16/09/2015 06:00 GMT+7

Nhẫn tâm với người bệnh?

ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - TÀI PHONG
ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - TÀI PHONG

TTO - Câu chuyện 27 năm mới học xong bác sĩ, cấp bằng bác sĩ vì nhân đạo khiến bạn đọc hết sức phẫn nộ: sao sinh mạng người bệnh lại trao cho bác sĩ học hoài cứ rớt?

Công văn của các sở y tế đề nghị Trường ĐH Y dược TP.HCM xem xét cho sinh viên đậu tốt nghiệp

Phó giám đốc một bệnh viện ở TP.HCM, đồng thời là giảng viên ngành y cho rằng “không thể chấp nhận” việc xin - cho tốt nghiệp đối với những sinh viên chưa đạt chuẩn tốt nghiệp.

Cấp bằng vì nhân đạo

Anh Dương Văn Tuấn đặt câu hỏi: học không đạt vì kiến thức kém sao lại phải dùng lòng nhân đạo để tạo điều kiện hành nghề bác sĩ?

Anh Thành Giang (Q.Bình Tân, TP.HCM) bình luận việc nhà trường là nơi đánh giá chính xác nhất năng lực của sinh viên và nếu công nhận tốt nghiệp cho một sinh viên nghĩa là trường lấy uy tín của mình để bảo đảm năng lực của sinh viên đó.

“Nếu trường đồng ý với đề nghị của địa phương tức là trường phải đảm bảo khả năng của người này đủ để hoàn thành công việc của một bác sĩ”, anh Giang nói.

"Chuyện đi học mà xin - cho là rất vô lý, nhất là với ngành nghề ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người như ngành y", chị Lương Thị Tâm (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nói.

“Một người xin được sẽ tạo ra tiền lệ cho những người sau nữa. Nếu một người không thể thi qua môn ở trường, không đạt chuẩn đầu ra thì khi ra thực tiễn khám chữa bệnh sẽ ra sao. Những rủi ro là bệnh nhân chịu hết”, chị Tâm nêu ý kiến.

“Phải nghiêm túc để những người sau thấy đó mà cố gắng. Đã từng có sinh viên đến xin tôi lên 0,5 điểm để qua môn nhưng vừa đến cửa là tôi đã đuổi về. Đào tạo bác sĩ càng giỏi thì sau này càng ít làm bậy, làm sai”, một tiến sĩ ngành y kể.

Ngành nào cũng không thể xin - cho

Thạc sĩ, bác sĩ (ThS, BS) Trần Ngọc Lưu Phương, giảng viên ĐH Y Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, đánh giá không riêng gì ngành y mà việc đào tạo tất cả những ngành nghề khác đều có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe, tính mạng, sự an nguy của con người.

“Ví dụ một kỹ sư thiết kế sai làm sập nhà hay một cô giáo truyền đạt sai kiến thức thì cũng ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Tuy nhiên, có vẻ ngành y là ngành nhạy cảm và làm nhiều người bức xúc bởi liên quan trực tiếp đến tính mạng con người”, BS Phương nói.

Theo bác sĩ Phương, đến năm cuối chuẩn bị ra trường làm bác sĩ thì kiến thức phải đạt được những yêu cầu tối thiểu để làm bác sĩ bình thường nhất.

“Mỗi trường đều có quy định chuẩn đầu ra của sinh viên và ai đạt đúng chuẩn thì cho tốt nghiệp. Không nên có chuyện du di, nhân đạo hay thấy gần đạt chuẩn thì cấp bằng. Tôi cho rằng đó không phải nghiêm khắc, đó là sự nghiêm túc”, ông Phương nói thêm.

Giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh nhận định nếu cho rằng vì nhu cầu địa phương mà xét tốt nghiệp thì không thỏa đáng.

“Không thể vì địa phương cần nhân lực có bằng đại học mà áp dụng cơ chế xin - cho bằng tốt nghiệp bác sĩ. Bác sĩ là người trực tiếp khám chữa bệnh cho bệnh nhân, chỉ cần một chẩn đoán, một phán quyết không đúng thời điểm là gây hại cho tính mạng con người”, giáo sư Kỳ Anh nói.

Theo giáo sư Kỳ Anh, nếu địa phương cần nhân sự tốt nghiệp đại học thì có thể đưa bác sĩ từ các vùng khác về phục vụ vì hiện nay còn rất nhiều bác sĩ ra trường nhưng không tìm được việc làm phù hợp.

Giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh nói thêm rằng việc học kéo dài 27 năm là quá dài, trong khi kiến thức y khoa thì thay đổi từng ngày.

“Liệu rằng có theo kịp những phương pháp chẩn đoán, điều trị hiện đại hay không khi mất đến 27 năm để tốt nghiệp bác sĩ?”, giáo sư Kỳ Anh đặt câu hỏi.

Hoàn cảnh sinh tử của bệnh nhân, ai cứu xét?

Nhìn trong các khuôn khổ chung về quy chế đào tạo đại học, trường hợp công nhận tốt nghiệp đại học sau 27 năm trúng tuyển là rất lạ. Dù có thể là cách làm này được chấp thuận bởi một vài lệ riêng nào đó có vẻ hợp pháp.

Cứ cho là hợp pháp đi nữa thì liệu quyết định này có hợp lý không? Lý do được viện dẫn chủ yếu trong chuyện cứu xét trường hợp của sinh viên để công nhận tốt nghiệp là “hoàn cảnh”. Mà không phải viện dẫn một lần. Những gì được thuật lại trong diễn biến của việc này cho thấy lý do hoàn cảnh đã được viện dẫn nhiều lần. Tức là sinh viên này được cứu xét nhiều lần, được tạo điều kiện “hết cỡ” để gọi là cảm thông với hoàn cảnh khó khăn, giúp sinh viên được kéo dài quá trình học tập.

Tấm lòng của nhà trường và của cả Sở Y tế Đồng Tháp theo tôi đã là quá đủ, chẳng thể đòi hỏi gì hơn. Nhưng sinh viên này thi nhiều lần không đạt, tức là sinh viên này không đạt chuẩn yêu cầu để tốt nghiệp. Lại tiếp tục viện dẫn hoàn cảnh để bỏ qua yêu cầu về chuẩn tốt nghiệp để công nhận tốt nghiệp cho sinh viên, theo tôi là không còn hợp lý nữa. Đó là sai.

Một điều đáng nói nữa, mỗi lần viện dẫn hoàn cảnh để cứu xét cho sinh viên đều có một hoàn cảnh “sóng đôi” được nêu ra: hoàn cảnh khó khăn của cá nhân sinh viên này và hoàn cảnh của ngành y tế địa phương. Nhưng có lẽ có một hoàn cảnh khác quan trọng hơn đã bị bỏ quên không được viện dẫn, đó là hoàn cảnh sinh tử mà các bệnh nhân có thể đối mặt khi được khám chữa bệnh bởi một bác sĩ không đạt chuẩn đào tạo.

TS HUỲNH VĂN THÔNG

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> Thạc sĩ Trần Ngọc Lưu Phương

>> Giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh

>> Chị Lương Thị Tâm

>> Anh Thành Giang

ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - TÀI PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên