24/03/2011 11:53 GMT+7

Sống khiêm tốn, tiết kiệm để bảo vệ môi trường

TTO
TTO

TTO - Như thế nào là sống thân thiện với môi trường? Sự đóng góp nhỏ bé của chúng ta có hy vọng cứu được thế giới? Những câu hỏi đó có dễ trả lời không? Bạn đọc đã có dịp tranh luận và hy vọng thỏa mãn với những câu trả lời đầy tâm huyết của các khách mời trong buổi trao đổi trực tuyến "Sống thân thiện với môi trường" do Tuổi Trẻ Online tổ chức sáng nay, 24-3-2011.

i5zVPpN3.jpgPhóng to
Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến - Ảnh: Thanh Đạm

KHÁCH MỜI CỦA CHƯƠNG TRÌNH:

- Ông Huỳnh Huy Tuệ - điều phối viên Tổ chức phi chính phủ cầu châu Á - Nhật Bản (BAJ), một tổ chức phi chính phủ chuyên làm các dự án về giáo dục môi trường;

- Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC);

- Bạn Nguyễn Thị Thanh Thảo - Khoa ngữ văn Anh ĐH KHXH&NV TP.HCM, đoạt giải thưởng “Lãnh đạo toàn cầu” tại Leverkusen (Đức) với dự án “Lồng ghép giáo dục kiến thức và ý thức bảo vệ môi trường vào bài tập toán ngoại khóa cho học sinh tiểu học”;

- Bạn Lê Minh Quốc - Khoa công nghệ thông tin, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, một trong hai đại diện bạn trẻ Việt Nam tham gia Hội nghị thượng đỉnh trẻ về hổ tổ chức tại Nga.

NỘI DUNG BUỔI TRAO ĐỔI TRỰC TUYẾN:

8FLv82zC.jpgPhóng to
Công nhân vệ sinh quét rác trên bến Bình Đông, quận 8, TP.HCM - Ảnh: Trịnh Thanh Nghị

* Hằng ngày, bạn có những hành động cụ thể nào để bảo vệ môi trường? (Thảo Tiên, TP.HCM)

- Bạn Nguyễn Thị Thanh Thảo: Những việc cụ thể mình làm là những việc rất nhỏ, và cũng chẳng có tham vọng gì lớn lao. Mình chỉ hy vọng là mình đã làm được những gì mình có thể làm. Chẳng hạn như buổi sáng, mình mang tô/đĩa ở nhà ra ngoài mua đồ ăn sáng và bưng về, thay vì đi tay không và xách về lỉnh kỉnh hộp giấy và bao ni-lông.

Đi học thì mình mang bình nước theo, không phải mua các ly nước nhỏ nhỏ ở ngoài, để tránh tạo thêm rác. Ghi chép bài giảng bằng tay thay vì đi các slide bài giảng trên lớp. Thường mình thấy các slide này vốn dĩ được thiết kế để “trình chiếu” nên chữ ít mà khoảng trắng thì nhiều, nếu in sẽ tốn giấy một cách không cần thiết. Ra khỏi lớp thì tắt cầu dao tổng.

Khi vào máy ATM để kiểm tra tài khoản, mình tự ghi số tiền hiện có vào sổ tay, chứ không in biên lai. Đối với đồ dùng cá nhân, mình luôn ưu tiên cho tiêu chí “bền bỉ và hữu dụng”, mặc dù là con gái, mình cũng bị hấp dẫn bởi những gì nho nhỏ, xinh xắn nhưng chẳng có “công năng” gì cụ thể.

Mình tin tưởng là mình không phải là người duy nhất đang thực hiện những hành động cụ thể như trên. Có lẽ có rất nhiều bạn đã và đang hành động như vậy, hoặc còn hơn thế nữa, và như vậy thì thật là một điều đáng mừng.

* Tôi thấy người VN mình đa số rất biết giữ gìn vệ sinh cho nhà mình, nhưng lại vô tư xả rác ra xung quanh. Chẳng hạn tại xóm tôi, một số người cứ hay lén quét rác hoặc đổ rác trước cửa nhà tôi (gia đình tôi có 3 người, đi làm từ sáng đến chiều tối mới về).

Gặp trường hợp này tôi rất bực nhưng không biết xử lý ra sao cả. Theo anh điều này là do đâu, và tôi có thể làm gì để người dân xóm tôi có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường nơi họ sống? (Thùy Chi, 35 tuổi, TP.HCM)

- Ông Huỳnh Huy Tuệ: Vâng, buồn lắm phải không ạ. Xưa nay mình vẫn vứt vậy không sao, nhưng bây giờ có vấn đề. Vấn đề là nội dung rác bây giờ khác quá, quá khác, nhiều thứ hơn ngày xưa rất nhiều, nhất là những thứ không có nguồn gốc địa phương mình.

Vứt rác lén thì đúng là khó, thành bệnh rồi. Tôi có kinh nghiệm ở vài nơi thế này, bạn tham khảo thử nhé: cùng trẻ em trong xóm mở lớp vẽ, rồi vẽ xóm, vẽ nơi mình thích và không thích, đẹp và không đẹp; rồi phân loại rác, rác bán được và không bán được. Sau đó cùng mọi người hàng tuần bán ve chai. Vui vẻ với rác, thân thiện với những người phụ nữ làm nghề ve chai - những người lầm lũi giúp giảm lượng rác cho thành phố, không đòi hỏi ai một cái gì…

Khó lắm phải không ạ, nhưng sẽ làm được chị ạ, chỉ cần có thời gian, sự kiên trì và cảm thông, cũng như lòng kính phục những phụ nữ đội nón làm việc vì môi trường, không vụ lợi.

Có những cách làm thế này, chúng ta gìn giữ sạch đẹp phố mình, giá nhà cũng sẽ tăng lên!

* Nhà tôi xài máy điều hòa nhiệt độ đã qua sử dụng, máy chạy khá tốt. Mùa nóng khó ngủ nên tôi hay mở máy. Để tiết kiệm được, tôi thường mở máy khoảng 2-3 tiếng, sau đó tắt, chuyển sang quạt gió. Nếu nóng quá thì khoảng 2 tiếng sau tôi lại mở máy lạnh... Xin hỏi như vậy liệu có tiết kiệm điện không, vì tôi nghe có người nói cứ mở rồi tắt, tắt rồi mở sẽ khiến tốn điện hơn và máy mau hư? Xin cảm ơn! (Vũ Nghi, 33 tuổi, vunghinguyenbd@...)

- Huỳnh Kim Tước: Điều quan trọng trước tiên là điều này có ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn không, khi phải thức giấc nhiều lần trong đêm. Tiết kiệm không có nghĩa là hạn chế nhu cầu. Với một hệ thống điều hòa không khí, muốn giải quyết tận gốc vấn đề tiết kiệm năng lượng, bạn cần lưu ý những vấn đề sau:

Một là, lắp đặt điều hòa không khí phù hợp với nhu cầu, không nên dư công suất. Ví dụ, nếu căn phòng của bạn nhỏ hơn, khoảng 30m2, thì nếu bạn lắp điều hòa không khí đến 2HP thì là lãng phí, dư công suất.

Hai là, đối với loại điều hòa không khí, thời gian sử dụng nhiều năm, bạn nên mua loại có hiệu suất cao, có thể lúc đầu giá mua cao, nhưng hàng năm sẽ ít tốn tiền điện hơn các loại khác.

Ba là, cách sử dụng hợp lý. Ví dụ như bạn nên cài đặt nhiệt độ sử dụng trên 250C. Bạn nên nhớ rằng, cài đặt tăng thêm 1 OC, bạn sẽ giảm được 2% điện tiêu thụ. Việc cài đặt nhiệt độ và chế độ quạt sẽ tốt hơn vì sẽ có thể cài đặt ở nhiệt độ cao hơn.

* Xin hỏi dự án cuốn bài tập toán xanh của Thanh Thảo đã đi đến giai đoạn nào? Định hướng phát triển của dự án như thế nào? (Thành Huy, TP.HCM)

- Bạn Nguyễn Thị Thanh Thảo: Kế họach của mình hiện nay là phát triển, nhân rộng dự án Bài Tập Toán Xanh để có thể tiếp cận nhiều bạn học sinh tiểu học hơn. Việc mở rộng dự án được thực hiện bằng cách viết lại, và biên tập lại sách thành một sê-ri gồm nhiều cuốn, mỗi cuốn dành cho 1 lớp (lớp 1, lớp 2, lớp 3, …) để có thể phù hợp với lứa tuổi, sở thích, và kiến thức của các bạn học sinh hơn. Sê-ri sách này hy vọng sẽ được xuất bản và có mặt tại các nhà sách trong năm 2011 này.

* Bước xuống đường: tôi đi bộ. Khi nhắm khoảng cách không xa lắm và không gấp lắm (10km): tôi đi xe đạp. Đôi khi thấy không ai giống mình. Và vì vậy tôi bỗng trở thành kẻ lập dị. Sẽ sống thân thiện sao đây khi ai cũng có tâm lý xuống đường là leo lên xe cơ giới, dù là đi ra chợ hay đón con cách có vài trăm mét cũng phải leo lên xe? (Trần Tuấn Linh, 28 tuổi, trantuanlinh2005@)

- Ông Huỳnh Kim Tước: Các khảo sát nghiêm túc cho thấy, sử dụng phương tiện cá nhân tốn năng lượng gấp 5 lần dùng phương tiện công cộng. Hiện nay, năng lượng sử dụng cho ngành giao thông vận tải chiếm đến 20% năng lượng của Việt Nam.

Chúng tôi rất mong muốn có một cuộc vận động toàn dân, trước hết là các bạn trẻ, hãy vì một cuộc sống năng động, khỏe, thân thiện môi trường, hãy sử dụng xe đạp thay thế phương tiện cá nhân có động cơ. Làm được điều này cũng đã góp phần giúp sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, môi trường tốt hơn. Nếu chúng ta biết đó là điều đúng đắn, tại sao chúng ta chưa hành động?

- Bạn Lê Minh Quốc: Xin chào bạn, tôi cảm thấy rất vui khi có không ít những người sống và nghĩ cho môi trường như bạn. Bạn đừng nghĩ mình là người lập dị, mà bạn hãy nghĩ mình sẽ là những người đi đầu và truyền cảm hứng cho những người khác cùng thực hiện và tham gia chung với bạn với những hành động thiết thực đó.

Để hành động của bạn thêm ý nghĩa và được mọi người cùng tham gia, bạn hãy bắt đầu từ nơi bạn sống bằng cách đưa ra những lợi ích thiết thực: tiết kiệm chi phí xăng, giảm khí thải, rèn luyện thể lực, sẽ giáo dục con cháu ý thức cao hơn... của những việc làm này đến với người xung quanh, bạn nhé.

* Ông Huỳnh Huy Tuệ: 10km mà bạn đi xe đạp thì hay thật đấy! Tôi cũng đi xe đạp, cho khỏe. Cho tôi hỏi nhé: bạn thường mang nước uống khi đi xe đạp không, và uống nước gì, bi đông của bạn bao nhiêu lít nước? Khi nóng bạn đội mũ như thế nào?... Chắc bạn có nhiều kinh nghiệm lắm!

Bạn ạ, bạn đi xe đạp, sẽ hiểu được thật nhiều từ ngữ, tượng hình, tượng thanh, nhiều kinh nghiệm của ông bà để lại cho chúng ta thông qua kho tàng văn hóa, sách truyện... Bạn có khả năng, cơ hội cảm nhận được điều này. Bạn là người lập dị, khác hoàn toàn vài phút lên xe máy rồi!

- Bạn Nguyễn Thị Thanh Thảo: Mỗi người có cách suy nghĩ và ứng xử khác nhau. Riêng Thảo hoàn toàn ủng hộ, bày tỏ sự khâm phục và cảm ơn quyết định đi bộ hay đi xe đạp thay vì đi xe máy của anh Tuấn Linh. Rất mong anh tiếp tục vững vàng trong quyết định của mình.

Những gì chúng ta có thể làm được thì cứ làm trước, kiên quyết đến cùng. Còn những gì còn tồn đọng, chẳng hạn người hàng xóm bên nhà lúc nào cũng thích chạy xe máy cho tiện, thì mình kiên nhẫn chờ “thời cơ chín mùi" để “rủ" người ấy đạp xe cùng mình. Tích tiểu thành đại, Thảo tin là những nỗ lực âm thầm trong việc sống thân thiện với môi trường của anh sẽ dần dẫn tới những thành tựu rất đáng tự hào.

* Xin chỉ giùm cách phân loại rác thải ở hộ gia đình? Tôi có một khoảnh vườn nhỏ, xin chỉ giùm cách chăm bón cho cây và rau nhà tự trồng mà không cần dùng phân hóa học? Tôi ủ bằng cọng rau bỏ đi và thức ăn thừa, nhưng lại bị bốc mùi hôi... (Thanh Thanh, 30 tuổi)

- Ông Huỳnh Huy Tuệ: Bạn lấy thùng các-tông, dán băng dính, đổ lớp mùn 5cm ở dưới, rồi để lớp rau bỏ lên trên, 15cm, rồi đắp mùn 10cm lên trên, cứ như vậy nó sẽ không hôi. Mùi hôi là axit, mùn là bazo, nó nóng lên khoảng 70-80oC rồi lại nguội đi, khoảng hai tháng bạn là có mùn tốt.

Đừng dùng vi khuẩn nhập ngoại gì vì Việt Nam là nước nhiệt đới. Làm đi làm lại vài lần là có kinh nghiệm, vui lắm bạn ạ

* Môi trường hiện là vấn đề rất nóng bỏng của xã hội, tuy nhiên đa số chúng ta vẫn chưa am hiểu hết về môi trường, vậy có nên đưa thêm một môn học vào giáo dục không? Và nếu có thì ở cấp bậc nào?(Lê Nga, 22 tuổi, lenga33m@... )

- Ông Huỳnh Huy Tuệ: Câu hỏi rất gần gũi và xa xôi quá phải không ạ? Theo tôi, đưa vấn đề môi trường vào dạy cho các em HS là rất cần. Vấn đề là nên đưa thế nào vào nhà trường? Tôi thử đưa ra lý thuyết nhé:

- Cấp một: giúp các em khái niệm, so sánh môi trường;

- Cấp hai: thực hành từ chuyện nhỏ, song song với lý thuyết là hướng dẫn cách giải quyết các vấn đề môi trường, kinh nghiệm giải quyết hậu quả môi trường của các nước trên thế giới.

Ở Việt Nam, kinh nghiệm của tôi là: cùng các em thực hành, cùng thất bại, cùng thành công.

Ngoài nhà trường, gia đình cũng phải có cơ hội hiểu về môi trường. Ví dụ chuyện vứt bao nilông xuống đất có hại cho đất, cho nước ra sao?... Rất nhiều người biết nhưng không ai sợ, bằng chứng là số người và lượng dùng bao nilông càng ngày càng nhiều, tức là chưa ai hiểu hoặc cảm nhận sự nguy hại của chuyện vứt nilông này.

Vậy cần là ngoài nhà trường, chúng ta phải thay đổi suy nghĩ một chút, chẳng hạn với trẻ em, không chỉ giáo viên là người có nghĩa vụ học và chơi với trẻ em, mà là tất cả người lớn chúng ta.

Vấn đề giáo dục ý thức bảo vệ môi trường nhà trường hiện nay đưa vào không đủ. Đừng dựa hết vào nhà trường. Nhà trường sáng nào cũng cho học sinh xếp hàng, nhưng các bạn ra trường lớn lên, ra đời chen hàng nhiều lắm, ở siêu thị, ở nhà ga, ở sân bay... vẫn thấy nhiều đấy thôi.

Về giáo dục môi trường tôi chỉ có kinh nghiệm như thế này: không có phương pháp ở đâu dùng nguyên như vậy cho nơi khác, vì đơn giản như vậy thì mọi chuyện chắc chắn thế giới giải quyết được từ lâu rồi.

* Chào bạn Minh Quốc! Mình cũng là người yêu thích thiên nhiên. Thật tự hào khi bạn là một trong hai đại diện cho bạn trẻ Việt Nam tham gia Hội nghị thượng đỉnh về hổ do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tổ chức tại Nga vào tháng 11-2010.

Sau khi trở về nước và trong tương lai, bạn có ấp ủ hay dự định thực hiện một dự án nào về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống cho loài hổ hoang dã của Việt Nam khi dân số của loài này còn chưa đầy 30 cá thể trong hoang dã? (Huỳnh Trịnh Viễn Phương, 26 tuổi, thugiancaphe@... )

- Bạn Lê Minh Quốc: Thời gian sau khi trở về nước, mình đã cố gắng tìm kiếm và liên kết các bạn trẻ có cùng sự quan tâm, thông qua những bài thuyết trình về thực trạng loài hổ tại Việt Nam. Việc tìm kiếm và liên kết này nhằm phục vụ cho những dự án sắp tới mình và Tổ chức WWF sẽ cùng làm. Trong đó, có thể kể đến kế hoạch ngày "Đi bộ vì loài hổ", dự kiến diễn ra vào tháng 9-2011.

Ngoài ra, sau khi hội nghị kết thúc, các đại sứ trẻ của 13 nước còn hổ sinh sống trong tự nhiên vẫn đang cùng chia sẻ những tin tức và những giải pháp cho vấn đề về loài hổ để mọi người có thể áp dụng lại tại mỗi quốc gia.

rliOdv1n.jpgPhóng to
Công nhân vệ sinh làm sạch bờ biển Côn Đảo - Ảnh: Phan Hữu Thông

* Bạn quan niệm thế nào về “sống xanh”? Bạn nghĩ “sống xanh” dễ hay khó? Vì sao? (Mỹ Nga, 24 tuổi)

Một cái cây trong lúc sống “luôn tay luôn chân” tự mình làm việc, và không cần “ăn thịt” bất kì một sinh vật nào để tư lợi, béo tốt, nhưng quá trình sống của nó lại còn tỏa ra oxy, giúp ích cho những sinh vật xung quanh.

- Bạn Nguyễn Thị Thanh Thảo: Theo mình nghĩ, sống xanh là một cách sống hao hao như cách mà một cái cây sống: không ồn ào, không phô trương, không lãng phí. Một cái cây trong lúc sống “luôn tay luôn chân” tự mình làm việc, và không cần “ăn thịt” bất kì một sinh vật nào để tư lợi, béo tốt, nhưng quá trình sống của nó lại còn tỏa ra oxy, giúp ích cho những sinh vật xung quanh.

Con người chúng ta phát biểu rằng chúng ta thuộc một “đẳng cấp” khác nhưng mình e là đôi lúc, trong cuộc sống hối hả, chúng ta đang thuộc một “đẳng cấp” khác thật, một đẳng cấp mà trong đó người ta ham thích sự dư thừa, mới mẻ, tiện nghi, xa xỉ, và lãng phí. Con người, vì sự tiện lợi của riêng mình, đôi lúc hí hửng “ăn thịt” tất thảy những gì tồn tại xung quanh: vật nuôi, khoáng sản, rừng gỗ, năng lượng…

Mình nghĩ rằng, chừng nào chúng ta còn tiếp tục nuông chiều bản thân, thì sống xanh thực sự không phải dễ dàng.

* Mình cũng rất muốn làm một việc gì đó, tuy nhỏ bé, phù hợp với sức và khả năng mình để góp phần vào việc cải thiện môi trường hiện nay, để con em chúng ta sau này không phải hít không khí ô nhiễm như chúng ta, nhưng không biết nơi nào, đoàn thể nào cho mình tham gia cùng chung tay. Mong được gợi ý. Xin cảm ơn. (Loan Pham, 34 tuổi, loanpham@... )

- Ông Huỳnh Kim Tước: Trung tâm của mình có tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, đào tạo, tư vấn doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ tiết kiệm năng lượng, phối hợp với nhiều tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp... Nếu thích, mời bạn đến cộng tác cùng trung tâm. Rất vui được đón bạn.

* Làm thế nào để tạo sức ảnh hưởng của mình đến những người xung quanh về việc tự giác bảo vệ môi trường sống? (Trần Đức Hưng, 24 tuổi, duchung06101987@... )

- Lê Minh Quốc: Việc tuyên truyền, tạo sức ảnh hưởng cho mọi người về vấn đề bảo vệ môi trường là một vấn đề khó, cho nên hành động thiết thực nhất mà chúng ta có thể làm là chính bản thân chúng ta có ý thức bảo vệ môi trường trong cuộc sống hằng ngày bằng những việc đơn giản như: không xả rác, để rác thải đúng nơi quy định, tiết kiếm năng lượng, sử dụng những vật liệu xanh...

Một khi mỗi chúng ta đã là một tấm gương thực tế, thì việc kêu gọi mọi người xung quanh làm theo sẽ trở nên dễ dàng hơn.

* Muốn xử lý bao nilông ta cần phải làm gì? (Y Phuong, 20 tuổi, bi_meo92@... )

* Xin hỏi đem bọc nilông đi đốt và xả tràn lan ngoài tự nhiên cái nào có lợi hơn? Có cách xử lý nào khác tốt hơn xin cho biết? (Dương Văn Dũng, 36 tuổi, 468dung@... )

- Ông Huỳnh Huy Tuệ: Túi đã dùng mà còn sạch sẽ thì nên để lại dùng khi cần, hoặc bán cho ve chai. Nhưng tốt nhất là khi đi chợ không mang nilông về. Đi siêu thị thì chịu rồi, siêu thị dùng quá nhiều túi nilông.

Về việc đem bọc nilông đi đốt, ông Kitawaki - giáo sư về môi trường Trường Toyo, thành viên ban quản trị tổ chức BAJ, có lần kể cho tôi biết, bốn nhà đốt rác có nilông bằng số chất độc do một nhà máy ở nước tiên tiến hiện thải ra.

* Một trong những vấn đề lớn của TP.HCM là lượng xe máy lưu thông quá nhiều, góp phần lớn làm ô nhiễm môi trường. Bạn có ý tưởng gì để giảm thiểu sử dụng xe máy, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng? (Bích Uyên, Đồng Nai)

- Bạn Nguyễn Thị Thanh Thảo: Chạy xe máy trên đường phố Sài Gòn là một nhu cầu, và đó cũng là một thú vui, nhất là đối với các bạn trẻ. Nếu muốn giảm thiểu việc sử dụng xe máy và khuyến khích việc sử dụng xe buýt, chúng ta cần trình bày không chỉ các lợi ích thiết thực của xe buýt về mặt kinh tế, sức khỏe... mà còn cần trình bày những thú vui/giá trị cộng thêm mà hành khách có được khi ngồi trên xe buýt (làm quen được bạn mới, đọc thêm vài trang sách, thử tài chụp hình đường phố…).

Hiện nay, một số lớn các bạn trẻ đang theo học các ngành marketing và thiết kế. Mình nghĩ, liên hệ chặt chẽ với ngành học của mình, nếu các bạn tự tổ chức thành một nhóm và tự tiến hành một chiến dịch hoành tráng marketing cho xe buýt, chắc chắn sẽ thành công, và còn bổ ích, thú vị.

* Chúng ta làm gì khi thấy khi nhìn thấy những cô câu sinh viên ngang nhiên vứt rác bừa bãi hả các bạn? (Lê Thị Luân, 25 tuổi, luantrangmy@)

- Lê Minh Quốc: Việc chúng ta nên làm là nhẹ nhàng nhắc nhở ngay các bạn và yêu cầu các bạn ấy nhặt mẫu rác của mình bỏ vào thùng. Việc nhắc nhở cũng là 1 hình thức tuyên truyền tốt, các bạn sẽ cố gắng chú ý hơn về sau để không còn bị nhắc nhở bởi các bạn bè cùng trang lứa.

* Tôi có đứa cháu 6 tuổi. Tôi dạy cháu rất kỹ về việc không xả rác bừa bãi. Nhưng nhiều lần tôi lúng túng khi đưa cháu đi chơi, cháu chỉ cho tôi thấy người lớn xả rác và hỏi: “Sao người lớn xả rác được?”. Tôi không biết giải thích thế nào để cháu hiểu và đừng “so bì” như vậy, chẳng lẽ tôi lại đi nói với cháu rằng vì những người đó không có ý thức? Mong ông chỉ giúp tôi vài “chiêu” để dạy cháu… (Văn Khánh, 24 tuổi, khanhlevan@... )

- Ông Huỳnh Huy Tuệ: Vâng, không phải chỉ rác, đâu phải người lớn cái gì cũng đúng. Chuyện này là chuyện giáo dục đấy bạn ạ. Ví dụ một hôm tôi đi máy bay, cậu bé bên cạnh khóc quá trời, chắc do mẹ ôm chặt quá. Khi đó chắc người mẹ hơi căng thẳng và sợ làm phiền xung quanh nên nói với cháu nhỏ: “Đừng khóc nữa chú đánh cho”. Tôi giật mình, nói liền: “Chú không đánh cháu, mà việc gì chú phải đánh cháu, tại sao chú lại phải đánh cháu...”. Tức là, trong câu chuyện chúng ta với trẻ, cái gì sai, nên cho con trẻ biết đó là sai.

Khi tôi dạy học, cha tôi nói với tôi rằng đôi khi dạy sai để học trò nhận ra điều mình học, mình nghe là đúng hay sai, như vậy dạy mới có giá trị, tiết học mới hay được. Phải kiểm chứng, phải tự mày mò. Và sự hứng thú của mọi thứ bắt đầu từ đó.

Đừng đổ lỗi cho ai, phải chỉ ra cho con cái mình như vậy là sai dù có thể mất nhiều năm. Tôi thấy bạn có thể dùng suy nghĩ này của Takeshi, người làm chương trình giáo dục trên truyền hình Fuji Nhật Bản 2004. Khi đó cháu bạn sẽ không nói gì đến bác người lớn kia, hay cùng đến đề nghị bác không làm thế.

* Khi nhìn thấy một hành động làm ô nhiễm môi trường như xả rác, đổ nước thải sai nơi quy định, bạn phản ứng thế nào? (Trang Thanh, Q.10, TP.HCM)

- Bạn Nguyễn Thị Thanh Thảo: Mình sẽ thầm nghĩ về câu nói “nhân vô thập toàn”. Hi vọng trong một hoàn cảnh khác người ta sẽ có những cách xử sự đẹp hơn.

* Xin hỏi ông Huỳnh Kim Tước, trung tâm của ông đã phát động chương trình những ngôi nhà tiết kiệm năng lượng, ông có thể cho biết hiệu quả của chương trình? (hoàng, 25 tuổi, hoangngoac@... )

- Ông Huỳnh Kim Tước: Năm 2010, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng phối hợp với Hội phụ nữ Thành phố triển khai cuộc vận động hộ gia đình tiết kiệm điện, một số kết quả ban đầu: có 102.600 hộ gia đình đăng ký tham gia, xây dựng đội ngũ 1.200 tuyên truyền viên, giúp giảm tăng tiêu thụ điện thành phố từ 11-14%/năm xuống còn 8,5%.

Nên nhớ, hộ gia đình tiêu thụ 37% lượng điện thành phố (khoảng 14 tỷ khw/năm). Kết quả này là tiền đề cho cuộc vận động 1,8 triệu hộ gia đình tiết kiệm điện mà thành phố vừa chỉ đạo triển khai năm 2011.

* Ăn kẹo cao su xong các bạn thường bỏ vào đâu trước khi cho vào thùng rác? (Lê Thị Luân, 25 tuổi, luantrangmy@... )

- Lê Minh Quốc: Sau khi ăn kẹo cao su xong, chúng ta nên gói vào 1 miếng giấy nhỏ rồi hãy bỏ vào thùng rác, như thế sẽ giúp cho bã kẹo không dính và dây ra, gây khó khăn cho việc thu dọn và giúp giữ mỹ quan chung.

* Tôi là dân miền Tây. Cho đến giờ, tôi cứ tiếc ngẩn ngơ con sông nhỏ trước nhà mình. Ngày xưa nó không đến mức trong vắt nhưng sạch sẽ, trẻ con tha hồ tắm gội, chơi đùa. Giờ thì nó đục ngầu, dơ bẩn, nhất là vào mùa mưa, khi nước trên đồng ruộng tràn xuống đem theo bao nhiêu là thứ phân bón, thuốc trừ sâu…

Tôi mơ ước làm điều gì đó để nó trở lại như xưa, nhưng con sông là con sông chung, một mình tôi không thể làm được gì. Quí vị có thể chỉ giúp tôi cách nào để cứu con sông không? Xin cảm ơn! (Võ Hữu Tài, 28 tuổi, huutai2683@)

- Ông Huỳnh Huy Tuệ: Có một cách mà nước khác đang làm và đã làm được. Ví dụ để làm sạch một con sông, mọi người mất 40 năm, làm sạch một cái hồ ở Chiba, Nhật Bản mất 20 năm. Họ bắt đầu thành công khi cùng lập ra câu lạc bộ những người yêu sông. Nhiều người với nhiều cảnh khác nhau có cách yêu sông khác nhau và kết cục cùng muốn làm con sông đẹp lại như ban đầu.

Khi đó người sống trên sông yêu sông theo cách sống trên sông, trên bờ theo cách trên bờ, người câu cá yêu theo cách câu cá, người yêu chụp ảnh yêu theo cách chụp ảnh... Mọi người cùng chí hướng chung, và họ thành công.

Họ làm đến cả chuyện như thế này: không vứt rác không nhìn thấy (ví dụ dầu ăn, dầu mỡ sau khi dùng...) bằng mọi cách xuống cống, từng nhà từng nhà làm như thế, để tiếp đó được ngày ngày cùng xuống bến giặt áo, cùng xuống sông bơi đùa giỡn với cháu nội và nói với cháu rằng hồi xưa ông chơi ở đây như thế này, còn ba cháu đâu biết bơi đâu... Nếu mọi người đồng lòng, chắc chắn sẽ làm được bạn ạ.

* Bạn Nguyễn Thị Thanh Thảo: Có lẽ cũng như nhiều việc khác, chúng ta có thể bắt đầu từ chính bản thân mình: nghiêm chỉnh tắt máy tính và các thiết bị sử dụng điện nói chung khi không cần thiết, và sử dụng kỹ càng những vật dụng của mình như giấy, viết, khăn ăn... sau đó cùng họp bàn và lập ra một bản nội quy với các đồng nghiệp, mời mọi người ký tên, xem như cùng đồng ý tham gia vào một cuộc “tranh tài”.

Chúng ta cũng cần có một ban quan sát viên, có thể là những nhân viên thường hay ra vào dọn dẹp sở làm của mọi người chẳng hạn. Cuối tháng, các quan sát viên bỏ phiếu xem người nào trong công ty có lối sống “xanh” nhất trong sở làm (Thảo hy vọng anh sẽ nhận được giải này!), và người nào có lối sống ít xanh nhất. Đương nhiên, cái xấu cần phải bị “trừng trị”.

Ban đầu, bản nội quy có thể chỉ bao gồm những điều đơn giản, càng về sau càng phức tạp dần. Hy vọng anh và các đồng nghiệp sẽ có những cuộc tranh tài thật vui và có ích.

* Được biết Thảo từng có dịp đến Đức tham dự một hội trại sinh thái cùng các đại sứ môi trường các nước. Bạn có ấn tượng gì về tinh thần bảo vệ môi trường của các đại sứ ấy cũng như cách bảo vệ môi trường của nước Đức? (Tuệ Anh, Q.7, TP.HCM)

- Bạn Nguyễn Thị Thanh Thảo: Các bạn đại sứ 17 nước đến tham dự hội trại sinh thái tại Leverkunsen năm nay đều đã để lại ấn tượng rất tốt đối với mình, “mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”. Các bạn có những dự án rất sáng tạo, thiết thực, và đôi khi cũng rất khó thực hiện nhưng không vì vậy mà các bạn bỏ cuộc.

Có những bạn đại sứ trình bày dự án của mình xong thì cũng tự động chuyển sang phần “phê và tự phê”, tự nhìn nhận những điểm còn có thể làm tốt hơn trong thời gian tới. Tinh thần không ngại khó và tinh thần tự giác nghiêm túc nhận xét của các bạn đã tạo nên những dự án bảo vệ môi trường đầy tiềm năng, đáng trân trọng, tạo thiện cảm trong cộng đồng dân cư.

* Thế nào là sống thân thiện với môi trường? Muốn sống thân thiện với môi trường thì từng cá nhân phải làm gì từ việc nhỏ nhất? Các tập thể phải làm gì, nhà nước phải làm gì trong hoạch định chính sách? (Trần đồng, 65 tuổi, dongdob@... )

- Lê Minh Quốc: Xin chào bác, sống đơn thân thiện với môi trường có thể hiểu đơn giản là cách sống ít gây những ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường xung quanh. Đối với mỗi cá nhân, chúng ta có thể cùng gia đình thực hiện và giáo dục con cháu những biện pháp tiết kiệm năng lượng như tắt bớt những thiết bị điện không cần thiết, như thế sẽ vừa tiết kiệm được chi phí hằng hằng cho gia đình, vừa là một hành động sống xanh. Sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường như túi giấy thay thế túi nilông. Không sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã...

Đối với tập thể dân cư, có thể tổ chức các hoạt động thiết thực như những ngày quét dọn khu phố để giáo dục ý thức cho thanh thiếu niên.

Về mặt nhà nước, nên đưa việc giáo dục và các hoạt động hướng môi trường nhiều hơn vào những cấp học nhỏ để tạo ý thức cho các em ngay từ trường lớp.

- Bạn Nguyễn Thị Thanh Thảo: Theo cháu hiểu, sống thân thiện với môi trường là cách sống tiết kiệm, tỉnh táo, không nuông chiều theo những đòi hỏi bất tận của cá nhân. Sống thân thiện với môi trường là cách sống trong đó chúng ta duy trì sự cân bằng giữa những giá trị mà chúng ta tạo ra và những gì chúng ta tiêu thụ.

Đua đòi, lãng phí, thiếu tôn trọng những gì mình đang có là những biểu hiện của một cách sống không được “xanh” cho lắm. Nay chúng ta mua thứ này, mai có mốt mới chúng ta lại nhanh nhảu đi đổi, dù thứ chúng ta mua vẫn còn đang sử dụng tốt, cháu nghĩ như vậy là không “xanh”.

Để có một sản phẩm, đơn giản như một cái áo, cũng cần cả một dây chuyền dài dằng dặc gồm rất nhiều nỗ lực: làm ra vải, làm ra chỉ, vận chuyển, trưng bày, niêm yết giá, quảng cáo... Tất cả những nỗ lực này đều dựa vào thiên nhiên: lấy sợi, lấy xăng, lấy gỗ làm giấy, lấy đất xây nhà... Bỏ đi một cái áo, không chỉ là bỏ đi tất cả những ưu đãi này của thiên nhiên mà còn tạo thêm rác - gánh nặng cho thiên nhiên trong những năm sau này nữa.

Vậy, mọi chúng ta cần sự tỉnh táo trong lúc đưa ra những chọn lựa, gạt bỏ tiếng nói của thói lười biếng, vô tâm, lãng phí. Việc làm tốt mà nhỏ thế mấy thì cũng làm, còn việc làm xấu mà nhỏ thế mấy thì cũng không làm. Bắt đầu từ đó, cháu nghĩ một cách sống xanh có thể được hình thành và phát triển

- Ông Huỳnh Huy Tuệ: Thân thiện với môi trường là gì? Ngay câu thân thiện là gì đã khó trả lời, môi trường là gì cũng không dễ.

Còn ví dụ những việc nhỏ như thế này sẽ tốt cho môi trường trái đất. Ví dụ xem ti vi xong, bác rút điện, vì hiện nay ai cũng có điều khiển từ xa (có nút sáng đỏ), bác cộng lại hết các nút sáng đỏ đó trong nhà cũng nhiều điện lắm. Mà điện thì làm mất không biết bao nhiêu năng lượng của thiên nhiên để lại cho Trái đất.

Hay là nước, mình cố gắng hạn chế không thải nước bẩn xuống cống. Ví dụ nước mỡ, dầu, bác đổ vào tờ giấy rồi vứt thùng rác, công ty môi trường sẽ xử lý nó tại nhà máy.

Nước của bác cháu mình uống, nó có thể là của cơn mưa cách đây ít nhất 500 năm, nó mưa trên rừng, rồi thấm xuống lòng đất, rồi chu du khắp nơi, rồi lên nguồn... Tất cả mất 500 năm. Bác cháu mình nhớ thời Trần Hưng Đạo, họ không dùng hóa học... nên nước bây giờ mới ngon thế này bác ạ.

Buổi sáng khi đánh răng, bác nhắc các cháu nhỏ lúc đánh nên tắt nước, vì khi đánh để nước chảy ào ào là khoảng 5 lít, 10 bạn 50 lít, một lớp học 40 bạn là 200 lít... Nước là tài nguyên bác ạ. Trên bề mặt trái đất 70% là nước, vậy mà nước con người uống được, tưới cây được là nước ao, hồ sông, nước ngầm... chỉ chiếm không đến 1% của 70% nước vừa kể trên.

Từng người hiểu và thực hiện là quan trọng bác ạ!

* Cả nhà tôi đi làm từ sáng đến tối mới về. Tôi muốn đảm bảo an toàn về điện cũng như tiết kiệm điện bằng cách cúp cầu dao khi ra khỏi nhà. Nhưng như vậy thì tủ lạnh sẽ không hoạt động. Liệu có cách nào để gia đình tôi tiết kiệm điện tối đa không? Xin cảm ơn! (Xuân Mai, 41 tuổi, dinhxuanmai@)

34Yb6T9e.jpgPhóng to
Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC) - Ảnh: Thanh Đạm

- Ông Huỳnh Kim Tước: chỉ còn cách duy nhất là bạn phải làm một đường cấp điện riêng cho tủ lạnh. Tính toán trung bình, nếu để ở chế độ standby cho tất cả thiết bị điện gia dụng, gia đình bạn sẽ tốn 1kWh điện sau 5 ngày.

* Thảo đánh giá thế nào về ý thức bảo vệ môi trường của bạn trẻ hiện nay? (Phụng Anh, Q.7, TP.HCM)

- Bạn Nguyễn Thị Thanh Thảo: Các bạn trẻ hiện nay (trong đó có mình nữa) đang là những người chịu ảnh hưởng rất lớn từ việc môi trường bị xuống cấp. Cơ thể chúng ta đang trong giai đoạn trưởng thành mà phải hằng ngày phải bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm ánh sáng, nguồn nước sạch khan hiếm… Chúng ta thậm chí còn có cả một tương lai dài phía trước để tiếp tục chịu ảnh hưởng. Thật đáng lo lắng!

Chính vì vậy, mình nghĩ ít nhiều ai trong chúng ta cũng có mong muốn bảo vệ và cải tạo môi trường sống của mình. Và mình hy vọng, trong những năm sắp tới, mong muốn đó sẽ được biểu hiện ra bằng hành động, càng lúc càng tự giác, rõ ràng và thiết thực hơn!

* Tôi muốn nâng cao ý thức về việc không xả rác bừa bãi (mặc dù đã có thùng rác đầy đủ), nâng cao ý thức tiết kiệm điện trong công ty tôi phải bắt đầu từ đâu? Phát động phong trao bằng cách nào là hữu hiệu nhất? (Lê Văn Mẫn Em, 24 tuổi tuổi, manem@... )

- Ông Huỳnh Kim Tước: Chúng tôi có biên soạn tài liệu "Sổ tay hướng dẫn tiết kiệm điện trong công sở", bạn có thể tham khảo tài liệu này áp dụng cho cơ quan.

Hiện nay, UBND TP đã chỉ thị công sở tiết kiệm 10% điện. Trước mắt, bạn có thể tham mưu cho cơ quan xây dựng một quy định về sử dụng thiết bị điện sao cho tiết kiệm, ví dụ cài đặt nhiệt độ máy lạnh trên 25oC chẳng hạn.

Ban có thể liên hệ với phòng thông tin truyền thông của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM để được cung cấp thông tin và tài liệu. Cảm ơn bạn.

- Ông Huỳnh Huy Tuệ: Cùng các bạn trong công ty làm ra ngày bán ve chai, sẽ vui lắm. Công ty bạn là công ty gì, khi nào cụ thể hóa rồi chúng ta cùng thông qua báo Tuổi Trẻ làm nhé!

- Lê Minh Quốc: Xin chào bạn, đối với công ty, để thực hiện các biện pháp về nâng cao ý thức của mọi người hữu hiệu, trước tiên bạn nên đề xuất ý kiến với Ban giám đốc công ty bạn. Với những hành động thiết thực, tiết kiệm chi phí cho công ty mình tin chắc bạn sẽ nhận được sự ủng hộ từ Ban giám đốc để triển khai các biện pháp Văn phòng xanh này.

Một số biện pháp mà các bạn có thể áp dụng trong công ty: sử dụng máy điều hòa ở 26oC, tăng cường thùng rác, trồng thêm mảng xanh tại công ty, tắt bớt các thiết bị điện không sử dụng trong các giờ nghỉ hoặc sau giờ làm... Đối với các đồng nghiệp, với sự đồng ý triển khai từ Ban giám đốc cộng thêm một buổi nói chuyện nho nhỏ về những lợi ích mà "Văn phòng xanh" mang lại, mọi người sẽ dễ dàng áp dụng.

Xin chúc những đề xuất và ý tưởng của bạn được áp dụng và được mọi người tự giác hưởng ứng.

* Không biết đến khi nào TP.HCM là đô thị xanh - sạch - đẹp trong khi đa phần người dân chưa có ý thức như ăn xong vỏ kẹo bánh, uống xong chai nước thì cứ "vô tư" mà "phi" xuống đường với nét mặt thản nhiên?

Có biện pháp thiết thực nào không để bảo vệ môi trường nơi chúng ta đang sống và còn con cháu sau này? Đừng chỉ nói suông, hay là chỉ cho có phong trào cho vui... (Trương Khánh Quỳnh Anh, 26 tuổi, quynhanht@...)

- Lê Minh Quốc: Biện pháp thiết thực trước mắt và nên làm là tăng số lượng thùng đựng rác tại những nơi công cộng. Đa số chúng ta sẽ không ngần ngại đi vài bước để tới thùng rác gần đó, thay vì xả rác vô tư vì xung quanh không có thùng rác.

Ngoài ra, lực lượng chức năng về môi trường cần được mở rộng và có biện pháp xử lý nghiêm hơn đối với những hành vi như thế. Nhưng về lâu về dài, biện pháp tốt nhất vẫn là việc giáo dục lớp trẻ về ý thức bảo vệ môi trường ngay từ khi còn ở ghế nhà trường.

* Ba tôi là nông dân đã mấy chục năm nay. Ông cũng hay đọc báo, xem truyền hình, cũng biết được tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và biết lý do vì sao hiện nay cá, cua… trên đồng và dưới sông cứ ít dần. Nhưng ông lại không biết làm sao khi việc canh tác cứ ngày càng khó khăn nếu thiếu phân bón loại mới (đất đã bạc cả vì bị canh tác 4 mùa), thuốc trừ sâu loại “xịn” (ngày càng có nhiều loại sâu bệnh mới vượt tầm kiểm soát và kinh nghiệm của ông)…

Xin hỏi ông Tuệ, ai giúp những nông dân như ba tôi giải bài toán môi trường ở nông thôn? Và giải như thế nào? Rất mong được ông tư vấn, chỉ vẽ. Cảm ơn ông. (Huỳnh Minh Hồng, 33 tuổi, minhhonglongan@... )

- Ông Huỳnh Huy Tuệ: Các bác nông dân là những người thầy không quen giảng giải như giáo viên ở trường. Nhưng nếu mọi người đến thăm và hỏi chuyện thì sẽ có biết bao nhiêu câu chuyện tưởng chừng rời rạc, nhưng nó là cả kho báu mà chúng ta hỏi mới có cơ hội được học. Còn nông thôn Việt Nam là ngôi trường không giáo viên của thế giới, ngôi trường với các bậc tiền bối là người thầy nông dân.

Vậy làm sao giải bải toán của ba chị đây?

Người Việt Nam mình có câu: ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Vậy tại sao chúng ta không cùng nhau hợp lực, tìm hiểu bác nông dân, thông qua các bác biết cụ thể vườn các bác nông dân đang có rau quả gà vịt gì, các bác ăn gì, để chúng ta cũng ăn như thế với cách nấu của nhà mình?

Tại sao chúng ta không từng người, từng người kết nối với nhiều bác nông dân, để bác biết người tiêu thụ, để con em mình không lạ lẫm với hương vị làng quê của ông bà mình, để lỡ có sự cố về mùa màng, các bác cũng không gặp những sự nợ nần, lỗ lãi vô lý dẫn đến tang thương? Để người tiêu dùng biết bỏ thêm đường, hay bớt đường đối với quả cam đó khi pha nước cam?...

Sức khỏe mọi người được chính từng bác nông dân bảo vệ. Chúng ta phải hợp lực thực hiện cùng các bác. Chúng ta bắt đầu từng tí một là thực hiện được:

- Bước một: thông tin về bác nông dân;- Bước hai: hội viên tham gia tiêu thụ hàng vườn nông dân nhỏ;- Bước ba: câu lạc bộ hương vị quê hương từ nông sản cụ thể (tên nông sản, tên bác nông dân);

Chúng ta hãy ăn rau từ vườn bác nông dân nhỏ nhất, đó là một cách thiết thực để bảo vệ môi trường.

* Giá điện tăng kéo theo chi phí sinh hoạt trong các gia đình tăng. Xin hỏi anh Tước có biện pháp nào tiết kiệm điện cho các thiết bị điện trong gia đình không? (N.Quân, 28 tuổi)

- Ông Huỳnh Kim Tước: Bạn có thể truy cập thông tin về cách mua sắm, sử dụng, bảo trì thiết bị điện gia dụng sao cho tiết kiệm trên trang web của trung tâm ecc-hcm.gov.vn hoặc trên tuổi trẻ online. Chúc bạn thành công

Cách sử dụng hiệu quả bếp gas, máy bơm nước, xe máyCách sử dụng hiệu quả máy vi tính, ti vi, đầu máyCách sử dụng hiệu quả lò vi sóng và máy nước nóngCách sử dụng hiệu quả máy giặt và bàn ủiCách sử dụng hiệu quả tủ lạnh, nồi cơm điện và máy quạtCách sử dụng hiệu quả máy điều hòa không khíCách sử dụng hiệu quả hệ thống chiếu sángCẩm nang tiết kiệm năng lượng trong gia đình

* Theo Thảo, khó khăn, thách thức lớn nhất trong công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường mà các đội nhóm môi trường đang gặp phải là gì? (Thế Minh, Bình Dương)

- Bạn Nguyễn Thị Thanh Thảo: Theo mình, việc nào có thành tựu càng lớn thì càng khó khăn, thách thức. Công tác bảo vệ môi trường của các bạn trẻ là một công tác cực kỳ quan trọng và hữu ích trong bối cảnh bây giờ. Thậm chí, đó là một công tác cực kỳ cấp bách vì chúng ta phải đối diện với những vấn đề lớn, căn cơ, khó sửa chữa.

Vì vậy, khó khăn lớn nhất sẽ là cảm giác như Lỗ Tấn đã diễn đạt: “một mình múa kích trên sa mạc”. Việc thì to, sức mình thì nhỏ. Trầy trật mãi mà hiệu quả tạo ra lại chưa lớn như mong đợi. Nhưng mình tin là chúng ta luôn có nhau trên hành trình này.

Các đội nhóm, câu lạc bộ họat động vì môi trường cần chủ động liên lạc với nhau, hỗ trợ nhau. Nhóm lớn giúp nhóm nhỏ, nhóm nhỏ liên kết với các nhóm nhỏ hơn. Như vậy, cảm giác lạc lõng sẽ biến mất và các năng lực các đội nhóm sẽ tăng cao. Hiệu ứng xã hội tạo ra sẽ vì vậy mà lớn hơn, quyết liệt hơn.

* Hiện tại, đời sống người dân ở nông thôn đang ngày càng phát triển nên các thiết bị sử dụng điện ngày càng nhiều. Ý thức tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường của người dân nông thôn còn rất thấp. Tôi mong chương trình "Giờ Trái đất" làm thế nào để triển khai sâu rộng đến các vùng nông thôn. (Nguyễn Định, 29 tuổi, dinh_kpt82@... )

- Ông Huỳnh Kim Tước: Điều bạn nêu ra rất chính xác. Mặt dù cũng đã có nhiều chương trình truyền thông tiết kiệm năng lượng, chương trình vận động hộ gia đình, chương trình đèn compact, chương trình sử dụng biogas... đã triển khai đến nông thôn, tuy nhiên, có thể nói, nông thôn vẫn còn thiệt thòi về thông tin hơn.

* Ngoài cuốn Bài tập toán xanh, Thảo còn có ý tưởng nào khác để giáo dục môi trường cho thiếu nhi? (Văn Sơn, TP.HCM)

- Bạn Nguyễn Thị Thanh Thảo: Trong trường tiểu học, các bạn học sinh dành khá nhiều thời gian để học môn văn và môn toán. Thảo nghĩ nếu chúng ta có thể tiếp cận các bạn, gợi mở cho các bạn suy nghĩ về môi trường sống của mình thông qua hai môn học này thì sẽ rất bổ ích, và tiết kiệm được thời gian.

Đối với môn văn, các bạn học sinh tiểu học có thể được thầy cô hay ba mẹ ra đề cho các bạn cùng làm văn nhập vai, chẳng hạn như nhập vai chậu hoa kiểng đang héo hon trong nhà kể chuyện thỉnh thoảng hoa thèm được uống một ngụm nước mát ra sao, hay nhập vai chú hổ con nhớ mẹ kể chuyện lúc trước gia đình chú sống ở rừng đầm ấm như thế nào.

Các bạn học sinh nếu được giao đề bài phù hợp với lứa tuổi và sở thích, sẽ viết rất hay và hiểu biết thêm về “tâm tư” của cây cối, loài vật và chúng ta có thể sưu tập các bài văn của các bạn thành một tuyển tập. Tuyển tập này có thể được xuất bản để ghi nhận nỗ lực và thành tựu của các bạn nhỏ, cũng như khuyến khích các bạn khác cùng viết cho tốt hơn. Tuyển tập này, theo mình nghĩ, cũng có thể là một sản phẩm tuyên truyền có sức lay động dư luận xã hội.

* Cho em hỏi "sống thân thiện với môi trường" là như thế nào? Anh chị có thể đưa ra nhiều cách làm cụ thể để góp phần bảo vệ môi trường giúp em được không? (từ những cái nhỏ nhặt đến những cái lớn). Em muốn tham gia Giờ Trái đất ở Đà Nẵng, vậy có tổ chức nào thực hiện chương trình ở đây không hay mỗi người hãy ở nhà và làm như mọi năm? (MINH HẠNH, 20 tuổi, minhhanh188@... )

qTRYbKEA.jpgPhóng to
Bạn Lê Minh Quốc - Khoa công nghệ thông tin, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, một trong hai đại diện bạn trẻ Việt Nam tham gia Hội nghị thượng đỉnh trẻ về hổ tổ chức tại Nga

- Lê Minh Quốc: Xin chào bạn, về việc "sống thân thiện với môi trường", bạn có thể xem thêm ở các câu hỏi trên. Về việc tham gia Giờ Trái đất, tùy vào từng năm sẽ tổ chức chính tại địa phương nào mà sẽ có thông báo rộng rãi ở đó. Tuy nhiên, để có thể theo dõi những tin tức (có cả thông tin tuyển tình nguyện viên), bạn có thể vào trang: www.earthhour.org.vn để biết thêm thông tin.

Nếu năm đó địa phương bạn ở không phải là nơi tổ chức chính, thì vẫn có các tổ chức môi trường của các bạn trẻ đứng ra làm, lúc đó bạn hãy cùng bạn bè mình đăng ký tham gia nhé.

- Bạn Nguyễn Thị Thanh Thảo: Sống thân thiện với môi trường nghĩa là sống tiết kiệm và có những sự lựa chọn thông minh trong tiêu dùng hằng ngày. Bạn có thể làm những việc cụ thể như: in tài liệu ở cả hai mặt giấy, đóng các tờ giấy lịch lại làm sổ nháp, đem bình nước đi học, đạp xe hoặc đi bộ nếu em thấy đoạn đường không đáng kể, tắt đèn - quạt khi ra khỏi phòng hoặc khi ngủ...

Bạn cũng có thể góp phần bảo vệ môi trường bằng việc không chạy theo mốt quần áo/ cặp sách/ các thiết bị điện tử, hạn chế việc vứt bỏ thứ gì, vì em có thể để dành và đem cho những người khác.

Đối với những vật dụng hằng ngày mà bạn phải bỏ sọt rác, chẳng hạn hộp sữa giấy hay một tờ báo, bạn hãy vuốt và gấp chúng lại cho thật phẳng, thật dẹt, thật nhỏ để đỡ choán chỗ trong thùng rác, và cũng đỡ choán chỗ trong việc chôn rác sau này.

* Tôi muốn tham gia Giờ Trái đất, nhưng không phải bằng những hành động "cho có" như tắt điện rồi thắp nến, hoặc là đạp xe cổ vũ bảo vệ môi trường... mà muốn bằng những việc làm thiết thực, gần gũi với đời sống hàng ngày của tôi nhất. Xin các khách mời chỉ giúp cho tôi. Xin cảm ơn! (Trần Khánh Như, 31 tuổi)

- Ông Huỳnh Kim Tước: Giờ Trái đất hướng mọi người quan tâm đến vấn đề tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường. Bản thân một thông điệp không phải là giải pháp duy nhất.

Xung quanh chúng ta, hàng ngày cộng đồng vẫn đang tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường thông qua những hành cộng cụ thể. Rất vui với nhận thức và quyết tâm của bạn. Nếu bạn quyết tâm, gia đình bạn, cộng đồng xung quanh bạn sẽ là những đối tượng để bạn thực thi.

Bạn có thể giảm thời gian sử dụng điều hòa không khí trong gia đình cho hợp lý, có thể đến cơ quan bằng phương tiện công cộng hoặc xe đạp, dùng quạt ở số nhỏ, tắt đèn khi không có nhu cầu... Bạn hãy tham khảo cẩm nang tiết kiệm điện trên website ecc-hcm.gov.vn để rõ hơn cách tiết kiệm điện cho hơn 20 thiết bị điện trong gia đình và công sở. Chúc bạn thành công.

- Ông Huỳnh Huy Tuệ: Nên tham gia cả hai bạn ạ, rồi bạn sẽ gặp những người bạn có suy nghĩ như bạn để cùng thực hiện. Lễ nghĩa sinh ra cái tâm, con người mình hay bỏ qua lắm.

Đơn giản nhất, khi bạn không dùng cái gì dùng điện, bạn rút dây điện ra. Không tắt không, bộ điều khiển từ xa bây giờ nhiều, mà như vậy mọi thứ đều có ánh đèn đỏ nhỏ bạn ạ.

- Lê Minh Quốc: Xin chào chị, những hành động như tắt điện và đốt nến, đạp xe tuyên truyền bảo vệ môi trường không phải là "cho có" như chị nghĩ đâu. Tắt điện trong 1 giờ có thể sẽ chẳng tiết kiệm được nhiều điện năng so với 364 ngày còn lại, nhưng đó lại là một hình ảnh để đánh thức được nhiều người. Vì chúng ta cũng biết việc khó khăn của người làm công tác về môi trường là xây dựng nhận thức của cộng đồng.

Chúng ta không thể kêu gọi mọi người tiết kiệm năng lượng nếu không cho họ thấy những hình ảnh, sự kiện, tin tức liên quan. Những thứ đó sẽ tạo được những ý thức ban đầu để mọi người sống xanh hơn.

Về những hành động thiết thực hằng ngày mà chị và gia đình có thể làm là sử dụng tiết kiệm năng lượng, trồng thêm mảng xanh, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, cùng giáo dục con cháu về ý thức bảo vệ môi trường sống, nhắc nhở hàng xóm, đồng nghiệp về những việc có thể làm để sống xanh... Với những việc như thế, chị và mọi người đã góp một phần không nhỏ cho mục đích chung của Giờ Trái đất.

* Liệu có thể áp dụng việc thay đổi việc sử dụng túi nhựa, nilông bằng túi sinh thái hoặc gói bằng lá như ngày xưa một cách triệt để và dứt khoát giống như việc cấm đốt pháo hay không? Có thể biên soạn một quyển sách giáo khoa về giáo dục môi trường để áp dụng vào chương trình học chính khóa của các bậc học hay không? (nguyễn thị kim nguyên, 31 tuổi, nguyen1361980@... )

- Ông Huỳnh Huy Tuệ: Chào bạn. Dùng túi vải thôi, và đừng để chợ bị mất đi, đừng để buôn bán lẻ mất đi là được.

Nhà trường chỉ đóng vai trò một phần thôi, nhỏ lắm, chủ yếu là bắt đầu từ bản thân mình. Chúng ta học lại các cụ, các bác ở quê, các bác nông dân thôi.

* Với đa số người lao động Việt Nam có mức thu nhập bình quân 2.000.000 đồng/tháng, việc “sống thân thiện với môi trường” với những tiết kiệm ở tiện ích được nói tới như mua sắm, dùng điện, nước, tận dụng đồ cũ, tự trồng trọt chăn nuôi thêm… dường như là chuyện mà ai cũng đã thực hành tiết kiệm tối đa quá rồi.

Vậy theo ông, ông sẽ thuyết phục với đại đa số đối tượng này về “sống thân thiện hơn với môi trường” như thế nào khi họ đang phải vất vả cả ngày, quần quật với chén cơm manh áo? (Châu Thành Nhân, 38 tuổi, chauthanhnhan2001@... )

- Ông Huỳnh Kim Tước: Trong một khảo sát của chúng tôi về hành vi sử dụng thiết bị điện của người dân, kết quả cho thấy người có thu nhập cao thông thường lựa chọn đúng về thiết bị điện tiết kiệm điện khi mua, nhưng hay lãng phí điện khi tiêu dùng. Người có thu nhập thấp thì tiêu dùng tiết kiệm nhưng mua sắm thiết bị thường mua loại thiết bị có giá thấp. Hạn chế của loại này là tốn nhiều điện.

Ví dụ, một bóng đèn sợi tóc có thể rẻ nhưng tốn tiến điện gấp 5 lần bóng đèn compact. Một hạn chế phổ biến hơn và thiếu thông tin về cách sử dụng sao cho ít tốn điện, ví dụ như nên nấu cơm vào thời điểm nào, cách lựa chọn tủ lạnh nào phù hợp với gia đình... cũng sẽ giúp tiết kiệm điện

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên