05/04/2017 09:51 GMT+7

​Nhận diện nguyên nhân bệnh đau vai gáy

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Hơn một lần trong đời, ai cũng phải đau vùng vai, cổ và sau cổ. Cơn đau thay đổi từ nhẹ, chỉ gây cảm giác âm ỉ khó chịu đến mức độ nặng khiến ta không thể vận động cổ, vai và thân người.

Đau vai gáy là một thuật ngữ chung chỉ vùng đau ở vai và sau cổ. Khi cơn đau xuất hiện, cần thăm khám để đưa ra một chẩn đoán chính xác về bệnh lý mắc phải, tránh hiện tượng đau kéo dài mãn tính.

Nguyên của đau vai gáy rất nhiều, tùy theo các biểu hiện đau, vị trí đau và qua các biện pháp thăm khám mà bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán bệnh. Triệu chứng đau vai gáy có thể là nguyên nhân của nhiều loại bệnh lý về cột sống cổ, thần kinh vận động.

Thoái hóa cột sống cổ

Buổi sáng ngủ dậy đau kèm cứng vùng cổ, khó vận động nhưng khoảng 5 phút gập duỗi, cổ sẽ linh hoạt trở lại, đó là triệu chứng của thoái hóa cột sống cổ. Độ tuổi biểu hiện của bệnh lý này thường ở khoảng trung niên (trên 40 tuổi) và cứng cổ cũng có thể xuất hiện khi để cổ ở một tư thế kéo dài trên 1-2 giờ.

Thoái hóa là diễn tiến tự nhiên của cơ thể và không ai có thể ngăn chặn được, thường bắt đầu từ độ tuổi 30. Việc hạn chế các động tác xấu như xoay cổ đột ngột kêu thành tiếng “rắc, rắc”, bẻ cổ khi massage hay các môn nhảy dễ chấn thương cổ… sẽ giúp làm chậm quá trình thoái hóa. Dùng thuốc, tập tăng cường các cơ quanh cột sống cổ giúp cải thiện triệu chứng đau và làm chậm thoái hóa.

Tổn thương thần kinh cảm giác và thoát vị đĩa đệm chèn thần kinh vận động

Đau cột sống cổ kèm tê 2 tay liên tục kéo dài từ cổ xuống vai cánh tay cẳng tay và bàn tay, có thể ta bị thoát vị đĩa đệm chèn ép thần kinh. Cảm giác tê phải liên tục theo đường chi phối của dây thần kinh khiến ta cảm thấy rõ đường đi của dây thần kinh. Tê có nhiều kiểu cảm giác như: rát buốt, tê như điện giật, tê như kiến bò hay kim châm, tê lửa dốt. Đó là biểu hiện đặc trưng của tổn thương thần kinh cảm giác.

Ngoài ra, đau vùng cổ xuất hiện teo cơ vùng vai hay cánh tay, cẳng tay có hay không có cảm giác tê cũng là biểu hiện của bệnh lý thoát vị đĩa đệm chèn thần kinh vận động. Đối với trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) và đo điện cơ để xác định mức độ của thoát vị từ đó đề ra phương pháp điều tri: dùng thuốc hay phẫu thuật.

Co thắt cơ cột sống cổ

Sau một buổi sáng thức dậy, đau một bên cổ khiến ta xoay cổ khó khăn, cơn đau rất dữ dội làm chúng ta phải nghiêng người giữ nguyên cổ ở một tư thế là triệu chứng của co thắt cơ cột sống cổ.

Dạng biểu hiện nhẹ hơn của bệnh lý này là đau 2 bên cổ lan lên 2 bên đầu và xuống 2 vai. Khi làm động tác nhún vai ta cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng hơn. Nguyên nhân của co thắt cơ là do ta dùng cơ (cơ thang, nhóm cơ dựng sống cổ, cơ ức đòn chủm) trong thời gian dài dẫn tới quá sức chịu đựng của cơ.

Cụ thể các tình huống gây co thắt cơ thường là: làm việc ngồi lâu kéo dài một tư thế, ngủ kê gối quá cao, hay ngủ quá say do mệt mỏi kéo dài cũng dễ làm cổ vẹo sang bên. Đối với biểu hiện nặng, ta cần dùng thuốc giãn cơ và giảm đau, căng dãn cơ, massage nhẹ nhàng, chiếu laser cường độ cao. Đối với trường hợp nhẹ thì ta có thể massage, chườm ấm, chiếu hồng ngoại, chiếu laser cường độ cao để thư giãn cơ. Ngoài ra, ta nên tập luyện cơ cột sống cổ và hạn chế các hiện tượng ngồi làm việc lâu quá lâu, trong thẳng tư thế sẽ phòng ngừa bệnh lý này.

Rối loạn khớp bả vai lồng ngực

Đến mùa cuối năm, nhân viên kế toán, giới văn phòng hay các tiểu thương tất bật với báo cáo tổng kết, mua bán mùa lễ hội. Lúc này, ngoài đau do căng cơ cột sống cổ, ta cũng có thể bị đau vùng bên trong ngang 2 xương bả vai, nơi mà ta với tay không tới, đau có thể 1 hay 2 bên. Khi cơn đau nặng có thể làm hạn chế vận động xoay người để lấy đồ vật, đi xe máy sẽ rất đau khi bị shock ổ gà. Cơn đau giảm khi ta ưỡn ngực đẩy 2 vai ra sau. Đây là biểu hiện rối loạn khớp bả vai lồng ngực.

Bệnh lý này xuất hiện do tư thế dạng vai liên tục trong thời gian này khiến các cơ hoạt động quá mức dẫn đến mỏi, đau.

Để diều trị ta có thể dùng thuốc giãn cơ, kháng viêm, giảm đau, dùng shock wave (siêu âm năng lượng cao) hay laser cường độ cao để nhanh chóng hồi phục. Ngoài ra, hạn chế ngồi làm việc lâu trên 2 giờ liên tục và tập tăng cường khớp bả vai lồng ngực sẽ giúp giảm triệu chứng và phòng ngừa bệnh lý này.

Viêm co rút bao khớp vai

Bệnh lý ở khớp vai nhiều khi là nguyên nhân gây triệu chứng đau dai dẳng và bị chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác ở vùng cổ.

Khi thời tiết trở lạnh hay khi nửa đêm về sáng ta cảm thấy đau ở 1 bên vai, khi nằm nghiêng qua vai đó triệu chứng đau càng biểu hiện nhiều hơn. Triệu chứng còn biểu hiện nặng hơn khiến vai không thể hoạt động được như không thể chải đầu, hay đưa tay ra sau lấy ví hoặc gài áo, cảm giác như khớp vai bị đông cứng lại. Đó là biểu hiện của bệnh lý viêm co rút bao khớp vai.

Một dạng bệnh lý cần chẩn đoán chính xác và điều trị lâu dài. Để điều trị bệnh lý này cần dùng thuốc kháng viêm, giảm đau mạnh. Tập luyện hạ khớp vai đóng vai trò quan trọng giúp dãn bao khớp.

Rách gân cơ chóp xoay trong khớp vai

Đau khớp vai nhưng vẫn hoạt động tốt mọi tư thế riêng, nhưng với tư thế đưa tay lên lấy đồ vật trên cao thì không thể làm được hoặc cần hỗ trợ bằng cách nghiêng người. Lúc này khi ngồi thẳng, ta không thể đưa tay lên cao mà cần hỗ trợ của tay đối diện và khi hạ tay xuống, cánh tay sẽ rơi một cách không kiểm soát, ta cảm giác thấy tay yếu như bị liệt. Trên đây là biểu hiện của rách gân cơ chóp xoay trong khớp vai.

Nguyên nhân rách có thế do chấn thương ở khớp vai hoặc do biến dạng xương mỏm cùng ở khớp vai cấn xé rách gân chóp xoay. Để điều trị bệnh lý này cần phải phẫu thuật nội soi khâu gân phục hồi.

Đây là các bệnh lý thường gặp của đau vai hay đau phần sau cổ. Khi có biểu hiện đau kéo dài ở khu vực này, bạn cần thăm khám chuyên khoa cơ xương khớp hay chấn thương chỉnh hình để được chẩn đoán đúng bệnh và đưa ra chiến lược điều trị phù hợp tránh đau mạn tính kéo dài gây khó khăn trong điều trị, giảm chất lượng sống. Chẩn đoán đau vai gáy hiện hay được thay bằng các chẩn đoán cụ thể hơn và phương pháp điều trị rõ ràng hơn.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên