, ngày nào cũng vậy, khi bước chân ra khỏi nhà anh Trần Thạch Cương đều nhớ lời vợ dặn: “Nhớ đeo dây bảo hộ nghe anh”. Nghe mãi thành quen, bởi câu nói đó từ lâu đã nằm trong tiềm thức của người nói và người nghe.

Khác với anh Cương, anh Lê Tiến Sỹ nhà ở tận cầu ngói Thanh Toàn nhưng có thâm niên làm bảo vệ và treo cờ đã 14 năm. Anh tâm sự lương bảo vệ cũng chẳng được mấy đồng nên đây là công việc làm thêm mà anh được thuê lại.

Anh kể ngày mới nhận công tác, tổ trưởng hỏi có biết leo độ cao không, không chần chừ anh trả lời “dạ được”, tổ trưởng dẫn anh đến chân kỳ đài chỉ lên cột cờ hướng dẫn cách làm quen rồi dặn: “Cột cờ có ba tầng lan can, ngày đầu cứ leo lên thử lan can thứ nhất, ngày thứ hai leo tiếp lan can thứ hai, ngày thứ ba leo lan can cuối cùng”. Nhưng chỉ ngày đầu anh Sỹ đã leo tuốt lên đỉnh cột cờ.

Theo anh Cương và anh Sỹ, công việc đang làm là một vinh dự nhưng đây cũng là một việc không có khái niệm về thời gian nghỉ, nhiều lúc cờ mới thay xong nhưng trời trở gió kèm theo mưa dông cờ bị rách nên phải leo lên hạ cờ xuống để thay lại. Anh Sỹ tâm sự có hôm đang ăn cơm trưa nhưng thấy cờ vướng, anh đành gác lại bữa ăn leo lên gỡ để cờ tiếp tục tung bay.

Ông Dương Bá Thành, tổ trưởng, cho biết tổ bảo vệ kỳ đài Huế có 19 người, tuy vậy đảm nhiệm việc treo cờ và coi sóc cờ thì chỉ có hai người. Theo ông Nguyễn Thành Nam - trưởng phòng quản lý bảo vệ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, trước đây phòng đã giao trách nhiệm này cho nhiều người nhưng tất cả đều xin rút vì họ sợ độ cao và sức khỏe không cho phép.

Do cờ được treo trên đỉnh cột cờ rất lớn (chiều rộng 9m, chiều dài 12m), nên việc treo cờ không hề đơn giản, đầu tiên người treo cờ phải xác định mặt phải và trái của lá cờ từ dưới mặt đất. Sau đó cột lá cờ vào dây ròng rọc, người ở dưới quay ròng rọc, người khác leo lên cột cờ, sau khi đến đỉnh cột mới từ từ tháo cờ ra để cờ bay theo hướng gió. Với anh Sỹ và anh Cương, nếu đúng phiên trực thì trung bình mỗi ngày các anh phải leo lên đỉnh cột cờ chỉnh sửa và gỡ cờ ít nhất ba lần.

Kỳ đài Huế được xây dựng năm Gia Long thứ 6 (1807) gồm hai phần: đài cờ và cột cờ. Đài cờ gồm ba tầng khối hình chữ nhật chồng lên nhau. Tầng thứ nhất cao hơn 5,5m, tầng giữa cao khoảng 6m, tầng trên cùng cao hơn 6m. Tổng cộng ba tầng đài cao khoảng 17,5m; cột cờ nguyên xưa làm bằng gỗ, gồm hai tầng, cao gần 30m. Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), cột cờ được thay bằng một cây cột gỗ dài hơn 32m. Đến năm Thành Thái thứ 16 (1904), cột cờ này bị một cơn bão lớn quật gãy nên sau phải đổi làm bằng ống gang. Năm 1947, khi quân Pháp tái chiếm Huế, cột cờ lại bị pháo bắn gãy một lần nữa. Năm 1948, cột cờ được xây dựng bằng bêtông cốt sắt với tổng chiều cao 37m như hiện nay.

TRỌNG BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên