Sáng 8-5, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục phiên xét xử vụ án môi giới, đưa và nhận hối lộ để làm giả kết quả giám định, giúp người bị kết án được hoãn thi hành án tù.
Cựu thẩm phán môi giới làm giả kết luận giám định
Hội đồng xét xử xác định ông Phạm Ngọc Phượng đã nhiều lần nhận hối lộ để làm giả các bản kết luận giám định bệnh tật, giúp 5 người đủ điều kiện để tòa hoãn thi hành án.
Với tính chất nghiêm trọng của vụ việc và xét các tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt, có nhiều đóng góp trong công tác, được khen thưởng..., hội đồng xét xử tuyên 4 năm 6 tháng tù cho bị cáo Phạm Ngọc Phượng vì tội nhận hối lộ.
Đồng thời, ông Phượng bị cấm đảm nhiệm chức vụ hai năm kể từ ngày chấp hành xong bản án.
Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Bá Nhật (từng là thẩm phán, luật sư) được xác định nhiều lần làm cầu nối, môi giới để ông Phượng làm giả kết luận giám định bệnh tật cho nhiều bị án được hoãn thi hành án.
Xét tính chất, mức độ phạm tội cũng như các tình tiết giảm nhẹ như có công với đất nước, nhiều lần được tặng huân huy chương trong kháng chiến, có nhiều thành tích trong công tác, được tặng thưởng nhiều lần..., tòa tuyên bị cáo Nhật 2 năm tù.
Tương tự, bị cáo Đỗ Văn Thương cũng chịu tội môi giới hối lộ và nhận mức án 2 năm tù.
Tòa nhận định Thương nhiều lần môi giới hối lộ tổng số tiền 44 triệu đồng, đưa cho Phạm Ngọc Phượng 40 triệu đồng, Thương hưởng lợi 4 triệu đồng.
Ba bị cáo cùng phạm tội đưa hối lộ là Hà Trần Vũ, Mai Văn Học, Nguyễn Thành Tín.
Nhưng tính chất, mức độ khác nhau, nên tòa tuyên những mức án tương xứng hành vi phạm tội.
Trong đó, bị cáo Hà Trần Vũ đưa hối lộ nhiều lần và số tiền nhiều nhất, nhận mức án 3 năm tù.
Bị cáo Mai Văn Học bị tuyên 18 tháng tù về tội đưa hối lộ, cộng với mức án 3 năm về tội cướp tài sản bị Tòa án nhân dân TP Quảng Ngãi tuyên trước đây, tổng cộng hình phạt của Học là 4 năm 6 tháng tù; bị cáo Nguyễn Thành Tín bị phạt 18 tháng tù.
Vụ án là bài học cho tất cả
Sau 2 ngày xét xử, vụ án môi giới, đưa và nhận hối lộ để làm giả nhiều kết luận giám định bệnh tật, giúp 5 bị án đủ điều kiện hoãn thi hành án. Từ phần công bố cáo trạng, xét hỏi, tranh tụng, 6 bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Bị cáo Phạm Ngọc Phượng nhận mức án cao nhất, rất ăn năn, hối hận với hành vi phạm tội của mình. "Bị cáo đã mất tất cả rồi", bị cáo Phượng nói.
Từ một người có chuyên môn tốt, được giao phó một nhiệm vụ công việc rất quan trọng trong tố tụng là giám đốc Trung tâm Pháp y.
Nhưng ông Phượng đã không làm đúng công việc của mình, mà lợi dụng chức vụ quyền hạn, làm giả nhiều kết luận pháp y biến người bị kết án từ không có bệnh thành có bệnh nặng.
Từ khi phiên xử mở ra cho đến khi tuyên án, bị cáo Phượng tỏ ra ăn năn. Có lúc bị cáo nói với tòa: "Bị cáo nghĩ giúp người, chỉ là tạm hoãn thi hành án, còn bản án trước sau gì cũng được thi hành". Nhưng lập luận này bị hội đồng xét xử bác bỏ.
Tòa cũng đánh giá bị cáo Nhật là người có thâm niên công tác trong ngành tòa án, có nhiều đóng góp cho đất nước trong chiến tranh. Chỉ vì hành động sai phạm của mình, làm cầu nối, môi giới hối lộ để làm giả kết quả giám định cũng đã mất tất cả cố gắng cả đời của mình.
Kết thúc phiên xử, nhiều người thân của các bị cáo òa khóc.
Có lẽ giọt nước mắt của người thân cũng đáng suy nghĩ cho những người giữ chức vụ quyền hạn phải kiểm soát hành vi của mình trong thi hành công vụ. Bởi làm sai trái, không chỉ bản thân chịu tội với pháp luật, mà người thân còn chịu nhiều tổn thương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận