Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Hầu hết các trường phía Nam cho biết đến nay tỉ lệ thí sinh xác nhận nhập học đều khá cao.
Hơn 90% thí sinh đã xác nhận nhập học
Các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM có tỉ lệ thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học khá cao, đều trên 90%. Cụ thể, đến chiều qua 12-8 đã có hơn 4.900 thí sinh xác nhận nhập học (tỉ lệ hơn 95%) tại Trường ĐH Bách khoa.
PGS.TS Bùi Hoài Thắng - phó trưởng phòng đào tạo nhà trường - cho biết: "Nhà trường chắc sẽ không xét tuyển bổ sung nữa".
Tính đến trưa 12-8, 3.088 thí sinh trúng tuyển bậc ĐH Trường ĐH Khoa học tự nhiên cũng đã xác nhận nhập học, chiếm tỉ lệ 98,5%. Còn ở bậc CĐ đã có hơn 210 thí sinh xác nhận nhập học, tỉ lệ 100%.
Tương tự, sau năm ngày tiếp nhận hồ sơ, đã có gần 2.800 thí sinh trúng tuyển vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn xác nhận nhập học, tỉ lệ khoảng 93%.
Tại Trường ĐH Công nghệ thông tin tính đến chiều 12-8 đã có hơn 1.100 thí sinh xác nhận nhập học, đạt hơn 90%.
Trường ĐH Kinh tế - luật cũng cho biết hiện đã có 1.785 thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học, đạt tỉ lệ 100% chỉ tiêu tuyển sinh.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, chiều qua 12-8, nhà trường đã "chốt sổ" số thí sinh xác nhận nhập học tại trường với gần 5.600/5.300 thí sinh.
"Chúng tôi gọi trúng tuyển 109% so với chỉ tiêu và thực tế số thí sinh nhập học đã đạt trên 100% chỉ tiêu" - ông Dũng cho biết.
Tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học cũng lên đến hơn 80% với khoảng 3.000 thí sinh.
TS Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - cho biết hiện đã có gần 6.000 thí sinh xác nhận nhập học, khoảng trên 90%. Dự kiến nhà trường sẽ tiếp tục xét tuyển bổ sung một ít chỉ tiêu chương trình đào tạo đại trà ở các ngành môi trường, dinh dưỡng... và một vài ngành chương trình đào tạo chất lượng cao.
Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn - giám đốc trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, hiện đã có khoảng 2.900 thí sinh gửi giấy chứng nhận điểm thi xác nhận nhập học, đạt tỉ lệ gần 80%.
Tuy nhiên hiện nay tỉ lệ thí sinh đến trường làm nhập học mới gần 2.700/3.500 chỉ tiêu, đạt tỉ lệ 60% chỉ tiêu.
"Có lẽ do thời gian nhập học của trường đến 21-8 nên thí sinh chưa vội nhập học" - ông Sơn nhận định. Còn tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, số thí sinh xác nhận nhập học hiện đã 3.700, tỉ lệ khoảng 90%.
Tính đến 15h30 ngày 12-8, Trường ĐH Sài Gòn đã nhận 3.814 hồ sơ (đạt 95,35%), chưa kể số thí sinh nộp hồ sơ qua đường bưu điện trong các ngày 11 và 12-8 nên trường không xét tuyển bổ sung.
Đã xác nhận nhập học, xin rút lại được không?
Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing, cho biết về cơ bản đến nay số thí sinh trúng tuyển vào trường xác nhận nhập học đạt tỉ lệ 100% so với chỉ tiêu (4.000 chỉ tiêu ĐH và 600 chỉ tiêu CĐ).
"Nhà trường gọi trúng tuyển khoảng 110% so với chỉ tiêu và thực tế thí sinh xác nhận nhập học như vậy là vừa đẹp" - ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, đáng chú ý tại trường này một số thí sinh đã nộp giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia để xác nhận nhập học vẫn xin rút lại để chuyển sang trường khác.
"Theo quy chế của Bộ GD-ĐT, thí sinh đã xác nhận nhập học thì dữ liệu xét tuyển ở tất cả các trường còn lại đều bị xóa, không thể tiếp tục tham gia xét tuyển nữa. Vì vậy, không có chuyện trường khác yêu cầu thí sinh rút lại giấy chứng nhận kết quả thi để được xét tuyển.
Các trường đã triển khai kế hoạch đào tạo rồi, thí sinh đã xác nhận nhập học cần thực hiện đúng theo kế hoạch của nhà trường, đừng tính đến chuyện tiếp tục xét tuyển, thay đổi nguyện vọng nữa" - ông Tuấn khuyên.
Đến nay Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đã có hơn 99% thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học với 2.500 thí sinh.
TS Nguyễn Ngọc Minh - trưởng phòng đào tạo - cho biết: "Qua thực tế làm công tác xác nhận nhập học tại trường, nhiều thí sinh có trong danh sách trúng tuyển nhưng chưa xác nhận nhập học.
Khi trường gọi điện thoại liên hệ thì các thí sinh báo là đã trúng tuyển và nhập học tại các trường khác bằng phương thức học bạ. Như vậy các trường hợp này không bị loại ra khỏi danh sách xét tuyển khi các trường chốt xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia vào ngày 5-8.
Bên cạnh đó, một số trường hợp thí sinh chưa nộp phiếu điểm nhưng đã nộp tiền và giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời nên không rút hồ sơ được. Tuy nhiên do khi xác định điểm chuẩn nhà trường đã gọi dư một ít thí sinh với 108% chỉ tiêu để dự trù số thí sinh ảo, nhờ đó số thí sinh xác nhận nhập học đủ chỉ tiêu".
Ở khối trường ngoài công lập, trường CĐ, tỉ lệ nhập học hoặc xác nhận nhập học cũng khá cao và không xét tuyển bổ sung. Tuy nhiên cũng còn một số trường sẽ phải tuyển thêm.
Băn khoăn với những thí sinh đến từ địa phương có gian lận
Tại khu vực phía Bắc, không chỉ trường khối công an mà khối quân đội, một số trường có điểm chuẩn cao cũng có những thí sinh trúng tuyển đến từ các tỉnh vừa để xảy ra gian lận nâng điểm thi như Sơn La, Hòa Bình.
Trường ĐH Y Hà Nội, theo thống kê thì trong các năm 2015-2016, những thí sinh ở miền núi phía Bắc có điểm xét tuyển cao trúng tuyển vào trường này rất hiếm. Nhưng năm 2017 và 2018 thì lại nhiều lên.
Cụ thể năm 2018, có 9 thí sinh ở Sơn La và 5 thí sinh ở Điện Biên trúng tuyển vào trường.
GS.TS Nguyễn Hữu Tú, phó hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, cho biết theo nguyên tắc thì trường vẫn phải nhận thí sinh có điểm thi đạt từ điểm chuẩn trở lên. Nhưng nếu thí sinh vào được trường nhờ gian lận thì chắc chắn sẽ khó trụ lại được do quá trình đào tạo của trường có tính sàng lọc rất cao.
"Sinh viên trường y để vượt qua 6 năm học ngoài nền tảng kiến thức thực sự tốt, phải kiên trì, chịu đựng vất vả trong môi trường học tập, thực hành khắc nghiệt. Nếu không có năng lực và đam mê thì sẽ sớm bị đào thải" - ông Tú chia sẻ. GS.TS Nguyễn Hữu Tú khuyên những thí sinh không đỗ bằng thực lực thì không nên nhập học vì sẽ lãng phí thời gian.
Tương tự, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng có cơ chế sàng lọc gắt gao trong quá trình đào tạo. Có năm trường phải ra quyết định ngừng học với 600-700 sinh viên vì không đạt yêu cầu học tập.
Theo PGS.TS Trần Văn Tớp, phó hiệu trưởng nhà trường, có lẽ vì môi trường học tập nghiêm túc như thế nên nhiều thí sinh thi không thực chất sẽ không chọn trường Bách khoa.
Năm 2018, thí sinh trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ yếu là thí sinh Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An. Có rất ít thí sinh khu vực miền núi phía Bắc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận