12/09/2019 17:14 GMT+7

'Nhận hối lộ mấy triệu USD, giờ thu hồi thế nào?'

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Câu hỏi được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đặt ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi đề cập đến kết luận điều tra vụ AVG.

Nhận hối lộ mấy triệu USD, giờ thu hồi thế nào? - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Ảnh: Quochoi.vn

Ngày 12-9, Chính phủ và các cơ quan tư pháp đã trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các báo cáo phòng chống tham nhũng; phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019; các báo cáo thường niên của chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao.

Cần rút ra bài học về quản lý cán bộ

"Cử tri rất quan tâm đến công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Một số vụ án thì tỉ lệ thu hồi cao, nhưng đa số là thu hồi rất thấp", ông Vũ Hồng Thanh nêu vấn đề, dẫn chứng việc "cử tri rất quan tâm đến vụ án AVG, nhận hối lộ mấy triệu USD nhưng mới hộp lại có hơn 500 triệu đồng, vậy đến bao giờ thì thu được?".

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận định rằng "vấn đề kê biên, phong tỏa tài sản cần được đặt ra để tránh tình trạng tẩu tán tài sản".

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã dẫn chứng "các vụ việc, vụ án tham nhũng lớn dưới hình thức 'lợi ích nhóm', 'sân sau' qua các vụ việc sai phạm, vụ án kinh tế, tham nhũng lớn xảy ra trong thời gian qua (vụ Công ty MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu AVG; vụ việc liên quan đến khiếu nại của công dân về khu đô thị mới Thủ Thiêm; sai phạm tại Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam; dự án mở rộng giai đoạn 2 Tổng công ty gang thép Thái Nguyên; sai phạm trong chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn Đà Nẵng; vụ việc liên quan đến việc thực hiện các dự án BT tại tỉnh Khánh Hòa...)".

Từ đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị "Chính phủ giao tổng Thanh tra Chính phủ tổng kết, đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra những bài học về quản lý kinh tế - xã hội, quản lý cán bộ, phòng chống tham nhũng để đề ra giải pháp khắc phục, phòng ngừa trong thời gian tới và báo cáo Quốc hội".

Nhận hối lộ mấy triệu USD, giờ thu hồi thế nào? - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình - Ảnh: Quochoi.vn

Xử lý vi phạm thi cử đã nghiêm chưa?

Dẫn lại số liệu từ báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình nhận xét: tội phạm xâm hại trẻ em tăng 46%, đây là số liệu không bình thường. Ở đây có vấn đề văn hóa, giáo dục, về xử lý và về sự tác động của các phương tiện đại chúng. 

Đặc biệt, báo cáo cho thấy nhiều vụ xâm hại trẻ em do người thân gây ra, đây là vấn đề rất đáng quan ngại.

Ông Bình cũng cho rằng với những sai phạm thi cử năm 2018 thì phải xử lý nghiêm, bởi đây là lĩnh vực không cho phép phạm tội.

"Tôi cho rằng nếu nói đã xử lý nghiêm thì cần xem lại. Vì vi phạm ở đây theo suy luận thì có người đưa hối hộ, người nhận hối lộ, người có trách nhiệm để xảy ra sai phạm. Dư luận rất nặng nề chỗ này. Nhưng kết quả thì phần lớn là không có mua điểm, chỉ nói là do quan hệ nên nâng điểm. Tôi nghĩ là cần làm rõ chỗ này", ông Bình nói.

Ông Phan Thanh Bình cho rằng cần phải phân tích cho kỹ, đó là do pháp luật chúng ta chưa đầy đủ, chế tài chưa đủ sức răn đe hay do cơ quan bảo vệ pháp luật còn chưa thực hiện hết trách nhiệm?

"Hôm qua tôi ở cơ quan cứ nghe loa của công an phường ra rả kêu người để xe bên lòng đường phải di chuyển đi. Lẽ ra đó là hành vi vi phạm rồi, công an chỉ cần gọi xe cẩu đến, rồi sau đó phạt người đậu xe sai quy định và buộc họ phải trả thêm tiền cẩu xe", ông nói.

Đánh giá chung, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Võ Trọng Việt cho rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, vi phạm pháp luật thời gian gần đây mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

"Các tư lệnh ngày càng có vai trò rất lớn, bộ nào cũng xây dựng được tổ chức như Bộ Công an thì đất nước này ngon lành. Cách đây 5-7 nhiệm kỳ chúng ta cũng nói là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhưng đến bây giờ thì chúng ta mới làm được, dân mới tin", ông Việt bày tỏ.

Tuy vậy, ông Võ Trọng Việt cho rằng "vẫn còn tình trạng hách dịch, nhũng nhiễu với dân. Tôi thấy các đồng chí lãnh đạo của mình thì quyết liệt, nhưng vì bộ máy của chúng ta có nhiều tầng nấc nên nhiều khi cũng không bao quát, kiểm soát hết được".

Cần làm rõ chuyện người nước ngoài mua đất

Về tình trạng tội phạm, vi phạm liên quan đến người nước ngoài, nhân vụ bắt hàng trăm người Trung Quốc liên quan đến vụ đánh bạc qua mạng hàng chục ngàn tỉ tại Hải Phòng, ông Vũ Hồng Thanh hỏi tại sao một địa phương có thể để hàng trăm người nước ngoài nhập cảnh trái phép mà hoạt động lâu trong địa bàn của mình như vậy?

"Dư luận cho rằng có tình trạng núp bóng, mượn danh mua đất, sở hữu bất động sản tại một số địa bàn nhạy cảm về an ninh quốc phòng, điều này cần được làm rõ, nhất là trong bối cảnh tình hình Biển Đông cũng rất nhạy cảm như hiện nay", ông Thanh kiến nghị.

Vẫn theo ông Thanh, giữa thương chiến Mỹ - Trung, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, nạn hàng giả vẫn rất phức tạp, đặc biệt tại các địa bàn vùng biên. Các chuyên gia cho rằng nếu cứ cho mượn danh, mượn mác hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu thì không biết tới đây sẽ như thế nào.

"Hiện nay tăng trưởng xuất khẩu vẫn tốt, nhưng nếu có chuyện như bị đánh thuế cao mà ảnh hưởng đến xuất khẩu thì rất đáng ngại", chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận định.

Chủ tịch Quốc hội: Tài sản thu hồi từ các vụ án tham nhũng đều công khai Chủ tịch Quốc hội: Tài sản thu hồi từ các vụ án tham nhũng đều công khai

TTO - Ngày 18-6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục có buổi tiếp xúc cử tri xã Tân Thới (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên