30/05/2019 09:12 GMT+7

Những học viên Lào, Campuchia ở trường phòng không

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - 14h, tại trận địa huấn luyện thực hành chuyên ngành pháo phòng không của Học viện Phòng không - không quân, một giảng viên đang hướng dẫn cho các học viên người Lào, Campuchia thao tác trên khẩu pháo phòng không 37mm-2N.

Những học viên Lào, Campuchia ở trường phòng không - Ảnh 1.

Trung tá Phạm Thái Hà hướng dẫn thực hành tại trận địa cho học trò người Lào và Campuchia - Ảnh: M.LĂNG

Thông qua thực hiện nhiệm vụ đào tạo, giảng dạy cho các bạn Lào, Campuchia, chúng ta sẽ thắt chặt hơn, củng cố tình đoàn kết, hữu nghị giữa ba nước anh em

Đại tá BÙI XUÂN MẠNH

Trận địa huấn luyện thực hành pháo phòng không của Học viện Phòng không - không quân (PKKQ) là bãi đất trống mênh mông với hàng chục khẩu pháo phòng không.

Vượt qua rào cản ngôn ngữ

Hôm nay, trung tá Phạm Thái Hà (giảng viên bộ môn pháo phòng không của Học viện Phòng không Không quân) sẽ hướng dẫn học viên thực hành nội dung thao tác bắt, bám sát mục tiêu, thực hành bắn và tác chiến mục tiêu trên không gồm mục tiêu cố định và mục tiêu di động. 

"Đây là nội dung thực hành thường xuyên rất quan trọng, để sau này khi về nước các bạn vận dụng và thực hành huấn luyện bộ đội sát với yêu cầu nhiệm vụ của đất nước bạn" - trung tá Phạm Thái Hà cho biết.

Pháo phòng không 37mm-2N là loại vũ khí nòng cốt của phòng không Việt Nam trong thời chiến, tiêu diệt được rất nhiều máy bay của không quân địch, bảo vệ các mục tiêu yếu địa, các khu công nghiệp, các mục tiêu vòng trong, các khu vực trận địa phòng không và trận địa sở chỉ huy... 

Chuẩn úy Khamming Douang Lavong (25 tuổi, đoàn trưởng đoàn học viên Lào tại Học viện Phòng không Không quân, học viên năm 3 chuyên ngành pháo phòng không, cấp học cử nhân khoa học quân sự) nói bằng vốn tiếng Việt khá lưu loát: "Càng học tập các loại vũ khí, khí tài phòng không của Việt Nam mình càng thích, càng khâm phục dân tộc Việt Nam". 

Chuẩn úy Tia Nola (25 tuổi, học viên người Lào) cho hay: "Mùa đông hay mùa hè học ngoài trận địa đều rất vất vả. Thời tiết khí hậu ở Sơn Tây rất nắng, nóng nực lắm, nhưng bọn mình vẫn chịu được. Sợ nhất là mùa đông, nhất là rét đậm, bọn mình hay bị ho, sốt. Ra trận địa học, thấy bạn nào mặt hơi tái, hơi mệt là thầy biết ngay bị ốm rồi, hỏi han rồi cho về uống thuốc. Thầy chu đáo lắm. Thầy còn dặn phải lấy thuốc này, thuốc nọ ở quân y. Có bạn bị đau bụng, đau đầu, đang học thầy cho ngừng, đưa dầu cho xoa, đánh gió".

Được biết từ khi hợp nhất Học viện Phòng không và Học viện Không quân thành Học viện Phòng không Không quân đến nay, hàng ngàn học viên Lào, Campuchia đã tốt nghiệp ngôi trường này. Nhiều người trong số họ đã trở thành tướng lĩnh hoặc các cán bộ cấp cao trong Quân đội nhân dân Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia. 

Hiện nay, mỗi năm một khóa có 30 - 40 học viên Lào, Campuchia tốt nghiệp Học viện Phòng không Không quân, chủ yếu ở các chuyên ngành phòng không (tên lửa, rađa, pháo phòng không). Sau một năm học tiếng Việt, các học viên Lào và Campuchia sẽ có bốn năm học chuyên ngành tại Học viện Phòng không Không quân. Với học viên nước ngoài, số lượng tiết tăng gấp đôi so với học viên Việt Nam. 

"Nội dung học thì như sinh viên Việt Nam nhưng phải rất cô đọng, khái quát hơn rất nhiều, đi sâu vào vấn đề trọng tâm trọng điểm, dễ hiểu, dễ nhớ. Vì dù sao các em vẫn còn bị hạn chế về ngoại ngữ. Mình phải kiên nhẫn, kiên trì truyền đạt kiến thức" - trung tá Phạm Thái Hà cho biết.

Nhiều tình thương cho trò xa nhà

15h. Ở một lớp học của các học viên Lào, Campuchia. Vì buổi chiều là giờ tự học, giáo viên không chủ trì lớp, nhưng lớp học vẫn rất nghiêm túc, trật tự. Trong lớp có hơn 10 học viên đang tập trung giải hai bài toán về môn bắn súng. 

Trên tay một số học viên là quyển từ điển tiếng Việt - Khmer. Cũng như học viên của các nước khi đi học ở nước ngoài, vấn đề khó khăn lớn nhất là ngôn ngữ. "Các thuật ngữ quân sự khó dịch, tra từ điển tiếng Khmer cũng không có. Chúng em tự sáng tạo ra một từ nào đó để nhớ" - chuẩn úy Tia Nola cho hay.

Đại tá Bùi Xuân Mạnh, phụ trách quản lý các học viên nước ngoài, cho biết: "Thường hai năm đầu, các bạn đều bị rào cản về ngôn ngữ. Tiếng Việt mình quá phong phú, nhiều khi các bạn tra từ điển không ra. Hiểu biết về tiếng Việt còn ở mức độ nên khi học chuyên ngành quân sự hay các môn khoa học nhân văn, khi lên trả bài cũ các bạn trả lời rất thẳng thắn về việc chưa hiểu rõ hết câu hỏi hay chưa nắm chắc được phần trả lời, chứ không vòng vo, quanh co. Nhưng các bạn học rất nhiệt tình, trách nhiệm, chịu khó tìm hiểu".

Đại tá Mạnh cho biết để giúp các học viên nước ngoài tiếp thu kiến thức tốt hơn, học viện còn biên chế cán bộ phiên dịch để hỗ trợ. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt, các chế độ của học viên Lào, Campuchia cũng được hưởng đầy đủ theo quy định của Nhà nước ta đối với lưu học sinh người nước ngoài. Đồng thời, đơn vị quản lý học viên quốc tế cũng thường xuyên quan tâm đến việc đảm bảo ăn uống của học viên. 

"Các học viên Lào, Campuchia cơ bản ăn uống giống học viên Việt Nam. Riêng các bạn Lào có sở thích ăn xôi buổi sáng. Vì vậy, bếp ăn của đơn vị đã thường xuyên bảo đảm đúng sở thích và tạo điều kiện mọi mặt để giúp các bạn học tập thật tốt" - đại tá Bùi Xuân Mạnh cho hay.

Trung tá Phạm Thái Hà tâm sự: "Chúng tôi dành tình cảm hơn một chút với các em Lào, Campuchia, vì thương các em phải xa quê hương, gia đình. Trong quá trình giảng dạy, ở những phần khó, nhiều khi thầy phải giảng từ từ, chậm chậm, động viên các em". 

Chuẩn úy Khamming Douang Lavong nói bằng tiếng Việt chậm rãi: "Thầy nhiệt tình lắm. Khi dạy một vấn đề khó, thầy luôn tìm cách để học viên hiểu. Phần nào khó quá, học xong một tiết, thầy nói những chuyện vui làm tụi em thấy thoải mái, không bị căng thẳng. Học xong thầy dành thời gian cho xem lại bài. Ai có thắc mắc gì thì hỏi, thầy nhiệt tình trả lời. Có lúc quá giờ nửa tiếng đồng hồ". 

Khamming Douang Lavong là một trong những học viên giỏi của khóa. Học kỳ vừa rồi, điểm tích lũy của anh chàng này được 8.2. Còn Phuu Khanh Keosaun - 24 tuổi, học viên năm 2 - cũng là một trong những học viên nổi bật nhất khóa. Điểm trung bình học kỳ vừa rồi Phuu Khanh Keosaun được 8.3.

Xa trường, thầy trò vẫn gắn kết

Để gần gũi hơn với các học viên người nước ngoài, các giáo viên của Học viện PKKQ còn chủ động học một số điệu múa và bài hát truyền thống của Lào, Campuchia.

Trung tá Phạm Thái Hà tâm sự: "Điều mình vui là tình cảm thầy trò, cán bộ với học viên rất gắn kết. Một số học viên ra trường khi trở lại Việt Nam công tác bao giờ cũng đến thăm học viện và thầy cô. Ngày tết cổ truyền dân tộc, các bạn đều mời thầy cô sang tham dự.

Đây là những hạt giống đỏ, các bạn về nước đều là lực lượng nòng cốt cho quân đội ở các nước, nhất là các chuyên ngành Phòng không Không quân. Chúng tôi khi truyền đạt kiến thức rất nhiệt tình và kiên nhẫn, mong các em tiếp thu hết để về phục vụ tốt cho quân đội, đảm bảo quân đội nước bạn ngày càng vững mạnh".

Đại tá Bùi Xuân Mạnh chia sẻ: "Việc đào tạo dựa trên tinh thần hữu nghị, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Với bề dày truyền thống lịch sử trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam, mình muốn truyền bá kinh nghiệm đó và những khả năng quân sự của mình với các bạn, tạo nên sự đoàn kết, sức mạnh của ba nước Đông Dương".

Các học viên không quân từ Campuchia Các học viên không quân từ Campuchia

Sau khi nhận lệnh từ chỉ huy bay, trung tá Trần Văn Đức, Phi đội trưởng phi đội, Đoàn Không quân trực thăng Đồng Tháp (thuộc Đoàn Không quân B70) đang ngồi ghế lái phụ quay sang học viên Sin Sovann (người Campuchia) đang ngồi ghế lái chính hạ lệnh: "Chú ý ! Cất cánh!".

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên