03/10/2014 10:45 GMT+7

​Những bí mật thiêng liêng

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Trong suốt thập niên 1990, những người cán bộ lưu trữ thầm lặng đi về giữa Maxcơva và Hà Nội, giúp thu thập khoảng 20.000 trang tài liệu quý hiếm liên quan đến cách mạng Việt Nam.

Thẻ dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản của Tổng bí thư Lê Hồng Phong (lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng)
Thẻ dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản của Tổng bí thư Lê Hồng Phong (lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng)

Đa số là những tài liệu chưa từng được công bố mà các kho lưu trữ trong nước không có hoặc có không đầy đủ.

Có gì trong 20.000 trang?

Một câu hỏi mà chuyên gia lưu trữ Nguyễn Thị Kỳ thường nhận được là: nội dung của 20.000 trang tài liệu đã khai thác được?

Bà Kỳ cho biết có những tài liệu đến nay chưa được giải mật hết nên không thể nói ra, tuy nhiên nhìn chung nội dung khối tài liệu rất phong phú và liên quan đến hầu hết các sự kiện quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam từ thập niên 1920 cho đến ngày đất nước thống nhất.

Rất nhiều tài liệu trong số đó đã được cấp có thẩm quyền giải mật và cho phép công bố trong bộ Văn kiện Đảng toàn tập, Hồ Chí Minh toàn tập... hoặc trưng bày ở Bảo tàng Hồ Chí Minh và một số triển lãm chuyên đề trong các năm qua.

Trong năm 2013, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng đã chủ trì việc tổ chức hai cuộc triển lãm chủ đề “Hiệp định Paris nhìn từ hai phía” và “Kỷ niệm 90 năm ngày Bác Hồ đến nước Nga”.

Rất nhiều tài liệu chứa đựng những cứ liệu lịch sử quý giá trưng bày trong hai cuộc triển làm này vốn được sưu tầm từ bàn tay nhỏ nhắn của bà Nguyễn Thị Kỳ và các cộng sự trong suốt thập niên 1990 giữa Matxcơva.

Nhiều hồ sơ vốn bảo quản ở diện hẹp trong một thời gian dài tại Matxcơva mà bà Kỳ và các cộng sự của mình sưu tầm được đã giúp làm sáng tỏ lịch sử.

Có thể kể đến như tài liệu liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng bí thư Lê Hồng Phong. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, tư liệu về Tổng bí thư Lê Hồng Phong trước đây không nhiều...

Cho đến khi tiếp cận kho lưu trữ Quốc tế Cộng sản, ta mới thu thập được tài liệu góp phần khẳng định ở Đại hội lần thứ I của Đảng tại Macau (Trung Quốc) từ ngày 27 đến 31-3-1935 đã bầu Ban chấp hành Trung ương do đồng chí Lê Hồng Phong đứng đầu.

Bà Kỳ cũng cho biết trong số các tài liệu thu thập được tại Matxcơva, ngoài các văn kiện chính thức còn có nhiều tài liệu ở dạng biên bản hội đàm giữa lãnh đạo ta và lãnh đạo Liên Xô qua các thời kỳ. Các biên bản này đều được ghi rất đầy đủ, chi tiết.

“Có những biên bản mà tôi thấy nội dung cực kỳ quý giá về mặt lịch sử, ví dụ như biên bản hội đàm của Tổng bí thư Lê Duẩn với các đồng chí lãnh đạo Đảng cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ về chiến tranh Việt Nam. Họ ghi rất rõ những câu hỏi và câu trả lời của các nhà lãnh đạo hai bên” - bà Kỳ nói.

Đến hôm nay có điều gì bà còn tiếc nuối khi nhớ lại những ngày tháng ở Matxcơva? Chúng tôi hỏi khi cuộc trò chuyện kết thúc. Bà Kỳ trầm ngâm một lúc rồi nói: “Chúng tôi đã nỗ lực hết sức mình để thực hiện sứ mệnh cấp trên giao phó.

Anh em chúng tôi hay nói vui với nhau là đi Nga về coi như hoàn thành phần cơ bản nhiệm vụ cuộc đời, cho nên không có gì phải tiếc nuối.

Có chăng tôi vẫn còn nhớ những lần đứng tần ngần giữa kho lưu trữ của họ, vì có một số loại tài liệu quý hiếm mình muốn khai thác nhưng lúc đó phía Nga chưa cho phép. Lần sau đến tìm hiểu tiếp thì họ lại nói không có những loại tài liệu như vậy. Tất nhiên, họ chỉ nói tránh thôi”.

Bút tích của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong thư gửi Trung ương Đảng Cộng sản Pháp (Matxcơva, tháng 7-1923). Một trong những nội dung của bức thư này là việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đề nghị mở lại mục viết về thuộc địa trong báo L’Humanité, đồng thời trên tất cả các báo của Đảng mở một mục viết về thuộc địa để làm cho độc giả làm quen với các vấn đề thuộc địa (Tài liệu viết tay, tiếng Pháp, lưu tại  Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng)
Bút tích của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong thư gửi Trung ương Đảng Cộng sản Pháp (Matxcơva, tháng 7-1923). Một trong những nội dung của bức thư này là việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đề nghị mở lại mục viết về thuộc địa trong báo L’Humanité, đồng thời trên tất cả các báo của Đảng mở một mục viết về thuộc địa để làm cho độc giả làm quen với các vấn đề thuộc địa (Tài liệu viết tay, tiếng Pháp, lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng)

Vượt qua rào cản

Bà Nguyễn Thị Kỳ bồi hồi nhớ lại lúc bấy giờ tình hình chính trị ở Nga đã có thay đổi, nhưng các bạn Nga vẫn dành cho Việt Nam tình cảm thân thiện.

Khi cán bộ lưu trữ Việt Nam đến xin khai thác tài liệu của Quốc tế Cộng sản và tài liệu về quan hệ Việt Nam - Liên Xô từ các kho lưu trữ khác nhau, các vị lãnh đạo Tổng cục Lưu trữ Nga cũng như cán bộ phụ trách kho lưu trữ đều rất tận tình giúp đỡ, hướng dẫn danh mục các tài liệu mới được giải mật, rồi chỉ bảo những việc cần làm, từ việc xin sao chụp cho đến các thủ tục pháp lý có liên quan.

“Tất nhiên tình cảm là tình cảm, công việc là công việc. Bạn quy định rõ những tài liệu nào có thể khai thác, những tài liệu nào chưa được giải mật trong thời điểm đó thì bắt buộc ta phải có văn bản đề nghị cán bộ phụ trách kho thực hiện quy trình cho phép giải mật. Qua đó chúng tôi ý thức được rằng có những loại tài liệu về nguyên tắc chưa cho phép khai thác rộng rãi” - bà Kỳ nói.

Bản thân bà Nguyễn Thị Kỳ là người đã có nhiều năm theo học ngành lưu trữ ở Nga, hơn ai hết bà thấu hiểu những nguyên tắc trong nghề.

“Ở nhà mọi người có thể nghĩ rằng chúng tôi được đi nước ngoài là sướng lắm. Nhưng ban đầu nhận nhiệm vụ, nhiều đêm giữa Matxcơva tôi trằn trọc không ngủ được vì suy nghĩ cách thức nào để tiếp cận và khai thác được tài liệu quý hiếm trong các kho lưu trữ. Hơn nữa nếu mình không chủ động khai thác thì có thể nước ngoài nào đó lại nhanh tay hơn” - bà Kỳ tâm sự.

Bên cạnh sự giúp đỡ của Ban đối ngoại Trung ương Đảng và Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô qua đường ngoại giao, ông Trần Văn Hùng (nguyên cục trưởng Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng) và bà Nguyễn Thị Kỳ thấy rằng không có cách nào tốt hơn bằng sự chân thành, bằng cách nói thật cho bạn hiểu và chia sẻ với khó khăn của phía Việt Nam.

Bà Kỳ cho biết: “Gặp các vị lãnh đạo Tổng cục Lưu trữ Nga cũng như cán bộ ở các kho, chúng tôi luôn thành thật nói với họ rằng chúng tôi là những cán bộ lưu trữ của Việt Nam được giao nhiệm vụ đi sưu tầm tài liệu.

Nếu được cung cấp tài liệu thì dù mật hay không mật đều sẽ được đưa về nước để bảo quản theo đúng chuẩn mực lưu trữ quốc tế. Tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước cũng như nước thứ ba. Qua đó để bạn yên tâm cung cấp cho ta các tài liệu quý hiếm”.

Không chỉ thông qua lời nói, các cán bộ lưu trữ Việt Nam còn thể hiện bằng chính phong cách làm việc chuyên nghiệp, cần mẫn của mình.

Các kho lưu trữ ở Nga lúc bấy giờ chỉ mở cửa từ thứ hai đến thứ sáu. Cứ mỗi sáng trong tuần và nhất là thứ hai đầu tuần, bà Kỳ lại đến kho rồi chuyển cho cán bộ lưu trữ của bạn một danh sách dài đăng ký khai thác.

Cán bộ lưu trữ phía Nga rất ngạc nhiên hỏi: “Các bạn đọc tài liệu suốt ngày rồi, cuối tuần không nghỉ ngơi, lại ngồi đọc và lên danh sách tiếp hay sao?”.

Theo bà Nguyễn Thị Kỳ, đã có lần bà nhận được thắc mắc là ngoài biện pháp sưu tập bằng cách sao chụp (trong nghề lưu trữ nếu tài liệu sao chụp tại kho và đóng dấu của kho thì được coi có giá trị như bản chính), đã bao giờ khai thác tài liệu bằng cách thu thập luôn cả các bản gốc?

Câu trả lời là “không”, vì vấn đề này liên quan đến cả hai phía khai thác tài liệu và bảo quản tài liệu, cả hai đều không được phép làm điều đó.

Kỳ tới: Vừng ơi mở ra!

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên