25/11/2011 11:26 GMT+7

Nhà nước độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng miếng

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TTO - Sáng 25-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình mất 90 phút để trả lời những câu hỏi của đại biểu, tập trung vào việc điều hành lãi suất, hướng quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh vàng và việc liệu NH có lãi khủng như dư luận phản ánh?

uq8Qkf78.jpgPhóng to
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình - Ảnh: Tuấn Thành

Vì sao có trần lãi suất huy động nhưng các ngân hàng vẫn thoải mái lách luật, ông Bình nhận trách nhiệm là do thanh tra giám sát ngân hàng chưa tốt. Đó là trách nhiệm của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước.

Ông cũng thừa nhận trần lãi suất đã có từ cuối năm 2010 nhưng trước khi siết chặt kỷ cương từ ngày 7-9, hiện tượng huy động vượt trần diễn ra tràn lan, phổ biến ở mức 17-18% một năm. Cơ quan giám sát ngân hàng tiến hành thanh tra nhiều lần nhưng không phát hiện được sai phạm trong sáu tháng đầu năm 2011. Theo ông Bình, đó là yếu kém, trì trệ của thanh tra, trách nhiệm của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) chất vấn: “Nhiều chính sách của thống đốc có xu hướng tạo thuận lợi cho nhóm lợi ích, như chính sách siết trần lãi suất 14%/năm lợi cho ngân hàng lớn, khổ cho ngân hàng nhỏ; hay những sáng kiến trong lĩnh vực kinh doanh vàng đem lại lợi ích cho một nhóm ngân hàng và công ty kinh doanh vàng”.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận khi áp một trần thì ngân hàng lớn có lợi thế và ngân hàng nhỏ, tài chính lành mạnh không gặp khó khăn, chỉ có tài chính yếu kém thì người gửi mới rút tiền.

Về việc áp trần lãi suất huy động ngoại tệ ở mức 2%/năm trong khi lãi suất cho vay USD lên đến 8%, ông Bình cho biết: Đây là biện pháp chống đôla hóa, lãi suất 8% là để hạn chế vay. Ngân hàng không khuyến khích doanh nghiệp vay ngoại tệ mà khuyến khích mua nếu có nhu cầu.

Liên quan đến những con số lãi khủng của các ngân hàng, ông Bình nhấn mạnh cần phải có cái nhìn đúng đắn về vấn đề này. Hiện nay một ngân hàng có quy mô vừa phải thì tổng tài sản cũng ở mức 50.000-60.000 tỉ đồng, vốn điều lệ 3.000-5.000 tỉ, còn vốn chủ sở hữu lên tới cả chục nghìn tỉ đồng, một năm lãi khoảng 1.000-2.000 tỉ đồng là không cao. Các tổ chức tín dụng đứng thứ 15 trong tất cả các nhóm doanh nghiệp về lợi nhuận và điều này thể hiện ở giá cổ phiếu nhà băng đang rất thấp so với doanh nghiệp khác.

Việc nhiều ngân hàng hằng tháng hoặc hằng quý công bố chênh lệch thu nhập và chi phí, khiến dư luận hiểu lầm là ngân hàng lãi lớn. Thực tế lợi nhuận của các ngân hàng chỉ được định đoạt sau 31-12 khi đã trích lập dự phòng rủi ro và đóng thuế thu nhập. Còn chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra tại ngân hàng từ 2-4% theo ông Bình là phù hợp với Việt Nam và quốc tế.

Liên quan đến vấn đề liệu có độc quyền trong sản xuất vàng miếng, Thống đốc Bình cho biết sẽ siết sản xuất và kinh doanh vàng miếng theo nguyên tắc Nhà nước độc quyền. Nếu có nhóm lợi ích ở chỗ này thì các nhóm lợi ích đó đi trái lại lợi ích của quốc gia, không được chấp nhận và không tồn tại trong thời gian tới.

Liên quan đến độc quyền, lợi ích nhóm, hay sự thiệt thòi của các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần phải hi sinh vì lợi ích quốc gia và vì yêu cầu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

“Sắp tới, khi điều kiện cho phép, vàng miếng mang thương hiệu SJC sẽ được đổi thành SBV” - ông Bình cho biết.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên