02/07/2023 11:01 GMT+7

Những hòn vọng phu trước biển - Kỳ 3: Em hãy đi lấy chồng, đừng đợi anh nữa

Từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch hằng năm, có một ngôi làng ở Quảng Nam mỗi tuần lại có một đám giỗ để tất cả chòm xóm, họ hàng có thể sắp xếp về dự. Đó là đám giỗ của 24 ngư dân tử nạn trên con tàu QNa 1699 chìm ở biển khơi ngày 16-4-2009.

Chồng đi biển, phụ nữ thôn Đông An ngồi lại cùng nhau đan lưới, trò chuyện đợi chồng về - Ảnh: B.D.

Chồng đi biển, phụ nữ thôn Đông An ngồi lại cùng nhau đan lưới, trò chuyện đợi chồng về - Ảnh: B.D.

24 ngư dân, đa số là thanh niên trai tráng đã lên chuyến tàu và không thể trở về. Họ đều là người ở hai ngôi làng biển nằm cách nhau một con sông với bên kia là xã Tam Quang, bên này là xã Tam Giang (huyện Núi Thành, Quảng Nam).

Cùng lúc mất chồng và ba con trai

Giữa trưa, chúng tôi được một vị ngư dân ở cảng cá Tam Hòa dẫn tới làng Đông An, xã Tam Giang nơi từng chứng kiến không khí tang thương trong ngày 16-4 của 14 năm về trước. Trong căn nhà cấp 4 nằm trước một con sông, có một nhóm sáu người phụ nữ đang ngồi nhổ tóc bạc cho nhau. Người ngư dân dẫn chúng tôi ghé tai bảo rằng đó là vợ của các ngư dân quanh năm đi biển, chồng vắng nhà triền miên nên họ tìm đến nhau để bầu bạn cho vui.

"Mấy bả bạo lời gớm lắm. Tụi tui dân ở đây mà xuống gặp trúng "tổ" lắm khi còn ngọng lưỡi chẳng biết ăn nói đối đáp làm sao nữa huống chi là anh", người ngư dân vừa quẹo xe máy luồn theo các con hẻm nhỏ ở thôn Đông An, vừa nói.

Thật tình cờ, nhóm phụ nữ chúng tôi gặp ở Đông An lại đang ngồi tại nhà của một gia đình từng hứng chịu nỗi đau đớn thấu trời xanh khi mất cùng lúc bốn người gồm một người cha và ba con trai. 14 năm trôi qua, vào Đông An giờ đây đã thấy chật kín những mái nhà.

Ngư dân không đi biển thì ở nhà nuôi tôm, còn những người khỏe mạnh thì theo thuyền hướng ra biển cả kế nghiệp cha ông để lại. Không còn dấu tích nào của nỗi buồn đau quá khứ, ngôi làng đẹp bên cửa biển vẫn tiễn những chuyến tàu rực cờ Tổ quốc trên boong đưa ngư dân vươn khơi mỗi ngày.

Đằng sau họ là hình bóng những người vợ, người mẹ như hòn vọng phu đếm từng ngày đón chồng, con trở về bình an.

Bà Trần Thị Hiền buồn bã kể tháng 3-2009, ba chồng bà là Đỗ Văn Dênh cùng các thuyền viên đưa tàu cá ra khơi để đánh bắt. Tất cả đều người ở hai ngôi làng nằm cạnh nhau, cách một con sông. Trên chuyến tàu ngoài ông Dênh còn có con đầu Đỗ Văn Sơn (chủ tàu QNa 1699), người con trai thứ ba là Đỗ Văn Chí và người con trai út là Đỗ Văn Sửu.

Và rồi chiều 16-4, cả thôn Đông An náo loạn vì nhận được hung tin con tàu của cha con ông Dênh đã gặp nạn, chìm nghỉm giữa đại dương. Dù đã cố gắng trục vớt, tìm kiếm nhưng không một dấu tích nào sót lại trên mặt biển.

Với một con người bình thường, một người thân mất đi đã quá khổ đau, nhưng vụ tai nạn trên biển của cha con thuyền viên Đỗ Văn Dênh lại tang thương bội phần bởi có một người mẹ cùng lúc mất chồng lẫn ba đứa con đứt ruột đẻ ra. Hai trong số ba người con này đã có vợ, người còn lại đang độc thân, trai tráng.

Bà Hiền dẫn chúng tôi qua căn nhà cấp 4 lợp ngói, cửa đóng then cài nằm sát ngôi nhà của vợ chồng bà đang ở và cho biết đó là nhà vợ ông Dênh - bà Nguyễn Thị Nhật, cũng là mẹ chồng bà.

Thật khó kể hết khoảng thời gian đau buồn của 14 năm về trước khi một người phụ nữ mỏng manh, gầy gò thân xác phải nhận cùng lúc bốn tin dữ. Bà Hiền nghẹn giọng kể khi chồng và ba người con mất, mẹ Nhật của bà gần như điên dại, tâm tính thay đổi hoàn toàn.

Mẹ rầu rĩ và khóc mỗi ngày trong căn nhà, hằng ngày cầm nhang khói ra biển vái vọng để tìm một bóng hình mà bà có thể nuôi hy vọng.

Và bà cứ lặp đi lặp lại như vậy trong nỗi đau khôn nguôi giày xéo người mẹ, người vợ góa chồng ở làng biển này cho tới mấy năm sau thì bà mất.

Bà Trần Thị Hiền, con dâu ngư dân Dênh, đón cha và ba anh em chồng mất trên biển về thờ phụng - Ảnh: B.D.

Bà Trần Thị Hiền, con dâu ngư dân Dênh, đón cha và ba anh em chồng mất trên biển về thờ phụng - Ảnh: B.D.

Cả làng chia nhau đám giỗ

Người làng biển Đông An và làng bên kia sông thuộc Tam Quang sẽ mãi nhớ về ngày 16-4 như sự kiện buồn thương, bi kịch nhất của nghề đi biển ở đây. 14 năm sau, chúng tôi tìm lại những người vợ có chồng mất trong vụ đắm tàu cá, những người mẹ có con mãi không về... Những gì tồn tại chỉ còn trong ký ức của họ và trên gian bàn thờ mỗi gia đình.

Bà Hiền nói rằng trong vụ gặp nạn của ba chồng và mấy người con thì như một phép màu đã xảy ra mà tới nay người dân biển bảo rằng có sự sắp đặt của sóng dữ đã không "bắt" hết tất cả đàn ông trong nhà ông Dênh, mà giữ lại người con thứ hai là Đỗ Tuấn Hùng.

Ông Hùng, năm nay 44 tuổi, hằng ngày vẫn ra biển và chính là chồng bà Hiền. Bà bảo tới giờ nhắc lại chuyện cũ, tim bà vẫn đập thình thịch, mà nếu không may mắn thì giờ có thể bà cũng là một góa phụ như hàng chục người phụ nữ khác có chồng mất trong chuyến ra biển định mệnh.

Thường ngày chồng của bà vẫn theo ba và mấy anh em đi chung tàu ra khơi đánh bắt. Nhưng chuyến đi tháng 3 năm đó anh Hùng, chồng bà lại đi chơi ở một tàu cá khác. Khi được ba gọi về đi biển, ông Hùng trì hoãn và bảo sẽ đi vào chuyến sau. Không ngờ đó là sự trùng hợp, may mắn tới thần kỳ.

Ông Dênh có bốn con trai thì việc ông Hùng tụt lại chuyến tàu và thoát chết được người dân cho là có sự sắp đặt của biển cả để "giữ một người ở lại thờ phụng, lo hương khói cho cha và mấy anh em đã mất".

Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi đi vào Đông An đã thấy các gia đình tất tưởi lo lễ giỗ. Ngày 16-4 được xác định là ngày con tàu cá chở 24 ngư dân vắn số gặp nạn. Nhưng để tiện việc hương khói cho bà con có thể tới dự, các hộ đã tự chia nhau làm giỗ theo tuần. Nhà ông Dênh có nhiều người mất nhất nên sẽ làm lễ giỗ vào đúng ngày tàu gặp nạn.

Bà Hiền, người con dâu thứ nhưng nay bất đắc dĩ trở thành dâu cả cho biết vợ chồng bà đưa toàn bộ các chú cùng ba về một gian bàn thờ để lo hương khói. Gian bàn thờ được làm bản rộng hơn, bốn di ảnh đặt cạnh nhau gồm ông Dênh, vợ và hai con. Anh Đỗ Văn Sơn, con trai cả của ông Dênh được người vợ góa bụa rước về lo liệu.

"Vì cuộc đời còn dài lắm"

Chúng tôi vào những ngôi nhà có người mất trên chuyến tàu QNa 1699. Có người sau khi chồng qua đời, vì quá đơn chiếc, cuộc đời phía trước còn quá dài trong khi người ở lại chỉ mới loanh quanh tuổi 30, nên đã tiếp tục tìm kiếm duyên mới.

Bà T. ở thôn Đông An, ngồi trong nhà, nghẹn ngào kể năm chồng bà gặp nạn, họ mới có một giọt máu đang lớn dần trong bụng bà. Ngày sinh con, quanh bà không có người đàn ông săn sóc, lo lắng như bao người khác.

Đợi con lớn và mãn tang chồng, chị thắp hương tạ lỗi cùng chồng để tháo khăn tang đi tìm cho mình một người bạn đời mong buộc lại sợi duyên đã lỡ đứt đoạn khi mới ngoài 30.

"Tới chiếc đũa còn có đôi/ Chồng mất trên biển bỏ tôi một mình. Nhiều đêm nằm mơ tôi thấy chồng về và bảo đừng đợi anh nữa, hãy tìm cho mình một người bạn mới để anh được yên lòng.

Tui nghĩ vì cuộc đời còn dài lắm mà mình thì không đủ sức chịu đựng, phận đàn bà yếu đuối, chông chênh phải có người đàn ông làm điểm tựa nên tôi đi tìm người mới", chị T. nghẹn ngào tâm sự.

***************

Ở xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) từng rưng rưng câu chuyện bố chồng đi... gả chồng cho con dâu. Quá thương người góa phụ tần tảo thờ chồng nuôi con khôn lớn, gia đình bên chồng đã đứng ra làm lễ cưới cho con dâu.

>> Kỳ tới: Gả chồng cho con dâu

Những hòn vọng phu trước biển - Kỳ 1: Chờ chồng đi mãi không vềNhững hòn vọng phu trước biển - Kỳ 1: Chờ chồng đi mãi không về

"Lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm", câu ca dao buồn của người vợ ngày xưa có chồng làm nghề trên đầu sóng ngọn gió hiểm nguy. Ngày nay, tàu bè đã tốt hơn cùng phương tiện truyền báo thiên tai nhưng vẫn còn đó những hòn vọng phu trước biển.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên