Cha Rồng mẹ Tiên (kịch bản và tổng đạo diễn: Phi Sơn, đạo diễn xiếc: Công Nguyễn; chỉ đạo nghệ thuật: Lê Diễn) lý ra công diễn năm ngoái, nhưng do một số trục trặc, đúng dịp giỗ Tổ Hùng Vương năm nay mới hội ngộ được với công chúng.
Tự hào dòng giống Tiên, Rồng
Kịch xiếc Cha Rồng mẹ Tiên có sự tham gia của khoảng 30 diễn viên đội Bầu trời xanh thuộc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam.
Trong suốt hơn 90 phút biểu diễn là câu chuyện lý giải xuất xứ của "Cha Rồng" Lạc Long Quân và "Mẹ Tiên" Âu Cơ, người sản sinh ra dân tộc ta.
Vở diễn được đầu tư khá công phu về cảnh trí, phục trang để tái hiện thời kỳ sơ khai.
Những cánh rừng hoang sơ, âm u, hay biển sóng ầm ào, dữ dội.
Trong thời buổi đất trời còn hỗn mang đó, con người từng ngày luôn đối diện với những hiểm nguy rình rập.
Khi đó Lạc Long Quân như vị cứu tinh của người dân khi luôn xuất hiện kịp thời để diệt trừ cái xấu, cái ác.
Đó là cuộc đối đấu giữa chàng trai dũng mãnh với Ngư tinh, Hồ tinh, Mộc tinh chuyên gây hại cho dân lành.
Và rồi chàng đã cứu và gặp gỡ nàng Âu Cơ xinh đẹp.
Để rồi tình yêu thăng hoa và họ đẻ ra trăm trứng là trăm người con đẹp đẽ, phi thường.
Hậu duệ của họ là Vua Hùng đã dựng nên nhà nước cổ đại đầu tiên của Việt Nam là nhà nước Văn Lang.
Câu chuyện vừa quen vừa lạ
Có lẽ huyền sử Con Rồng cháu Tiên không xa lạ với người dân Việt. Tuy nhiên, qua ngôn ngữ của xiếc, câu chuyện vẫn mang màu sắc rất riêng.
Các kỹ thuật xiếc được vận dụng để thể hiện từng giai đoạn. Chẳng hạn khi con người tìm ra lửa sẽ vận dụng màn xiếc phun lửa, tung hứng với những ngọn đuốc. Cuộc chiến đấu với Ngư tinh là những màn đu dây trên đạo cụ là chiếc thuyền.
Cuộc chiến với Hồ tinh sử dụng kỹ thuật lăn vòng, lắc vòng, đu bay trên không. Để thể hiện sự hung hãn của Mộc tinh là kỹ thuật nhảy dây vận dụng đạo cụ thể hiện các đoạn dây thừng từ âm u rừng rú tấn công dân lành…
Để có được buổi biểu diễn chiêu đãi nội bộ mới đây, các diễn viên nhà hát đã tập luyện cật lực, có ngày từ sáng hôm trước đến tận sáng hôm sau trong thời tiết Sài Gòn nóng nực. Vậy nên, có lẽ không ít diễn viên bị xuống sức.
Đạo diễn đã vận dụng nhiều kỹ thuật xiếc khó nên cần thời gian để diễn viên nhuần nhuyễn hơn.
Từng màn biểu diễn nên được tính toán hợp lý để tránh làm vở bị chùng và câu chuyện liền mạch, mượt mà.
Diễn viên trẻ Trịnh Thắng trong vai Lạc Long Quân có vẻ ngoài sáng đẹp, tuy nhiên anh cần phải nỗ lực không chỉ đơn thuần diễn xiếc mà còn phải biết diễn xuất cho ra thần thái người được xem là "Tổ phụ" của người dân Việt.
Có lẽ đạo diễn cũng nên tăng cường mảng miếng để cho thấy rõ độ uy dũng của Lạc Long Quân khi chiến đấu với rất nhiều quái vật cứu dân lành.
Hy vọng đến 28-4, trong suất công diễn đầu tiên, kịch xiếc Cha Rồng mẹ Tiên sẽ được ê kíp chỉnh sửa để khiến người xem cảm thấy mãn nhãn hơn.
Cha Rồng mẹ Tiên diễn tại rạp xiếc công viên Gia Định (quận Gò Vấp, TP.HCM) vào các ngày 28, 29, 30-4 và 1, 2, 3-5
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận