26/07/2023 06:10 GMT+7

Nhập viện tâm thần vì nghiện game

Nam sinh 22 tuổi đã phải nhập viện tâm thần vì dễ cáu gắt do nghiện game. Tính ra, thanh niên này chơi game online trung bình 10-12 tiếng/ngày.

Bác sĩ thăm khám, tư vấn cho bệnh nhân tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Bác sĩ thăm khám, tư vấn cho bệnh nhân tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Mẹ nam sinh 22 tuổi cho biết con bà đang là sinh viên khoa Công nghệ sinh học tại một trường đại học ở Hà Nội. Tuy nhiên, hiện nam sinh này đã phải dừng học vì bất ổn tâm lý do nghiện game.

Mất các sở thích cá nhân sau chơi game

ThS.BS Nguyễn Thành Long - phòng sử dụng chất và y học hành vi, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) - cho hay nam sinh 22 tuổi có sang chấn tâm lý từ khi học lớp 7 do cha mẹ ly hôn. Nam sinh ở với mẹ.

Người mẹ cảm thấy con thiệt thòi nên rất chiều chuộng con. Cũng vào thời điểm cha mẹ chia tay, nam sinh bắt đầu chơi game online nhiều.

Bác sĩ Long cho hay bệnh nhân chơi game cả ngày lẫn đêm, chỉ cần được nghỉ học sẽ dùng máy tính để chơi game. Nam sinh dành 10-12 tiếng/ngày để chơi game. Thậm chí nếu được nghỉ học, bệnh nhân dành cả ngày chơi game, chỉ ăn uống qua loa với mì gói hay nước tăng lực.

Mẹ bệnh nhân này nhận thấy con chơi điện tử quá nhiều nên đã khuyên bảo, tắt máy tính thì bệnh nhân cáu gắt, cãi lại mẹ, thậm chí có lúc đánh lại mẹ. Nam sinh cũng không còn thích thú với những sở thích cũ của bản thân như đá bóng, trò chuyện với bạn bè.

Sau khi có những biểu hiện bất thường, mẹ nam sinh đã đưa con đến Viện Sức khỏe tâm thần. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc rối loạn tâm thần, đã điều trị hai đợt nhưng bệnh thuyên giảm ít.

Đồ họa: TUẤN ANH

Đồ họa: TUẤN ANH

Nghiện game có gây bệnh tâm thần?

Bác sĩ Long cho hay do trẻ đã có gần 10 năm chơi game, tình trạng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nên cần kết hợp nhiều phương pháp điều trị như trị liệu tâm lý, trị liệu bằng hóa dược... Tuy nhiên, do không tuân thủ điều trị nên rất dễ tái phát, càng gây khó khăn trong điều trị.

Theo bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc - phó phòng M7, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), nghiện Internet được xếp vào nghiện hành vi.

Những báo cáo khoa học gần đây tập trung vào khía cạnh nhất định của Internet là các trò chơi trực tuyến.

Tại Viện Sức khỏe tâm thần đang cho thấy có sự gia tăng thanh thiếu niên nghiện game đến khám, điều trị nghiện game và các bệnh rối loạn tâm thần kèm theo.

Hiện mỗi tháng có nhiều thanh thiếu niên đến khám vì nghiện game, trong đó có 3-4 người phải nhập viện điều trị. Lứa tuổi nghiện game chủ yếu là từ 10-24 tuổi. Đa số các em nhập viện trong tình trạng nặng, chơi game lâu năm, có các rối loạn cảm xúc, hành vi kèm theo.

Về nguyên nhân người trẻ nghiện game, bác sĩ Ngọc cho rằng do sự phát triển tâm sinh lý muốn trở thành người lớn, thể hiện bản thân và cảm xúc của trẻ.

Nhiều trường hợp cảm thấy sự yếu kém của bản thân do thất bại trong cuộc sống thực tại, tự ti về bản thân, không được tôn trọng. Các bạn trẻ sẽ khẳng định bản thân ở thế giới ảo.

Điều đáng nói là chơi game có thưởng, người chơi còn được nhập vai, kể chuyện, dễ dàng chia sẻ cảm xúc cá nhân; tương tác, thực hiện nhiều ý tưởng mà hiện tại khó thực hiện được trong game. Chính điều này tạo cảm giác thoải mái, vui vẻ, làm người chơi dễ lạm dụng.

Bên cạnh đó, hiện nay thiếu địa điểm vui chơi khiến trẻ thường ngồi một chỗ và sử dụng Internet/game nhiều hơn.

Vào mạng "giải trí" 4 tiếng/ngày gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần?Vào mạng 'giải trí' 4 tiếng/ngày gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần?

Theo các chuyên gia, nếu trẻ sử dụng Internet không với mục đích học tập, làm việc trên 1-2 giờ, thậm chí 4 giờ mỗi ngày có thể gặp biểu hiện ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, gây tác động xấu đến sức khỏe tâm thần.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên